Đài truyền hình KTLA5 vừa cảnh báo công chúng ở Hoa Kỳ không nên trả lời các cuộc gọi từ các mã vùng (area code) 268, 876, 473, 649 và 284.

Theo Social Catfish, một dịch vụ xác minh danh tính trực tuyến (online identity verification service,) cảnh báo rằng đàng sau các cuộc gọi có mã vùng nêu trên, có thể là những kẻ lừa đảo. Giả mạo (Spoofing) là khi một kẻ lừa đảo che đậy danh tính của họ bằng cách thao túng thông tin được truyền đến màn hình ID người gọi của bạn. Những kẻ lừa đảo thường giả mạo số của họ để vượt qua hệ thống điện thoại chặn những người gọi không xác định. (Sic: “Spoofing is when a scammer disguises their identity by manipulating the information transmitted to your caller ID display. Scammers often spoof their numbers to get through phone systems that block unknown callers”)

Tôi đã dùng Google để tìm hiểu, và kết quả 268 là mã vùng của một thành phố thuộc Eswatini. Eswatini là một quốc gia không giáp biển ở Nam Phi, giáp với Mozambique về phía đông bắc và Nam Phi về phía bắc. Còn số 876 là mã vùng của Jamaica, một đảo quốc vùng Caribe. Tôi nghĩ rằng ba mã vùng còn lại không cần phải kiểm tra, chắc chắn nó cũng cho kết quả giống y như hai số tôi đã kiểm tra. Tất nhiên, trừ những ai có mối quan hệ bà con thân thích, kinh doanh, thì phần lớn chúng ta chẳng “dây mơ rễ má,” liên quan công việc gì ở nơi lạ hoắc lạ huơ đó. Vì vậy, việc gì chúng ta phải nghe cuộc gọi cho tốn thời gian.

Thật ra, lừa đảo bằng điện thoại là kiểu lừa cũ xì chớ không mới. Tuy nhiên, nhiều vị cao niên ở quận Cam cũng bị “dính chấu” hoài. Nguyên nhân do các vị cao niên không biết sử dụng internet để kiểm tra cuộc gọi, và cũng ú ớ về các quy định của chính phủ Mỹ.

Spoofing còn là một loại lừa đảo mà kẻ lừa đảo cố gắng lấy thông tin cá nhân (của người nhận cuộc gọi) bằng cách giả là một viên chức chính phủ, nhân viên công tác xã hội, bảo hiểm… hoặc một bên khác có liên quan với nạn nhân. Sau đó, chúng dùng những thông tin của nạn nhân để làm giả giấy tờ rồi thực hiện hành vi phạm tội khác.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/04/2024)

Cá nhân tôi từ ngày đặt chân đến Hoa Kỳ đã bị không ít phiền toái từ các scammers. Nguyên số điện thoại tôi đang xài là số cũ của một ông anh ở Maryland cho. Vậy là từ đó tới nay tôi thường xuyên bị những cuộc gọi hầm bà lằng từ đầu số Maryland, nào là quảng cáo, đòi nợ, hỏi có bán nhà không, có vay tiền không, hit and run… thủ tục dễ dãi, chỉ cần cung cấp bla… bla… là được. Rất nhiều lần tôi bị dựng dậy lúc nửa đêm về sáng. Tôi biết chắc chắn là ông kia không thiếu nợ ai. Tôi cũng chẳng quen biết ai bên Maryland, trừ cái ông cho tôi sim điện thoại. Vậy là mỗi lần thấy đầu số Maryland gọi tới thì tôi block hết.

Không riêng gì đầu số Maryland, bất cứ số nào gọi tới mà không có tên trong danh bạ lưu của tôi thì tôi không nghe, nếu không để lại tin nhắn rõ ràng có liên quan công việc với tôi (mà tôi đã biết) thì tôi cũng block luôn.

Tôi đã chứng kiến nhiều người Việt, khi người lạ gọi vô số của họ thì họ vẫn cố nghe, rồi cứ gào vô điện thoại: “Ai? Ai dị?” “Hả? Cái gì? Hả?…” Trường hợp này người ta gọi là quá tò mò nè. Ðã thấy số lạ hoắc với mình rồi, nghe không được, không hiểu mà cứ cố tìm hiểu người ta nói làm chi.

Ngoài các số điện thoại của scammers hiện rõ số, còn có loại người nhận chỉ nhìn thấy hiện lên chữ “Unknown Caller” mới là “bất trị,” vì không có chỗ nào để block nó, đành mỗi lần thấy nó hiện lên thì bấm nút tắt mà thôi.

Không phải chỉ kẻ lừa đảo chuyên nghiệp mới gọi mình để lừa, không phải lừa chuyên nghiệp vẫn gọi để lừa. Cách đây 4 năm, tôi bị một chiếc U-Haul đụng từ phía sau khi tôi đang dừng đèn đỏ ở ngã tư. Người lái U-Haul có đầy đủ giấy tờ, bảo hiểm. Sau khi tôi nhờ luật sư làm thủ tục đòi bảo hiểm bồi thường thì một tuần sau, có vài số điện thoại lạ gọi vào số của tôi, kêu tôi đem xe đi sửa trước. Tôi ngạc nhiên quá. Ðúng ra, ông luật sư phải gọi tôi thông báo nhận được giấy tờ của bảo hiểm đồng ý bồi thường, cử người kiểm tra thiệt hại của xe trước, rồi đem xe sửa. Ðàng này bảo hiểm bên xe U-Haul chưa ý kiến ý cò gì, tự nhiên kêu mình sửa xe, mất hết dấu vết thì ai chịu bồi thường cho mình? Ngay cả bạn tôi nói xe dơ quá, phải đem rửa thì tôi cũng không chịu. Tôi trả lời rửa xe mất dấu nguyên cái cản đầu U-Haul ịn vô phía sau xe mình rồi ai chịu bồi thường. Tôi vô Google kiểm tra các số điện thoại gọi lại thì đúng y suy đoán của tôi: Các số điện thoại đó không phải thuộc bất cứ công ty bảo hiểm nào, mà là ẩn danh. Nếu ngay từ đầu tôi “nhẹ dạ cả tin” thì coi như tôi thua trắng.

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

Có lần, bạn tôi nói bảo hiểm y tế gọi ổng, bảo phải đổi bảo hiểm như này, này, này… Rồi có đổi không? Tôi hỏi sao biết bảo hiểm gọi? Ổng trả lời thì nó xưng nó là group… (a bờ cờ gì đó.) Tôi nói ổng không cần làm gì hết. Họ cần gì, muốn gì họ phải gởi thư giấy đến địa chỉ nhà mình, tất cả các cuộc gọi tự xưng mà không có hẹn trước đều lừa đảo. Tôi bèn “đính kèm” ổng một “bài” về nguyên tắc làm việc của cơ quan chính phủ, các tổ chức chính danh làm ăn đàng hoàng, đại ý là:

Viên chức chính phủ các cấp ở Mỹ không được phép tự tiện gọi điện thoại “làm việc” với dân, và nhân viên nhà bank không được phép gọi điện thoại cho khách hàng, trừ phi có hẹn trước. Tất cả mọi giao dịch, làm việc đều phải gởi bằng thư giấy đến tận địa chỉ người nhận. Các cuộc hẹn cũng phải được báo trước bằng thư giấy và có sự đồng ý của người nhận cuộc gọi thì họ mới được phép gọi. Các thông báo chung chung (nhưng có tính quan trọng) thì họ có thể gởi vô địa chỉ email của người nhận, nhưng cũng gởi luôn một bản giấy theo đường bưu chính. Các cuộc gọi từ nhân viên chính phủ (theo hẹn) không bao giờ ngoài giờ làm việc của công sở. Vì vậy, số lạ tự xưng nhân viên cơ quan, tổ chức gọi tới nói mình thiếu này thiếu nọ, phải bổ sung, hỏi này hỏi nọ hoặc bảo mình gọi lại họ thì đừng bao giờ trả lời.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/28/2024)

Chẳng phải tôi hay ho gì hơn ai, những điều này tôi cũng đọc được trên website các cơ quan, tổ chức mà thôi.

Tuần rồi, có 3 vị phụ huynh nhận cuộc gọi con của họ đi học bị “té chấn thương sọ não, đang cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy,” (Sài Gòn) yêu cầu nộp tiền ngay để làm thủ tục phẫu thuật. Các phụ huynh vội vàng chuyển 70 triệu hồ tệ (2,950 Mỹ kim) vô số tài khoản người lạ cung cấp. Sau đó, các phụ huynh chạy sấp chạy ngửa vô bệnh viện Chợ Rẫy thì không thấy gì cả. Lẽ ra, họ phải gọi lại giáo viên chủ nhiệm của con mình và gọi tới Tổng đài bệnh viện Chợ Rẫy để xác minh sự việc, nhưng các phụ huynh đã không làm. Khi biết bị lừa, đi báo công an thì kẻ lừa đảo đã “bóng chim tăm cá” biết đâu mà tìm. Coi như mất 70 triệu để học được bài học khôn, quả là “học phí” quá xá cao.

Nhiều website bán hàng giả mạo cũng dùng số điện thoại ảo. Ðể tạo được account trên ChatGPT, người quốc nội đã mua số điện thoại ảo ở Mỹ giá 1 Mỹ kim. Tất nhiên, số điện thoại ảo trên website thì không liên lạc được, khách hàng “tiền mất tật mang.”

TPT