Cụm từ “Me Too” với nghĩa liên quan đến tấn công tình dục bắt nguồn từ năm 2006, bởi nhà hoạt động Tarana Burke, để phụ nữ thấy nhiều phụ nữ khác cũng đã bị tấn công hay lạm dụng tình dục và sống sót. Tới năm 2017, Alyssa Milano dùng hashtag #MeToo trên Twitter để chia sẻ và kêu gọi phụ nữ chia sẻ chuyện mình từng bị quấy rối hay lạm dụng tình dục.

Ban đầu chỉ là một hashtag trên Twitter, #MeToo bùng lên thành một phong trào lớn ở Mỹ và trên thế giới, không những cho thấy chuyện phụ nữ bị quấy rối và tấn công tình dục phổ biến như thế nào, mà còn gây ảnh hưởng lớn, dẫn đến lời tố cáo với nhiều nhân vật đình đám trong chính trị và showbiz.

Nhìn lại #MeToo sau vài năm, chúng ta có thể đánh giá phong trào này thế nào?

  1. Mặt trái

Trước đây, tôi từng nhắc tới trường hợp Aziz Ansari, một comedian bị buộc tội có hành vi sai trái tình dục (sexual misconduct), và viết:

“Với tôi, Aziz Ansari có thể cứ tiến tới, không biết người phụ nữ (tên Grace) không muốn sex, nhưng Grace hoàn toàn có thể đứng lên, nói không, và bỏ đi—Ansari không cưỡng hiếp, và cũng không có bất kỳ áp lực nào lên đời sống hay sự nghiệp của Grace. Rất nhiều phụ nữ đã trải qua những tình huống tương tự, sau đó cảm thấy tiếc, nghĩ mình lẽ ra phải nói không dứt khoát hơn, lẽ ra phải cương quyết bỏ đi, nhưng như thế không có nghĩa là họ bị tấn công tình dục. Trường hợp Ansari không thể xếp ngang với #MeToo.”1

Ðấy có phải là nữ quyền không nếu xóa nhòa lằn ranh giữa cưỡng hiếp, tấn công tình dục và một buổi hẹn hò không vui? Ðấy có phải là nữ quyền không nếu luôn xem phụ nữ là nạn nhân, không thể làm chủ hành động của mình?

Tôi cũng đã viết hai bài trên báo Trẻ về mặt trái của #MeToo, trong trường hợp Evan Stephens Hall2 và trường hợp Johnny Depp3. Vấn đề lớn nhất của #MeToo là biến truyền thông và mạng xã hội thành tòa án, nhiều người bị ảnh hưởng tới sự nghiệp sau khi bị vu khống, và những người bị buộc tội (đàn ông) không còn quyền được xem là vô tội tới khi bị chứng minh có tội.

Từ #MeToo mọc ra một phong trào phụ là #BelieveWomen (hay #BelieveHer, ý nói tin phụ nữ), đặc biệt vào thời điểm Christine Blasey Ford cáo buộc Brett Kavanaugh. Ðể phản ứng lại khuynh hướng nghi ngờ, làm phụ nữ im miệng hoặc không dám tố cáo, và để khuyến khích nạn nhân tấn công tình dục lên tiếng, các nhà hoạt động nữ quyền và Ðảng Dân chủ của Mỹ, trong đó có Joe Biden, đã sử dụng slogan “Believe Women” trong vài năm qua.

Cho tới khi chính Joe Biden bị buộc tội tấn công tình dục, bởi Tara Reade.

Gần đây, Cathy Young (một nhà báo Mỹ đã vài lần chỉ trích mặt trái của #MeToo) đã viết và trích dẫn nhiều bài báo khác phân tích, cho thấy lời tố cáo của Tara Reade nay bị xem là vô giá trị, Reade đã nhiều lần trong quá khứ phóng đại và đơm đặt—Joe Biden nói chung đã được minh oan, nhưng còn Brett Kavanaugh? Và #BelieveWomen nói chung?4

Ðảng Dân chủ Mỹ đã mắc sai lầm từ đầu khi dùng slogan “Believe Women”, và tới trường hợp Tara Reade, phải chọn giữa chuyện tiếp tục theo #BelieveWomen, tuyên bố tin lời Reade nhưng vẫn ủng hộ Biden để chống Trump, hoặc lật lại slogan và thừa nhận phong trào #BelieveWomen đã sai từ đầu. Riêng trường hợp này, chẳng phải Biden đạo đức giả sao, khi kêu gọi tin phụ nữ nói chung, nhưng đừng tin người phụ nữ đang buộc tội mình?

  1. Ảnh hưởng tích cực

Tuy nhiên, mặt trái và những trường hợp ngoại lệ không có nghĩa là toàn bộ phong trào #MeToo là bỏ đi, vô giá trị. #BelieveWomen hỏng từ nguyên tắc, vì mỗi người cần được xem là vô tội tới khi bị chứng minh có tội, và phụ nữ, cũng như đàn ông, đôi khi có thể phóng đại hoặc bịa chuyện. Ðó là cái cần cẩn thận, và mỗi lời tố cáo cần được xem xét, phân tích, đối chiếu kỹ lưỡng.

Nhưng phong trào #MeToo xét chung vẫn có tác động tích cực và ảnh hưởng quan trọng.

Thứ nhất, nó cho thấy chuyện quấy rối, lạm dụng, xâm hại tình dục phổ biến thế nào, giúp nhiều nạn nhân có can đảm lên tiếng sau nhiều năm im lặng và cảm thấy được lắng nghe, đồng cảm, và ủng hộ. Nó cũng đả kích lại khuynh hướng đổ lỗi nạn nhân (victim-blaming) và khiến nhiều nạn nhân nhận ra đó không phải là lỗi của mình.

#MeToo cũng mở ra cuộc đối thoại về đồng thuận (consent), và cũng khiến nhiều người nhận ra có những hành động họ chấp nhận vì quen, nhưng hoàn toàn sai, và mỗi người có quyền làm chủ cơ thể mình. Phong trào #MeToo góp phần dạy trẻ con nói không, và tôn trọng chữ không của người khác.

Ở Việt Nam, đa phần vẫn chưa nắm rõ khái niệm đồng thuận, và thói quen đổ lỗi nạn nhân vẫn còn phổ biến.

Thứ hai, #MeToo góp phần đem lại công lý, đặc biệt trong trường hợp Harvey Weinstein và Kevin Spacey. Spacey là một sao lừng lẫy, sau đó mất hết sự nghiệp. Weinstein là ông trùm Hollywood, quyền lực như tuyệt đối, và suốt nhiều năm chuyện cưỡng ép tình dục của Weinstein là một open secret—tất cả đều biết nhưng không ai dám nói, chuyện Weinstein phải trả giá như một giấc mơ không thể, nhưng cuối cùng đã bị điều tra và bị tuyên án tù 23 năm5. Ðây là một phiên toàn lịch sử. Chỉ ở một nước dân chủ, chẳng hạn như Mỹ, chuyện này có thể xảy ra.

#MeToo lan ra nhiều quốc gia khắp thế giới, trong đó ở Ðông Á có Hàn Quốc, Nhật, China. Hàn Quốc là trường hợp đáng chú ý, vì lâu lâu lại có tin một sao Hàn Quốc tự tử vì áp lực công việc hoặc bị ép trở thành nô lệ tình dục.

Ở Việt Nam, #MeToo chỉ nhen nhóm lên với trường hợp Phạm Lịch- Phạm Anh Khoa, sau đó vụt tắt, còn Minh Béo lạm dụng tình dục suốt bao nhiêu năm nhưng chỉ trả giá và bị tẩy chay sau khi bị bắt ở Mỹ. Chuyện tấn công tình dục trong showbiz, chính trị, và những ngành khác ở Việt Nam chắc chắn có, nhưng #MeToo không bao giờ bùng lên thành phong trào, và nạn nhân cưỡng ép tình dục ở Việt Nam không thấy kẻ tấn công mình bị trừng phạt.

Có luận điệu cho rằng, nạn nhân của Weinstein không phải là nạn nhân thật sự vì không bị cưỡng hiếp, mà chọn sex để tiến thân trong sự nghiệp. Nhưng tại sao phụ nữ trong showbiz phải bị ép chọn, hoặc hy sinh cơ thể, hoặc mất sự nghiệp và đam mê? Ða số đàn ông có phải chọn không? Trong ngành khác có phải chọn không? Tại sao Weinstein có quyền lạm dụng quyền lực để có sex? Còn chuyện cưỡng bức tình dục trong những công nghiệp giải trí khác, đặc biệt K-pop?

Thứ ba, #MeToo cho thấy, ở đa phần các mặt, Mỹ đã có quyền bình đẳng nam nữ hơn nhiều quốc gia khác, nhưng vẫn còn vài vấn đề, như chuyện cưỡng ép tình dục và đổ lỗi nạn nhân.

Thứ tư, trường hợp Harvey Weinstein cũng mở ra cuộc đối thoại về sex và chênh lệch quyền lực, và khiến nhiều người hiểu vì sao nhiều phụ nữ bị tấn công không lên tiếng cho tới vài chục năm sau, hoặc hoàn toàn im lặng, và vì sao mọi người đều biết nhưng không tố cáo một kẻ đầy quyền lực như Weinstein.

Nói tóm lại, #MeToo có vài điểm hạn chế (trong đó #BelieveWomen là slogan nguy hiểm), nhưng xét chung vẫn là một phong trào quan trọng của chủ nghĩa nữ quyền, có tác động lớn, và nhiều ảnh hưởng tích cực.

DN

1: https://baotreonline.com/van-hoc/tre-voices/truong-hop-evan-stephens-hall-mat-trai-cua-metoo.baotre

2: ibid.

3: https://baotreonline.com/van-hoc/tre-voices/johnny-depp-mat-trai-cua-metoo.baotre

4: https://arcdigital.media/joe-biden-is-vindicated-but-what-about-brett-kavanaugh-and-believewomen-42618f1e4ea1

2 bài khác của Cathy Young: https://arcdigital.media/a-tale-of-two-scandals-a24504d6228a

5: https://www.nytimes.com/2020/03/11/nyregion/harvey-weinstein-sentencing.html