Trần Dzạ Lữ tên thật Trần Văn Duận sinh năm 1948 tại Huế, qua đời tại Bà Rịa Vũng Tàu ngày 25 tháng 1 năm 2024. Anh là Sĩ quan Quân Lực VNCH, bắt đầu làm thơ và đăng thơ từ năm 1960 trên các tạp chí Văn, Văn Học, Bách Khoa, Thời Nay, Khởi Hành, Thời Tập, Giữ Thơm Quê Mẹ, Tuổi Ngọc … Các tác phẩm đã xuất bản: Hát Dạo Bên Trời (1995), Gọi Tình Bên Sông (1997), Thơ Tình Viết Trên Bao Thuốc Lá (2014), Cứa Nát Muôn Trùng (2015).
Trần Dzạ Lữ sống một đời cơ cực. Anh sinh ở Huế nhưng Huế không nuôi nổi anh. Đi tù cộng sản về Lữ vào Sài Gòn nương thân, anh làm đủ mọi thứ nghề, từ vá xe đạp lề đường đến đi mua đồ lạc-xoong, đồng nát dạo. Nhưng Sài Gòn cũng không cho người tù trở về nương thân yên ổn. Lữ lại bỏ Sài Gòn để về miền Trung, theo đám bạn “nhất phá sơn lâm” lên núi Trường Sơn tìm trầm. (mong may mắn đổi đời, nhưng không được).
Nhà văn Cung Tích Biền viết về thơ và đời sống của Trần Dzạ Lữ như sau:
“…Ba mươi năm, thơ vẫn giữ được dung phong thuần nhất. Ắt có lý do. Cuộc đời đã xử sự không ngọt ngào với Lữ, anh miên viễn kinh qua, từ cửa sau tới cửa trước kinh qua, những ngày tháng đói khó cùng kiệt, lẻ loi tới rũ lòng, khát vọng và hoài cảm, từng là sĩ quan, là lính thú hàng đêm đối diện với cái chết, rồi thất nghiệp, buôn ve chai, lượm đồng nát, theo tiếng giang hồ chui qua biên giới, tới thung lũng miền Trung tìm trầm, bán rau muống cùng vợ, giữ xe chỗ bãi chợ. dù thế, Lữ vẫn giữ được mình, nên chữ nghĩa anh trước sau vẫn trật tự, giữ được sự trong sạch, mẫu mực nhưng thâm trầm, đậm tình người như chính thân phận của tác giả.”
Sau đây mời các bạn đọc lại vài bài thơ của Trần Dzạ Lữ để tưởng nhớ một người và một thời. SAO KHUÊ
bất chợt xuân
Bất chợt chiều mưa bay
Bất chợt chiều gió nổi
Mười năm đi xa ngái
Anh về em không hay…
Bất chợt tình heo may
Gọi đời xanh trở lại
Bất chợt hồn u tối
Bừng một Bình Minh say…
Liên Khương ơi một ngày
Bù mười năm mong đợi
Tay người lại cầm tay
Sao lòng xưa bối rối?
Bất chợt xuân vẫy gọi
Anh về đây em ơi
Nắng trên đồi thương nhớ
Chuông tim ai rung hoài!
Bất chợt một ngày vui
Mọc trong đời lữ thứ
Bất chợt tình khốn khó
Cũng bày xuân em ơi…
1997
đêm thiêng
Xuống câu vọng cổ cho mùi
Ghi ta phím lõm rụng rời năm dây
Vui cùng thôn xóm đêm nay
Rượu sôi đáy cốc, hết đầy lại vơi…
Mặn môi câu lý giao bôi
Ngất ngây nhơn nghĩa, bồi hồi tình lang
Lời ca quyện với tiếng đàn
Ngửng lên đã thấy thu vàng mang mang.
nửa chiều ở huế
Tặng Đoàn Thương Hải – Cao Quảng Văn
Nắng nửa chiều bên này ta đứng lại
Mùa hạ nào vừa đỏ dấu yêu thương
Nửa bên ai – ngậm tình như ngậm ngải
Em sang sông hoài niệm có nghiêng lòng?
Nửa tình đầu bao nhiêu là bối rối
Và tóc thề em thả xuống vai ngoan
Mắt đã rộng đường bay – chim sẽ tới
Hót ân cần trên nhánh mộng cao sang…
Ta cũng bỏ giang hồ để quy hàng
Tình-cáu-cạnh của hồn em trao gửi
Thôi phá phách một thời trai trôi nổi
Để bất ngờ nghe thương nhớ rung chuông
Nhưng làm sao mộng mị ấy lên hường
Khi gió thổi nửa tình sau xuống dốc
Lữ thứ xưa lại cõng nỗi buồn ròng
Qua bến đợi, vỗ đàn rơi nước mắt!
Nắng nửa chiều – em xa rồi xa thật
Mùa hạ nào rơi tiếng guốc Kim Long?
Ta ngẩn ngơ thương cuộc tình thứ nhất
Mới nửa chiều – nghe như đã mười năm…
1992
đêm ngâm thơ
bên cổ thành
Kính tặng anh Phong Sơn
Lót tót về một mình
Đội mưa bên cổ thành
Ta cao ngâm giọng gió
Nhưng Huế vẫn làm thinh
Ta vuốt mái tóc bồng
Chờ tình em thấu tỏ
Nhưng em vẫn mù tăm
Buồn ly khách mười năm
Vẫn còn vang đâu đó…
1973
gửi thị trấn hoa vàng
Gió thổi buổi tàn đông tóc rối
Khi xa người nắng cũng chia hai
Em về Đông e chừng bối rối
Ta dạt Tây thăm thẳm đường dài…
Lúc ngoảnh lại, bóng hụt, tình lơi
Quỳ hoa nở đã mười năm chẵn
Ta đâu phải là tên biển lận
Sao ăn năn mấy nẻo giang hồ?
Phố ấy giờ chắc vẫn sương mưa
Trên dốc đợi vàng rưng áo lụa?
Mùa xuân lại, em còn đếm tuổi
Một khắc đời buồn đã như mơ!
Phải chăng cuộc tình là ngục thất
Nhốt em trong kỷ niệm u hoài?
Ta lớ quớ để tình bay mất
Nên đong đưa nỗi nhớ bên trời…
Gió thổi buổi chớm xuân tóc rối
Ta chưa về thị – trấn – vàng – hoa
Chắc em sẽ hỏi cơn trường mộng
Còn bao lâu đời hoá nên trầm?
1991