Mỗi năm, cứ sắp đến ngày Hạ chí 21 tháng 06, dân Pháp lại nao nức chuẩn bị cho Lễ hội Âm Nhạc / Fête de la Musique. Ngày đầu mùa hè, ngày dài nhất trong năm vừa đến, từ phố thị tới làng quê, từ lòng hẻm cụt ra đến thênh thang đại lộ, nơi góc vắng công viên, trước cung thánh giáo đường hay bên cạnh thương xá sầm uất, tiếng kèn, tiếng trống ầm vang, tiếng dương cầm thánh thót, tiếng vĩ cầm nỉ non, tiếng hát được hệ thống âm thanh khuếch đại, tiếng sáo êm như ru hồn người… tất cả trộn lẫn vào nhau để tạo một không gian, một bầu không khí đặc biệt cho ngày lễ hội của toàn dân này.

Dàn nhạc tại vườn Luxembourg-Paris    

Theo các thống kê, 97% người Pháp biết đến «Fête de la Musique», 10% trong số họ tham gia với tư cách nhạc sĩ hay ca sĩ và 79% dân Pháp đã ít nhất một lần là khán giả của vô số tụ điểm ca nhạc lớn nhỏ kể từ ngày 21.06.1982, khi «Lễ hội Âm nhạc» được Jacques Lang, bộ trưởng bộ Văn hoá thời bấy giờ, chính thức đứng ra tổ chức trên toàn quốc. Thực ra, từ thời cổ đại, nông dân Âu châu đã tổ chức hội hè vào dịp này để mừng mùa gặt mới, và sau này, dựa trên ý tưởng của «Ngày Quốc tế Âm nhạc» do UNESCO(*) đưa ra vào ngày 01.10.1975, nhạc sĩ người Mỹ Joel Cohen, khi ấy đang làm việc cho đài truyền thanh France Musique, đề nghị thực hiện những buổi lễ hội âm nhạc vào các ngày Hạ chí (21.06) và Đông chí (21.12) hàng năm. Cohen thực hiện được mơ ước của mình, tổ chức các chương trình nhạc tại Paris và Toulouse ngày 21.06.1976. Viên gạch đầu tiên ấy chính là nền móng cho «Lễ hội Âm nhạc», đã trở thành một loại «quốc lễ» của Pháp kể từ mùa hè 1982 đến nay.

Tem và đồng 2 euros Pháp kỷ niệm Fête de la Musique

Từ đó, mỗi năm, trên toàn nước Pháp, người ta ước tính có khoảng 18,000 buổi trình diễn ca-nhạc hoàn toàn miễn phí với 5 triệu nhạc sĩ và ca sĩ, chuyên nghiệp cũng như tài tử, tham gia cùng 10 triệu khán-thính giả. Từ dàn nhạc giao hưởng, nhạc kịch opéra đến gospel, rap, hip-hop, techno, metal, từ dân ca vùng-miền của Pháp đến các giai điệu truyền thống cũng như hiện đại Bắc Âu, Trung Phi, Đông Á…mọi sắc tộc, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đều tìm được cho mình «món ăn âm nhạc» thích hợp, hoặc cũng chính là dịp để tiếp cận với các loại âm thanh mới lạ, chưa từng có dịp biết đến. Hơn thế nữa, «Fête de la Musique made in France» đã được «xuất khẩu» sang các nước lân cận và tính cho đến nay, đã có hơn 340 thành phố trên toàn thế giới cùng tôn vinh âm nhạc vào ngày 21.06 (New York, Nhã Điển, Bá Linh, Stockholm, Québec, Vũ Hán, Thượng Hải, Bắc Kinh…)

Tiếng đàn lẻ loi giữa phố đông người-Paris

Những năm có ngày Hạ chí rơi vào cuối tuần (như năm nay, 2025), các buổi hoà nhạc được tổ chức từ sáng đến chiều tối. Tại chòi nhạc của công viên Luxembourg Paris chẳng hạn, ba buổi công diễn của các dàn nhạc và ban hợp xướng được lần lượt tổ chức từ 11 giờ sáng đến 7 giờ chiều. Tại «Nhà Nhật Bản / Maison du Japon» nằm trong khuôn viên Đại học xá Paris, phần giới thiệu ca khúc mới trong một tiếng đồng hồ do Mộng Trang và Naoki Kanayama đảm nhiệm. Sau đó, là chương trình nhạc cổ điển với giọng nữ cao, cùng dương cầm và hắc tiêu của các nghệ sĩ Nhật Bản, kéo dài đến 6 giờ chiều. Những năm có ngày Hạ chí rơi vào ngày trong tuần, người ta thấy dân đi làm, học sinh, sinh viên đem theo nhạc cụ đến bureau, đến trường để sau giờ tan sở, hết lớp, họ sẽ chạy thẳng đến điểm hẹn cho kịp giờ trình diễn.

Các bạn trẻ trước trụ sở THSV-Paris

Trong chương trình «Lễ hội Âm nhạc» tại Paris năm nay, trọng tâm được đặt tại vườn Carrousel của điện Louvre. Để kết thúc tuần lễ France Music Week, một buổi hoà nhạc quy mô lớn đã diễn ra từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng ngày hôm sau, quy tụ nhiều tiếng hát và ban nhạc nổi tiếng của nhiều thể loại khác nhau, với 30,000 khán giả tham dự. Điểm đặc biệt: chương trình sẽ được «vạc lửa olympique» lơ lửng trên trời thắp sáng suốt thời gian trình diễn. Bên cạnh đó, nhiều giáo đường, đền thờ hồi giáo, viện bảo tàng, trung tâm văn hoá, rạp hát, toà nhà hạ viện, các bộ, sở cảnh sát, toà thị chính, khách sạn, tiệm ăn… cùng mở cửa đón vị khách Âm nhạc ghé thăm. Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris đã tổ chức một chương trình sinh động ngay trước cửa trụ sở của hội, đặt tại quận 13 Paris. Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ từ xế chiều đến xẩm tối, các ca khúc Việt-Anh-Pháp được nhiều thế hệ ca sĩ không chuyên nghiệp của hội trình bày sôi động cùng tiếng đàn tranh, guitare điện, trống, clavier bên cạnh các điệu nhảy tập thể madison, chachacha hào hứng.

Xem thêm:   Khu di tích quốc gia Voi Ma Mứt Waco, Texas

Toàn nước Pháp đã có một ngày Hạ chí 21.06.2025 khô ráo và nóng bức, phù hợp cho việc tổ chức thành công «Fête de la Musique» lần thứ 43. Mọi người lại hẹn nhau ngày này năm sau, sẽ lại gặp nhau, sẽ hát hay hơn, đàn giỏi hơn và nhảy đẹp hơn!

Bích chương Fête de la Musique 2025

CN

Thiais 06.2025

Chú thích:

(*) UNESCO: United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, thành lập ngày 16.11.1945, trụ sở đặt tại Paris.

Tài liệu tham khảo:

https://fr.wikipedia.org/wiki/F%C3%AAte_de_la_musique

https://www.sortiraparis.com/actualites/fete-de-la-musique/guides/53382-fete-de-la-musique-2025-a-paris-et-en-ile-de-france-le-programme-des-concerts-a-ne-pas-manquer