Năm 2017, từ một hashtag trên Twitter, #MeToo trở thành một phong trào có tác động lớn, và một trong những điểm quan trọng trong phong trào nữ quyền nói chung. Khởi đầu, #MeToo tập trung vào chuyện cưỡng hiếp, lạm dụng, quấy rối tình dục, đặc biệt của nam với nữ, nhưng dần dần mở rộng và bao gồm cả những trường hợp khác, phụ nữ là nạn nhân của đàn ông, chẳng hạn như bạo hành gia đình. Liên đới với hashtag #MeToo là hashtag #TimesUp (thời gian đã hết, ý nói phụ nữ sẽ không chịu để đàn ông đàn áp và lạm dụng nữa) và hashtag #BelieveHer (tin cô ấy, ý nói nên luôn tin phụ nữ).

Johnny Depp. Wikipedia 

Trước tiên, tại sao hashtag #BelieveHer trở thành phong trào? Ðó là vì phụ nữ, trước lẫn sau #MeToo, đều bị nghi ngờ hoặc chỉ trích khi tố cáo ai đó từng cưỡng hiếp, ép buộc, hoặc lạm dụng tình dục mình. Khi lên tiếng, phụ nữ bị săm soi, không tin, hoặc bị hỏi tại sao lúc đó không lên tiếng, bây giờ mới nói, bị buộc là vu khống để hạ uy tín, gây áp lực, vòi tiền … hoặc bị đổ lỗi, bị hỏi là lúc đó mặc quần áo gì, hành xử thế nào v.v.  #BelieveHer đặc biệt trở thành phong trào khi Christine Blasey Ford cáo buộc Brett Kavanaugh.

Ðể phản ứng lại khuynh hướng nghi ngờ, tìm cách làm phụ nữ im miệng, và cũng để khuyến khích và bày tỏ sự ủng hộ với những phụ nữ lên tiếng trong #MeToo, #BelieveHer ra đời, với ý là nên luôn tin phụ nữ. Phiên bản khác của #BelieveHer là #BelieveWomen, thậm chí xa hơn nữa là #BelieveAllWomen.

Không cần nói, mọi người đa phần đều có thể thấy slogan “Believe Women” nguy hiểm thế nào – đúng là trước nay trong lịch sử, phụ nữ thường bị nghi ngờ, tra khảo, hoặc lời khai bị xem nhẹ, hoặc nạn nhân bị đổ lỗi (victim-blaming), và cũng là lý do nhiều phụ nữ ngần ngại không dám lên tiếng tới nhiều năm sau. Nhưng có nên vì thế mà tin mọi phụ nữ, và tin mọi lời buộc tội trước khi có bằng chứng không?

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Bản thân Margaret Atwood, nhà văn Canada và biểu tượng feminist với tác phẩm The Handmaid’s Tale, cũng bị mạng xã hội lẫn báo chí chỉ trích chỉ vì dám nói #MeToo phải cẩn thận, và ai cũng vô tội cho tới khi bị chứng minh có tội.

#BelieveHer không phải là phong trào riêng lẻ mà sinh ra từ, và đi đôi với, #MeToo.

Một trong những ví dụ đáng chú ý cho thấy mặt trái của #MeToo và #BelieveHer là trường hợp của Johnny Depp. Vài năm trước, ngôi sao điện ảnh Johnny Depp bị vợ cũ Amber Heard tố cáo là chửi bới và bạo hành trong suốt 4 năm hôn nhân. Từ đó, Johnny Depp hoàn toàn mất tên tuổi, sự nghiệp bị ảnh hưởng, nhiều vai diễn bị mất. Trong khi Amber Heard thì trở thành anh hùng, một biểu tượng của phong trào #MeToo. Không những thế, Amber Heard còn được chọn làm đại sứ nữ quyền cho Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (American Civil Liberties Union) và người ủng hộ nhân quyền cho Liên Hiệp Quốc.

Khi vụ này mới xảy ra, đặc biệt khi có một số hình cho thấy mặt Amber Heard bị bầm, một loạt báo chí và nhiều người trên mạng xã hội đều đả kích Johnny Depp và tin Amber Heard, ngay cả khi vợ cũ Vanessa Paradis và người yêu cũ Winona Ryder đều lên tiếng bảo vệ Johnny Depp. Vox thậm chí còn nói, những ai không tin Heard là do ghét phụ nữ (misogynistic).

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Không chỉ vậy, hình ảnh của Amber Heard gần như không suy suyển khi có tin Heard bạo hành partner khác, một phụ nữ (Heard là người lưỡng tính). Viết về câu chuyện Depp-Heard, Cathy Young cũng viết về sự thiên vị và thiếu khách quan của truyền thông, đứng hẳn về phía Heard và tấn công mỗi khi Johnny Depp nhận được vai diễn nào đó, chẳng hạn khi được chọn vào Fantastic Beasts. Nhà văn J. K. Rowling, tác giả của Harry Potter và cũng là tác giả của Fantastic Beasts, bị chỉ trích khi bảo vệ Johnny Depp.

Gần đây phía Johnny Depp lên tiếng. Chính Depp mới là người bị tấn công và bạo hành, và kiện ngược Amber Heard tội vu khống. Tờ Daily Mail có hình ảnh Johnny Depp bị bầm, và bị mất đầu ngón tay, cần ba lần phẫu thuật, do Amber Heard. Heard không chỉ đánh Depp mà còn ném bình hoa, chai lọ, nồi chảo, gây chấn thương v.v.

Amber Heard và Johnny Depp tham dự buổi ra mắt ‘Black Mass’ trong Liên hoan phim quốc tế Toronto 2015 tại The Elgin ở Toronto, Canada, ngày 14 tháng 9 năm 2015. Photo: Getty Images/Jason Merritt

Sau đó, một đoạn thu âm cho thấy Amber Heard thừa nhận có đánh và ném đồ vào phía Johnny Depp, và móc mỉa Depp là baby. Một số tờ báo đã lên tiếng, Depp thật ra là nạn nhân, và trên Twitter ngập hashtag #JusticeforJohnnyDepp (công lý cho Johnny Depp). Tuy nhiên, những tờ báo trước kia đứng hẳn về phía Amber Heard hoàn toàn không đính chính hay thay đổi quan điểm, và các tổ chức chọn Amber Heard làm người đại diện cũng không nói câu nào.

Trường hợp này cho thấy mặt trái của #MeToo và #BelieveHer (hay #BelieveWomen). Thứ nhất, không phải phụ nữ là luôn cư xử tốt và luôn là nạn nhân; trong thực tế phụ nữ cũng có thể nói dối, đặt điều, bịa chuyện, và tạo cáo buộc sai không khác gì đàn ông. Ðiều này lẽ ra phải là hiển nhiên, bởi mỗi người là một cá nhân, không có giới tính nào là hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Nhưng có vẻ nhiều người đấu tranh nữ quyền và nhiều người theo phong trào #MeToo quên mất.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Thứ hai, quan trọng hơn, nhiều người quên mất đàn ông cũng có thể là nạn nhân của lạm dụng và bạo hành gia đình. Bài viết của Cathy Young nói, theo một nghiên cứu thì đàn ông chiếm 12%-40% tỷ lệ bị thương trong các mối quan hệ khác giới; một nghiên cứu khác nói đàn ông chiếm khoảng một phần ba; và một khảo sát khác nói 21%. Phụ nữ nói chung có thể không khỏe bằng đàn ông, không thể gây sát thương bằng, nhưng phụ nữ thường dùng vũ khí, hoặc tấn công khi đàn ông dễ bị tổn thương, chẳng hạn như khi ngủ. Cái khổ hơn cho đàn ông là không có nhiều chỗ trú ẩn như phụ nữ khi xảy ra bạo hành gia đình, và đàn ông thường bị xấu hổ nhục nhã và bị chê cười nếu thừa nhận mình bị phụ nữ bạo hành.

Ðể thật sự đấu tranh cho bình đẳng giới tính, chúng ta cần hiểu mọi thứ không chỉ có trắng và đen – đàn ông cũng có thể là nạn nhân, và phụ nữ cũng có thể dùng bạo lực, nói láo, và vu khống.

Như đã viết trong bài trước về #MeToo và trường hợp của ca sỹ Evan Stephens Hall, trường hợp Johnny Depp và Amber Heard không làm cả phong trào #MeToo trở thành vô giá trị và mất uy tín. Tuy nhiên, có những lối suy nghĩ trắng đen và nhiều luận điệu rất nguy hiểm làm cho #MeToo phải thận trọng.

DN