Phong trào Me Too xuất phát từ năm 2006, với hashtag #metoo trên Twitter, để phụ nữ chia sẻ chuyện mình từng bị quấy rối, lạm dụng tình dục… Ban đầu chỉ là hashtag, #MeToo trở thành một phong trào lớn, không những cho thấy chuyện phụ nữ bị quấy rối, lạm dụng tình dục thật ra phổ biến như thế nào, mà còn gây tác động lớn, dẫn đến lời tố cáo với nhiều chính trị gia và nhiều người nổi tiếng trong showbiz, đặc biệt Harvey Weinstein và Kevin Spacey.

Trong khi ở những nước như Việt Nam, #MeToo chỉ mới nhóm lên một chút với Phạm Lịch (rồi vụt tắt), ở phương Tây, sau này nhìn lại #MeToo sẽ trở thành một trong những điểm quan trọng của phong trào nữ quyền.

Tuy nhiên, như mọi thứ khác, #MeToo cũng có mặt trái của nó, chẳng hạn như trường hợp Evan Stephens Hall.

Năm 2017, Pinegrow, một nhóm nhạc indie country-rock, phải hủy bỏ chuyến trình diễn vì ca sĩ chính Evan Stephens Hall bị buộc tội cưỡng ép tình dục (sexual coercion).

Trong năm vừa qua, Pinegrow trở lại với album mới “Marigold” và câu chuyện xuất hiện trở lại với thêm chi tiết. Người tố cáo từng tham gia lưu diễn với Pinegrow, với tư cách là một trong các thành viên trong đoàn—lưu diễn như một chuyến đi đường dài, nhưng vẫn là nơi làm việc, không có ranh giới rõ ràng giữa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp. Người tố cáo bảo, trong môi trường như vậy, và với quyền lực của Hall do đứng đầu ban nhạc, cô đã dính với Hall, nhưng cảm thấy mình bị điều khiển, thao túng (manipulate). Mối quan hệ kết thúc sau khi hết chuyến lưu diễn, và mặc dù hoàn toàn không có bạo lực, người tố cáo cảm thấy bị tổn thương.

Bài báo cũng nói, vào thời điểm này Pinegrow không ở vị trí để có thể cho ai một công việc lâu dài hay thậm chí một mức lương đủ sống.

Bài viết của Evan Stephens Hall trên Facebook đưa thêm một chi tiết: khi phụ nữ này bắt đầu dính với Hall, cô đang có bạn trai khác và chấm dứt mối quan hệ đó sau một thời gian, sau đó quay lại với Hall và hai người cặp với nhau trong hai tuần.

Nói ngắn gọn, trong một môi trường vừa là chỗ làm vừa như một chuyến đi (nhưng không ai bị phụ thuộc tài chính hay áp lực để tiến thân), một phụ nữ dính vào một mối quan hệ, sau đó không tới đâu, cảm thấy bị tổn thương, có lẽ vì cũng mất một mối quan hệ khác, thế là bảo mình bị thao túng và cưỡng ép, dù chính mình cũng thừa nhận Hall không thật sự có quyền lực gì.

Không chỉ vậy, sau đó Sheridan Allen, đứng đầu PunkTalks, một tổ chức chuyên liên kết nghệ sĩ và nhân viên trong ngành âm nhạc với therapy miễn phí, liên hệ với Pinegrow và festival nơi Pinegrow sắp biểu diễn, nói về hành vi “predatory và thao túng” của Evan Stephens Hall với phụ nữ, và tuyên bố người tố cáo Hall không phải là nạn nhân duy nhất. Allen bảo, Hall phải ngừng biểu diễn để tham gia therapy (thông qua PunkTalks), và buổi lưu diễn cũng như album đầu tiên của Pinegrow phải bị hủy bỏ, và đe dọa là nếu không, hai nạn nhân của Hall sẽ công khai lên tiếng.

Tuy nhiên, “nạn nhân” thứ hai của Hall, Autumn Lavis, trả lời, cô từng có một mối quan hệ ngắn ngủi với Hall, rồi Hall trở lại với một bạn gái cũ, sau đó Lavis cảm thấy tệ nhưng chưa bao giờ cảm thấy bị ngược đãi, đó là một mối quan hệ đồng thuận. Khi còn là bạn, Lavis có than vãn với Sheridan Allen về Evan Stephens Hall, nhưng không hiểu tại sao lại bị Allen đưa mình ra làm nạn nhân—cô không phải là nạn nhân.

Nhưng thật ra hai trường hợp có khác nhau không? Trong bài viết phân tích, Cathy Young (một nhà báo Mỹ gốc Nga chuyên viết về quyền phụ nữ) cho là không—cả hai đều có một mối quan hệ ngắn ngủi với Hall và bị tổn thương sau đó, nhưng trong khi một phụ nữ chịu trách nhiệm cho hành động của mình và khẳng định có đồng thuận, phụ nữ kia lại trốn sau những từ như “coercion” (cưỡng ép), “control” (điều khiển, kiểm soát), và “manipulation” (điều khiển, thao túng) và xem mình là nạn nhân.

Evan Stephens Hall – nguồn THEO WARGO/GETTY IMAGES

Bài viết của The New Yorker cho rằng, lãnh đạo một ban nhạc luôn có quyền lực tối thiểu nào đó, dù kiếm được nhiều tiền hay không—một mối quan hệ như vậy luôn có chênh lệch quyền lực. Hall có thể có chút quyền lực nào đó, nhưng không phải là Harvey Weinstein, người có quyền lực nhất Hollywood để khiến người tố cáo phải chọn giữa sex và mất sự nghiệp và con đường tiến thân. Nói thế khác nào nói, người ta không bao giờ nên có quan hệ tình cảm với ai đó ở chỗ làm, khi có một chút chênh lệch quyền lực? Nói thế khác nào nói, phụ nữ không thể làm chủ hành vi của mình và dễ dàng trở thành nạn nhân?

Bản thân Evan Stephens Hall, khi xin lỗi, nói trước nay tiếp cận mọi mối quan hệ dưới tiền đề của sự bình đẳng, nhưng bây giờ nhận ra rằng điều đó là không thể, do những đặc quyền (privilege) vốn có của đàn ông và những đặc quyền khác vì là lãnh đạo một ban nhạc. Một người đàn ông xin lỗi vì “dám” đối xử với phụ nữ như bình đẳng!

Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất.

Bài viết của Cathy Young có nhắc đến Aziz Ansari, một comedian bị buộc tội có hành vi sai trái tình dục (sexual misconduct) vài năm trước. Toàn bộ lời buộc tội xuất hiện trên Babe.net, Vox cũng xếp Aziz Ansari cùng tất cả những người khác của phong trào #MeToo, và nói Ansari chưa công khai xin lỗi cho hành vi của mình. Nhưng lời buộc tội với Ansari có đơn giản thế không? NPR có một cuộc tranh luận, đâu là lằn ranh giữa bad date và tấn công tình dục. Grazia Daily có một bài viết nói, trường hợp Ansari quan trọng khi đối thoại về khái niệm đồng thuận, nhưng cũng nói nó không thể xếp cùng các trường hợp khác của #MeToo.

Với tôi, Aziz Ansari có thể cứ tiến tới, không biết người phụ nữ (tên Grace) không muốn sex, nhưng Grace hoàn toàn có thể đứng lên, nói không, và bỏ đi—Ansari không cưỡng hiếp, và cũng không có bất kỳ áp lực nào lên đời sống hay sự nghiệp của Grace. Rất nhiều phụ nữ đã trải qua những tình huống tương tự, sau đó cảm thấy tiếc, nghĩ mình lẽ ra phải nói không dứt khoát hơn, lẽ ra phải cương quyết bỏ đi, nhưng như thế không có nghĩa là họ bị tấn công tình dục. Trường hợp Ansari không thể xếp ngang với #MeToo.

Một trường hợp khác là Monica Lewinsky. Suốt vài thập niên, Lewinsky nói nhiều lần là mối quan hệ của mình với Bill Clinton là có đồng thuận. Tuy nhiên, sau #MeToo, Monica Lewinsky thay đổi suy nghĩ—bảo mình bị áp lực, Bill Clinton là người có quyền lực nhất thế giới, và lạm dụng quyền lực, đó là một mối quan hệ hiển nhiên không bình đẳng. Bài viết cũng dẫn tới rất nhiều tranh luận, đặc biệt khi bản thân Hillary Clinton lên tiếng.

Câu hỏi đặt ra là: sự đồng thuận có mất giá trị không khi một mối quan hệ có chênh lệch về quyền lực? Trường hợp Monica Lewinsky, dù hoàn toàn đồng thuận, vẫn bị nhiều người xem là không hoàn toàn đồng thuận, do lạm dụng quyền lực, nhưng chênh lệch về quyền lực nằm ở đâu trong trường hợp Aziz Ansari, và đặc biệt trường hợp của Evan Stephens Hall? Ðây chỉ là vài trường hợp, và sẽ không làm cả phong trào #MeToo thành mất giá trị, nhưng có nên xóa mờ lằn ranh giữa cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục và những mối quan hệ và buổi hẹn hò không vui, và cư xử như thể phụ nữ luôn là nạn nhân và không thể làm chủ hành vi của mình không?

DN