Ngoại tôi là bà mụ vườn có học trường Tây, đã từng kinh qua một lớp dạy làm “cô đỡ” của chính phủ bảo hộ Pháp. Dân xứ đó kêu ngoại tôi là “Cô mụ Hai.” Bất kỳ ai ở trong vùng, có phụ nữ chuyển bụng, chèo xuồng tới rước thì ngoại tôi đều xách túi đồ xuống xuồng đi, không phân biệt ở đâu, người như thế nào. Nhờ đi nhiều, tiếp xúc nhiều, ngoại tôi biết rất nhiều “chuyện lạ” trong thiên hạ. Thuở nhỏ, tôi thường nghe ngoại kể chuyện về người Miên (Khmer Nam kỳ.)
Ngoại nói “Người Miên họ thật thà lắm. Không gian như người Việt mình.” “Có nhà điền chủ kia bị Miên nó “cáp Duồn” (chém đầu Việt,) cả nhà chạy hết. Miên vô nhà điền chủ không lấy vàng bạc, mà lấy tiền giấy, cái gì ngộ ngộ, đẹp đẹp thì nó lấy. Nó khiêng của ổng cái tủ thờ cẩn xà cừ, cái ống nhổ trầu bằng bạc, cái bô tiểu bằng sứ trắng vẽ bông nó cũng lấy. Cái bô đó đẹp lắm, cốt sắt Tây, trong ngoài tráng men sứ trắng tinh như ngọc, có vẽ bông khéo màu sắc rực rỡ. Nó đem về rửa sạch rồi làm cơm rượu đựng trong đó đem ra chợ bán. Người Việt đi chợ nhìn thấy, biết là cái bô nên gớm, không ai mua cơm rượu của nó.” Chuyện ngoại tôi kể, thật hay bịa tôi không biết, nhưng có một điều dân xứ tôi ai cũng phải công nhận: Người Miên miền Tây Nam kỳ hồi xưa rất thật thà. Người Việt “gian” thì cố nhà văn Sơn Nam có kể trong chuyện dân chúng ăn cắp nghề nấu xà bông cục của ông Bác vật Tây.
Thập niên 90, mẹ tôi vẫn mang trong đầu tư tưởng “người Miên thật thà,” không biết rằng thời thế đã thay đổi. Mẹ tôi đi chợ, thường nhắm mua đồ của người Miên bán, và bà thường bị người bán gạt. Có lần tôi đi làm về, mở nồi canh cải ra ăn, nhưng không ăn được, vị canh cay sè, đắng ngắt. Tôi hỏi mẹ tôi cải gì, mẹ tôi nói cải bẹ xanh non. Tôi gắp cọng cải lên coi kỹ, tôi đi lục mớ lá cải còn sót lại coi, thì thấy không phải cải xanh. Tôi nhai thử cải sống, phát hiện đây là cây củ cải trắng đang giai đoạn dở lứa, tức không lớn không nhỏ. Nếu hột củ cải trắng mới nảy mầm chừng 10 phân, người ta nhổ lên ăn sống, gọi là cải mầm, rất ngon và cũng rất mắc tiền. Nếu không nhổ, để nó cao chừng hơn một gang tay mà mọc dày quá, chen chúc không thể lớn được, không thể mọc củ bự, người trồng phải nhổ bớt cây cải. Lúc này cây cải không ăn được do nó quá đắng và vị rất cay nồng. Tôi hỏi mẹ mua cải này của ai? Đây là cây củ cải trắng chớ đâu phải cải bẹ xanh. Mẹ tôi cãi: “Con nhỏ Miên nó nói cải xanh non ngon lắm, cải nhà nó trồng nó nhổ gánh ra bán rẻ.” Tôi nói rằng cải xanh thì cuống lá cải dẹp, còn cuống lá cải này tròn vo hà. Con nhỏ Miên nó nói đúng có hai điểm là cải nhà nó trồng, nó nhổ đem bán, nhưng ăn không được thì rẻ cũng thành mắc. Sau này mẹ mua cải phải mua của sạp chuyên bán rau cải, đừng tin Miên nữa, giờ họ không phải như hồi xưa đâu.

Cái bô tiểu của gia đình phú hộ Nam kỳ xưa tương tự như trong hình, nhưng bầu tròn láng, vành ở trên tròn loe rộng ra ngoài.
Có lần, mẹ tôi mua cá lù đù, đem về nhà thấy cá bị sình hết. Tôi nói cá sình rồi mẹ mua làm gì? Mẹ tôi lại cãi “Con nhỏ Miên bán cá nó nói cá này tươi ngon lắm.” Tôi hỏi: Mẹ hỏi nó “Cá này có tươi ngon không?” đúng hông? Mẹ tôi nói “Ừ.” Tôi ngao ngán nói thì nó trả lời vậy phải rồi. Không lẽ nó bán cá mà nó nói cá nó sình rồi đừng mua.
Không phải riêng mẹ tôi bị mắc lừa hồi thập niên 90, ngay bây giờ cũng vậy, dân ta luôn khắc sâu trong đầu tư tưởng/hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn thì luôn luôn thật thà, càng là dân tộc thiểu số, người miền núi sâu, người vùng đồng bằng trũng ngập nước phèn thì càng thật thà. Hầu như đó là suy nghĩ “thâm căn cố đế” và “di truyền” từ đời ông đời cha để lại. Một nhà hiền triết Ấn Độ nói: “Mọi vật đều thay đổi, các đệ tử không thể tắm hai lần trên một khúc sông.” Khúc sông đó thay đổi mỗi giờ, mỗi ngày, mà người tắm trên khúc sông đó cũng thay đổi mỗi giờ, mỗi ngày. Nghĩ sao mà sống dưới chế độ cộng sản hơn 50 năm bản tính người Việt lại không thay đổi? Người Bắc kỳ vô Nam 1954 và người Bắc kỳ xã hội chủ nghĩa cũng là hai thái cực khác nhau rồi.
Chính vì vậy mà trend/xu hướng thời nay là “giả nông dân,” “giả người dân tộc thiểu số,” “giả lỡ mua nhiều” để làm người xem/người mua hàng tưởng lầm họ “thật thà,” để rồi bị gạt mua hàng giả/hàng đểu với giá trên trời.
Năm ngoái, tôi thấy trên một group Facebook tiếng Việt có người đăng bán mấy chục đôi giày “chống trơn trợt” màu đen, nói là dành cho người hành nghề phục vụ nhà hàng, quán ăn, rất tiện lợi. “Giày Mỹ lỡ mua nhiều nên để lại cho đồng hương giá rẻ.” Tôi coi hình thấy quen quá, vì chính tôi cũng đang đi đôi giày kiểu thể thao đó, hàng bình dân Trung Quốc sản xuất dưới thương hiệu Mỹ, tiệm Walmart bán giá $15/đôi. Tôi bung hình ra coi từng chi tiết, đọc luôn tem nhãn mác của giày trong hình thì đúng như tôi nghĩ.
Khác với trước đây người bán hàng luôn phải xuất hiện với dáng vẻ sang trọng, lịch lãm, thời gian gần đây, rất nhiều người bán hàng online qua TikTok, Facebook đều xuất hiện với bề ngoài rất “nông dân,” “dân tộc thiểu số,” “vùng cao,” “du mục”… điệu bộ xuề xóa, nhằm thu hút người mua vì khách hàng tin họ “thành thật.” Đến khi họ bị cơ quan điều tra Việt Nam khởi tố về hành vi “bán hàng giả” thì khách hàng mới… té xỉu.
Cô bạn tôi (ở Little Sài Gòn) thường xuyên online Facebook coi livestream, rồi mua áo dài may sẵn, vải áo dài in bông do người streamers bán ở Hà Nội. Trả “tiền tươi” đàng hoàng mà hàng gởi lại không đúng loại quảng cáo trên livestream, đòi tiền lại không được, vì “Con nhỏ bán vải nó nói vải cắt khúc ra rồi không nhận trả lại.” Tôi hỏi sao không mua vải ở các tiệm vải khu Bolsa, mua làm chi xa xôi tận Hà Nội. Mua đồ ở đây nhìn tận mắt, rờ tận tay mà có khi còn bị lầm, bị hớ. Cô bạn nói “Tại em nhìn con nhỏ đó có vẻ rất thành thật.” (!?) Cũng cô bạn này mới đây mua son gió online trên Facebook, giá $30/cây mà màu xấu hoắc, nói của Đại Hàn. Về coi kỹ lại thì người bán dán nhãn “Made in Korea” chồng lên nhãn hiệu son Trung Quốc. Tôi mua son gió “Made in USA” bán trên Amazon giá $7/cây. Lần này thì cô bạn lại nói “Em thấy con nhỏ đó nói rất là đáng tin.”
Hoặc là những vụ đăng Facebook “Em có… (quần áo, giày dép hoặc a bờ cờ gì đó) ở Sài Gòn/ở Mỹ (tên Quận.) Nhờ anh chị nào có điều kiện xách qua… (tên Quận ở Việt Nam hoặc Mỹ,) em trả thù lao…” Nghe rất là thương tâm. Nhưng mà coi chừng đó. Thời nay các công ty cargo (dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuyên quốc gia của tư nhân) được thành lập rất nhiều, thủ tục gởi hàng qua lại Mỹ – Việt Nam đều dễ dàng, giá dịch vụ phải chăng, tại sao họ không dùng dịch vụ của công ty? Nhứt là quần áo, giày dép cũ thì có đáng để dùng người trực tiếp “xách qua xách lại” bay nửa vòng trái đất hay không? Coi chừng bên trong họ ém thêm “cái gì đó” thì người xách hàng lãnh đủ trách nhiệm hình sự.
Khách hàng thời nay phải bình tĩnh, khôn ngoan, đặc biệt là không dễ xúc động trước những màn “diễn” của người bán hàng tưởng không giả, chỉ cần sơ ý một chút là bị rớt vô cái bẫy “giả không tưởng tượng được” của họ.
TPT