Tôi đã viết kỷ niệm với nhạc Lam Phương và Trần Thiện Thanh khi hai nhạc sĩ này qua đời, rồi có hứa với bạn bè trên Facebook sẽ viết về nhạc Phạm Duy, mà chưa viết được, vì nhiều lý do.

Và đến hôm nay mới có thời gian để … “mời người lên xe, về miền quá khứ”.

Tôi may mắn được biết nhạc Pham Duy từ rất sớm. Khi tôi học lớp Ba trong một trường Quân Đội thời Việt Nam Cộng Hoà, hiệu trưởng là một Thiếu Tá. Năm đó, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đến trường, tuyển chọn một số học sinh để dạy một bài múa quay trên đài Truyền Hình Sài Gòn. Bài múa của chúng tôi tên gì tôi chẳng nhớ rõ, nhưng lại nhớ bài múa của một nhóm học sinh trường khác khi đến Đài Truyền Hình thu hình trước và chúng tôi thích thú đứng xem, vì bài hát thường nghe trên radio tại nhà: “Em ước mơ mơ gì tuổi mười hai tuổi mười ba…”. Bình thường nghe qua radio thì thấy… bình thường, nhưng được nhìn bài múa với những động tác nhí nhảnh đã cho tôi ấn tượng nhiều với bài này, mới 8 tuổi đầu, chẳng cần biết tác giả là ai .

Tuổi thơ đó, tôi thường nghe những nhạc thiếu nhi nào, tôi cũng không nhớ, nhưng lại nhớ một buổi chiều mưa dai dẳng, quán cà phê nhà tôi vắng khách, ba má bận việc trong bếp, tôi và nhỏ bạn trong xóm đứng hứng nước mưa trước mái hiên của quán, rộn ràng vui vẻ, bỗng dừng lại vì nghe được bài hát quen thuộc trên radio. Thế là hai đứa nhảy tưng tưng, hát (và hét) to hơn tiếng mưa, xem đứa nào thuộc bài hát nhiều hơn, thi với cả giọng ca trong radio (sau này tôi đoán là của Thái Hiền, chớ còn ai trồng khoai đất này):

“Ông trăng trả vợ đàn ông trả chồng cô gái trả trái cây cà …”

Rồi Tháng Tư Đen ập đến, cuộc sống sau đó bị thắt chặt mọi bề, các đợt bố ráp đốt sách báo “đồi truỵ Mỹ Nguỵ” liên tiếp, các anh chị lớn trong gia đình tôi vẫn “ngoan cố” giữ lại được một số tờ nhạc rời của Phạm Duy, Trần Thiện Thanh, và cả một tập nhạc “Bình Ca” của Phạm Duy. Mỗi tối khi rảnh rỗi, mấy anh trai của tôi lại ngồi ôm đàn guitar, hát mà tôi nghe đến thuộc và cũng mê luôn hồi nào hổng hay: “Này em con chim lười/ Nhiều năm chim đau phổi/ Buổi sáng vắng tiếng chim cười vui… Này em con trâu gầy/ Nhiều năm trâu vất vả/ Cùng với bác xã nơi đồng quê…Này em đã tới giờ/Mẹ đưa em đi chợ …”

Ngoài ra còn có một số sách văn học khác, và mấy băng cassette cũ, trong đó có băng nhạc Thái Thanh hát nhạc nhiều tác giả trong đó có Phạm Duy .

Cứ thế, tôi lớn dần theo âm nhạc các anh chị em trong nhà lén lút khi hát và khi nghe vào những đêm khuya khoắt.

Bảo Huân

Anh Ba của tôi, sinh viên Đại Học Nông Nghiệp, có máu văn nghệ, thường vào cuối tuần tụ tập nhóm bạn đến nhà chơi, ăn uống, đàn địch hát hò. Nhà tôi có hai cây guitar, các anh bạn khéo tay xúm lại tự chế một bộ trống, nghe cũng xập xình lắm, thế là có đủ cho một ban nhạc mini. Lúc này tôi đã lớn, học lớp 10, đã biết thưởng thức âm nhạc, nhất là “nhạc Vàng”. Trong ban nhạc của anh Tư, có đủ giọng ca nam, nữ, hát đủ nhạc “sến” và nhạc “không sến”, đặc biệt có anh Thành Ruộng ( vì nhà ảnh có vườn trồng hoa, trồng rau để bán ngoài chợ, và để phân biệt với anh Thành ở xóm Chùa). Anh Thành Ruộng còn trẻ như anh tôi, nhưng tóc bạc sớm, đeo cặp mắt kiếng rất nghệ sĩ, chuyên hát nhạc Phạm Duy. Ôi, những đêm vắng lặng, mấy chị em gái chúng tôi nằm trong phòng, hóng nghe ngoài phòng khách, giọng anh Thành Ruộng như mê hoặc: “Ôi giấc mơ qua/Mộng đời phiêu lãng giang hồ…”

Thời gian này, chế độ mới đã bớt hung hăng cấm đoán “văn hoá đồi truỵ”, người Việt ở hải ngoại gửi về Việt Nam hàng hoá, và cả những cuốn băng nhạc theo đường tàu viễn dương do các thuỷ thủ Việt Nam mang về, nên chợ trời Tạ Thu Thâu đã có những tapes nhạc phục vụ “âm thầm” nhu cầu khao khát của những người yêu nhạc VNCH. Các anh chị tôi đem về vài băng nhạc của nhiều giọng ca và nhiều tác giả, nên tôi được thưởng thức Duy Quang với những bài hát đã nhanh chóng làm trái tim tôi rung cảm: Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Em Hiền Như Maseur, Chuyện Tình Buồn, Thà Như Giọt Mưa, Ngậm Ngùi…

Năm tôi đang học lớp 12, một buổi trưa đầu hè tôi bước vào lớp, thấy trong hộc bàn một tờ giấy màu xanh lơ, có ép một cánh bướm làm từ hoa phượng và mấy câu thơ: “Em tan trường về- cuối đường mây đó- Anh tìm theo Ngọ-Dáng lau lách buồn-Tay nụ hoa thuôn-Vương bờ tóc suối-Tìm lời mở nói- Lòng sao ngập ngừng…”, chẳng có tên người gửi, cũng chẳng ghi tên người nhận. Được biết, người ngồi cùng chỗ đó của tôi (lớp buổi sáng) là chàng tuổi trẻ, nhỏ hơn tôi một tuổi (học lớp 11). Nếu như gặp các chàng khác, tôi sẽ vứt ngay tờ thư vào sọt rác, nhưng chàng này… may mắn, vì tôi đã yêu bài hát Ngày Xưa Hoàng Thị do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Phạm Thiên Thư, qua tiếng hát Thái Thanh, nên tôi thấy cánh bướm đẹp quá, tờ thư xinh quá, và nhất là mấy câu thơ lần đầu tôi được đọc, tôi cũng đoán cả bài Thơ sẽ còn hay hơn nhiều. Tôi bỏ lá thư trong cặp, mang về nhà, đọc đi đọc lại nhiều lần, và mong “người ta” gửi tiếp cho trọn … bài thơ!

Xem thêm:   Tổ chức sinh nhật cho bé 10 tuổi

Cũng thời Trung Học, ông Thầy dạy Văn kiêm bí thơ Đoàn Trường, dân Nghệ Tĩnh, là bộ đội vượt Trường Sơn, nhưng có tính tình văn nghệ phóng khoáng. Thầy từng tâm sự với đám nữ sinh chúng tôi, thời ở trong rừng Trường Sơn, thầy thỉnh thoảng có nghe đài VNCH nhất là những bài nhạc tình lãng mạn. Rồi thầy lim dim đôi mắt hí như đang phê thuốc lào:

– Bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan đã hay rồi, nhưng phải qua tay phổ nhạc của Phạm Duy và giọng ca Thái Thanh thì trở nên rất tuyệt vời, không có chỗ nào chê được!

Riêng bài Ngày Xưa Hoàng Thị gắn bó với tôi dài lâu, (một phần cũng vì mấy câu thơ “người ta” để trong hộc bàn), theo tôi đến tận con đường vượt biển, qua trại tỵ nạn Thailand. Hôm ấy, tôi đang say giấc nồng trưa hè thiu thiu thì bỗng nghe bên nhà hàng xóm mở cassette (xài bằng bình acquy) bài Ngày Xưa Hoàng Thị qua giọng ca Thái Thanh. Tôi bỗng tỉnh ngủ, như chợt gặp lại “người xưa”, cầm theo giấy bút chạy qua để thưởng thức điệu nhạc quen thuộc và chép lời. Chị chủ nhà, cũng là người chung chuyến tàu với tôi, rất vui vẻ quay đi quay lại bài hát gần chục lần (sắp nhão cả tape) để tôi kịp ghi lại đầy đủ bài hát. Từ đó tôi cứ lẩm nhẩm bài này với bạn bè cùng lô nhà và khi chúng tôi tụ tập nhóm “đờn ca tài tử”.

Trong nhóm “tài tử” này, có một chị, lớn hơn tôi hai tuổi, có giọng ca hay, chung nhóm 4 đứa con gái chúng tôi ăn ở chung trong trại, xem nhau như chị em ruột, và tôi trở thành “bầu sô”, “quản lý” của chị  mỗi khi ở trại có chương trình văn nghệ . Hồi gặp nhau tại Cambodia trên con đường ra biển đến Thái, có lần chị ấy cất tiếng hát Thuyền Viễn Xứ giữa đêm khuya khó ngủ, nên khi nhập trại tỵ nạn, buổi văn nghệ đầu tiên tôi đã ghi danh cho chị hát Thuyền Viễn Xứ, cả trại nghe mà rưng rưng đúng nỗi lòng tha thiết khi chị vào câu kết “Chiều nay trên bến muôn phương, có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…”

Năm nào trại cũng có nhiều dịp văn nghệ, nào sinh nhật Đức Vua Thái, nào Tết, nào Giáng Sinh, chị luôn vui vẻ để tôi chọn bài, (vì lúc đó tôi làm thiện nguyện ở post office của trại, quen biết nhiều, chương trình văn nghệ nào tôi cũng được biết rất sớm, nên sẵn đó ghi danh luôn cho chị).

Lần đó, mùa lễ Phật Đản, bên Chùa có một chương trình ca nhạc đặc biệt, như thường lệ, tôi báo với ban tổ chức bài Em Lễ Chùa Này cho chị. Sau đó chị lên tiếng:

– Loan ơi, chọn bài khác đi, chị không quen bài này.

– Ôi, bài này dễ ca lắm, để em chép lời ra rồi… hát mẫu cho chị vài lần là chị quen liền hà.

– Không phải thế, chị biết bài này, nhưng chị không hợp giọng, sợ sẽ hát không hay, mà lúc nào em cũng Phạm Duy, Phạm Duy là sao!

– Còn bài nào hợp với…Chùa bằng Em Lễ Chùa Này không hở chị?

– Nhưng…

Tôi bỏ ra sau nhà, hờn mát:

– Thì tùy chị đó! Nói thiệt nghen, em mà có giọng ca hay, thì bài này không đến lượt chị đâu!

Vậy mà vài hôm sau, tôi nghe anh trong ban nhạc kể, chị đã đến tập dợt và sẽ hát Em Lễ Chùa Này, dễ thương hết sức!

Xem thêm:   Đua ngựa Sài Gòn

Giờ nghĩ lại thấy chị ấy rất đúng, bài đó cô Thái Thanh hát rất hay và hợp những khúc ngân nga luyến láy, còn chị thì giọng nội lực khá mạnh, không phải lúc nào cũng hợp cho nhạc Phạm Duy, chỉ tại hồi đó tôi cứng đầu ngang như cua, và chị thì thương tôi nể tôi, đã cố hát Nha Trang Ngày Về, Vũ Nữ Thân Gầy, Bà Mẹ Quê, và dĩ nhiên là không thể không hát Ngày Xưa Hoàng Thị (kỷ niệm tuổi học trò của… nàng “bầu sô”).

Nhân đây tôi cũng xin kể một kỷ niệm vui về giọng hát Thái Thanh hồi còn ở trại. Đến giờ giới nghiêm, cả trại im lìm trong bóng đêm, chúng tôi 4 đứa chui vào mùng mở máy cassette nho nhỏ chạy bằng “pin”, nghe Thái Thanh phải nghe đêm khuya mới thấm, nhứt là khúc chậm rãi nàng rên rỉ:“Chim ơi chết dưới cội hoa/ Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà…”. Chú Tám kế bên vách vọng sang thì thào:

– Cô Loan ơi, cô làm ơn mở volume lên chút xíu cho tôi nghe rõ giọng Thái Thanh, được không cô?

Tôi sung sướng:

– Ủa, chú cũng mê tiếng hát Thái Thanh sao? Hổm rày con đâu biết!

– Chả giấu gì mấy cô, tui chỉ mê nhạc mùi của Tuấn Vũ, Chế Linh. Nhưng giọng cô Thái Thanh làm tôi… buồn ngủ, tôi vốn mắc chứng mất ngủ!

Dễ giựn không nà! Nhưng mà thôi, mục đích nào cũng tốt hết á. Chúng tôi bên này thả hồn theo từng điệu nhạc lời ca cao vút điệu đà của Thái Thanh, còn bên kia chú Tám … ngủ ngon.

Rời trại tỵ nạn cuối năm 1993 đến Canada, thuở chưa có internet, youtube, facebook. Mỗi chiều cuối tuần tôi đón xe bus xuống Thư Viện thành phố, tìm vào Vietnamese Section, sung sướng thấy những kệ sách, truyện Tiếng Việt, và mừng rỡ chộp liền Hồi Ký Phạm Duy (4 cuốn) đem về nhà nghiền ngẫm không sót một dấu chấm dấu phẩy. Đọc hồi ký, biết nhiều điều về tác giả và gia đình, biết số lượng tác phẩm đồ sộ của ông hơn cả nghìn bài, thế mà tôi từng ngỡ mình biết nhiều nhạc Phạm Duy.

Mùa Tết đầu tiên ở Ottawa, Canada, có một đêm nhạc dạ vũ, thấy poster có Thái Hiền, tôi liền mua vé ngay lập tức, con gái Phạm Duy chắc chắn sẽ hát nhạc của bố. Quả như mong ước, phần trình diễn của Thái Hiền, ngoài vài bài hát của tác giả khác, là các bài: Cành Hoa Trắng, Nghìn Trùng Xa Cách, Phượng Yêu… nghe tới đâu mê mẩn tới đó.

Thời gian sau, trung tâm Thúy Nga Paris ra cuốn chủ đề Phạm Duy, thỏa lòng tôi biết bao. Mãn nhãn vì được nhìn thấy Thái Thanh, Duy Quang, hai tiếng hát tôi chỉ được nghe qua tapes, Cds, nay được “vừa nghe vừa ngắm” hỏi sao hổng vui! Mãn lòng khi nghe nhiều bài nhạc của Phạm Duy, trong đó vài bài tôi mới nghe lần đầu.

Lúc con gái tôi 8-9 tuổi, đi học piano, đến cuối khóa, con hỏi tôi chọn một bài nào đó để cô giáo tập cho, chuẩn bị buổi “recital”. Tôi bất chợt nghĩ đến “Blue Danube” vì điệu nhạc hay, ai dè lại là nhạc Phạm Duy chuyển qua lời Việt “Dòng Sông Xanh”. Nhớ đến chuyện ép uổng chị bạn ở trại tỵ nạn, tôi hỏi con gái:

– Mẹ thấy bài này hay, nhưng tùy con có thể chọn bài khác mà con thích.

Nó trả lời ngay:

– Bài này quá tuyệt mà – mẹ, con cũng thích!

May quá, thế là có những buổi chiều, tôi lo cơm nước ngoài bếp, văng vẳng ngoài phòng khách là tiếng đàn piano con gái tập dượt, chỉ là nhạc thôi, nhưng trong đầu tôi là tung tăng điệu lả lướt theo Thái Thanh: “Một… giòng… xanh…xanh…”

Dù ở trại tỵ nạn, hay qua Canada, bạn bè xung quanh đều biết tôi là “fan” của Phạm Duy. Ngày nay mỗi khi tụ tập nhóm họp có karaoke, giọng ca của tôi chỉ “tàm tạm” nhưng Phạm Duy có một số bài tương đối dễ ca cho tôi “thể hiện đam mê”: Trả Lại Em Yêu, Bao Giờ Biết Tương Tư, Còn Chút Gì Để Nhớ, Mùa Thu Chết…

Nói vậy chớ, có một thời gian dài, tôi đã phải che giấu, hoặc ngại ngùng thú nhận mình là “fan” của Phạm Duy-Thái Thanh, vì nhiều lần bị bạn bè chọc ghẹo:

– Úi chào, loại nhạc đó, giọng ca đó, chỉ dành cho người già, thích loại nhạc … khó nuốt khó nghe!

Nhưng giờ đây, tôi đã “đủ tuổi”, à mà không, tôi đã dư tuổi, có thể công khai tuyên bố là “fan” của Phạm Duy rồi nhỉ.

Xem thêm:   Chuyện tình sân Pickleball

Dĩ nhiên, tôi vẫn thưởng thức nhạc của nhiều nhạc sĩ khác của VNCH, nhưng không hiểu sao, trong nhiều tình huống, dù bất ngờ hay có dự định, thì nhạc của Phạm Duy luôn được chọn nhiều hơn. Vì đi làm buổi chiều, nên khi sáng ở nhà lo cơm nước, tôi thường nghe youtube bài giảng của vài vị linh mục, hoặc của Thầy hàng xóm Edmonton là thầy Pháp Hòa, hoặc là nghe nhạc. Có khi tôi chọn cả 1 CD, nhưng cũng có lúc tôi nghe riêng từng bài tùy theo tâm trạng.

Khi lãng đãng “không nắng không mưa” thì sẽ là “chiều buông bên dòng sông Cửu Long, như một cơn ước mong…ơi chiều”, rồi thì “một người ngồi im nghe bên kia sông nước chảy về đâu …”.

Khi buồn buồn nhớ quê hương thì có “chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai/hiu hắt tiếng bà mẹ cười/ vui vì nồi cơm ngô đầy…” dù tôi chưa bao giờ sống ở nông thôn nhưng sao lại yêu thương quá đỗi với hình ảnh này.

Tháng Tư Quốc Hận thì phải nghe: “Một ngày 54 Cha bỏ quê xa…”

Khi tự hào dân tộc thôi thúc, tôi muốn nghe “tôi yêu tiếng nước tôi…”“quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn”.

Khi trái tim mềm yếu nhớ tuổi thanh xuân lãng mạn, sẽ là “ vai em gầy dưới mưa, ướt bao nhiêu cũng vừa…” rồi thì “dắt em lên đồi cỏ hoang ngập nắng…” lại bâng khuâng: “đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người …”

Khi Tết đến Xuân về sẽ ngân nga: “Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi/Muốn yêu anh vác cày trên đồi…” để rồi mộng mơ: “Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà …”

Tuy chưa được gặp Phạm Duy ngoài đời thực, nhưng tôi cũng có hai lần “giao tiếp” cùng Ông qua email phamduy@aol.com. Lần đầu khi tôi còn làm trong ban báo chí Hội Người Việt Edmonton, tôi viết một truyện ngắn, có lấy câu ca dao “Tóc mai sợi vắn sợi dài/Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm” để dưới tựa đề truyện, thì một anh trong ban báo chí (là một “fan” của Phạm Duy) cương quyết cho rằng đó là thơ của Phạm Duy trong bài hát cùng tên, có câu: “Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc…”. Tôi bèn email hỏi tác giả thì Phạm Duy sau đó đã hồi âm, bảo rằng tôi… không sai!

Lần thứ hai, tôi hỏi Ông về câu hát: “Năm năm rồi không gặp/ Mười năm mất nhau không/ Trăm năm dù lỗi hẹn/ Ngàn năm vẫn không quên/ Vẫn nhớ y nguyên” và nhân tiện chúc mừng sinh nhật Ông. Lần này Ông cũng giải đáp thắc mắc, cám ơn lời chúc sinh nhật và nhắc vui tôi đừng dùng “years- old” mà phải dùng “years-young” vì Ông lúc nào cũng… trẻ .

Qua hai lần email đó, một lần khi Ông còn ở Thị Trấn Giữa Đàng (Midway City, California) và lần Ông đang ở Việt Nam, lần nào Ông cũng trả lời email trong vài giờ, không để tôi phải chờ đợi lâu . Điều này chứng tỏ Ông là một nhạc sĩ nghiêm túc, chuyên nghiệp, trân trọng khán thính giả, những người hâm mộ nhạc của Ông.

Kỷ niệm về nhạc Phạm Duy của tôi đến đây là hết, hy vọng không còn thiếu sót gì, chớ còn nói về nhạc Phạm Duy thì chẳng bao giờ cạn, vì mênh mông lắm , bao la lắm.

Trong một dịp tụ tập gia đình bên Arlington, Texas, mấy anh chị em có ôn lại thời gian khó khăn sau năm 1975 khi “nhạc Vàng VNCH” bị cấm đoán và nhắc đến những tờ nhạc rời Phạm Duy đã một thời vang lên “khe khẽ” trong căn nhà của chúng tôi. Anh Hai cho rằng, lẽ ra bài “Việt Nam Việt Nam” nên là Quốc Ca của VNCH, anh Ba anh Tư ca tụng Ông là “phù thủy” dịch nhạc ngoại sang lời Việt, bà chị Cả thì say mê gọi Ông là “phù thủy” của phổ thơ, còn riêng tôi thì luôn…nghi ngờ Ông đã là thi sĩ trước khi là nhạc sĩ rồi cơ: “Em có hay chăng anh về/Thoạt nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê/ Ai dám mong chi Xuân về/ Nào ngờ vườn đêm có bông hoa kề”.

Tóm lại, trong lĩnh vực âm nhạc, dù với chủ đề nào, thể loại nào, Ông cũng là “phù thủy” hết á!

Trước Phạm Duy thì tôi không biết, nhưng kể từ khi có Nhạc sĩ Phạm Duy, thì với tôi, âm nhạc Việt Nam chắc còn lâu lắm, mới có được người thứ hai như thế!

KL – Tháng7/2025

Ghi chú: Tất cả những chữ in nghiêng trong bài viết này, là những Tựa Đề hoặc những câu hát trong nhạc Phạm Duy.