Nếu Nha Trang, sáng sớm tôi chỉ có một lựa chọn là đường ra biển thì ở Sài Gòn, tôi có mấy nơi đi bộ, lúc mỏi chân có chỗ ngồi để nghĩ ngợi là công viên Gia Định, bờ kè Nhiêu Lộc, Thiền viện Vạn Hạnh và Lăng Võ Tánh. Mỗi nơi một không gian hay riêng, khác biệt, khiến cho hành trình buổi sáng của tôi không cố định, lại thêm nhiều sắc màu.
Nếu công viên Gia Định (cả hai bên đường Hoàng Minh Giám) thoáng đãng, nhiều cây cao tỏa bóng mát, những bãi cỏ rộng, xanh mướt, không khí trong lành, không gian sôi động, trẻ trung, bởi tiếng nhạc làm nền cho các bài tập buổi sáng phát ra từ những cái loa công suất lớn… Thì ở bờ kè tĩnh, trầm, nhẹ… Cây nhỏ nhưng hoa nhiều, cảm giác dịu dàng nhờ dòng nước vòng vèo, uốn khúc… Thỉnh thoảng có tiếng chuông chùa trầm mặc. Hai không gian như đối nghịch nhưng ngồi nơi nào cũng thích, có thể điều chỉnh dòng suy nghĩ phù hợp với nhịp điệu cuộc sống.
Ngồi ở Thiền viện Vạn Hạnh lại khác nữa, bên ngoài kia, âm âm dòng chảy bất tận của xe cộ, thế nhưng chỉ khuất một bức tường thôi lại nghe được tiếng lòng mình lẫn trong tiếng chim, tiếng gió hát, cây lá cựa mình… Và những dòng suy nghĩ cứ thế miên man. Đặc biệt, nơi đây có bầy mèo, nhiều lắm. Tôi nghĩ, không thể đếm được chúng có bao nhiêu con. Mèo sinh sản nhanh, càng khó quản con số. Có lần, nói chuyện với một ông sư, sư bảo rằng, không biết cách nào giải quyết số mèo ngày càng nhiều lên này, chúng trốn, chạy đuổi cả trên gian thờ. Với tôi là khách, bầy mèo có đông cũng chỉ chiếm một góc nhỏ trong khuôn viên Thiền viện. Chỉ có người nuôi mèo mới biết mức độ phiền toái do chúng gây ra, nhất là khi chúng quá nhiều, không thể kiểm soát được sinh hoạt của chúng.
Vào một giờ nhất định buổi sớm, có một người đi xe đạp mang thức ăn vào cho mèo mà tôi đoán chị ta gom từ quán cơm nào đó. Lũ mèo ùa ra, vòng tròn quanh chị, lặng lẽ chờ đợi đến lượt, không tranh giành, khè khẹt. Tôi không rõ cách nào làm nên cái trật tự này, chúng đã quen với việc từng phần được chia ra trên những miếng giấy báo hay cái nắp lon, hết con này rồi đến con kia, con nào cũng có phần. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, tôi nghe chị la vài tiếng nhỏ khi có một giành giựt nào đó, rồi yên ắng trở lại cho đến khi lũ mèo no nê, rời đi.
Hai người bạn tôi có 2 câu trả lời rất thú vị về trật tự của lũ mèo khi ăn. Một người cho rằng, quan sát lũ mèo hoang thì thấy mèo đực ăn trước, rồi đến mèo cái và sau cùng mới tới mèo con. Chị bảo thêm, với thứ tự như thế cũng thấy tội mèo cái đang mang bầu, nhưng hay một điều là mèo đực luôn biết chừa phần lại.
Một người khác thì bảo, với mèo nuôi chúng có một kỷ luật mà người cần phải học theo. Mèo lớn luôn nhường cho mèo nhỏ, mèo đực nhường mèo cái. Khi ăn chúng rất kỷ luật, con lớn lui lại phía sau chờ tới lượt, mèo mẹ luôn ăn cuối cùng.
Tôi thường nhìn cảnh mèo ăn và suy nghĩ về sự chờ đợi. Dường như ý nghĩa cuộc đời là sống phải có tâm trạng chờ, trong hy vọng, ai cũng thế. Chờ đợi đôi khi là động lực, là cảm hứng sống cho tất cả sinh vật trên trái đất này. Con người thường than thở, thời gian chờ đợi luôn thấy dài bởi mang tâm trạng thắc thỏm; nhưng, khi sự việc qua rồi, mới hay rằng, chính sự chờ đợi làm cho ngày ngắn đi, thời gian trôi nhanh đến giật mình, thảng thốt. Vì thế, phải chăng, hạnh phúc cho ai có cái để mà chờ đợi?
Có quãng thời gian tôi đến Thiền viện Vạn Hạnh liên tục mỗi sáng. Lũ mèo bắt đầu quen và một ngày, khi thấy tôi đến, chúng ùa ra, quanh quẩn bên ghế đá tôi ngồi một lúc rồi tản đi. Ban đầu tôi ngạc nhiên lắm, sau đó thấy vui vui. Tôi nghĩ về niềm vui ở cả hai phía của sự chờ đợi. Cũng như, cho và nhận luôn là hai điều hạnh phúc.

Thiền Viện Vạn Hạnh
Ở Lăng Võ Tánh thì tôi có cảm giác khác hơn. Lọt thỏm giữa chung quanh các ngôi nhà cao, không gian trầm mặc và yên tĩnh, thỉnh thoảng có tiếng bồ câu gù vọng lại từ bên kia bức tường là khu đất có nhiều tàn cây to. Người giữ lăng là một phụ nữ có tuổi. Vóc gầy, giọng nói nhỏ, nhẹ. Sáng nào chị cũng làm công việc quét dọn. Trên lối đi lát gạch đất sét nung, loại gạch tàu, nếu ngày nắng ráo, sân khô, hai tay chị cầm 2 cây chổi đót, quét chậm và sạch. Nếu sân ướt do có mưa tối qua, chị quét bằng chổi sương, một tay cầm chổi, tay cầm dụng cụ hốt rác, đến đâu gọn đến đó.
Thường, sau khi chào chị xong, tôi sẽ thắp một cây nhang nơi mộ rồi bắt đầu đi đúng 20 vòng trong khuôn viên. Vài người cũng có thói quen thắp một cây nhang như tôi, trong làn khói mảnh, mỏng bay lên, cảm giác rất ấm áp. Một điều khá hay là nơi đây đủ các loại hoa, có những cây rất lạ, tôi hỏi nhiều người mà chẳng ai biết tên. Chị giữ lăng nói với tôi rằng, hơn 20 năm trước chị đến đây, khu vực lăng chỉ có dừa và xoài. Thời gian dần trôi, chỉ còn vài cây dừa và một cây xoài cổ thụ mà nhìn cái gốc thật to, sần sùi, tán rộng của nó có thể đoán tuổi cả trăm năm. Sau, người khắp nơi viếng lăng mang cây đến trồng cho nên mới có đa chủng loại vậy. Tôi vừa ngửi thấy mùi nguyệt quế nồng nàn, liền đến là mùi hoa lài nhẹ bẫng và tiếp theo mùi hoa sứ trầm, sâu là hương ngọc lan mềm, ngọt…
Bởi có nhiều lựa chọn nên mỗi sáng, trước khi ra khỏi nhà tôi thường phân vân một chút mình sẽ đi tuyến nào.Có hôm tôi tham men theo đường dọc ray xe lửa, băng qua Hồ Văn Huê, ghé lăng Võ Tánh, thắp một cây nhang, nói câu chào với chị giữ lăng rồi đi tiếp qua công viên Gia Định, sau đó nghỉ chân ở ghế đá Thiền viện Vạn Hạnh. Lũ mèo ùa ra nhưng có chút dè chừng, nghi ngại. Tôi ngước nhìn lũ hoa vàng sáng lên trong nắng và cảm thấy lòng mình thật nhẹ. Dù biết chắc rằng, chút nữa đây, bước ra khỏi cổng tôi sẽ lọt thỏm vào dòng chảy âm thanh ồn ào bất tận của tiếng đời và tránh sao được tình huống (nếu có) khiến mình phải… sân, si?
ĐTTT