July – Tháng 7 đã được thêm vào niên lịch của La Mã để vinh danh Julius Caesar. Hơn hai ngàn năm qua, Julius Caesar vẫn là một trong những nhân vật vĩ đại của lịch sử. Ông là một nhà hùng biện quyền biến, nhà quân sự tài ba, nhà văn uyên bác, nhà chính trị lão luyện với lòng dũng cảm, trọng danh dự và nhiều tham vọng.

Julius Caesar – Getty Image
Caesar sinh ra trong một gia đình quý tộc đã suy tàn, nhưng ông là người khôn ngoan, mưu lược, bắt đầu là một linh mục và sau cùng đã trở thành vị tướng lừng danh của La Mã. Ông đã liên minh với các đối thủ của mình rồi quyền biến loại bỏ khi không còn lợi ích. Ông đứng lên hô hào đại diện cho dân nghèo với chủ nghĩa “Dân túy” và kêu gọi họ đoàn kết xây dựng một La Mã hùng mạnh.
Caesar không chỉ là một danh tướng thiện chiến, mà còn là một kiếm sĩ, một kỵ binh dũng mãnh, tài giỏi trên chiến trường. Ông khẳng định: “Để bảo vệ và phát huy quyền lực của một “đại đế”, cần có quân lính và tiền bạc, cả 2 đều phụ thuộc vào nhau: quân đội cần tiền và tiền kiếm được bằng vũ khí với sức chiến đấu của quân đội, nếu mất đi một trong 2 thứ, quyền lực sẽ không còn.
Khi lên nắm quyền, Caesar đã tổ chức, xây dựng hệ thống chính trị mới và cải cách nền Cộng Hòa La Mã, một biểu tượng ưu việt về văn học, nghệ thuật, luật pháp, chính trị và quân sự.
Caesar cho sửa đổi lịch La Mã thành 365 ngày, có 12 tháng thay vì 10 tháng. Văn học của La Mã chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn học Hy Lạp. Người La Mã tiếp nhận những thần thoại của Hy Lạp và biến đổi thành những vị thần, những vị anh hùng mang nguồn gốc và ý nghĩa trong đời sống dân gian, nghi lễ, tôn giáo và chính trị. Thêm vào đó, những sử gia cũng đã để lại những thành tựu quý giá, có ảnh hưởng lớn trong sử học thế giới.
Caesar đưa ra những đạo luật cải tổ nội các để gây thanh thế và đồng tiền La Mã có in hình của ông. Trong nội bộ tham chính, Caesar không ngần ngại trọng dụng nhân tài dù trước đó là đối thủ của mình, cẩn thận lọc lựa để củng cố quyền lực hơn là gây thù chuốc oán và ông đã cấp quyền công dân cho một số người nước ngoài. Ông đã thôi thúc kêu gọi toàn dân đoàn kết gây sức mạnh chống mọi kẻ thù và tạo nên một La Mã hùng mạnh nhất trong lịch sử.
Caesar nắm quyền bính tối cao trong tay, với tài hùng biện đã thuyết phục được một lực lượng quân lính dũng mãnh, kỷ luật và trung thành. Họ đã sát cánh cùng Caesar đi chinh phục các xứ lân bang như vùng Địa Trung Hải, Trung Đông, Châu Á, Tiểu Á, Bắc Phi, đội quân của “Đế chế La Mã” nổi tiếng là kỷ luật và “bất khả chiến bại”. Với những chiến công hiển hách, Caesar trở thành một đại đế quyền lực, như đã trợ giúp về quân sự để Cleopatra trở thành nữ hoàng của Ai Cập.
Caesar rất yêu quý binh lính nhưng cũng tàn bạo khi trừng phạt và nhất là với kẻ phản nghịch, ông từng ra lịnh chặt tay những người còn sống sót dù họ đã đầu hàng. Đóng đinh là hình phạt nghiêm khắc dùng cho tội phạm và nô lệ. Người bị kết án bị đánh roi, sau đó tự mang một thanh gỗ nặng gọi là Patibulum đến nơi tử hình. Tội nhân bị lột trần, trói bằng dây thừng rồi đóng đinh vào thanh gỗ, sau đó thanh gỗ được đóng sâu xuống đất. Tội nhân chịu đau đớn vài ngày cho đến khi kiệt sức chết.

Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra
Luật pháp của La Mã đã đóng góp lớn lao và ảnh hưởng nhiều đến hệ thống pháp lý của phương Tây và nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn như “The 12 Tables of Rome – 12 Bảng luật” là các nguyên tắc luật pháp của La Mã nhằm bảo vệ quyền lợi và danh dự cho mọi công dân, chống lại sự phán xét độc tài, độc ác của giới quý tộc và hạn chế quyền lực “Tuyệt đối” (Absolute power) của vua chúa. Những cải cách của Caesar dựa trên những đạo luật có trước đó và đã phát triển tạo nền móng vững chắc cho một trật tự xã hội khiến La Mã ổn định và tồn tại lâu dài, nền văn minh La Mã cũng ảnh hưởng lan rộng khắp vùng Địa Trung Hải.
Người La Mã tôn vinh những thành tựu quân sự “bách chiến, bách thắng” của Caesar, nhưng, về chính trị, thượng viện đã trở thành “chiến trường” cho các phe phái. Mặc dù những cải cách của Caesar đã nâng cao vị thế và quyền lực, nhưng cũng gặp phải sự bất đồng chính kiến, đố kỵ, ganh tỵ của một số chính trị gia, họ cho Caesar là một nhà độc tài đầy tham vọng.
Cuối cùng, vì tham vọng quá lớn, bành trướng quá nhanh, gây mất quân bình trong binh lính cũng như trong dân chúng. Sự phân chia quyền hành, phân biệt giai cấp, dùng bạo lực để cai trị, quan chức tham nhũng khiến xã hội nhiễu nhương. Tình hình rối ren, bất ổn, nội bộ chia rẽ bởi 2 phe: Quý tộc bảo thủ và Dân chủ.
Vào ngày 15 tháng 3 năm 44 trước Công Nguyên, Caesar đã bị ám sát bởi các thượng nghị sĩ phe quý tộc bảo thủ, bị đâm bằng 23 nhát dao găm. Cái chết của Caesar đã chấm dứt nền Cộng Hòa La Mã, mở đường cho Augustus lên ngôi hoàng đế.
Cuộc đời và cái chết đau đớn của Julius Caesar từ lâu đã trở thành đề tài của nhiều tác phẩm văn học, phim ảnh, và người ta cũng không quên câu chuyện tình vang bóng một thời của Caesar và nữ hoàng Ai Cập Cleopatra …
– The fall of the Roman empire – Sự sụp đổ của đế chế La Mã
– Alexander the Great – Alexander Đại đế
– Spartacus
– Cleopatra – Nữ hoàng Ai Cập
– Gladiator – Giác đấu La Mã
GVV