
Ngũ Hành Sơn
3 kỳ – kỳ 2
Quảng Trị & Đà Nẵng
Từ Huế, phe ta dùng đường bộ ra Quảng Trị, chỉ 60 cây số mà mất 2 tiếng mới đến Đông Hà, thị xã chính của tỉnh lỵ. Quê nghèo, hình như không có nơi nào nghèo hơn nữa, vậy mà người ta bảo rằng chưa đâu, ra Quảng Bình, Nghệ An, Đèo Ngang rồi mới …thấm? Đất khổ, những năm 2000, người ta vẫn còn kéo cày thay trâu bò, ruộng khô, đất cằn cỗi, làng mạc xơ xác. Bác nông phu và con trâu còm cõi như nhau, khuôn mặt cháy nắng nhẫn nhục. Ông ta nói rằng cuộc đời của ông ấy và gia đình dính liền với đất đai, bỏ không được, dứt không ra. Cầu Hiền Lương hồi ấy vẫn còn thô sơ, vạch đỏ giữa cầu chia cắt hai miền Nam Bắc vẫn mờ mờ dù đã bị sơn lại. Cổ thành Quảng Trị chỉ còn là một đống gạch vụn, vết thương chiến tranh vẫn còn hằn đậm nét. Trường học là một căn nhà mái tôn che vội, quán chợ không có gì. Cái câu “xứ chó ăn đá gà ăn muối” sao cay cực quá! Dế Mèn ghé Quảng Trị chỉ vỏn vẹn trong ngày rồi về lại Huế.

bãi biển Lăng Cô
Rời Huế, phe ta đi xe đò vào Hội An, vé xe đò 2 Mỹ kim mua tại tiệm ăn Lạc Thanh. Ngày hôm sau, xe đò đến đón tại khách sạn HG, đi lòng vòng trong thành phố cả 2 tiếng đón hành khách rồi mới khởi hành. Hành lý chất cao có ngọn đàng sau xe, hành khách ngồi băng ghế cuối hẳn là không vui vì lúc nào cũng ngay ngáy lo rằng hành lý sẽ đổ lên người. Chiếc xe đò nhỏ chỉ chừng 20 ghế ngồi, người ta kê thêm một băng gỗ giữa 2 hàng ghế và nhét thêm người cho ấm cúng. Hành khách ngồi chịu trận như cá mòi xếp trong hộp, có người được ngồi giữa tài xế và anh lơ xe. Lúc lúc, anh lơ xe đứng trên bậc thang lên xuống, đu mình ra ngoài cửa xe mở rộng, la lối bà con trên đường tránh chỗ cho xe chạy. Mấy tay ngoại quốc ngồi trên xe mắt nhắm chặt, chắc họ lầm bầm cầu nguyện, nhất là khi 2 xe đò đi vùn vụt ngược chiều tránh nhau vào phút chót!

Cổ thành Quảng Trị
Quốc lộ 1 nhỏ hẹp, bà con buôn bán bày hàng la liệt trên mặt đường và người đi lại. Quả là may mắn khi phe ta đến nơi bằng an, không gặp tai nạn, không hiểu xe tránh người hay người tránh xe? Dọc đường, xe ngừng tại bãi biển Lăng Cô cho bà con xuống xe ăn quà vặt, ngắm sông nước và duỗi chân cẳng cho bớt ê ẩm. Bãi biển cát mịn nước trong vắt chưa có vẻ gì ô nhiễm vào năm ấy. Quốc lộ 1 vòng đường núi, xe vượt đèo Hải Vân, mây trắng bay thấp, biển xanh một màu, phong cảnh thật hùng vĩ, những tấm ảnh chụp ở đây hẳn là rất đẹp.

Viện bảo tàng Champa
Xe dừng tại Đà Nẵng trước viện bảo tàng Chàm, tài xế giao hẹn là sẽ đón trong vòng 1 giờ. Thế là phe ta hối hả mua vé vào xem, Dế Mèn bị gọi là Việt kiều và phải mua vé dành cho người ngoại quốc. Viện bảo tàng còn giữ được khá nhiều cổ vật quý giá, khai quật từ những vùng lân cận. Mỗi phòng được đặt tên theo địa phương nơi tìm thấy cổ vật, phòng Đông Dương trưng bày những cổ vật từ trước thế kỷ X, nghệ thuật điêu khắc của Chàm dựa theo truyền thuyết Uroja (Quốc Mẫu) khởi đầu những triều đại của Chàm, họ thờ phượng Quốc Mẫu qua những bức tượng tạc hình núm vú. Sau thế kỷ X, văn minh Chàm biến hóa, có nhiều màu sắc của Ấn (Hindu), cổ vật tìm thấy đã có hình ảnh của thần Shiva (huệ nhãn, con mắt nhắm nằm giữa trán) và dương vật (linga, hóa thân của Shiva). Phòng Trà Kiệu còn đủ bốn mặt đá của bệ thờ từ thế kỷ thứ VII.

Bên trong viện bảo tàng Champa
Thờì giờ ít, Dế Mèn bỏ qua phòng Mỹ Sơn. Mong ngày nào có dịp trở lại xem tiếp! Bốn hôm sau, khi rời Hội An, phe ta vòng trở lại Đà Nẵng đón máy bay ra Hà Nội. Lần trở lại Đà Nẵng, đi sớm 2 tiếng, viện bảo tàng chưa mở cửa, tiếc hùi hụi, phe ta đi quanh thành phố. Nhà thờ chính tòa, bấy giờ vẫn còn con gà trên nóc, sân trường Thánh Tâm nằm sau hai cánh cửa đóng chặt. Dế Mèn về qua căn nhà cũ trên đường Lý Thường Kiệt, tạ ơn trời đất, đường vẫn còn tên cũ, không thì cũng chẳng biết làm sao mà tìm vì khi gia đình Dế Mèn sống ở Đà Nẵng 1 năm, năm ấy Dế Mèn 7 tuổi, còn nhớ được cái địa chỉ cũ là Dế Mèn phục… mình quá xá rồi! Rồi phe ta đi vòng qua đường Trần Quý Cáp tìm nhà hai con bạn thủa nhỏ, Thân, Thiết (không biết bây giờ hai chị em nó ở đâu?). Ngày ấy, băng qua một bãi cỏ rộng là giáo xứ Thanh Bồ Đức Lợi. Thế kỷ XXI khi trở lại Đà Nẵng, Dế Mèn không còn nhận ra nơi chốn cũ.

Nhà thờ chính tòa
Đến giữa trưa thì đến Non Nước, xe ngừng ở chân núi Ngũ Hành Sơn để tài xế nghỉ trưa. Hành khách tứ tán, mạnh ai nấy kiếm quán ăn trưa, phe ta ăn vội mấy quả chuối rồi mua vé vào xem hang động trong núi.

Vọng Hải Đài
Núi Ngũ Hành gồm 5 ngọn đồi tượng trưng cho 5 thể tượng trong trời đất, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Núi Ngũ Hành còn được gọi là núi Cẩm Thạch (Marble Mountains) vì họ phá núi, đào đất lấy ra những tảng đá để làm vật dụng. Ngọn Thủy Sơn nổi tiếng nhất, có nhiều hang động, đền thờ Phật nên phe ta chọn con đường dẫn lên núi Thủy Sơn xem trước và vì không đủ thì giờ nên bỏ qua những ngọn đồi kia, không hiểu hang động rộng hẹp xấu đẹp thế nào. Bắt đầu từ cửa Ông Chơn, ta leo đồi. Dưới thời đại Chàm, những hang động này nghe nói là đền thờ Hindu, những tượng Phật trong hang đá vẫn còn phảng phất nét tạc của Ấn (tóc quăn, sống mũi thẳng và cao); hẳn là những tượng thần Hindu được đẽo gọt lại trong thời Phật giáo hưng thịnh? Cũng như những đền đài bên Cam Bốt, Angkor Wat, thời đạo Hindu cường thịnh, thành quách thờ phượng có hình ảnh của Shiva, Visnu, tượng nữ thần mình trần, vú lớn… Khi đạo Phật trở thành quốc giáo, người ta hạ bệ những pho tượng Hindu, bây giờ vẫn còn nhiều pho tượng gãy tay, bể đầu mặt bị vạt đến bằng phẳng trong vùng Angkor, và khi đạo Hindu trở lại Cam Bốt, những pho tượng Phật lại bị vạt mặt và đem chôn, vậy mà gần đây người ta lại tìm ra một số tượng Phật còn nguyên vẹn tại Siem Reap.

Động Huyền Không
Ghé chùa Linh Ứng, trong chùa Linh Ứng có một pho tượng đặc biệt có cái lưỡi khổng lồ, không hiểu là thờ phượng linh thần nào. Vị nào quê quán ở đây cho vài câu dẫn giải? Đám con nít đi theo tình nguyện làm người dẫn đường nói thiên hộ bát sát, bảo là tượng Ông Chơn, nhưng Ông Chơn là ai, tại sao được thờ phượng thì chẳng biết??? Qua động Tàng Chơn, cũng có những tượng Phật bằng xi măng đặt rải rác. Theo con đường chính phe ta leo đến Vọng Hải Đài, từ đó, Dế Mèn thấy bãi biển Non Nước và xa hơn, biển Nam Hải (South China Sea). Qua hang Vân Thông, nóc hang có những khoảng trống, không biết nhân tạo hay thiên nhiên, ánh sáng mặt trời chiếu lỗ chỗ trên vách. Những hang động khác trong Thủy Sơn cũng có những lỗ hổng thiên nhiên như thế, động Huyền Không mở ra cả bầu trời xanh. Những năm trước đây nghe nói những hang động này là những bệnh viện dã chiến của quân đội Bắc Việt, được người địa phương che giấu, ngay cả trong khi quân đội Mỹ trấn đóng quanh vùng và sử dụng bãi biển Non Nước, Mỹ Khê làm nơi dưỡng quân. Nghe người ta khoe khoang thành tích cách mạng, Dế Mèn tức nổ đom đóm hai con mắt.

Động Vân Thông
Dưới chân núi cả một thôn làng làm nghề tạc đá cẩm thạch, những pho tượng, vật dụng như chén bát, khay tách trà đẽo gọt bằng đá trông lạ mắt nhưng ngán một nỗi khênh đá nặng nề, Dế Mèn chỉ mua mấy cái vòng đeo tay, màu đá ngà ngà có vân nâu đỏ rất đẹp. Qua đến Hà Nội, bỏ quên lại khách sạn không mang về Mỹ, quả là vô duyên lắm!

Làng đá mỹ nghệ Non Nước
(còn tiếp 1 kỳ)