Thu nhặt là hành động thường thấy trong mọi lứa tuổi, trẻ cũng như già nhưng thu nhặt đến mức nào thì hành động này trở thành nỗi ám ảnh ảnh hưởng đến đời sống?

Thói quen thích mua sắm, thích dùng sản phẩm mới là các yếu tố đầu tiên của việc thu nhặt. Thấy món gì hay mắt là người ta ưa thích và muốn rinh về làm của riêng mà nhìn ngắm cho mãn nhãn. Có món dùng được và cũng có món chỉ để ngó, bất kể sản phẩm nào. Vật dụng nhà bếp ư? Cái máy xay thịt mua hồi nẳm vẫn đang sử dụng bỗng dưng … lỗi thời vì công ty nọ đang quảng cáo một cái máy xay thịt mới, nhiều công năng hơn, màu sắc đẹp hơn và nhất là đang giảm giá kha khá. Thế là bà nội trợ kia rinh về món hàng mới. Bây giờ thì bếp nhà có 2 cái máy xay thịt; cái cũ vẫn xài được mà vứt đi thì phí quá nên “nó” bị đưa vào một xó để lấy chỗ trên quầy nhà bếp mà chưng cái mới, nhiều công năng lắm nhưng dường như sẽ chẳng bao giờ dùng đến?

Ta thỉnh thoảng chỉ xay ít trái cây làm nước sinh tố, thịt xay thì vẫn mua từ chợ thực phẩm công đâu mà xay cho mệt nên công dụng vừa xay thịt vừa giữ mát cho máy nào có ích lợi chi? Cứ như thế, ta thu nhặt hết món này đến món khác từ đồ gia dụng đến quần áo, giày dép… và tổ ấm mỗi ngày một …ấm hơn vì chất chứa quá nhiều đồ đạc, chẳng còn khe hở nào để không khí lọt qua!?

Thu nhặt là thói quen nhưng khi nhà cửa hết chỗ chứa thì thu nhặt trở thành “hoarding”, danh từ thường thấy trong ngành tâm lý học. “Hoarding disorder” hay chứng “thu góp thái quá” được định nghĩa là bị thôi thúc thu góp và không thể vứt bỏ vật dụng, những thứ không cần thiết. Bá tánh nhiều người dù chưa … đạt mức “bệnh tâm thần” nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày vì cất giữ quá nhiều vật dụng.

Chứng thu góp thái quá (“clinically severe”) dẫn đến sự bừa bãi, một chỗ ở dơ bẩn khi không thể dọn dẹp, giữ vệ sinh tối thiểu và ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân lẫn những người chung quanh.

Xem thêm:   Đảo Quốc Xanh Greenland

Những yếu tố nào dẫn đến việc thu góp nhặt nhạnh hay “thu nhặt”?

Cất giữ vật dụng có tính cách kỷ niệm, gợi nhớ một kinh nghiệm đẹp, một thủa đời êm đềm hoặc vật dụng “có thể dùng được” trong tương lai nên không muốn vứt bỏ là các thói quen, ý nghĩ  thường thấy trong mỗi con người. Càng nhiều tuổi đời, vật dụng tích lũy càng nhiều ngay cả những người luôn di chuyển vì công việc. Thấy món gì lạ mắt, bất kể công dụng, là rinh về để ngó, để làm … kỷ niệm, và để khoe với bạn bè và tài năng nhìn ra “của lạ”?! Vật dụng nào cũng có thể trở thành bộ sưu tập hoặc đồ cổ [mai sau].

Tựu trung vẫn là khái niệm “làm giàu”, tích lũy tiền bạc trong ngân hàng / cổ phiếu hay sưu tập vật dụng hầm bà lằng cũng từa tựa như nhau, cũng là việc “làm chủ”, sở hữu của cải, và càng nhiều của cải, vật chất cũng như tinh thần, thì ta càng [cảm thấy] giàu có. Nghĩ đến đây thì phe ta chạnh lòng lắm lắm, nghĩ ngay đến việc mình đang bo bo cất giữ sách vở. Chao ôi, lần dọn nhà lớn nhất cách đây hơn chục năm, Dế Mèn đã phải ì ạch khiêng ra thư viện địa phương những thùng sách to đùng, sách giáo khoa từ trường Y, rồi trường Luật cuốn nào cuốn nấy bìa cứng, nặng đến cả ký lô… cất giữ từ thủa còn đi học. Mãi đến năm ấy mới chịu chia tay mà lòng đau như cắt, buông bỏ sách vở cũ mà tiếc đứt ruột.  Không biết tiếc cái chi, bây giờ nghĩ lại phe ta vẫn lắc đầu tự hỏi. Sách vở không dùng nữa thì tiếc làm gì? Hay là phe ta thuộc típ người tồn cổ? Thuộc nhóm “hoarding”?

Câu nói trứ danh của bà Marie Kondo chuyên nghề “sắp xếp” thu gọn vật dụng [và nếp sống] “món gì không còn mang lại niềm vui thì ta nên cám ơn và nói lời chia tay”… xem ra không áp dụng được với phe ta vì mấy cuốn sách giáo khoa nọ, dù nằm trên kệ sách được phủi bụi hằng tuần và chẳng mấy khi rớ đến, chỉ ngó …gáy sách thôi là Dế Mèn đứng ngẫm nghĩ rồi cười toe nhớ đến những mẩu chuyện… hồi nẳm. Như cuốn Cơ Thể Học gáy xanh trời khiến phe ta nhớ đến mấy người bạn cùng mổ xác, Anatomy Lab partners, suốt một lục cá nguyệt, chiều nào cũng hè nhau hì hụi; lúc ra về đứa nào cũng sũng mùi formaldehyde hôi rình từ đầu đến chân! Đại khái là sách vở cũ vẫn đem lại niềm vui đấy chứ? Vậy mà đành lòng buông bỏ!

Xem thêm:   Những con người vĩ đại Elisabeth Kübler-Ross

Trở lại với chứng thu nhặt, Dế Mèn lan man xa quá đi rồi. Theo các chuyên viên tâm lý, việc gia tăng tuổi tác của con người, não bộ thêm già nên khả năng phân tích tiết giảm, không còn nhạy bén nhậm lẹ so với người trẻ, nên gặp khó khăn khi cần quyết định việc nhỏ cũng như việc lớn. Nghĩa là chần chừ, cù cưa khi phải quyết đoán sự việc chung quanh, vứt bỏ vật dụng không sử dụng nữa cũng không ngoại lệ (?!). Mỗi sự việc thường xem ra đi kèm với hay / dở và khi phải lựa chọn, quyết định là lòng dạ băn khoăn, bần thần, nôn nao khó chịu. Nôm na là “anxiety”. Đừng quyết  định nữa cho xong!? Thế là ta cứ thu nhặt, chẳng mấy chốc mà nhà cửa đầy ứ từ trong ra ngoài, không còn cả lối đi, và nghiễm nhiên trở thành “hoarding” lúc nào không hay!

Những vật dụng cỡ lớn, chiếm nhiều chỗ dường như khó vứt bỏ? Vì “lỗ hổng” để lại dễ thấy, dễ cảm nhận chăng? Chẳng thế mà khi được phỏng vấn “khi có 15 phút để chọn lựa, ông / bà sẽ vứt bỏ thứ gì?” thì hầu hết người già đều trả lời rằng sẽ soạn qua giấy tờ, thư từ cũ. Tạm hiểu là công việc [nhẹ nhàng] đọc lại, xem xét thư từ mang lại ít nhiều niềm vui, và vui vẻ xong thì vứt bỏ vì các món ấy thường nằm kín trong tủ, không gợi đến sự trống vắng thiếu thốn!?

Với những tay thu nhặt [thành bệnh] thì việc vứt bỏ đến từ lòng “tương thân”, altruism. Họ cất giữ vật dụng lớn nhỏ vì nghĩ rằng chúng có thể hữu dụng cho người khác, và khi thuận tiện sẽ mang ra tặng bá tánh; hoặc giả vì không nỡ làm ô uế môi trường chung quanh với vật dụng đã cũ của mình?! Nhưng câu nói thường nghe nhất vẫn là “món này từ ông bà cha mẹ tôi, kỷ niệm thân ái lắm!”, nặng trị giá tinh thần.

Xem thêm:   Không nói nhưng vẫn “nói” ngôn ngữ của cơ thể

Hình như con người cũng như… vật dụng đều có một thời. Một thời để nâng niu, trân quý hoặc sử dụng và một thời để … mất dấu. Vòng tròn của đời sống vẫn là cát bụi!

Ngẫm nghĩ như thế nên ta cần tìm cách giải quyết những thứ không còn hữu dụng nữa (?) và bắt đầu từ việc thẩm định “trị giá”. Cái bàn kia chiếm bao nhiêu không gian trong căn nhà xem ra mỗi ngày một chật hẹp? Ta dùng nó vào việc gì? Có thường xuyên không? Phương pháp đối phó với vật dụng dư thừa của chuyên viên tâm lý cũng từa tựa như cách giải quyết của bà Kondo. Đại khái là vật dụng kia ảnh hưởng như thế nào với chủ nhân và từ đó, khuyên can, khuyến khích người thu nhặt buông tay với những vật dụng cũ. Nhìn đến tương lai thay vì ngó lại ngày đã qua và mục đích của ta là gì? Chấp nhận sự suy yếu của tuổi tác và bằng lòng với một không gian “vừa đủ” chung quanh? Tha lôi những món dư thừa cồng kềnh và nặng nề khiến ta khó lòng cảm thụ hạnh phúc của sự đơn giản!

Hãy cho đi chiếc áo dạ hội để người khác có thể sử dụng (theo lòng “tương thân”). Hãy tặng lại món di truyền của gia đình cho một thân nhân khác (chia sẻ kỷ niệm)… Cứ như thế mà chuyên viên tâm lý giúp người thu nhặt thái quá vứt bỏ bớt các gánh nặng tinh thần cũng như vật chất để không gian sống rộng rãi và thoải mái hơn!

Gửi người bạn trẻ đang tìm kiếm sách vở cũ: Bạn ta, Dế Mèn có trên ngàn cuốn sách, có vài tựa trong danh mục tìm kiếm của bạn nhưng hôm nay thì chưa sẵn sàng gửi quà tặng. Sẽ có một ngày, phe ta động tâm đủ để buông tay và khi đó, hy vọng rằng ta vẫn còn duyên với nhau!

TLL