Trước đây 15 năm, tôi có lần đi lang thang Sài Gòn và ghé vào một siêu thị mini, thực tâm mà nói, lúc ấy tôi cứ ngỡ như mình đang đi vào một thế giới của phương Tây xa xôi nào đó, bởi ở quê tôi, một xã nghèo nằm gần thị trấn nhỏ, đâu biết siêu thị là gì, đặc biệt là siêu thị mini. Thế rồi trong một thời gian ngắn, ở quê bỗng xuất hiện hàng trăm hàng quán, từ tạp hóa đến siêu thị mini, và nhà sách cũng có phần đổi khác. Thế nhưng trong hàng trăm các siêu thị mini, nhà sách và tạp hóa mọc lên như nấm ấy lại thiếu cái chất mà các quán nhỏ thời xưa có được, đó là Tình Người.

Nhà sách nằm dài giữa muôn vàn hàng quán, tìm chút không khí xưa cũ e rằng khó
Tình người ở đâu?
Thường thì đến quán, đến tạp hóa hay đến siêu thị, nhà sách chủ yếu là mua, thuận mua vừa bán, tôi mua cái tôi cần, anh/chị bán cái đang có, vậy tình người chen vào đây làm gì? Ngày xưa, khi tình người còn sâu đậm, con người sống có trách nhiệm với nhau, sợ tha nhân bị đau ốm, khổ sở do mình gây ra cho nên dù có được ăn vàng mà cảm thấy thứ mình bán không an toàn thì các chủ quán không bao giờ chọn bán, người sản xuất cũng không bao giờ dám làm, hoặc làm một cách cẩu thả.
Tôi nhớ gần nhà tôi có quán bà Thành, bà bán thuốc lá, rượu, kẹo đậu phụng, dừa miếng và một số thứ lặt vặt như gương, lược, dầu ăn, nước mắm, cứ mỗi lần múc dầu phụng hay rượu, bà dùng cái muôi nhỏ xíu múc và đổ vào chai không cần phễu, bà tuy già nhưng có độ chính xác thuộc hàng thượng thừa, không có giọt nước mắm, dầu hay rượu nào bị trét (rơi vãi) ra ngoài.
Gần quán bà Thành có quán bà Tư, bà Phương cũng bán các thức quà tương tự bà Thành nhưng giá hơi mắc hơn nên người ta đến quán bà Thành là chính. Nhưng quan trọng hơn cả, quán bà Thành có được cái lý lịch trong veo, tức con cái không có ai làm quan chức hay cán bộ, còn quán bà Tư và bà Phương thì có con đi làm cán bộ tỉnh, cán bộ huyện nên người ta né. Đó cũng là cái biểu hiện tình người, người ta kháo nhau rằng bà Thành nghèo hơn hai bà kia.
Thời đó, mọi thức quà bán đơn sơ nhưng nó là hàng Organic, hàng sạch, xanh, không trồng hay sản xuất trong môi trường ô nhiễm, không dùng thuốc trừ sâu từ Trung Quốc và cũng chẳng mấy ai bơm thuốc trừ sâu, mọi thứ đều an toàn, chủ quán chỉ cần nghe nói đồ chỗ đó không ổn thì không mua bán.
Thế rồi không bao lâu sau đó, các quán tạp hóa kiểu hiện đại thay thế những quán hàng quê (tức quán nhỏ xíu, để cái tủ gỗ chứa các thức hàng, bên trong treo một bịch bánh tráng nướng, để hũ rượu, vài xâu thuốc lá, vài gói thuốc, vài bịch kẹo, vài chai nước mắm… Trước quán là cánh cửa sập, sáng ra chống lên, tối lại sập xuống, thời chưa có điện, quán thắp đèn dầu tù mù), quán bà Thành trở thành chỗ “lạc hậu”, chỉ vài người ghé.
Trong một xóm nhỏ, có đến vài ba tạp hóa như vậy, có đủ các mặt hàng, ra đường cái quan thì có thêm các siêu thị mini, ra thị trấn thì cơ man siêu thị mini, đủ các mặt hàng, từ thức ăn làm sẵn cho đến trái cây ngoại nhập, hoa củ quả nội địa và các loại đậu, bánh kẹp, sữa, đường… Thường thì người ta tin vào siêu thị mini hơn tạp hóa, bởi người ta tin rằng siêu thị mini luôn chọn các loại hàng sạch, có gốc gác hẳn hoi để giữ uy tín thương hiệu, nó khác với tạp hóa cứ mua các loại hàng trôi nổi trên thị trường về bán, nhất là các loại bánh kẹo, bim bim chở bằng xe gắn máy đi khắp nẻo, rồi bánh kẹo Trung Quốc các loại…

Mặt hàng tạp hóa đa dạng, nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, bia rượu là không thể thiếu ở các quán tạp hóa khắp mọi miền Việt Nam
Siêu thị có “siêu”
Thế nhưng rồi siêu thị cũng có chuyện. Như việc gần nhà tôi khai trương một cửa hàng Bách Hóa Xanh, hôm đó, tôi ghé mua ít sữa về cho con. Khách đông quá, lấy được ít sữa là tính tiền rồi lật đật chạy về. Về tới nhà thì mấy lốc sữa có tới hai lốc bị chảy và lên mốc xanh. Mới khai trương mà hàng đã vậy rồi thì về lâu về dài sẽ ra sao, nên tôi cũng chẳng buồn ghé thêm lần nào nữa. Chưa đầy tuần sau đó, câu chuyện về giá đỗ (giá đậu) của siêu thị này lên khắp mặt báo. Siêu thị Bách Hóa Xanh, một chuỗi siêu thị có mặt từ Nam ra Bắc, khắp các nơi, lên đến gần hai ngàn chi nhánh đã tiêu thụ giá đỗ có sử dụng hóa chất độc hại, họ đã bán loại giá đỗ này rất lâu, cho đến khi bị phát hiện.

Nhiều tạp hóa thời nay còn bày bán thêm thực phẩm tươi, trái cây
Nhớ những nhà sách xưa
Nói tới nhà sách xưa, rõ ràng đầu sách và mức độ hiện đại, cơ sở hạ tầng không bao giờ bằng nhà sách bây giờ, thế nhưng khi nói về các nhà sách xưa, người ta bắt gặp cái hồn của sách vở, cái tình người thơm tho bút mực và tri thức, những điều ấy chẳng thể nào dùng vật chất mà thay thế được.
Một nhà thơ thuộc thế hệ “xưa cũ”, từng có thơ in trên Tạp chí Bách Khoa, Mai và nhiều tạp chí văn học trước 1975 ở miền Nam, nói với tôi rằng:
– Ngày xưa, mỗi khi đến nhà sách giống như một lễ hội, ở đó mình có thể bắt gặp được các vị thần tiên của mình, họ giấu mình trong các cuốn sách, họ là những vị khai minh cho mình. Anh hồi đó nghèo, nên hay tới nhà sách để đọc cọp (tức ngồi đọc tại tiệm chứ không mua sách). Dẫu đọc ké nhưng anh không bao giờ chôm sách, vì đã ham đọc sách ít ra đã là một dạng có chút văn hóa, văn minh.
– Sách là văn hóa nhưng tại sao người đọc sách lại chọn sách lậu, hiện tượng sách lậu thì sao anh?
– Đồng ý với em, thời nào cũng có những cuốn sách lậu, nhưng em nên nhớ đó là những cuốn sách bị chính quyền cấm phát hành, những cuốn sách lậu chở một lượng tri thức lớn lao, giúp con người mở rộng tầm nhìn. Còn sách giáo khoa mà in lậu thì nó chỉ cho thấy một sự mục ruỗng, bệ rạc và tệ hại của nền giáo dục… không chỉ giáo dục mà mọi thứ!

Bán thêm chút đồ ăn, vừa kiếm thêm lời, vừa giữ tình người khi gặp người khó thì bán rẻ hơn
– Mọi thứ là những thứ gì?
– Từ thức ăn ở các tạp hóa cho đến sách vở và các nhu yếu phẩm, hầu như thật giả lẫn lộn. Anh từng chứng kiến một nhóm cán bộ y tế đi kiểm định phẩm chất thực phẩm ở một cửa hàng tạp hóa, và thấy cô cán bộ y tế hỏi chủ tạp hóa rằng ‘cái này ghi như vậy hỉ… cái kia ghi như vậy nhé… cái nọ ghi như vậy nha…’, xong thì chốt biên bản, mọi thứ đều tốt, đều hoàn hảo cả…
– Như vậy chẳng còn gì thú vị ở các tiệm tạp hóa sao?
– Cũng có, nhà sách cũng vậy, mấy cái siêu thị nhỏ nhỏ quanh đây cũng vậy, vẫn nơi giữ lại chút tình người, những người bán thuê ở các siêu thị mini, họ cũng có tâm lắm, các chủ cửa hàng tạp hóa ở quê cũng cố gắng giữ lại những nét xưa, thậm chí có nhiều cửa hàng trộn những món ăn nhẹ như tai mũi heo hay đu đủ để bán giá mềm cho khách.
Tôi lan man nghĩ, như vậy vẫn còn những hương xưa, hồn cũ lẩn khuất đâu đây trong bầu không khí ngột ngạt hôm nay, nó phảng phất, mơ hồ nhưng vẫn luôn hiện hữu trên vùng đất miền Nam rộng lượng và ấm áp, đó là Tình Người.

Những poster giảm giá của siêu thị được in ra phát hoặc gửi trực tiếp đến khách hàng thông qua mạng xã hội
UC