Ngày của Mẹ bắt nguồn từ Hoa Kỳ do Anna Jarvis khởi xướng. Buổi lễ đầu tiên được tổ chức vào ngày 10, tháng 5, năm 1908, tại Nhà thờ St. Andrew, Grafton, West Virginia. Ý tưởng này nhanh chóng lan rộng và đến năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson đã chính thức tuyên bố ngày Chủ Nhật tuần thứ hai của tháng 5 được tổ chức hàng năm là Ngày của Mẹ trên toàn quốc.

Từ đó, các nước Canada, Anh, Úc, bắt chước Mỹ tổ chức Mother’s Day từ những năm 1920, cũng vào Chủ Nhật tuần thứ hai của tháng 5. Mother’s Day năm nay rơi vào Chủ Nhật, ngày 11, tháng 5, năm 2025. Tại Melbourne và khắp nước Úc, đây là dịp để trẻ em có thể tự tay làm thiệp ‘hand-made’ trong lớp học hoặc ở nhà. Làm xong, viết ngoằn ngoèo xấu hoắc như Cống Quỳnh vẽ con trùn để tặng mẹ, bày tỏ lòng biết ơn đã 9 tháng mang nặng đẻ đau. Đẻ con ra cho con quậy mát trời ông Địa, cà khịa thôi hết biết mà mẹ không rầy một tiếng. Mẹ nói hồi nhỏ tui cũng cà khịa như vậy mà má tui cũng đâu có rầy rà gì đâu he?

(Nhớ hồi mới qua, mấy thằng Úc thấy chữ tui viết như gà bới nhưng tụi nó le lưỡi thán phục, tưởng tui là người ở cõi trên)

Còn con lớn mơ mộng, màu mè, mộng mị, mơ màng thì tặng hoa cẩm chướng, hoa hồng kèm theo thiệp Happy Mother’s Day, giấu vợ nhét thêm vô 5, 6 trăm đô. Đứa nào có tâm hồn ăn uống mà tối ngày cứ ăn cơm nhão với nước mắm kho quẹt vì con vợ nó không biết nấu, nhân Mother’s Day dẫn mẹ, dẫn ba đi nhà hàng Tàu Gold Leaf ở Sunshine (Kim Diệp, nhà hàng bán ‘dim sum’: há cảo, xíu mại, bánh bao, chân gà hấp tàu xì, bánh cuốn tôm… mà tên giống tiệm vàng Kim Thành đường Lê Thánh Tôn hồi năm nẳm) ăn để mình được ăn theo. Chớ mẹ già như chuối chín cây, gió đong đưa rụng cái bịch, ăn uống đâu có bao nhiêu?

Tổng thống Woodrow Wilson đã chính thức tuyên bố Ngày của Mẹ. (iStock/Getty Images, File)

 

Xem thêm:   Lest we forget!

Má tui mất như quê tui Miền Nam mất đã lâu rồi. Giờ đây, mỗi dịp Mother’s Day, tui không còn má để tặng hoa, hay tặng quà, tặng tiền cho má ăn hủ tiếu. Nhưng tui vẫn có má trong lòng. Tui viết bài này gởi lên trời cho má. Nhớ má lắm!

Tui nhớ lõm bõm vài đoạn trong bài “Xe Trâu” của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà: “Từ Đông Hòa má sang Đông Thái / một chuyến sang đò: chuyến biệt ly / Giọt nước lìa nguồn sa bến đục / Bông tràm rơi trắng bước vu quy…/ Chín tháng con nằm trong bụng mẹ / chắc nghe mẹ khóc lúc mang thai / nên con của mẹ thành văn sĩ / biết khóc từ khi chửa hiểu đời… / Xe trâu cót két. Cót két xe trâu / Bánh xe nằng nặng in sâu lối mòn / Tay cầm vàm nhỏ / tay nọ ẵm con /  Nắng vàng Xẻo Đước / Con trâu khát nước, thở dốc từng cơn / Bánh xe nghiến nát cốt mòn / Nát thân không nát nổi hồn mẹ quê / Mồ hôi tưới khắp đường xe / Thân gầy sức yếu, đường về xa xôi.

Rồi Hiệp định Genève đình chiến ngày 20 tháng 7 năm 1954, ông Kiên Giang, nhà ở làng U Minh Thượng, Rạch Giá lên Sài Gòn kiếm sống và sống khỏe re như con bò kéo xe nên ông viết: “Làng cũ sau ngày binh lửa dậy / con không về nữa xóm Điền Trên / Đông Yên làng cũ xa xăm quá / Mờ vết xe trâu bóng mẹ hiền.”

Xem thêm:   Châu Minh Nhạn

Còn tui, ngày tàn binh lửa, khi CSBV chiếm được Miền Nam, má tui đưa tui ra ngã ba sông để tui lên thuyền vượt biển vì: đất lành, quê, giờ là đất dữ / Cải tạo xong, an phận không xong / Đành phải chịu, nén lòng vượt biển / Đưa con buồn, vàm, ngã ba sông / Vào chỗ chết tìm ra chỗ sống, tử biệt buồn hay nỗi sanh ly?/ Thuyền ra biển, trùng trùng biển sóng / Vỗ ngàn sao – dõi mắt con đi.

Tháng Tư lại về trên quê người viễn xứ, tui nhớ: đêm ác mộng nhớ ngày năm cũ. Đưa con buồn, vàm, ngã ba sông. Xót má xa con, trời vần vũ. Đêm mịt mùng má sợ bão giông. Tui bỏ má tui, tui đi; vì trong gông cùm Cộng sản áp bức, tui không sống nổi nữa. Tui đi và đi được trong khi cả trăm ngàn bà con mình bỏ mình trong sóng nước Biển Đông. Tui vẫn biết quê hương tui, nơi có má của tui, vẫn như ngọn đèn chong mắt đăm đăm đợi tui về.

Bà Anna Jarvis

Đi hết biển, tui học được một điều là tình mẫu tử thiêng liêng lắm. Tình mẫu tử là ân sủng Thượng Đế ban tặng cho muôn loài, kể cả loài người và loài vật.

Câu chuyện bi thảm về tàu Titanic, một con mèo tên Jenny trú ngụ trên tàu để bắt chuột. Chỉ vài ngày trước khi tàu Titanic khởi hành từ Southampton đến New York, hành vi của Jenny bồn chồn như cảm thấy thảm kịch sắp xảy ra. Cô nắm lấy gáy đám mèo con và mang chúng lên bờ. Jim, người thủy thủ chăm sóc mẹ con Jenny, đứng đó nhìn và suy đoán. Jim lặng lẽ rời khỏi tàu. Tình mẫu tử của con mèo đã cứu sống ông.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi?

Rồi ngọn đèn chong mắt của người mẹ Hoa Kỳ chờ con từ nơi chém giết trở về. Con trai bà đã ra đi cùng Trung đoàn Bộ binh số 10 của Tennessee. Đó là 3 năm trước. Những bức thư đã từng đến. Rồi thưa dần. Rồi im lặng. Nhưng bà vẫn chờ. Đó là mùa xuân năm 1865, tiếng những khẩu đại bác thưa dần. Ở rìa một cánh đồng Tennessee, một bà mẹ đứng trên hiên nhà với chiếc đèn lồng. Mỗi đêm, bà lại thắp sáng nó và chờ đợi. Bà quàng chiếc khăn choàng khi tiễn con ra mặt trận. Người con trai đó đã hôn mẹ chào tạm biệt. Đôi tay bà run không phải vì lạnh, mà vì hy vọng đã trở nên mong manh. Mỗi tiếng vó ngựa khiến tim bà đập mạnh. Mỗi bóng người thấp thoáng trên con đường khiến bà nín thở. Hàng xóm bảo bà nên từ bỏ. Chiến tranh đã kết thúc. Những chàng trai còn sống sót đã trở về. Nhưng con trai bà thì chưa thấy tăm hơi. Và mẹ vẫn thắp đèn ra sân đợi. Mỗi chiều tà. Mỗi bình minh.

Cho đến một ngày: đứa con của mẹ trở về. Chân tập tễnh, người gầy gò, mang theo những bóng ma trong lòng. Nhưng con còn sống. Bởi vì ánh đèn ấy chưa bao giờ lịm tắt.

Má tui – má của một người từng mặc áo lính – là ngọn đèn của đời tui: ngọn đèn chưa bao giờ lịm tắt, dẫu đã bao năm.

ĐXT