Bird flu, H5N1 avian influenza hay cúm gia cầm đã xuất hiện tại vùng Bắc Mỹ từ năm 2022, gây bệnh cho gia súc, chim trời và cả con người. Tính đến hôm nay, khoảng 70 người nhiễm bệnh từ gia súc (chưa có trường hợp lây bệnh giữa con người), tuy nhiên việc lây lan cúm gia cầm giữa con người chỉ là thời gian sớm muộn mà thôi!?

Dưới đây là bản lược dịch đúc kết từ cuộc hội luận của các chuyên viên trong tổ chức Massachusetts Consortium on Pathogen Readiness, hay MassCPR. Chủ tọa là ông Bruce Walker, director of the Ragon Institute of Mass General, MIT, và Harvard; thành viên của ban điều hành MassCPR. Các chuyên viên khác bao gồm Robert Goldstein, Massachusetts Department of Public Health Commissioner; Jacob Lemieux, giáo sư phụ khảo ngành bệnh truyền nhiễm tại Massachusetts General Hospital; Jeremy Luban, giáo sư sinh hóa tế bào (molecular medicine, biochemistry & molecular biotechnology) tại UMass Chan Medical School; Jonathan Runstadler, giáo sư khoa trưởng phân khoa bệnh truyền nhiễm và Y tế toàn cầu tại Cummings School of Veterinary Medicine, Tufts University; và Kathryn Stephenson, giáo sư ngành bệnh truyền nhiễm tại Beth Israel Deaconess Medical Center.

Đề tài: Cúm gia cầm hiện nay chỉ là một hiện tượng không đáng kể hay chúng ta đang đối diện với lúc khởi đầu của một trận dịch toàn cầu?

Hỏi: Ta biết gì về lịch sử và sự chuyển biến của các siêu vi khuẩn [gây] cúm, đặc biệt là H5N1?

Ông Luban: Siêu vi khuẩn cúm gây tử vong cho cả mấy trăm ngàn người thế giới mỗi năm, trong trận dịch toàn cầu, cả chục triệu người đã chết vì nhiễm bệnh. Khi cúm lan từ người này sang người khác, siêu vi khuẩn [gây bệnh] biến thể (mutation), vì thế ta cần cập nhật thuốc chủng ngừa [cúm] hằng năm. Đôi khi, một sinh vật bị nhiễm bệnh từ 2 chủng siêu vi khuẩn cúm; trong trường hợp ấy, siêu vi khuẩn “trao đổi” di tính và tạo ra một chủng siêu vi khuẩn mới. Hiện tượng này xảy ra dẫn đến trận dịch cúm toàn cầu năm 1918.

Năm 1996, một chủng H5N1 [với khả năng gây bệnh dễ dàng] xuất hiện trong chim chóc tại Hoa Lục; ngay sau đó con người nhiễm bệnh. Siêu vi khuẩn biến thể nhanh chóng khi lan truyền trong chim chóc, và các loài chim thiên di mang căn bệnh đi khắp nơi. Cúm gia cầm đến vùng Bắc Mỹ vào năm 2014, gây bệnh tật tại nhiều nông trại Hoa Kỳ; các trận cúm gia cầm ấy đã được trừ khử tương đối nhanh chóng và chủng siêu vi khuẩn nọ biến mất. Đến năm 2024, ta có khoảng 1,000 người bị cúm gia cầm tại nhiều nơi trên thế giới, tỷ lệ tử vong là 50%.
Năm 2022, một chủng H5N1, tên khoa học “2.3.4.4b”, xuất hiện tại Bắc Mỹ và lan truyền trong gia súc cũng như thú hoang. Suốt năm vừa qua, chủng siêu vi khuẩn này đã lan sang bò sữa.
Nói chung, H5N1 với khả năng biến thể nhanh chóng đã chứng minh rằng siêu vi khuẩn này có thể lan truyền khắp nơi, qua nhiều loài chim chóc và cả các loài gia súc [như bò, mèo]. Hiện tượng nhiễm cúm gia cầm của bò sữa là một sự kiện mới và ta chưa ước đoán được các hệ quả. Chúng tôi tiếp tục theo dõi mức lan truyền của chủng siêu vi khuẩn này sang con người; các trường họp cúm kể trên đều nhẹ. Ta chưa thấy dấu hiệu của việc truyền bệnh cúm gia cầm từ người-qua-người nhưng đã có việc lan truyền từ người qua mèo. Nghĩa là con người có thể truyền bệnh cúm gia cầm!

Xem thêm:   Không nói nhưng vẫn “nói” ngôn ngữ của cơ thể

Hỏi: H5N1 ảnh hưởng đến con người ra sao?

Bà Stephenson: Trước đây, các chủng siêu vi khuẩn H5N1 có ảnh hưởng rất nặng nề, đó là lý do tại sao ta lo âu. Suốt năm vừa qua tại vùng Bắc Mỹ, chứng cúm gia cầm xem ra nhẹ hơn và người bệnh tự hồi phục. Trong 90% các ca này, người bệnh bị “mắt đỏ”, conjunctivitis, thường thấy khi bị cúm. Từ năm 2022, đã có 70 cư dân nhiễm cúm gia cầm và rất hiếm khi cần chữa trị tại bệnh viện; có người bị nhiễm trùng do cả hai chủng siêu vi khuẩn; hiện tượng này cũng xuất hiện trong gia súc. Mấy tháng trước, có 3 bệnh nhân bị bệnh nặng và một người tử vong.

Ta nên thử nghiệm siêu vi khuẩn H5N1 cho các bệnh nhân bị cúm và sinh sống trong môi trường dễ nhiễm trùng. Hiện nay, chúng tôi đề nghị việc thử nghiệm H5N1 cho các bệnh nhân nhiễm siêu vi khuẩn influenza và cần chữa trị tại bệnh viện. Hy vọng là ta sẽ nhận diện các ca nhiễm trùng H5N1 mới mà trước đây không [nhận] biết.

Hỏi: Việc chữa trị và chủng ngừa H5N1 hiện nay ra sao?

Bà Stephenson: Nên dùng kháng sinh oseltamivir (Tamiflu) để chữa trị. Cho đến nay, ta chưa thấy siêu vi khuẩn này có tính đề kháng thuốc kháng sinh kể trên nên việc sử dụng vẫn hiệu quả. Tuy nhiên, một tài liệu mới từ Canada cho thấy một chủng H5N1 trong gà đã có tính đề kháng. Chủng siêu vi khuẩn này là một biến thể khá hiếm hoi và chưa gây nhiễm trùng cho con người. Nhưng ta vẫn phải suy đoán và tìm cách đối phó với khả năng biến thể của H5N1. Do đó, rất cần thiết để tiếp tục các chương trình tìm kiếm và phát triển thuốc kháng sinh [để chữa trị] cũng như kháng thể [để chủng ngừa] cúm gia cầm. Ta cũng cần mở rộng các chương trình quan sát (surveillance) di tính của H5N1 để tìm hiểu về các biến thể.

Tiền dịch toàn cầu, Hoa Kỳ dự trữ được ba loại thuốc chủng ngừa H5N1, cả ba đều tạo kháng thể và an toàn để dùng.  Tuy nhiên, các loại thuốc chủng ngừa này không hoàn toàn thích hợp với các chủng siêu vi khuẩn [mới] hiện hành, ta chưa xác quyết được mức hữu hiệu của các thuốc chủng ngừa kể trên. Việc dự trữ thuốc chủng ngừa rất quan trọng nhưng ta vẫn cần cập nhật các loại thuốc chủng ngừa mỗi khi tìm thấy biến thể H5N1 mới. Tại phòng thí nghiệm, dù ta đã chế tạo được thuốc chủng ngừa mới nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có thể sản xuất một lượng thuốc lớn (“đại trà”?) đủ để sử dụng cho cư dân. Vì thế, các kỹ thuật mới, kể cả mRNA, đang được thử nghiệm để có thể chế biến và nhanh chóng sản xuất một lượng thuốc lớn khi cần thiết.

Ông Lemieux: Để phát triển và thử nghiệm thuốc chủng ngừa, ta cần liên tục đầu tư dài hạn vào các chương trình thử nghiệm lâm sàng. Hầu hết các cuộc thử nghiệm thuốc chủng ngừa Covid-19 đều do Viện Y Tế Quốc Gia (National Institutes of Health) đảm nhiệm, từ nhân lực đến tài lực; các hạ tầng cơ sở này đã được xây dựng từ mấy chục năm nay.
Việc tài trợ cho các chương trình thử nghiệm lâm sàng không chỉ bao gồm lương bổng cho nhân viên mà còn chi phí cho các hội đồng thẩm định (Review Board) địa phương cũng như các trung tâm nghiên cứu. Khi không thể đoan quyết mức tài trợ, ta khó lòng hoạch định chương trình nghiên cứu và khó có thể sửa soạn cho tương lai.

Xem thêm:   Đêm trăng đầy

Hỏi: Chương trình quan sát / thẩm định [bệnh truyền nhiễm] hiện nay diễn tiến ra sao tại Hoa Kỳ?

Ông Lemieux: Hầu hết các chương quan sát / thẩm định (surveillance) kể trên đều được đảm nhận bởi Centers of Disease Control and Prevention (CDC), phối hợp với các phòng thí nghiệm [của] cơ quan y tế công cộng địa phương. Hai chương trình chính là:

  1. Influenza Surveillance, thử nghiệm và phân loại các mẫu siêu vi khuẩn cúm, và
  2. chương trình quan sát đặc biệt chú trọng đến những người tiếp xúc với thú nhiễm bệnh. Cơ quan CDC cũng thử nghiệm các mẫu máu của nhân công tại trang trại nuôi bò sữa.

Một số yếu tố về H5N1 khiến mức rủi ro và sự bất ổn gia tăng: tình trạng nhiễm bệnh kéo dài suốt cả năm qua cho thấy siêu vi khuẩn này dai dẳng, không dễ trừ khử. Mức truyền nhiễm lan từ gia súc đến thú hoang rồi con người. Số người nhiễm bệnh gia tăng từ năm ngoái khi cúm gia cầm khởi đầu từ bò sữa. Triệu chứng cúm gia cầm trong con người thường nhẹ và dễ lầm lẫn với các chứng cúm khác nên khó lòng nhận diện cúm gia cầm gây ra bởi siêu vi khuẩn H5N1. Điều may mắn là ta chưa thấy hiện tượng truyền bệnh giữa con người. Dù vậy, ta vẫn cần một chương trình quan sát rộng lớn phối hợp chặt chẽ giữa liên bang, tiểu bang và địa phương từ nông trại nuôi gà, nuôi bò …

Ông Goldstein: Tại Massachusetts, chương trình quan sát đang tiếp diễn với sự phối hợp giữa các thành viên hoạt động trong ngành canh nông.  Mùa hè năm ngoái, Massachusetts Department of Agriculture Resources và Department of Public Health cộng tác với MassCPR để đặt các chương trình thử nghiệm tại trại bò sữa trong tiểu bang. Massachusetts là tiểu bang đầu tiên có chương trình này và sẽ tiếp tục là tiểu bang duy nhất thử nghiệm H5N1 ở tầm mức lớn như thế. Mọi nông trại trong tiểu bang đều được thử nghiệm và tính đến nay, chưa trại bò sữa nào nhiễm bệnh. Ta cần tiếp tục phối hợp các hoạt động giữa ngành canh nông, y tế công cộng và các trường đại học…  để mạng lưới quan sát kia càng rộng rãi hơn.

Hỏi: Làm thế nào để hoàn thiện chương trình quan sát?

Ông Lemieux: Với con người, ta cần thẩm định kỹ lưỡng hơn về các bệnh ho cảm đi cùng với chứng “đỏ mắt”. Ta cũng cần những phương cách chẩn đoán các chứng cúm chi tiết hơn, do chủng loại nào gây ra. Nhất là ta cần sự hợp tác trong các chương trình quan sát chứng cúm. Hiện nay, dù việc đầu tư vào sức khỏe cư dân là điều cần thiết, chính phủ Hoa Kỳ đã tạm ngưng việc tài trợ nên tổ chức nào cũng hoang mang không rõ là có thể tiếp tục các chương trình quan sát hay không.

Ông Runstadler: Với thú vật, các chương trình quan sát cũng bị chựng lại. Tại vùng Tây Bắc, chúng tôi làm việc rất hữu hiệu với Department of Public Health, MassWildlife, và nhiều tổ chức khác. Ở những nơi khác, các hoạt động không được phối hợp chặt chẽ nên việc theo dõi siêu vi khuẩn gây cúm gia cầm rất khó khăn. Khó khăn nhất là việc quan sát bệnh truyền nhiễm các loài hải sinh, chủng cá có vú. Tại vùng Nam Mỹ, cả ngàn con hải cẩu và hải sư mất dấu sau khi nhiễm siêu vi khuẩn H5N1. Mùa xuân là thời điểm thử nghiệm hải cẩu nhưng một trong những tổ chức bạn vừa bị cắt tài trợ từ chính phủ nên ta không thể tiếp tục công việc trong năm nay.

Xem thêm:   Cúm gia cầm chuyện cũ nhưng vẫn mới

Điều hiển nhiên là ta không thể sửa soạn cho những điều không hiểu biết. Khi áp dụng các chương trình quan sát, ta biết siêu vi khuẩn nào đang hoành hành và mức rủi ro của sự lây lan. H5N1 giết hại một số lớn sinh vật trong biển cả nhưng ta không biết đủ chi tiết để có thể ước đoán việc thú vật tử vong có thể xảy ra cho con người hay không. Nghiên cứu và tìm hiểu sẽ giải đáp nhiều câu hỏi về tính cách truyền nhiễm của H5N1.

Hỏi: Từ 1-10, quý vị lo âu đến mức nào về việc siêu vi khuẩn H5N1 gây ra một trận dịch toàn cầu?

Ông Goldstein: là một bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm và một chuyên viên về y tế công cộng, tôi luôn lo âu. Tôi đoán rằng chúng ta đang ở mức 4-5 về xác suất H5N1 dịch toàn cầu.

Ông Luban: Mức lo âu của tôi cao hơn. Từ các cuộc thảo luận “bỏ túi” giữa chuyên viên về cúm, tôi đã nghe nhiều ý kiến khác nhau. Có vị cho rằng H5N1 đã hiện diện từ những năm 1990 mà chưa gây bệnh tật đáng kể nên dịch toàn cầu khó xảy ra. Vị khác lại quan tâm về mức biến thể của loài siêu vi khuẩn này, đã lan truyền từ loài [động vật] này sang loài khác, thay đổi di tính nhiều lần; do đó thêm “vây cánh” và trở nên nguy hại hơn.

Stephenson: Tôi là chuyên viên về chủng ngừa nên nhìn từ khía cạnh này; mức lo âu của tôi ở thang điểm số 5. Ta có thuốc chủng ngừa đã dự trữ nên sẽ giúp phần nào nhưng trong hoàn cảnh thiếu tài trợ như hiện nay, tôi không đoan chắc rằng ta có đủ hạ tầng cơ sở để thực sự thử nghiệm thuốc chủng ngừa.

Ông Runstadler: Tôi lo âu ở mức thang số 6, đi từ mức 2-3 sau một thời gian ngắn. Tôi cũng đoán và lo âu rằng siêu vi khuẩn cúm sẽ gây ra một trận dịch toàn cầu trong tương lai gần, mức thang 9-10!

Ông Lemieux: Tôi ước đoán ở mức 6-7. Với bệnh truyền nhiễm, việc đề kháng [thuốc chữa trị] sẽ xảy ra, đây chỉ là vấn đề thời gian và tùy thuộc vào số lượng [người nhiễm bệnh]. Siêu vi khuẩn này đã có mặt khá lâu, đã lây lan qua nhiều loài [động vật kể cả con người] nên có nguồn [chứa] hay “reservoir” khá lớn.
Sinh sống gần núi lửa, núi lửa kia có thể ngủ im nhưng cũng có thể phun trào và ta phải sửa soạn để đối phó với tình huống xấu nhất, trận dịch toàn cầu.

TLL

(Theo Harvard Medical News)