Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, không phân biệt nam phụ lão ấu. Khoa học càng phát triển thì công nghệ, kỹ thuật làm đẹp ngày càng nâng cao, sắc xảo, tinh vi hơn. Ngày xưa, con người làm đẹp bằng các loại mỹ phẩm, vải vóc, kỹ thuật cắt may trang phục, trang điểm tô vẽ bên ngoài da. Ngày nay, nói tới “làm đẹp” là người ta nghĩ ngay tới các biện pháp bơm, độn, cắt, gọt, chỗ nào thiếu thì đắp thêm cho đầy lên, bự ra, dài hơn, chỗ nào dư thì cắt bớt, đẽo gọt bỏ bớt, gọi chung là phẫu thuật thẩm mỹ.

Ca sĩ Park Bom (Nam Hàn) sau nhiều lần phẫu thuật thẩm mỹ bị hỏng
Thời tôi còn nhỏ, sửa mũi hoặc bơm silicone là kiểu phẫu thuật thẩm mỹ rất quan trọng không kém đại phẫu, và phải thuộc hàng quyền quý, rất nhiều tiền mới làm được, gây sự hiếu kỳ rất lớn cho đại chúng. Năm tôi học lớp Sáu, được trường bán vé coi phim giá rẻ (phim đen trắng tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cộng sản về Tây Nguyên, tên phim là gì tôi quên rồi,) đám học trò chúng tôi rất háo hức trông chờ tới ngày chiếu phim để coi những chi tiết rất ngộ là “bàn tay minh tinh Thẩm Thúy Hằng bơm” và “Ông Mỹ mặc khố cặp giò dài thòn trắng toát.” Từ đầu tới cuối phim nói gì, diễn biến câu chuyện ra sao không làm bọn tôi quan tâm, cứ xầm xì hỏi nhau “Tới chưa?” “Tới khúc đó chưa?” (tức là đoạn Thẩm Thúy Hằng đưa bàn tay lên.) Gần tới phân đoạn đó thì có tiếng lao xao “Đó, gần tới đó.” “Để ý bàn tay bả đưa lên mặt đó, bơm da tròn căng, bóng lưỡng, múp míp đó.” “Mặt bả sửa sắc đẹp toàn bộ đó.” Tôi cũng cố gắng căng mắt nhìn lên màn ảnh phim, cảnh bà minh tinh đưa bàn tay lên chỉ thoáng qua chưa đầy hai giây, có nhìn kỹ được gì đâu, so ra bàn tay đại minh tinh với tay tôi cũng đâu khác gì mấy, làm tôi thất vọng quá. Chỗ này cần nói thêm là lúc đó tôi 13 tuổi, bàn tay nhỏ và da dẻ cũng căng, không nổi gân guốc như sau này tôi thường xuyên làm việc nặng. Tôi kể chi tiết này để thấy ở thời điểm đó, ai phẫu thuật thẩm mỹ được coi là sự kiện và cũng là sự lạ.
Ngày nay thì ra đường có thể gặp những gương mặt đã qua “thẩm mỹ” nhan nhản khắp nơi, không chỉ phụ nữ làm thẩm mỹ mà cả nam giới cũng vậy. Và cũng từ đây, đã nảy sinh khái niệm “thảm họa thẩm mỹ” do những case phẫu thuật bị hư không cứu vãn được.
Một cô ở Hà Nội, nghề nghiệp liên quan tới tiếp xúc công chúng. Dù nhan sắc không tệ nhưng cô muốn mình đẹp hơn nên đi độn mũi cao thêm. Xui xẻo cho cô là cô bị làm hư mũi nên phải sửa lại, rồi sửa nữa, tới 12 lần vẫn không khá hơn. Đành cầu cứu bác sĩ thẩm mỹ nổi tiếng nhứt, với yêu cầu làm mũi cho cô trở lại như lúc chưa sửa.
Một bà ở Thailand “nghiện” bơm filler làm cho da căng bóng. Da sống bị giãn là quy luật tự nhiên. Khi da giãn thì có nếp nhăn, để “trẻ hóa,” “kéo dài tuổi xuân” các bà thường chích filler cho da căng như trẻ em. Đã chích thì phải chích hoài, nếu ngưng da sẽ nhăn và còn có thêm lục cục. Nhưng da người sống không phải là bong bóng để muốn căng thì bơm, và bơm độn da khác với bơm hơi, tức không thể xì cho xẹp một cách đơn giản giống ta xì bong bóng. Hậu quả là gương mặt bị biến dạng và nổi u nần, lục cục.
Một cô hành nghề DJ ở Việt Nam, thường xuyên đăng hình sexy lên mạng xã hội, càng ngày, nhìn cô càng giống búp-bê (dolly) silicone, tôi có cảm giác chỉ cần chích nhẹ vô cô sẽ nổ tung như bong bóng căng hơi.
Mới đây, một TikToker nổi tiếng Việt Nam quảng cáo anh ta xăm lông mày “phong thủy phát tài,” vừa xong thì bị bắt giam vì “sản xuất, bán hàng giả.”
Quý độc giả đã từng đọc tiểu thuyết Thằng Cười của cố nhà văn Victor Hugo hẳn sẽ nhớ câu chuyện đứa bé con nhà quý tộc bị kẻ xấu bắt cóc và làm cho mặt mũi nó biến dạng đi, đến cha mẹ ruột cũng không nhận ra (thời ấy chưa có kỹ thuật xét nghiệm DNA), mặt nó nhìn lúc nào cũng như đang cười toe toét. Đứa bé bị bán cho một gánh xiếc để người ta xem giải trí như một quái vật, dù nó bị hành hạ, đánh đập thế nào nó cũng vẫn “cười.” Thế kỷ 18, thế kỷ 19 từng có những gánh xiếc như vậy, họ mướn (hoặc nuôi) những người bị dị tật “xấu bẩm sinh” hoặc bị mắc chứng bệnh gì đó làm cho mặt mũi, cơ thể bị dị dạng khác thường. Những “diễn viên” bất đắc dĩ này không biểu diễn, không làm gì cả, họ xuất hiện chỉ để cho công chúng hò hét, cười cợt, chửi bới, sỉ nhục sự xấu xí, dị dạng của mình mà thôi. Trong thời đại văn minh, hình thức “biểu diễn” của các gánh xiếc này bị cấm đoán, mà thời nay gọi là “miệt thị ngoại hình” (body shaming)

Cô gái Hà Nội sửa mũi 12 lần vẫn hỏng
Mỗi thời đại, quan niệm về vẻ đẹp thay đổi khác nhau. Tôi nhớ rõ thời tôi còn đi học, đẹp tức là mắt hai mí to, mũi cao, môi mỏng, thân mình “có xương có thịt” (gia cảnh khá giả,) lùn hoặc không quá cao (ít tốn vải.) Ngày nay thì mắt một mí nhỏ (mắt hí,) mũi cao, thân hình càng cao càng có giá, môi dày (xưa gọi là môi vều,) kiểu miệng quai xách (xưa bị chê nanh ác) là trào lưu làm đẹp kiểu Hàn Quốc. Ra đường, được khen đẹp phải là câu “giống Hàn Quốc.”
Người ta thường nói rằng trong một xã hội nếu ai cũng có cái đuôi thì ai không có đuôi tức là kẻ đó xấu xí, dị dạng. Hiểu rộng ra, chính là quan niệm thẩm mỹ theo thời. Vì vậy, tôi ủng hộ phẫu thuật thẩm mỹ nếu bẩm sinh quá xấu, lệch, dị tật thì cần phải sửa để mình không “khác thường” so với xung quanh, không mệt mỏi tinh thần với các vấn đề “body shaming.” Điểm nào “không bình thường” thì sửa lại thành bình thường, thiếu cái gì bổ sung cái đó, nhưng đừng “ham hố” đã có rồi muốn có hơn nữa.
Mũi sửa nhìn xa coi đẹp, lên hình, lên phim đẹp, nhưng ở cự ly gần mặt đối mặt ớn lắm. Nếu không làm nghề biểu diễn sân khấu, phim ảnh, tốt nhứt đừng sửa mũi. Ở đây, tôi xin phép quý độc giả cho phép tôi nói thiệt cảm giác của tôi, nếu có “đụng chạm” ai đó thì quý vị cũng bỏ qua cho, “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng.” Tôi đã từng nhiều lần đứng gần những người đã sửa mũi, vết thẹo ở phần trụ mũi nhìn gần cảm giác như là chỉ cần đụng trúng sẽ làm bật cái đầu mũi lên khỏi mặt, dù thực tế không phải như vậy. Đó là tôi nói những cái mũi sửa xong có kết quả tốt, nếu mà sửa hư thì không dám nói luôn.
Ngoài ra, bơm chất làm đầy (filler) cho căng da chống nhăn cũng để lại hậu quả không kém “dao kéo” bị hư. Các cô trẻ ngày nay cũng dùng phương pháp này để tạo dáng khuôn mặt mà không cần phẫu thuật, có hiệu quả lập tức, còn hậu quả thì hên xui. Bơm vô thì dễ, lấy ra thì khó và luôn luôn để lại thẹo/sẹo xấu. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định dùng filler.
Cái mà người ta gọi là “mở khóe mắt,” “mở khóe miệng” cũng vậy. “Mở” rồi trang điểm, tô vẽ thêm, lên hình nhìn tổng thể đẹp. Tôi coi hình chụp cận mặt các ngôi sao điện ảnh xứ Trung, thấy những đôi mắt “mở khóe” đó ươn ướt đỏ, đầy những gân máu, cảm giác như mắt bị toét vết thương, thà cứ để mắt nhỏ cảm giác lành mạnh hơn.
Mỗi người một vẻ, nét khỏe mạnh trẻ trung cá biệt mới chính là vẻ đẹp thật sự. Ai cũng có khuôn mặt giống nhau, ra đường nhìn không phân biệt được thì không còn là đẹp nữa.
TPT