Bogotá [bô-gồ-tá] là thủ đô của Colombia, một quốc gia nằm phía Tây-Bắc của Nam-Mỹ. Khi người Tây-Ban-Nha chiếm vùng đất rộng lớn này làm thuộc địa vào thế kỷ 16, họ đặt tên cho nó là New Kingdom of Granada, gồm các nước ngày nay mang tên Venezuela, Bolivia, Peru, Ecuador, Panama và Colombia. Với dân số hơn 11 triệu người chỉ trong khu vực đô thành, mật độ dân cư của Bogotá (5,061/km2) còn cao hơn vùng Sài Gòn – Chợ Lớn (4,513/km2).

Một khuỷnh của thủ đô, nhìn từ đỉnh núi Montserrat. (cartagenaexplorer.com)       

Thuở ban đầu người Tây-Ban-Nha chọn địa điểm đắc địa này làm trung tâm hành chánh và gọi nó là Santafé. Ít lâu sau họ cho nó thêm cái đuôi Santafé de Bogotá, và đó cũng là tên chính thức mặc dù ngày nay mọi người đều gọi là Bogotá cho gọn. Nằm trong một thung lũng cao hơn 2,000m giữa hai rặng núi cao từ 3,000m đến 4,000m, khí hậu nơi đây luôn luôn mát mẻ mặc dù nằm gần đường xích đạo. Nhưng cũng vì được hai rặng núi cao che chắn hai phía Đông và Tây nên Bogotá hay mưa bất cứ lúc nào. Dân thổ địa đi đâu cũng mang theo dù hoặc poncho phòng khi mắc mưa bất tử!

Nhà thờ chánh toà tại quảng trường Bolivar Plaza. (ianbui/TRẺ)

Simon Bolivar (1783-1830) là nhà danh tướng đã đánh đuổi người Tây Ban Nha, giành độc lập và trở thành tổng thống đầu tiên của Colombia (1819-1830). Colombia khác những nước quanh vùng ở chỗ cư dân gồm nhiều sắc tộc – từ thổ dân bản địa cho đến người gốc Âu hoặc Trung Đông. Ước tính Colombia có gần 70 ngôn ngữ khác nhau, tuy Spanish vẫn là ngôn ngữ chánh. Và mặc dù nằm trên một vùng đất trù phú và mầu mỡ, trồng được nhiều loại trái cây và hoa quả, kinh tế của Colombia vẫn không lớn mạnh được vì nạn tham nhũng cộng với sự thao túng sâu đậm bởi các băng đảng ma tuý trong hệ thống chánh quyền.

Một người vô-gia-cư cho chim ăn tại quảng trường Bolivar. (ianbui/ TRẺ)

Một trong những điều dễ gây khó chịu cho khách du lịch là dân Colombia rất hay vẽ bậy lên tường. Ngay cả những nơi tôn nghiêm như nhà thờ cũng không tránh khỏi. Nhưng ngược lại, người Colombia cũng rất thích nghệ thuật và tranh vẽ. Ngay tại phi trường người ta cũng cho triển lãm tranh ảnh của các nghệ sĩ nội địa. Dường như đối với người Colombian thì việc vẽ lên tường (graffiti) là chuyện hết sức bình thường. Trong ảnh là nhà thờ Oracion de la Paz gần bảo tàng viện Gold Museum – một trong những viện bảo tàng đáng xem nhất tại Bogotá nếu bạn thích tìm hiểu về lịch sử Colombia.

Xem thêm:   Bacharach & Todd

Từ nhiều ngàn năm trước, các bộ lạc thổ dân trong vùng đã phát minh ra kỹ thuật nung nấu vàng để chế biến thành vật dụng đủ loại. Tại Bảo tàng viện Vàng Museo del Oro, ta được xem hàng ngàn hiện vật làm bằng vàng. Thông dụng nhất và nhiều nhất dĩ nhiên là bông tai và khoen xỏ mũi. Nhưng ngoài ra còn có những thứ như áo giáp đeo trước ngực cho các tù trưởng, hay mặt nạ để đeo cho họ khi qua đời, như trong hình trên. Vàng còn được dùng làm “đồ nghề” cho các tay pháp sư (shanan) – như ống để “hít” các chất gây ảo giác, giúp họ du hành đến các cõi giới khác, hay gươm đao để giết người làm vật tế thần!

Ảnh: ianbui/TRẺ

Mặc dù là một quốc gia tương đối giàu nhờ khoáng sản như vàng, đá quý, mỏ thép và dầu lửa, nhưng GDP bình quân cho mỗi đầu người chỉ khoảng $19,000 (so với Việt Nam là $13,500). Lượng người có xe hơi tuy không nhiều, đa số đi xe bus hay xe gắn máy. Nhưng vì đường sá chật chội đông người nên nạn kẹt xe cũng kinh khủng. Giống như ở Sài Gòn, dân Bogotá lái xe rất uyển chuyển và biết nhường nhau để giảm thiểu việc phải ngừng lại tại các giao lộ nhỏ không có đèn. Nhưng họ khác dân ta ở chỗ ít bấm còi inh ỏi đinh tai nhức óc. Bogotá còn có cả một hệ thống đường dành riêng cho xe đạp có thể đi đến mọi nơi. Nhưng Bogotá thua Sài Gòn ở chỗ phải mấy năm nữa họ mới xây xong tuyến Metro đầu tiên.

Một con đường gần quảng trường Bolivar, dành cho phương tiện giao thông đủ loại. (ianbui/TRẺ)

Một trong những điểm nổi bật của Bogotá là phong cách xây cất. Nhà cửa tại khu vực hạng trung lưu trở lên đều xây bằng gạch nung trông rất đẹp mắt. Có lẽ vì người Colombian gốc gác từ các nền văn hoá từng xây cất kim tự tháp nên cách xây nhà hiện đại của họ cũng mang âm hưởng ấy không ít thì nhiều. Để ý kỹ ta sẽ thấy cách họ dùng gạch cực kỳ điêu luyện và tỉ mỉ. Ngay cả bên trong nhà họ cũng có nhiều kiểu thiết kế rất lạ lùng và sáng tạo, không như phong cách thực dụng của người Mỹ (hay người Việt). Một trong những cái thú khi đến Bogotá là đi bộ loanh quanh ngắm các công trình bằng gạch. Tuy nhiên, cần tìm hiểu trước khu nào và giờ nào thì mới an toàn, vì Colombia vẫn còn là một xứ sở hết sức “phức tạp” — cả về kinh tế lẫn chính trị.

Những căn chung cư hạng sang gần khu lãnh sự quán. (ianbui/TRẺ)

Nếu có dịp đến Bogotá, cách hay nhất và thú vị nhất để tìm hiểu về lịch sử của thành phố là tham gia một chuyến tour bằng xe đạp. Các nhà hướng dẫn du lịch không phải ai cũng nói tiếng Anh giỏi, tốt nhất là nên hỏi trước. Giá một chuyến chỉ khoảng $20, nhưng bạn sẽ học hỏi được vô số chuyện về Bogotá cũng như về Colombia mà chưa chắc bạn sẽ tìm thấy qua Google hay ChatGPT. Bạn sẽ được dẫn qua những khu vực ít khách du lịch nào biết đến, bạn sẽ được uống cà-phê Colombian tại một xưởng cà-phê thứ thiệt, và nếu may mắn, bạn sẽ không bị … mắc mưa nặng đến độ tối mịt mới trở về khởi điểm — như đoàn người trong hình!

Quảng trường Bolivar Plaza vắng ngắt sau một trận mưa xối xả. (ianbui/TRẺ)