Bác sĩ Kubler-Ross là một chuyên gia về bệnh tâm thần. Sự nghiệp của bà ấy bao gồm những nghiên cứu và khám phá lớn lao về các diễn tiến của sự chết; một đề tài mà không mấy chuyên viên y tế muốn thảo luận. Những khám phá ấy trở thành nền tảng của khái niệm “palliative care” hay “chăm sóc [để] xoa dịu [đau đớn tinh thần cũng như thể xác] cũng như cổ võ, khuyến khích các thế hệ chuyên viên y tế chú trọng đến cái chết như một diễn tiến tự nhiên thay vì một sự thất bại của y học.

Bà Kübler-Ross sinh ngày 8 tháng Bảy năm 1926 trong một gia đình trung lưu tại Zurich, Thụy Sĩ, một trong ba hài nhi cùng bào thai. Rất sớm, mới 5 tuổi đã bị sưng phổi và cần điều trị tại bệnh viện, cô bé Elisabeth đã nhìn thấy cái chết của bạn cùng phòng. Một kinh nghiệm khác,  nhìn thấy một người hàng xóm gặp tai nạn, ngay trong lúc hấp hối ông ấy vẫn tiếp tục xoa dịu, an ủi thân nhân. Các kinh nghiệm này đã để lại ấn tượng rất sâu đậm trong trí óc trẻ thơ, và tự đó, Elisabeth tâm niệm rằng cái chết là một tiến trình tự nhiên, không nên sợ hãi, và là một đề tại cần được thảo luận một cách cởi mở, dẫn đến sự hiểu biết và chấp nhận cho mọi người liên quan.

Khôn lớn trong Thế Chiến II, trước những khổ đau từ chiến tranh, Elisabeth tình nguyện trợ giúp các nạn nhân. Đầu tiên là làm việc trong phòng thí nghiệm của bệnh viện tại trại tị nạn; sau đó góp tay tranh đấu cho hòa bình với tổ chức International Voluntary Service for Peace. Công việc xây dựng lại những cộng đồng đổ nát đã đưa cô gái trẻ qua nhiều quốc gia bị tàn phá vì chiến tranh như Pháp, Ba Lan và Ý. Chính tại Ba Lan, Elisabeth gặp một cô gái trẻ khác thoát chết từ trạm giết người bằng hơi ngạt; thay vì căm hờn, cô gái kia chọn cách tha thứ và thương yêu người chung quanh qua câu nói “Nếu tôi có thể chuyển sự căm ghét, lòng oán hận của một con người thành thương yêu thì tôi đáng được sống”. Những kinh nghiệm này trở thành đuốc dẫn đường cho Elisabeth suốt cuộc đời: tìm mọi cách để xoa dịu các khổ đau của con người.

Xem thêm:   Đảo Quốc Xanh Greenland

Với mục đích kể trên, Elisabeth muốn trở thành bác sĩ nhưng bị người cha cấm cản. Không nản lòng, cô bỏ nhà ra đi khi mới 16 tuổi, làm đủ mọi việc để sinh sống và đi học. Năm 1951, Elisabeth vào trường Y khoa tại đại học Zurich và tốt nghiệp năm 1957.

Năm 1958, Elisabeth kết hôn với người bạn học, Emanuel Robert Ross, một bác sĩ người Mỹ và họ dọn sang Hoa Kỳ. Cả hai hoàn tất chương trình nội trú tại Glen Cove Community Hospital, New York; sau đó bác sĩ Kübler-Ross chọn ngành điều trị tâm thần và tiếp tục chương trình thụ huấn tại Manhattan State Hospital, rồi xa hơn nữa tại Montefiore Hospital, Bronx, New York.

Sau đó đôi vợ chồng trẻ hành nghề tại Colorado, bà Kübler-Ross dạy học tại University of Colorado School of Medicine; rồi cùng di chuyển đến Chicago, bà trở thành Assistant Professor of Psychiatry, tại Billings Hospital, University of Chicago. Đây là nơi bác sĩ Kübler-Ross khởi xướng các chương trình nghiên cứu, tìm hiểu về cái chết cũng như huấn luyện đồng nghiệp về tiến trình tự nhiên này. Mục đích chính là giúp người bệnh bên bờ tử sinh [và cả thân nhân] chấp nhận giai đoạn chót của cuộc đời để những ngày còn lại được thanh thản và bình an hơn. Quan trọng nhất là cách hành xử [của chuyên viên] với sự thông cảm và quý trọng [thay vì tránh né] khi  người bệnh đang chờ chết.

Xem thêm:   Cúm gia cầm dưới mắt khoa học gia

Thay vì xem bệnh nhân [lúc] “cuối đời” như căn bệnh cần trông nom, bác sĩ Kübler-Ross cổ võ việc lắng nghe bệnh nhân nói về cảm xúc, sự lo âu, sợ hãi… của họ hầu xoa dịu những chấn thương tinh thần khi thân xác vật vã với bệnh tật và cái chết. Nhìn nhận con đường khổ nạn của người bệnh cũng quan trọng như các trị liệu y khoa khác.

Qua cuốn “On Death and Dying”, xuất bản năm 1969, bà Kübler-Ross  trình bày 5 giai đoạn đau buồn (“Five stages of grief” hay “the Kübler-Ross model”) của con người khi đối mặt với sự chết. Kiểu mẫu này đã trở thành một nền tảng của tâm lý học, của chương trình “xoa dịu trị liệu” (palliative care), và các phương cách an ủi, bàn luận về những tâm bệnh do mất mát tiếc nuối.

Nhận diện các giai đoạn biến chuyển tâm thần và áp dụng cách xoa dịu:

Năm giai đoạn [biến loạn] xảy ra trong tâm trí trước một biến cố đau buồn:

1-Chối bỏ (denial): Khởi đầu là sự chối bỏ, không nhìn nhận biến cố (cái chết/ bệnh tật] đã / đang xảy ra.

2-Giận dữ (anger): Đối mặt với diễn tiến của sự việc, trước sự “bất công” của thần linh và bất lực của bản thân, con người thường phản ứng  bằng sự giận dữ, căm giận chính mình hoặc căm giận người chung quanh, ngay cả Trời Phật.

3-Mặc cả (bargaining): Để lấy lại sự tự quyết hoặc để thay đổi hậu quả [của sự việc], con người có khuynh hướng hứa hẹn, mặc cả với thần linh… Như “Nếu được sống sót/ khỏe mạnh, tôi sẽ…”

Xem thêm:   Không nói nhưng vẫn “nói” ngôn ngữ của cơ thể

4-Trầm cảm (depression): đau buồn, tuyệt vọng trước biến cố lớn

5-Chấp nhận (Acceptance): Sau cùng là sự chấp nhận và tìm cách “sống chung” với [hậu quả] của biến cố, giai đoạn chót của vòng tròn biến loạn trong tâm trí trước biến cố lớn.

Năm giai đoạn kể trên có thể xoay vòng, thay đổi qua thời gian: Như “Chối bỏ” → “Trầm cảm”→ “Mặc cả”; hoặc “Giận dữ”→ “Trầm cảm”→ “Chối bỏ”…

Không chỉ người bệnh mà cả thân nhân cũng trải qua các giai đoạn đau buồn, vật vã kể trên và cần được trợ giúp, xoa dịu để có thể chấp nhận biến cố lớn nhất trong đời sống hầu tiếp tục những ngày còn lại thanh thản và bình an hơn.

Công trình nghiên cứu và trị liệu tâm thần của bác sĩ Kübler-Ross cũng gặp những bất đồng ý kiến. Như tâm trạng con người trước biến cố lớn phức tạp hơn kiểu mẫu kể trên… Tựu trung, qua nhiều thử thách, kiểu mẫu Kübler-Ross vẫn tồn tại và tiếp tục là nền tảng của các phương pháp trị liệu tâm thần.

Bác sĩ Kübler-Ross được cộng đồng y học thế giới tôn kính và vinh danh; bà được tưởng thưởng nhiều bằng danh dự và nằm trong danh sách “100 Most Important Thinkers” trong thế kỷ XX của Time Magazine. Bà Kübler-Ross  qua đời năm 2004, thọ 78 tuổi; năm 2007, bà được nhìn nhận như một vĩ nhân của quốc gia Hoa Kỳ.

TLL