Cây cỏ, hoa lá, cảnh trí thiên nhiên hoặc người đẹp thường là mẫu mực của nghệ sĩ, từ hội họa, điêu khắc đến hình ảnh. Tranh ảnh, tượng… là những vật trang trí để thưởng ngoạn tài năng của nghệ sĩ trong khi thời trang thì được … treo, máng trên thân mình để làm đẹp và khoe sang. Khi con người khá giả hơn thì tiêu xài tiền bạc để sắm sửa, ăn diện và thời trang ra đời. Đầu tiên là xây cất dinh thự nhà cửa [bền vững], giường tủ rồi quần áo giày dép, vật trang sức [dễ thay đổi]… Thế rồi thời trang trở thành một ngành nghệ thuật không biết tự bao giờ, quần áo, vật dụng trang sức của những người nổi tiếng trở thành bộ sưu tập trưng bày trong viện bảo tàng như những tác phẩm khác. Nghệ thuật từ đó phong phú hơn, bao gồm nhiều bộ môn.
Các nhà thiết kế thời trang thay đổi quần áo, giày dép theo truyền thống chán rồi. Cái áo vẫn cứ là cái áo, mặc không qua khỏi đầu, cái quần hay cái váy ngắn hay dài vẫn là món hàng che thân dưới. Giày dép cũng thế, cao hay thấp, mũi vuông hay mũi nhọn vẫn là thứ ta xỏ hai bàn chân để di chuyển. Vật trang sức xem ra dễ dãi hơn, món dài món ngắn, đeo trên cổ trên tay, treo lên mình mẩy để tăng phần thu hút cho chủ nhân. Túi xách theo bén gót vật trang sức, món hàng này xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng, hình thể không còn mấy giới hạn nữa. Và ta thấy vật trang sức được chế biến theo hình thể của thức ăn.
Sử dụng hình ảnh thực phẩm trong nghệ thuật hội họa, điêu khắc và thời trang thực ra không mới mẻ cho lắm. Tự thế kỷ XIX, họa sĩ Antoine Vollon đã vẽ “Mound of Butter,” một đồi bơ trên dĩa, để nhấn mạnh rằng hình ảnh đời thường cũng vẫn là nghệ thuật trong khi nhà danh họa [khác người] Salvador Dalí trưng bày hình ảnh tôm hùm như ẩn dụ của tình dục và nhục dục. Từ đó, năm 1937, nhà thiết kế Elsa Schiaparelli đã chế tạo một chiếc áo dạ hội trắng ngà in hình con tôm hùm trên thân trước.
Khuynh hướng thời trang phổ thông hay “Pop art” được ông Andy Warhol “vực dậy” vào năm 1962 qua bức tranh vẽ hộp súp Campbell và những vật dụng đời thường khác. Gần đây nhất là bức “tranh” gắn trái chuối trưng bày trong viện bảo tàng tân Nghệ Thuật bán giá bạc triệu.
Đến hôm nay thì ta có những túi xách với hình thể thức ăn đang trở thành món thời trang phổ thông. Cư dân thế giới hình như đang bắt đầu quý… thức ăn và ưa chuộng vật dụng chế tạo theo hình dáng ấy. Miếng xà bông hình lá cà chua có giá bán 85 tiền Huê Kỳ, túi xách theo dạng lọ mayonnaise của thương hiệu Hellman là 2,300 đô la… và đang là những thứ đang bán rất chạy để người mua hãnh diện vì tiền bạc rủng rỉnh.
Tình cờ xem báo, thấy thức ăn đang lên giá, vật dụng đời thường có dạng thức ăn lại mang bảng giá cao ngất ngưởng nên Dế Mèn tò mò lắm, vậy sao ta? Thế là phe ta loay hoay nhìn ngắm tủ nhà bếp xem có những thứ gì chưa trở thành thời trang. Túi gạo? Hộp cà phê? Chưa thấy nhưng hẳn sẽ được nhìn ngắm người mẫu nào đó xách tòng teng cái giỏ hình chai ô liu? Và nếu phải chọn thì Dế Mèn sẽ ưng món ô liu nào để mua túi xách theo thương hiệu ấy? Nếu công ty Costco nhanh chân lẹ tay sẽ bưng ra chai dầu ăn hiệu Kirkland để chế tạo túi đeo vai, túi xách tay…, vừa bán [không rẻ?] hay tặng thêm để quảng cáo thương hiệu nhà? Có lẽ là họ sẽ bán với giá kha khá để kiếm [thêm] bạc chứ dùng làm quà tặng thì bá tánh sẽ rẻ rúng, không ưa chuộng? Hình như món hàng nào cũng thế, cứ treo bảng giá hơi nặng là sẽ được xem trọng dù phẩm chất chẳng ra làm sao? Kiểu mẫu buôn bán như thế được kỹ nghệ thời trang áp dụng kịch liệt, nhất là những món chế tạo cho người tiêu thụ chung chung, không quá rủng rỉnh nhưng cũng không rỗng túi!? Những người ăn chắc mặc dày như phe ta thì chẳng mấy khi “theo thời”, nôm na là nhà quê, chỉ nhìn ngắm vật dụng theo phẩm chất, độ bền rồi mới đến “nhan sắc” nên lúc thấy mấy cái túi xách hình trái cà chua chỉ cười cười rồi lắc đầu nói “không”!
Trở lại với ngành thời trang, kiểu mẫu thực phẩm (food-centric design) đang thịnh hành, và đang đi từ những món sản xuất cho thị trường tiêu thụ của người “chung chung” qua đến những món dành cho giới rủng rỉnh ưa thích xa xỉ phẩm, ‘luxury goods’, hoặc không mấy dư dả nhưng vẫn thích “chơi trội” cho bà con lé mắt?!
Phong trào dùng hình ảnh thực phẩm làm kiểu mẫu cho hàng hóa xuất phát từ đâu? Từ khái niệm thức ăn không chỉ là chất dinh dưỡng bồi bổ nuôi dưỡng cơ thể mà đang trở thành hình tượng của sự dư dả? Giá thực phẩm đang gia tăng trong thời sưu cao thuế nặng, trái trứng, cân hải sản [tươi] không còn trong danh sách đi chợ của người bình dân, túi tiền eo hẹp, họ phải loay hoay tìm cách thay thế để tiết kiệm túi tiền; không mua nổi hải sản thì … xài đỡ cái túi ny lông in hình con tôm hùm?
Cách ăn uống hồi nào đến giờ vẫn là chuyện riêng tư, cá nhân. Ta đi chợ mua nguyên liệu, nấu nướng rồi ăn uống là chuyện trong nhà, hàng xóm không mấy khi hay biết ta ăn uống ra sao. Thế rồi liên mạng ra đời, và phong trào chế biến thức ăn trong bếp rồi trưng bày như tác phẩm nghệ thuật hay biểu tượng của nếp sống sang cả dư thừa, chủ nhân biết thưởng thức món ăn ngon hoặc mới lạ. Đại khái là trong bếp nhà, ta cũng có thể hì hụi nấu nướng in hệt các đầu bếp chính cống của nhà hàng 5 sao… Kẻ không nấu nướng thì chăm chăm đến hàng quán, thi nhau chụp hình dĩa thức ăn để khoe bạn bè hoặc người ái mộ… Tui đây đang thưởng thức món abc tại nhà hàng lẫy lừng xyz.
Trào lưu ăn uống ấy trở nên phổ thông nên mấy tay thiết kế chạy theo bén gót. Thích nhìn ngắm món ăn uống ư? Khoanh cá, trái lê, con tôm hùm bắt mắt quá xá nên ta bưng luôn hình ảnh quen thuộc nọ về dùng, chế tạo vật dụng theo ‘tâm hồn ăn uống’?
Thời trang và thiết kế nghiễm nhiên trở thành sự tiếp nối của bàn ăn, nhà bếp. Hình như đeo cái túi xách dạng con cua [huỳnh đế?] đem lại cho chủ nhân cảm tưởng sành ăn và rủng rỉnh [đủ] để thưởng thức món ăn đắt tiền kia? Ăn bằng miệng và ăn bằng mắt lẫn cảm giác dư dả, một “vốn” ba bốn lời [lãi]? Cách “dẫn giải” tiềm thức [người tiêu thụ] kể trên theo tâm lý học là “transferring”. Thế là tôm hùm [đắt], cà chua [ngon] đều trở thành biểu tượng của thời trang lạ mắt nên đắt tiền!
Bà Andrea Hernández, người thành lập trang nhà Snaxshot, theo sát các phong cách ăn uống thời thượng, cho rằng chính người trẻ Millennial khởi đầu trào lưu “bếp núc hạng sang”; họ thích mua sắm những vật dụng thường ngày nhưng được chế tạo theo kiểu mẫu mới lạ và đắt tiền. Như dầu ô liu trong chai nhựa dẻo, bóp mềm [phải mua qua liên mạng] thay vì lọ thủy tinh bán trong chợ thực phẩm. Như Cloud23, tương ớt hạng sang do Brooklyn Beckham rao bán, trong lọ thủy tinh [với nguyên liệu ‘thứ thiệt’] và lọ hạt tiêu [trồng kiểu ‘organic’] bán với giá $34.99… Nôm na là Millennials và Gen Z chịu tiêu xài, mua những thứ đặc biệt, giá cao hơn sản phẩm xoàng xoàng. Trên liên mạng, từ thực phẩm đến quần áo, thời trang. Món nào đóng gói đẹp mắt và quảng cáo là chế biến với nguyên liệu “thật” thường đi kèm với ẩn ý “hàng tốt”, tốt cho sức khỏe hơn so với các món khác từ chợ hay cửa tiệm. Có thể từ đó, thức ăn hóa thân trở thành sản phẩm thời trang?
Một giả thuyết khác về sản phẩm thời thượng hay “Trendy product”: Khi khó lòng mua xe mới, tậu nhà cửa thì ít ra ta cũng có thể sắm sửa được vài thứ nhỏ nhỏ nhưng đắt tiền để cảm thấy sang cả, cũng mua được những món hàng chỉ người dư dả mới cáng đáng được! Hiệu ứng “thoa son” trong thời kinh tế khó khăn theo bản phân tích của công ty McKenzie.
Thự tế hơn, một cách giải thích khác về “thức ăn – thời trang” là ngành quảng cáo và thời trang đi chung với nhau. Giả thuyết thức ăn trong chợ “lan” sang ngành quảng cáo rồi ngành thời trang. Theo bà Elizabeth Goodspeed, nhà báo chuyên về thiết kế, thực phẩm là những phụ tùng rẻ và dễ kiếm nên trở thành hữu dụng, ngành quảng cáo dùng thức ăn làm “phông bạt” cho hình ảnh thường xuyên hơn và rộng rãi hơn để thay thế hoa lá đắt tiền, dễ hư hỏng.
Thị trường xa xỉ phẩm đang bày bán hộp sữa của nhà Jacquemus, túi xách hình bánh mì BLT (bacon, lettuce, tomato hay thịt ba rọi xông khói, rau diếp và cà chua) hay túi xách hình lọ sốt cà chua của Kate Spade… Chiếc croissant ngon mắt quá, tại sao lại không chế tạo đôi bông tai theo hình thể ấy vừa ngon miệng lại ngon mắt? Hình ảnh túi xách dạng croissant đi kèm với tên tuổi của nhà thời trang nổi tiếng Jacquemus mang theo cảm giác ‘xa xỉ’, chẳng gì croissant cũng là món Tây, Tây là gốc thời trang và cổ điển [quý phái] từ hồi nẳm nên các món trang sức này dễ bán dù hơi đắt tiền [so với chiếc túi xách hình con thỏ từ bên Tàu]. Thoáng nhìn thì phe ta [lẩn thẩn] nghĩ ngay rằng ý tưởng mang nhà bếp vào thời trang chỉ là trào lưu nhất thời, gom ý thích cá nhân và màu sắc rực rỡ vào y phục, đồ dùng máng trên mình cho vui mắt thoáng qua một lúc rồi sẽ thôi? Nhưng hình như Dế Mèn đã sai bét rồi vì giáo sư Jess Rauchberg, chuyên nghiên cứu về văn hóa thời kỹ thuật số (digital culture) tại Seton Hall University, New Jersey, ngắm nhìn hiện tượng ấy và phân tích sâu xa hơn nữa. Bà ấy biểu rằng các sản phẩm kia vui mắt thật đấy nhưng khi tìm hiểu cặn kẽ lý do, ta sẽ nhận ra vài ẩn ý. Như chiếc túi xách hình trái trứng nâu nhạt xinh xắn nọ giá bao nhiêu và vỉ trứng bán trong chợ đắt đỏ quá nên người tiêu thụ khó khăn có mua nổi không thì câu trả lời là người có thể sắm sửa được chiếc túi xách lạ mắt [đeo trên vai] và mua vỉ trứng về nấu ăn thuộc giới khá giả, không mấy đắn đo khi đi chợ hoặc mua sắm! Tui có thể ăn và dùng trứng thỏa thuê, vừa giàu vừa sang (?). Tạm hiểu là thời trang đang rao bán biểu tượng của sự giàu sang, dùng vật dụng đời thường mà rủ rê con mắt, kích thích sự hiếu kỳ của bá tánh. Nguyên liệu tầm thường như thức ăn đã trở thành biểu tượng của sự khá giả và “gu” thời trang.
Vòng tròn lỉnh kỉnh của sang giàu → trưng bày → thời trang đang xoay gần hết một vòng, ngày trước dùng vàng bạc, đá quý dành cho vua chúa quý tộc; ngày nay dùng thức ăn / vật dụng mang vẻ đời thường nhưng vẫn là cách biểu hiện cái tôi khác người?
TLL