Con người cũng như thú vật giao tiếp qua ngôn ngữ / âm thanh hay “verbal communication”. Ta hiểu được ý nghĩ của nhau qua cách diễn đạt, trình bày bằng ngôn ngữ nhưng quan trọng hơn, ta ‘đọc’ được ý tưởng của người nói / diễn giả bằng việc quan sát cử chỉ, nét mặt, ánh mắt, hành động … của họ. Loại biểu cảm có tên “Nonverbal communication”, truyền đạt ý nghĩ mà không cần đến lời nói hay “ngôn ngữ cơ thể”.

Khi nói, ta có thể chuyển đạt nhiều ý nghĩ khác nhau tùy theo tốc độ nhanh chậm (nói nhanh, nuốt chữ thường biểu hiện sự gấp gáp, vội vàng), âm độ to nhỏ (la hét, quát tháo biểu hiện của sự giận dữ hoặc sợ hãi kêu cứu), nói vừa đủ nghe (bình tĩnh) hay thì thầm (muốn riêng tư, nhẹ nhàng); chưa kể cách “lên bổng xuống trầm” diễn tả cảm xúc (nghẹn ngào, mất bình tĩnh…). Phù trợ cho lời nói, cơ thể chuyển động theo tâm tình ý nghĩ khiến lời nói rõ ràng, diễn đạt mạnh mẽ hơn. Trừ những tay nghề [gián điệp, chính khách, lừa gạt chuyên nghiệp] tôi luyện được cách kiểm soát cơ thể, ngoài lời nói đầu môi không bày tỏ ý nghĩ [trong đầu]?! Những người cười nói mà đôi mắt lạnh tanh [cửa sổ đóng chặt], không thấy ánh mừng vui như ông Putin. Đôi khi giọng nói lại “phản chủ”, điển hình là kẻ lên tiếng khen lao tán thưởng nhưng giọng nói vẫn đều đều, không cảm xúc.

Ngôn ngữ cơ thể có nhiều hình thức:

– Nét mặt: Ngoài những chính khách, qua kinh nghiệm và được huấn luyện nên ít biểu lộ cảm tính và biết cách che giấu ý nghĩ, dù thỉnh thoảng vẫn có các trường hợp “miệng cười nhưng mắt không cười”. Nét mặt thường phản ảnh ý nghĩ, tâm tình như giận dữ, u buồn… và có thể ảnh hưởng đến hành động của người chung quanh. Như khi thấy một kẻ đang “nóng đổ lửa”, người đối diện tạm nhẫn nhịn để tránh xô xát, bất lợi cho cả đôi bên.

Xem thêm:   Đêm trăng đầy

– Cử chỉ như việc quay đầu, xòe tay, chuyển động từ bàn tay, ngón tay… truyền đạt các cảm tính như đồng thuận, thân thiện, giận dữ … Bàn tay nắm chặt là hình ảnh của việc kìm nén cơn giận, sẵn sàng vung quả đấm

– Ánh mắt truyền đạt nhiều cảm tính, vui vẻ, thương yêu hoặc thích thú, chán ghét, thờ ơ…

– Khoảng cách đứng ngồi cho thấy mức thân thiết hay xa lạ giữa các cá nhân khi gần nhau.

Tạm hiểu là ngoài chữ viết, tiếng nói, và cả âm thanh, con người sử dụng thân thể để trình bày, diễn đạt ý nghĩ. Biểu cảm ấy cũng mạnh mẽ như lời nói. Những tay chuyên nghề “ăn nói”, diễn giả hay “orator” và chính khách, biết rất rõ cách dùng giọng nói, “hoa tay múa chân” để “nhấn mạnh”, diễn đạt ý nghĩ.

Ngoài biểu cảm, cách ăn mặc, trang sức, dùng huy hiệu [cài trên áo], việc sử dụng vật thể và cả dáng đứng, ngồi nói lên khá nhiều về mỗi cá nhân. Tuy nhiên, các biểu cảm qua cử chỉ liên quan mật thiết với văn hóa địa phương. Vòng tròn tạo thành từ ngón trỏ và ngón cái là dấu hiệu “Okay” của người Hoa Kỳ lại là cách chửi bới, nói tục của cư dân vùng châu Mỹ La Tinh.
Ngoại lệ là cách dùng tay để diễn đạt ý muốn của người câm điếc, “Sign Language”, từ những dấu hiệu giản dị, giơ ngón cái, đến các cử động phức tạp từ bàn tay là phương tiện truyền thông theo một hệ thống định sẵn. Mỗi cử chỉ diễn đạt một ý nghĩ thay cho lời nói, bất kể ngôn ngữ địa phương.

Năm 1956, ngôn ngữ cơ thể hay “nonverbal communication” còn gọi là “manual language” (“nói bằng tay”), một danh từ do bác sĩ tâm thần Jurgen Ruesch và tác giả Weldon Kees khởi xướng qua cuốn sách “Nonverbal Communication: Notes on the Visual Perception of Human Relations.” Con người (cũng như thú vật) gửi và nhận tín hiệu mà không dùng đến ngôn ngữ. Từa tựa như việc viết chữ nghiêng, chữ nổi để nhấn mạnh điều cần chú ý trong bài viết.
Khái niệm kể trên được sách vở đề cập đến từ thế kỷ XVII, trong tác phẩm “The Advancement of Learning (1605)”, cụ Francis Bacon đã mô tả mức quan trọng và cần thiết của việc truyền đạt ý nghĩ, cảm tính mà không dùng lời. Khác hẳn với kiểu “nói mà không nói” của chính khách, nhiều lời êm tai nhưng ý tưởng thì trống rỗng. Đến thế kỷ XX, ngôn ngữ cơ thể được đặt “trị giá” đến 93% ý nghĩa của truyền thông nhưng gần đây, mức quan trọng của ngôn ngữ cơ thể bị “xét lại”, dù đáng kể nhưng cũng vẫn chỉ giữ vai trò “phù trợ” cho lời nói.

Xem thêm:   Cúm gia cầm chuyện cũ nhưng vẫn mới

Ngôn ngữ cơ thể quan trọng ra sao?

Ngôn ngữ cơ thể giúp con người đến gần nhau hơn, nhất là trong “thủa ban đầu”, sau câu chào hỏi, 4 mắt “gặp nhau”, một nụ cười là điều cần thiết trong việc giao tế, tạo sự thân thiện cho người chung quanh. Theo một bài tường trình từ Harvard Business Review, cách tiếp xúc này có tên “The 10/5 Way”. Chi tiết hơn, bài báo chỉ dẫn thêm:

– Khi thấy người chưa quen / khách hàng trong khoảng cách 10 bộ Anh: Hãy để “4 mắt gặp nhau” và cười mỉm.

– Khi đến gần hơn, khoảng 5 bộ Anh: lên tiếng chào hỏi

Chỉ có thế. Hầu như mọi ngành kỹ nghệ, từ y tế (bệnh viện, văn phòng bác sĩ), khách sạn đến hàng quán [sang trọng] đều áp dụng cách chào hỏi kể trên khi huấn luyện nhân viên.

Đằng sau nét mặt, nụ cười là cả một ngành khoa học, Cognitive, Affective, and Behavioral Neuroscience, thẩm định sự liên quan giữa sắc diện, trí tuệ và cách hành xử. Con người tự bẩm sinh đã biết “đọc” nét mặt của kẻ chung quanh; trí óc bắt chước những điều đã quan sát được và giúp con người gần gũi nhau hơn. Khi thấy người khác cười, trí óc ta cũng bắt chước và mỉm cười theo; và khi nở nụ cười, tâm thần trở nên thư thái hơn. Nụ cười kích thích các cơ [trên] mặt hoạt động, gia tăng máu luân lưu đến thùy trán (frontal lobe, nơi xuất phát các quyết định và tập trung tư tưởng) trong não bộ, tiết ra nội tiết tố dopamine khiến cơ thể sảng khoái, vui vẻ hơn. Tạm hiểu là nụ cười không chỉ giúp ta trong việc giao tế mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể.

Xem thêm:   Cúm gia cầm dưới mắt khoa học gia

Ánh nhìn trong khoảng 10 giây, “Mắt-gặp-mắt” là dấu hiệu của sự ngay thẳng (?) và tự tin; giúp người đối diện dễ chịu nhất là khi đi cùng với nụ cười.

Nonverbal learning disorder hay NVLD: Thiếu khả năng nhìn nhận các ngôn ngữ [của] cơ thể từ người chung quanh; một khiếm khuyết trong cách học hỏi dẫn đến việc khó tiếp nhận các tín hiệu, tin tức khiến người bệnh vụng về khó khăn khi dùng cử chỉ. Triệu chứng bao gồm: Thiếu khả năng “đọc” ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm trên nét mặt người chung quanh; vụng về trong hành động; khó khăn với các khái niệm trừu tượng; khó khăn trong việc giao tiếp, khó khăn với các hoạt động đòi hỏi mức trí tuệ cao. Ngoài ra, chứng NVLD liên quan đến các chứng bệnh tâm thần khác như thiểu năng, tự kỷ, ADHD, và lưỡng cực tâm thần (bipolar disorder).

Nói chung, khả năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể thiết yếu cho đời sống hằng ngày khi giao tiếp với người chung quanh. Ngôn ngữ quan trọng nhưng khi chỉ nghe mà không nhìn người nói, cuộc trò chuyện chỉ còn một nửa?!

TLL