Mùa hè 72 Sàigòn mê mệt với phim Été 42 trên nền nhạc “The Summer Knows” của Michel Legrand. Tôi trong số các thiếu nhi si mê nữ tài tử Jennifer O’Neill. Mùa hè đó tôi còn thuê cuốn 15 Truyện Nghỉ Hè do Nguyễn Tú An phóng tác. Hôm nay đánh máy lại, vì mùa hè lại đến.
(Trần Vũ)
TRUYỆN NGHỈ HÈ
Nguyễn Tú An phóng tác
Duy giãy giụa như cá chuối mắc câu. Vô ích: tha hồ lồng lộn, văng tay đá chân, cậu bé mười hai tuổi vẫn bị gã lao công lôi đi xềnh xệch. Gã càu nhàu:
– Đã bảo mà!… Nói bao nhiêu lần cũng thế thôi… Tụi bây giỡn như vậy, sau cũng có ngày gãy cổ… Bây giờ vào đây với ông Cai…
Sau khi băng qua khoảng sân rộng của công trường mỏ thiếc, gã đẩy Duy vào gian nhà gỗ, bàn giấy của ông Cai Tứ.
– Tôi vừa nắm cổ thằng bé leo trên thùng quặng đây… Hai đứa bạn nó chạy thoát… Không trị cho một mẻ thế nào cũng có đứa ngã chết mất thôi.
Ông Cai Tứ đang tính sổ lương cho phu, thong thả ngửng lên, lắc đầu:
– Lũ trẻ trong vùng đâu có nghịch vậy… Từ ngày có thằng này nghỉ hè về đây, chúng nó mới đâm ra phá như quỷ…
Ông rút điếu thuốc lá, đặt lên môi… Nhanh như cắt, Duy móc hộp quẹt trong túi, bật diêm, ghé lại…
Cai Tứ rít vài hơi thuốc, gạt than vào cạnh bàn, lim dim mắt:
– Duy!… Mày ranh mãnh lắm… Mày nghĩ chừng điếu đóm như vậy là tao tha chứ gì?… Nhầm rồi, con ạ.
Duy chẳng biết nói sao. Mà còn nói gì nữa! Đây đâu phải lần đầu gã lao công bắt được lũ trẻ lang thang vào công trường, leo lên thùng quặng, bấm nút cho thùng chạy vùn vụt trên đường dây cáp.
Hãng thầu khai thác mỏ thiếc đóng đô ở đây gần năm nay. Duy được nếm trò chơi nguy hiểm này với lũ bạn, từ bữa về nghỉ hè. Mặc cho Cai Tứ dọa dẫm, khuyên nhủ… Cứ thừa dịp vắng người hay vào giờ thợ nghỉ, là lũ trẻ rình gã gác dan sơ ý, leo lên thùng chở quặng nhanh như lũ khỉ… Nguy hiểm thực chứ! Đường dây cáp cách mặt đất cả chục thước, ngã xuống chẳng chết cũng què!
Giọng Cai Tứ bắt đầu gay gắt:
– Tao dặn chúng mày nhiều lần rồi… Vẫn không chịu nghe, phải không?… Cái gì chứ muốn chết thì dễ lắm… Nhưng trước khi chết, để cho mày một trận đã cho nhớ, nghe…
Lão đứng dậy, lại chỗ mắc áo, tháo sợi dây da đeo súng lục, trao cho người gác, rồi quay lại Duy:
– Duy! Tao có trách nhiệm về mọi việc xảy ra ở đây. Mày lẻn vào phá phách là đáng đòn lắm… Bận sau chừa đi…
Lão mở cửa, gật đầu với lão lao công lực lưỡng đang vuốt sợi dây da:
– Cho nó mười roi quắn đít vào… Nếu nhờ vậy sau này nó không gãy cổ, là làm ơn cho nó đó!
–oOo–
Nằm dưới bụi cây trên ngọn đồi, Duy chăm chú theo dõi một con tắc kè đang tắm nắng. Con vật như say sưa với ánh mặt trời, yên lặng hàng chục phút không nhúc nhích. Nếu lớp màng mỏng dưới họng nó không phập phồng, ai cũng tưởng đó là con tắc kè chết…
Trời gần trưa rồi. Chỉ lát nữa đây tiếng còi tan sở vang lên. Cách chỗ Duy chừng năm chục thước, từng chiếc thùng gỗ đầy quặng từ từ chuyển trên đường dây cáp treo. Duy không muốn leo lên nữa, cha lao công bữa trước nặng tay quá… Cả tuần sau, hai bàn tọa của Duy còn rát như phải bỏng… Cứ mỗi lần nghĩ tới, Duy lại rủa thầm:
– Thằng cha thế mà ác!
Chiếc xe bịt bùng tới mở từ lúc nãy: bữa nay thứ Sáu, ngày trả công thợ mà! Ba bốn thùng bạc được đem vào trong sở. Cai Tứ bận phải biết!
Chợt Duy chú ý tới đám bụi mù dưới chân đồi… Có chiếc xe hơi lạ vùn vụt leo lên, dừng ngay trước phòng giấy…
Duy ngạc nhiên há hốc mồm: rõ ràng bốn người súng ống hẳn hòi từ trên xe bước xuống. Ba người vào ngay căn nhà Cai Tứ vẫn làm việc, người thứ tư núp phía sau xe… Chắc chắn tên này đứng coi chừng không sai.
Duy bật dậy… Khối óc lanh lợi của cậu bé thắc mắc ghê gớm: chuyện bốn người có súng tới mỏ đúng vào ngày phát tiền, chắc không phải tình cờ… Biết đâu chẳng là bọn cướp?… Nếu vậy không chậm trễ được!
Duy khom người chạy hết sức nhanh lại căn nhà gỗ của lão gác… Chẳng có ai hết. Chắc lão đang đếm tiền cho Cai Tứ, thường thường như vậy. Duy chợt nhìn thấy chiếc thùng gỗ ở góc nhà, nắp thùng có in hình chiếc sọ người, màu đỏ: thùng cốt mìn!… Lão gác vẫn giao mìn này cho các kíp thợ khi cần bắn đá trong mỏ. Duy thủ luôn hai thỏi mìn vàng lợt, có ngòi, như ngòi chiếc pháo đại rồi chạy vụt lên đồi…
Cai Tứ đang đếm tiền… Cánh cửa phòng bật tung, đập mạnh vào tường. Lão vừa ngửng đầu lên đã trông thấy ba mũi súng chĩa thẳng vào ngực… Biết không thể chống cự nổi, lão chán nản giơ hai tay lên trời.
– Tiền đâu?… Mau!
Cai Tứ hất hàm chỉ chiếc rương đặt trên mặt bàn trong đó từng bó giấy bạc được xếp gọn như cá hộp. Bọn cướp hành động mau lẹ: tên chỉ huy vẫn chĩa súng vào lão Cai; tên thứ nhì đổ bạc vào chiếc túi vải rộng đem theo, tên thứ ba cắt đứt dây điện thoại.
Cai Tứ ngán ngẩm nghĩ tới con đường rừng hun hút. Chỉ trong khoảng nửa giờ, bọn cướp có thể vượt biên giới đi mất dạng… Lão nghiến răng: giá lão nắm được khẩu súng treo ở mắc áo thì phải biết!… Cai Tứ là tay súng bắn nhanh có tiếng vùng này; đám anh chị đều khiếp vía, vậy mà bây giờ lão đành chịu bó tay nhìn người ta cướp tiền ngay trước mắt mới bực chứ!
Tên chỉ huy chừng đoán được những ý nghĩ hằn học trong đầu lão, nhếch mép cười:
– Lão có bắn giỏi cũng vô ích… Bọn này sửa soạn kỹ rồi. Ngoan ngoãn đi là hơn…
Y thong thả giơ báng súng, nện một nhát bằng trời giáng vào gáy lão… Cai Tứ nằm quay đơ.
Chiếc thùng quặng chở Duy từ từ chuyển trên đường dây. Nép vào sườn thùng, Duy chăm chú nhìn xuống dưới. Chiếc xe hơi còn đó, gã đứng canh phải đổi thế đứng, mũi súng chĩa ra phía cổng… Chắc y đề phòng người tới bất ngờ…
Chợt từ trong nhà Cai Tứ, ba tên cướp bước ra, hai tên khệ nệ khiêng chiếc túi vải lớn… Cửa xe được mở rộng…
Duy hành động như máy: bật diêm, châm ngòi thỏi mìn, liệng thẳng vào chiếc xe…
Một tiếng nổ kinh hồn làm Duy choáng cả người, co quắp nằm gọn tận đáy thùng quặng, mồ hôi toát như tắm. Từ trong căn nhà, Cai Tứ bị sức ép đẩy tung ra ngoài… Lão mơ màng thấy có người cản được bọn cướp… Nhưng liền đó lão lại ngất lịm…
–oOo–
– May quá!… Tỉnh rồi đây!
Người y sĩ đứng dậy, đỡ ly rượu mạnh của viên cảnh sát, đổ thêm vào miệng Cai Tứ. Lần này lão tỉnh hẳn.
– Gần tiếng nổ như vậy mà không sao là hên lắm đó!
Lão gật đầu chào vị y sĩ, ngơ ngác nhìn quanh. Ngoài vị y sĩ còn ba viên cảnh sát, người gác dan và Duy nữa. Đám thợ mỏ xúm quanh phía đằng trước.
Cai Tứ bàng hoàng như trong cơn mơ:
– Chuyện gì vậy nhỉ?…
Viên cảnh sát đẩy Duy lại gần:
– Thuật lại cho ông ta nghe đi, em!
Thế là Duy kể hết: Từ lúc thấy bọn cướp, lúc vào nhà lão gác lấy mìn, đến lúc treo lên thùng quặng và cuối cùng là lúc liệng mìn… làm bắn Cai Tứ ra ngoài!
Nét mặt người Cai già biến đổi dần hết ngạc nhiên tới kính phục…
Người gác dan thêm thắt cho đủ chi tiết:
– Vừa nghe nổ tôi đã thấy chiếc thùng quặng dừng ngay trước nhà, rồi thằng nhỏ nhào xuống, nắm tay tôi lôi lại đây… Nó sửa dây điện thoại… Tôi kêu cảnh sát… kiếm bác sĩ…
Viên cảnh sát vỗ vai Cai Tứ:
– Bốn thằng cướp bị thương cả… Được đem đi rồi… Tiền còn đủ, không thiếu một cắc nữa… Thực là may!
Cai Tứ nắm tay Duy:
– Bữa trước qua trừng phạt em vì em có lỗi, bỏ chuyện đó đi… Nhưng lần này, công của em lớn lắm, đáng trọng thưởng…
Duy nhún vai, toan cãi… Cai Tứ gạt đi:
– Qua không nói tới số tiền thưởng chắc chắn thế nào công ty cũng giao cho gia đình em… Riêng qua, qua còn muốn đền ơn em… Để qua dạy em bắn súng nhé… Rồi mỗi lần nghỉ hè lại về đây làm với qua, nghe!
NTA phóng tác
Nxb Sống Mới, Sàigòn 1972
Trần Vũ đánh máy lại tháng 6-2025