Vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, sinh hoạt của nền tân nhạc Việt-Nam tại miền Nam tự do được phát triển rực rỡ. Rất nhiều ban nhạc được ra đời và những giọng ca mới mẻ, trẻ trung cũng xuất hiện trong khoảng thời gian này. Một trong những chương trình được yêu thích thời đó là chương trình “Tiếng Hát Đôi Mươi” do ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh thực hiện. Ban nhạc gồm có các nhạc sĩ Đan Thọ, Canh Thân, Đan Phú, Trúc Sơn và thành phần ca sĩ tham gia gồm có Nhật Trường, Duy Khánh, Hà Thanh, Mai Hương, Hoàng Oanh, Phương Dung, Xuân Thu, Như Thủy, Tuyết Mai. Chương trình được phát thanh mỗi tuần vào chiều thứ Hai từ 18:15 trên làn sóng điện của đài Tiếng Nói Quân Đội và phát hình vào mỗi cuối tháng trên màn ảnh vô tuyến truyền hình Việt-Nam, hay được gọi là đài số 9 (THVN9).
Một trong những tiết mục hấp dẫn của chương trình “Tiếng Hát Đôi Mươi” là sự góp mặt của ban Tứ Ca Nhật Trường với bốn thành viên, một nam và ba nữ. Ca sĩ Nhật Trường là linh hồn của ban nhạc. Anh hát giọng chính cùng với phần phụ họa thật xuất sắc của ba giọng nữ – thấp, trung và cao – được giới thưởng ngoạn vô cùng yêu thích. Theo thời gian, ba giọng hát nữ được thay đổi nhiều lần, nhưng tiếng hát Như Thủy bao giờ cũng bền bỉ và chung thủy (như cái tên của chị) với ban Tứ Ca của anh trai mình, ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã khéo léo viết hòa âm và soạn bè (backvocals) hết sức tươi trẻ, sống động để ba giọng hát này được thăng hoa. Anh đã “thổi” vào mỗi bài hát của ban Tứ Ca Nhật Trường một ngọn gió xuân mát mẻ, trong lành.
Không chỉ đóng khung trong những sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, ca sĩ Như Thủy còn hát rất hay, rất “tới” (chữ này báo giới kịch trường rất thường xử dụng) những nhạc phẩm của các nhạc sĩ tiền bối như Phạm Duy, Đinh Việt Lang, Trịnh Hưng, Nhật Bằng v.v. cho dù đó là tiết mục đơn ca hay song ca. Hiện giờ, những bài hát như “Đố ai”, “Lạnh lùng”, “Lối về xóm nhỏ”, “Lời cho người yêu nhỏ”, “Chờ đông”, “Qua xóm nhỏ” mà ca sĩ Như Thủy thu thanh ngày xưa có thể tìm nghe qua những cuốn băng nhạc cũ được tái phát hành trên dĩa nhạc (CD) hay được truyền tải rộng rãi trên hệ thống YouTube. Tiếng hát Như Thủy là tiếng hát ấm áp, nhẹ nhàng, rất dễ đi vào lòng người và trong trẻo như bầu trời xanh không gợn chút mây buồn. Người yêu nhạc cũng hay kháo nhau rằng “ca sĩ Như Thủy sở hữu giọng hát ngây thơ và hồn nhiên của lứa tuổi trăng tròn”.

Ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh
Ngày đó, Tám còn nhỏ lắm và thường hay lân la, nhõng nhẽo với mấy anh thợ may “trốn lính” bên nhà bác Hai Tân Thành. Các anh nghe radio suốt ngày, trong lúc đang làm việc cũng như trong giờ nghỉ trưa hay lúc cơm trưa, cơm chiều. Nhờ vậy mà Tám biết nghe nhạc từ rất sớm nhưng nào hiểu được gì với cái tuổi thơ ngu ngơ chưa rành mặt chữ. Bài hát đầu tiên mà Tám được biết là “Thành phố sau lưng”, “Căn nhà màu tím” rồi đến “Nhịp cầu tri âm”, “Biển mặn”. Tám rất thích nghe chị Như Thủy hát bài “Đôi ngả đôi ta” của tác giả Trần Thiện Thanh, mặc dù trước đó nhiều ca sĩ thành danh đã trình bày bài hát này trên đài phát thanh, trên ti-vi và được khán thính giả ủng hộ nồng nhiệt. Tám nhớ hoài câu cuối cùng của bài hát rất dễ thương “đêm khuya trăng vàng lặng lờ trôi như thầm nói ta với ta thành đôi”. Câu này được chị hát hai, ba lần trước khi chấm dứt bài hát. Giọng hát của chị nhỏ dần và ngưng hẳn khi ban nhạc đã chơi đến nốt nhạc cuối. Tám mê mẩn câu ca này nên lúc nào cũng ngân nga, cho dù đang buổi trưa oi ả hay khi chiều tối phố xá đã lên đèn, cho dù đang hiện diện nhà dưới hay loay hoay trên căn gác lửng. Má nghe được và thường cất tiếng rầy la :
– Nhà này có thằng khùng suốt ngày nghêu ngao tầm bậy, tầm bạ !
Rồi Sài-Gòn bị đứt phim! Cũng như số phận hàng chục triệu người dân miền Nam thua cuộc, tiếng hát ấy đã ngừng hẳn. Con chim sơn ca của miền đất biển Phan-Thiết đã thôi không còn ca hát cho đời thêm vui nữa và khán thính giả mộ điệu, hình như cũng không ai biết được cánh chim non trẻ kia đã lưu lạc đến phương trời nào !

Ca sĩ Như Thủy
Hơn bốn mươi năm sau, Tám tình cờ đọc được một mẫu tin ngắn ngủi trên Internet có kèm theo những hình ảnh quý giá và vài thước phim ghi vội nhưng vô cùng xúc động. Đó là tin tức từ một nhóm thanh niên nam nữ, tuổi đời chừng đôi mươi nhưng rất yêu thích dòng nhạc thời trang trước năm 1975 của miền Nam nước Việt, đặc biệt là dòng nhạc lính, nhạc tình của ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Trong một chuyến đi ngược ra miền Trung, các em đã ghé qua Bảo-Lộc để kính viếng anh và được gặp chị ca sĩ Như Thủy. Chị đã kể cho các em nghe rất nhiều về dòng nhạc ngày xưa, về người anh trai của mình cũng như sinh hoạt ngày ấy của ban Tứ Ca Nhật Trường. Trong phòng khách nhà chị, bên cạnh là bàn thờ của ca sĩ Nhật Trường với khói hương bay lãng đãng, các em đã say sưa đàn hát và hát rất hay, hát rất nhiều bài mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác đã lâu, từ “Biển mặn”,”Rừng lá thấp” cho đến “Qua xóm nhỏ”, “Tâm sự người lính trẻ” v.v. Ca sĩ Như Thủy vẫn ngồi đó, chị không hát cùng các em, nhưng đôi bàn tay gầy guộc kia đã bồi hồi lật từng trang nhạc như tìm lại những hình bóng, những kỷ niệm đã khuất xa. Hình ảnh đó làm Tám xúc động đến nghẹn ngào. Tám nghĩ, chắc trong lòng chị cũng đang bùi ngùi và bâng khuâng tiếc nhớ những ngày tháng cũ.
Nửa thế kỷ đã trôi qua từ khi đất nước sa vào tay giặc phương Bắc, Tám cứ tiếc nuối hoài những ngày tháng êm ả sống ở Sài-Gòn lụa là mưa nắng. Tám may mắn được sinh ra và lớn lên giữa những tình thương, giữa cung đàn phím nhạc và trong cái tuổi ấu thơ nhiều kỷ niệm đó có tiếng hát của ca sĩ Như Thủy làm đẹp cho đời, làm sáng trong những tâm hồn mới lớn.
TV