Sáng nay dậy sớm và đánh thức mẹ dậy sớm luôn. Hôm nay là ngày đầu tiên đưa mẹ đi nhà trẻ. Ở Mỹ có dịch vụ trông các cụ già ban ngày, để con cháu mắc bận làm việc hay phải ra khỏi nhà được yên tâm khi các cụ đến “nhà trẻ”, có người để mắt trông coi hộ một buổi. Một cách tự nhiên không rõ từ đâu, người ta dùng từ “nhà trẻ” (day care) để nói đến những nơi trông người già một buổi trong ngày, giống như em bé đi nhà trẻ rồi chiều về lại nhà với ba mẹ, còn “nhà già” (nursing home) để chỉ nơi các cụ ở luôn suốt quanh năm ngày tháng.

Bảo Huân
Mẹ tôi từ ngày sang Mỹ năm 62 tuổi chỉ ở nhà với con cháu. Lúc ấy bà còn trẻ hơn cả tôi bây giờ, và thích ứng với cuộc sống mới rất thoải mái. Trước khi đón mẹ sang, tôi đã phân vân lo ngại không biết khi bà từ bỏ thế giới Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi bà đã quen thuộc từng đường đi lối lại, bay vù một ngày sang thế giới Mỹ hoàn toàn lạ lẫm, thì bà có thích ứng được không, có lạc lõng u sầu không v.v. Tôi cũng nghe nhiều câu chuyện các bậc cha mẹ sang Mỹ sống với con bị sốc văn hóa, không hòa nhập với xã hội Mỹ, suốt ngày buồn rầu ảm đạm, có người nằng nặc đòi về lại Việt Nam.
Thời may ông xã tôi tuy người Mỹ nhưng lại hăng hái hơn tôi trong việc xúc tiến giấy tờ đón bà sang. Sang đây thì bà ở nhà bận bịu nấu nướng lau dọn, giặt ủi cho con khi mình đi làm bận rộn. Lúc rảnh rỗi tập taichi và thái cực đã học ở Việt Nam, nghe CD nhạc do bà mang sang, đọc sách báo do tôi xin ở chợ về. Bà cũng ghi tên đi học tiếng Anh ở Adult School, kết bạn với những người Việt mới sang tuổi đáng con đáng cháu, ríu rít cùng nhau học tập cũng vui. Sau khi “tốt nghiệp” Adult School, theo lời tiến dẫn của các thầy cô, bà lên học tiếp English 1A ở trường đại học cộng đồng. Đến đây thì sự nghiệp tiếng Anh của bà chấm dứt, vì trình độ quá cao, và vì “họ bắt Má đọc bài và viết phê bình về sex, Má không thích!”
Mẹ tôi sang Mỹ lúc sắp có cháu ngoại, nên có “job” ngay. Bà trông nom bú mớm cho cháu khi mẹ mới nghỉ hộ sản 6 tuần sau khi sinh đã phải trở lại với công việc theo đúng luật lao động Mỹ. Đêm đầu khi tôi bế cháu từ nhà sinh Kaiser về, nó khóc dằng dặc suốt đêm. Mẹ quýnh quáng chỉ biết ôm con đi đi lại lại trong phòng, mắt híp lại vì thiếu ngủ, mồm ru ù ơ câu được câu không. Sáng hôm sau bà ngoại phán: “Đẩy cái nôi sang phòng Má, để Má coi nó ban đêm cho!” Thế là từ đó mẹ được ngủ ngon giấc suốt đêm để hôm sau còn đi làm, bà cháu lo cho nhau thế nào mẹ không biết.
Cháu ở nhà với bà ngoại suốt tuổi thơ, không biết đến nhà trẻ là gì. Bà là người phát hiện và báo cho ba mẹ biết khi cháu nhú cái răng đầu tiên, cho biết lời nói đầu tiên của cháu là gì, cho biết chiều nay cháu đã đứng sổng được lên hai chân, hai tay đưa thẳng ra “làm bánh lái”, đi chập chững ngả nghiêng như người say rượu. Có những bữa trưa cháu không chịu ăn, bà phải đẩy xe đi lòng vòng trong xóm giữa trời nắng chang chang, thỉnh thoảng lại ghé vào bóng râm đút cho một miếng, đến khi sạch bát mới đưa về nhà. Cháu ngọng nghịu gọi “bà wại”, nhập nhằng ghép câu tiếng Anh theo kiểu Việt: “Grandma sweeps the broom!”
Khi cháu đến tuổi đi học cũng chính bà ngoại hằng ngày giúp thay đồng phục, bới cơm trưa cho cháu, còn mẹ thì đã “má em hừng đông đi cày bừa” mất hút. Những lần cháu đau bệnh trong trường, cô giáo gọi về, cũng chính bà ngoại đến đón, mẹ làm cách nhà 1 tiếng đồng hồ xe điện, chẳng thể tức tốc chạy đến được. Mỗi chiều thứ Sáu cháu kéo bạn bè về nhà chơi đùa phá phách, bà ngoại hay làm “Grandma’s Friday Special”, khi thì bánh xèo, khi thì gỏi cuốn đãi cháu và các bạn.
Dần dà cháu mỗi ngày một lớn, bà mỗi ngày một già. Chim non đã tung cánh bay khỏi tổ, bà ở nhà một mình đọc sách báo, nghe nhạc. Khi hỏi bà có muốn sinh hoạt cộng đồng, họp nhóm cao niên gì không thì bà bảo bà thích ở nhà và không thấy buồn tẻ nhàm chán. Gia đình bạn tôi có mẹ già cũng bắt đầu đi “nhà trẻ” nên rủ bà cùng đi cho vui, nhưng bà vẫn thích thảnh thơi ở nhà một mình.
Năm nay đã 92 tuổi, mắt bà ngày càng kém, sức khỏe ngày càng suy. Một con mắt đã mù hẳn hơn chục năm nay, con mắt còn lại được bác sĩ tại bệnh viện John Hopkins tận tình cứu chữa, giải phẫu thay giác mô hai lần, nhưng rồi cũng mù hẳn hơn tháng nay. Tội nghiệp bà phải dò dẫm từng bước từ phòng ngủ sang phòng tắm, từ phòng ngủ ra phòng ăn v.v. Tuy chưa bị vấp váp té ngã, nhưng đã vài lần lôi ngã đồ đạc tung tóe, vỡ chậu kiểng, gãy đổ cây lá v.v.
Lúc này đành phải tìm hiểu dịch vụ “nhà trẻ” để có người để mắt đến giữ cho bà an toàn. Ở quận Montgomery, tiểu bang Maryland có một tổ chức bất vụ lợi (nonprofit organization) chuyên phụ giúp các cụ già người Việt tên là VAS – Vietnamese American Services. Họ có 6 xe đưa đón các cụ cao niên người Việt trong toàn quận đến sinh hoạt mỗi buổi sáng từ 9 giờ sáng đến 1 giờ trưa rồi đưa các cụ về nhà. Những ai có quyền lợi Medicare và Medicaid thì được miễn phí.
Sáng nay con đưa mẹ đến nhà trẻ ngày đầu, những ngày sau sẽ có xe đến đón tận nhà. Con gói theo một chai nước và một gói bánh ăn vặt, một áo lạnh dày vì bà lúc nào cũng kêu lạnh. Mẹ và con đậu xe bước vào thì được cô trưởng nhóm đến chào hỏi và giới thiệu với chú trưởng lái xe cùng với anh tài xế sẽ phụ trách đưa đón vào những ngày sau. Tổ chức VAS có các cô cậu trẻ toàn người Việt chăm lo cho các cụ và một đội ngũ các chú tài xế cũng toàn người Việt đến từng nhà đưa đón. Ngoài phục vụ di chuyển đầu ngày và cuối ngày, giữa giờ các chú cũng bắt tay vào dọn thức ăn và phụ giúp các việc khác. Thấy ai cũng nhanh nhẩu sốt sắng rất cảm động.
Khoảng 9 giờ các xe đưa đón các cụ lũ lượt trút người xuống. Các “trẻ già” lục tục bước xuống xe đi vào trong y như cảnh xe bus vàng đổ học sinh xuống trường buổi sáng. Những “ma cũ” bước ung dung vào sảnh lớn, tự động đến bàn cố định của mình, chào hỏi gọi nhau ơi ới. Vài người còn khỏe thì để túi xách đồ đoàn tại chỗ rồi bước ra đi bách bộ vòng quanh bên ngoài. Những người khác ngồi lại nói chuyện cười đùa rôm rả. Nhìn quanh mới biết tuổi tác các “trẻ già” cũng khác biệt nhiều. Phần đông còn mạnh khỏe nhanh nhẹn, quần áo điệu đà trau chuốt, có người còn trẻ hơn cả mình. Tự nhủ thầm: “Thế mình đi nhà trẻ cũng được rồi đấy!” Các bác đến đây để gặp bạn sinh hoạt cho vui chứ chưa cần chăm sóc nâng giấc đặc biệt.
Bắt đầu ngày có cô manager đi đo huyết áp cho từng người. Cà phê, trà, nước nóng để sẵn tại cuối phòng để tự phục vụ. Khoảng 9 giờ rưỡi thì một tô cháo hành gừng nóng sốt được dọn ra cho mọi người làm món ăn sáng. Sau đó họ chiếu một video tập thể dục nhẹ nhàng đệm nhạc Việt. Cả nhóm lại đứng lên quơ tay chân tập theo cô hướng dẫn trên màn hình. Khoảng 11 giờ thì dọn món quà sáng gồm một hũ yogurt và một trái táo. Đến 12 giờ thì dọn cơm trưa, có cơm, thịt kho, bắp cải luộc, một bát canh bí đỏ nấu với đậu phộng giã, và một trái chuối. Mẹ tôi khen thức ăn vừa miệng như ở nhà nấu. Nhiều bác nhận phần ăn bỏ trong hộp nhựa mang về nhà chứ không ăn tại chỗ.
Một nhóm hợp ca tài tử tập văn nghệ cho Ngày Lễ Cha, tổ chức vào giữa tuần. Những câu hò lơ, bài hát “Nương Chiều” của Phạm Duy, và một màn kịch ngắn tập đi tập lại réo rắt suốt buổi sáng. Nhiều cụ có giọng ca thật tốt, giữ tông giữ nhịp đúng chuẩn. Một chú tài xế cầm đàn guitar đệm cho ca đoàn. Không biết lúc phỏng vấn xin việc lái xe người ta có đòi hỏi nghề tay trái để giúp các cụ giải trí không, nhưng thấy nhạc sĩ vườn xuất sắc lắm. Một chú khác bị sung công bất đắc dĩ đóng vai ông bố già trong màn kịch, đang ráo riết đi từng bàn tìm người thay thế để được thoát vai nhưng đến cuối buổi vẫn chưa “bán cái” cho ai được.
Mẹ và con ngồi quan sát chung quanh. Con quan sát hộ mẹ chứ bà chẳng thấy gì, nhưng vẫn ngoan ngoãn “chấp hành tốt”. Cứ độ 10 phút bà lại hỏi:
– Mấy giờ rồi con? Tới giờ về chưa?
– Chưa má ơi!
Mình ghé tai hỏi:
– Má có nghe mọi người đang ca hát chung quanh không?
– Có, nhưng mà hổng hay!
Ha ha! Cây nhà lá vườn mà bà ngoại!
Khi tôi đưa bà cụ vào phòng vệ sinh ra thì cô trưởng nhóm đến dặn: “Lần sau bác cần đi vệ sinh, chị để tụi em đưa bác đi. Mai mốt không có chị bọn em vẫn giúp bác được”. Các cô tận tình và hăng hái phục vụ thấy cảm động vô cùng. Đưa “trẻ” vào đây thì không sợ gặp “ác mẫu” như những câu chuyện nhà trẻ ghê sợ mình đọc được trên mạng.
Đúng một giờ trưa là các cụ lũ lượt kéo nhau lên xe đi về. “Sân trường” lại trống vắng. Mẹ và con ra xe riêng về nhà.
Ngày hôm sau bà có xe đến đón tận nhà. Sáng ra lại đánh thức bà dậy sớm. Đến khi xe đến thì bà đang đi vệ sinh nên bắt mọi người chờ gần 10 phút. Mẹ con líu ríu đẩy xe lăn ra, tập cho bà leo từng bước lên xe, vào tận chỗ ngồi trong cùng. Thấy bà vất vả lần mò từng bậc bước lên xe mà lòng thắt lại. Dù sao có người để mắt cho cũng an toàn hơn ở nhà, vì mình chẳng thể ở nhà suốt ngày để trông cụ từng giây phút được. Chắc hẳn bà cũng có nhiều âu lo ngại ngùng nhưng cố dằn xuống để cho con yên tâm. Trẻ em nhiều đứa đến trường ngày đầu thì khóc bù lu bù loa, níu chặt lấy áo cha mẹ không chịu vào lớp. Chắc chúng sợ “những điều kinh khủng” đang chờ đợi sau cánh cửa vào lớp. Mẹ mình chắc hẳn cũng có nhiều lo âu ngần ngại trong đầu không nói ra, nhất là khi bà không thấy đường đi nước bước tại nơi chốn lạ. Thế mà bà vẫn chịu “chấp hành tốt” không than vãn. Thấy thương vô cùng!
Trưa về bà cho biết được dọn ăn đàng hoàng. Bà không thấy đường và phở vào mồm thì có người đút cho. Khi muốn đi nhà vệ sinh thì bà giơ tay lên cao, một phút sau có người đến dẫn đi. Bà từ chối bữa trưa vì bảo còn no lắm. Cô trưởng nhóm thuật lại và có vẻ áy náy ra mặt. Tôi bảo cô đừng lo, ở nhà bà cũng ăn rất ít, nhưng chốc lát sau lại kêu đói vòi ăn là chuyện bình thường.
Buổi sáng đưa bà ra xe đứng nhìn theo mà lòng xót xa! Con có tệ bạc với mẹ không khi để mẹ đi nhà trẻ? Gia đình bạn đã cho bác gái đi nhà trẻ vài năm nay khi sức khỏe bác kém đi không ở nhà một mình an toàn được nữa trong khi các con vẫn còn đi làm. Họ bảo bác về nhà vui vẻ hẳn, không gắt gỏng bắt bẻ con cháu trong nhà như trước, mỗi ngày đi về huyên thuyên kể lại những chuyện ngộ nghĩnh của các ông già bà cả trong nhà trẻ cho gia đình nghe. Con gái mình được bà ngoại chăm bẵm từ bé và luôn vỗ ngực xưng tên là đứa cháu thương bà nhất nhà, không ai thương bà bằng nó, cũng tìm hiểu và giới thiệu nhà trẻ VAS này cho bà. Thế mà mình vẫn thấy áy náy tội lỗi làm sao!
Một chị bạn thân kể lại những năm khủng hoảng cuối đời của mẹ chị khi bà già lẫn, mất kiểm soát đường vệ sinh, gây ra những cảnh xáo trộn kinh khiếp trong nhà. Cuối cùng chị đành phải đưa mẹ vào nhà già, hằng ngày đến chăm sóc hỏi han không sót một bữa trong suốt 5 năm cuối đời cho đến khi cụ mất. Tôi không dám nghĩ đến giai đoạn sau này cho mẹ tôi. Nhiều người lớn tuổi hay “sưu tầm” và truyền bá những câu chuyện đau lòng khi con cái bất hiếu khi đưa cha mẹ vào nhà già trái với ý muốn của các cụ. Theo tôi thì chuyện nào cũng có hai mặt. Đứng nhìn theo một nhân sinh quan nhất định rồi trách móc lên án kẻ khác là điều không nên. Hiện nay các anh chị cùng lứa tuổi với tôi, đã sang Mỹ hội nhập mấy chục năm nay, nuôi con thành tài, về hưu sống tự túc, đều không có ý định làm phiền con cái trong tuổi già. Thế nhưng chuẩn bị tinh thần vào nhà già thì các chị cũng không muốn.
Có giải pháp nào khác ổn thỏa hơn không?
Ầu ơ…
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dẫn con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời!
Nuôi con nay đã nên người
Mẹ đi nhà trẻ, con chơi vơi buồn!
TM (06/2025)