Kiều Loan bạn tôi, sang Mỹ thăm gia đình con trai và sui gia ở Bắc Cali theo diện du lịch 2 tháng, nàng sẽ đến Texas thăm gia đình tôi vào cuối tuần này, Kiều Loan gởi tin nhắn cho tôi:
– Thứ Bảy đón mình ở phi trường Dallas lúc 4 giờ chiều nhé. Hẹn gặp bạn.
Chỉ với dòng chữ ngắn ngủi thế bạn tôi đã hí hửng và yên tâm chờ đợi ngày thứ Bảy hội ngộ tại phi trường Dallas Fort Worth một trong những phi trường bận rộn nhất nước Mỹ.
Sống ở thành phố Sài Gòn nhưng đây là lần đầu tiên Kiều Loan đi Mỹ nên có vẻ như chẳng biết gì. Tôi gọi phôn cho Kiều Loan:
– Bạn ơi, phi trường Dallas Fort Worth rộng mênh mông với rất nhiều hãng máy bay, chỉ riêng hãng American Airline thôi đã có mấy chục gate rồi, muốn gặp bạn, tôi biết chỗ nào? Hãy cho tôi tên chuyến bay, số chuyến bay…
Kiều Loan mới ngớ ra:
– Vậy hả?? Mình nghe con nói đã mua vé máy bay cho mẹ đến Texas thứ Bảy lúc 4 giờ chiều, tưởng thế là đủ rồi, để chiều con đi học về mình sẽ hỏi nó thêm những chi tiết này.
Kiều Loan cứ tưởng phi trường nào, ở nơi đâu, cũng giống như phi trường Tân Sơn Nhất Việt Nam chỉ có một lối ra tới ngoài là gặp thân nhân trong đám đông người chen chúc cũng đang chờ đợi thân nhân của họ..

Bảo Huân
Chiều thứ Bảy tôi đón Kiều Loan ngay tại gate nơi lấy hành lý của chuyến bay nàng vừa đáp xuống. Vừa gặp tôi Kiều Loan tuôn ra:
– Hôm từ Việt Nam bay đến phi trường San Francisco mình đã hoa cả mắt, kinh nghiệm thế rồi mà hôm nay đến phi trường Dallas Fort Worth mình càng hoa mắt thêm. Sao mà phi trường Dallas của bạn rộng lớn thế. Ở Mỹ mỗi lần ra phi trường cực khổ quá, tìm gate, tìm lối ra bắt khùng luôn.
– Tại bạn ít đi máy bay nên chưa quen thôi.
Tưởng rằng sau vài tuần lễ ở Mỹ, ở Bắc Cali nàng đã ổn định tinh thần, sẽ được nghe bạn hào hứng khen ngợi những ưu điểm nước Mỹ nhưng ngồi trên xe trên đường về nhà Kiều Loan mở đầu bằng câu than thở:
– Chán quá, nước Mỹ gì mà buồn muốn chết!
– Không sao, mới qua bạn còn lạ nước lạ cái.
Kiều Loan tả oán:
– Ở trong nhà con mình đóng cửa cả ngày như trong cái hộp làm mình muốn ngộp thở luôn. Bước chân ra ngoài lại sợ không an toàn. Đọc báo thấy những vụ nổ súng ở Mỹ kinh hoàng quá.
Tôi giải thích:
– Nước Mỹ có những vụ nổ súng nhưng không có nghĩa là cuộc sống người dân mất an ninh. Garage nhà tôi có khi quên đóng xuống mà chẳng mất mát gì.
Tôi nhớ lại những ngày đầu khi mới đặt chân đến Mỹ tôi cũng từng cảm giác như thế. Ở trong nhà người em coi như bị nhốt trong nhà, sáng ngủ dậy tôi ra ngoài sân đứng thở không khí ngoài trời cho bớt tù túng. Tôi lại an ủi bạn:
– Ai mới đến Mỹ cũng cảm giác như thế, ở Mỹ lâu bạn sẽ quen.
– Ở Việt Nam sáng mình ra công viên tập thể dục đông vui, chiều thích thì đi bơi cũng đông vui. Ở Mỹ ngồi trong nhà kiểu này chắc mình sẽ tăng cân béo mập và trầm cảm luôn chứ quen sao nổi.
Mặc cho tôi khích lệ, bạn vẫn nằng nặc than thở kể hết những nỗi sầu mấy tuần trên xứ Mỹ. Chợ búa gì phát ớn, thịt heo bò gà tôm cá toàn là hàng đông lạnh, bó rau cũng chẳng được tươi xanh mới hái như bên Việt Nam.
Tôi nói:
– Nhưng ở Mỹ bảo đảm an toàn thực phẩm. Ở Việt Nam người ta biến hóa rau héo thành tươi mơn mởn, cá ươn thành cá tươi roi rói, người mua không biết đâu là thật là giả.
Kiều Loan kể:
– Ở Việt Nam vợ chồng mình với vợ chồng người bạn đi nhà hàng sang chỉ tốn một triệu rưỡi, hôm qua mình với vợ chồng thằng con đi ăn nhà hàng ở San Jose hết 160 đô.
– Bạn không thể so sánh giá cả giữa hai đất nước khác nhau, mức sống và kiếm tiền khác nhau.
– Còn nữa hàng xóm gì mà chẳng thấy mặt nhau. Con mình căn dặn là nếu mẹ thấy hàng xóm thì mỉm cười và giơ tay chào cho lịch sự. Mình sang Mỹ mấy tuần mà chưa thấy mặt hai nhà hàng xóm bên cạnh để mà chào.
Vụ này thì Kiều Loan nói đúng tôi không cãi vào đâu được, ở Mỹ ta đâu dễ gì hàng ngày gặp mặt hàng xóm, cuộc sống riêng tư ai ở nhà nấy. Một hôm tôi vừa ra ngoài sân thì gặp bà hàng xóm lâu năm bên cạnh cũng đang đứng trước sân nhà bà, đối diện nhau nên tôi xã giao chào hỏi:
– Bà khỏe không?
Bà hàng xóm mỉm cười trả lời sức khỏe tốt xong, tôi liền xã giao tiếp:
– Cho tôi gởi lời chào và chúc sức khỏe chồng bà luôn nhé.
– Ôi trời, chồng tôi qua đời 3 tháng nay rồi.
-oOo-
Những ngày Kiều Loan ở Dallas Texas tôi đã đưa nàng đi chơi đây đó, kể cho nàng nghe những thành công của người Việt mà tôi quen biết. Hy vọng Kiều Loan sẽ có chút cảm tình với nước Mỹ khi mà tai nghe mắt thấy “người thật việc thật” này.
Vậy mà khi từ giã tôi để trở về Bắc Cali với con, nàng chỉ khen được một câu… lạc đề:
– Ở Mỹ mình thích nhất….thịt bò và trái Cherry. Hôm bạn đãi món sườn bò nướng và tráng miệng trái Cherry ngon quá.
Nàng không động lòng khen cảnh đẹp tiện nghi đầy đủ của nước Mỹ, không khen cuộc sống thoải mái ở Mỹ, không đoái hoài đến sự thành công của người Việt tôi đã cố tình giới thiệu rất nhiều về họ mà Kiều Loan chỉ khen thịt bò và trái Cherry.
Tôi cũng từng nghe người ở Việt Nam sang Mỹ du lịch đều thích hai món này. Cần gì phải thịt bò Kobe lừng danh của Nhật, thịt bò Mỹ cũng được xếp vào hạng ngon lành, người Texas tự hào có thịt bò đen Angus nuôi tại tiểu bang mình, bò ăn cỏ tự nhiên, hương vị mỡ bò, thịt bò với thớ thịt mềm, thơm ngon dinh dưỡng.
Nhiều Việt kiều trước khi về thăm Việt Nam đã mua thịt bò ở Costco mang về làm quà
Kiều Loan cũng thế, trước ngày trở về Việt Nam, con đã chở nàng đi chợ Costco mua thịt bò và mua trái Cherry.
Tôi tiếc cho Kiều Loan một chuyến du lịch xa 2 tháng trời ở Mỹ chỉ có bấy nhiêu. Con trai Kiều Loan lấy vợ Việt kiều ở Mỹ là con nhà hàng xóm ở Việt Nam trước kia. Hai đứa trẻ yêu nhau và cô gái đã về cưới, bảo lãnh người yêu sang Mỹ.
-oOo-
Bẵng đi một thời gian với những bận rộn cuộc sống đời thường tôi bỗng nhận được điện thoại của Kiều Loan. Nàng hí hửng:
– Mình sắp đi Mỹ, lại có dịp đến Texas thăm bạn.
Tôi tưởng nàng nói đùa:
– Mới du lịch Mỹ cách đây 2 năm bạn đã than chán lắm mà…
– Mình sang Mỹ định cư luôn.
– Ủa..Ủa…??…
Tôi vô cùng ngạc nhiên thì Kiều Loan khoe:
– Thằng con mình có 2 tin vui cùng lúc, sau vài năm sang Mỹ diện vợ chồng nó đã có quốc tịch Mỹ và tốt nghiệp đại học ngành Business đã xin được việc làm mà chẳng phải chạy chọt đút lót gì cả.
Tôi reo lên:
– Chúc mừng 2 tin vui của con trai Kiều Loan nhé.
Kiều Loan tiếp:
– Đúng là nước Mỹ xa lạ và buồn chán, mình bị cú “sốc” cảm giác hụt hẫng vì sự khác biệt khi lần đầu từ Việt Nam sang Mỹ. Hai năm trước bạn tưởng là mình vô tình không hiểu ý của bạn khi bạn giới thiệu sự thành đạt của cộng đồng người Việt sao. Chẳng đâu xa mình đã thấy vợ chồng sui gia của mình, sang Mỹ họ chăm chỉ làm việc, chồng mở tiệm sửa xe, vợ làm nail, nhà Bắc Cali nổi tiếng đắt đỏ họ mua trả góp mười mấy năm nay cũng đã xong, họ nuôi con cái ăn học, so ra cuộc sống kinh tế thoải mái vững vàng hơn cả mình mang tiếng là khá giả ở Việt Nam. Nước Mỹ là cơ hội cho người ta biến ước mơ thành sự thật quả không sai. Cái giá của cuộc sống tự do dân chủ là vô giá. Hai vợ chồng mình cùng quyết định sang Mỹ tìm cuộc sống mới. Con bảo lãnh cha mẹ chỉ chừng một năm thôi.
Tôi cười và trêu chọc nàng:
– Vậy mà tôi tưởng Kiều Loan không thèm sang Mỹ du lịch nũa, đừng nói là sang Mỹ định cư.
Nàng cười rộn rã qua phôn:
– Vợ chồng mình qua Mỹ định cư, thằng con út cũng được đi theo, thế là cả nhà mình đoàn tụ. Sang Mỹ thằng út học tiếp Trung học rồi đại học tương lai như thằng anh nó là mình vui rồi.
Tôi chúc mừng bạn:
– Vợ chồng Kiều Loan giỏi giang, vợ chồng bạn sẽ có cuộc sống như ý trên xứ Mỹ.
Sau cuộc nói chuyện với Kiều Loan lòng tôi vui vui khi nghĩ rồi đây gia đình Kiều Loan sang Mỹ sinh sống, nàng sẽ quen dần với cuộc sống Mỹ và một giấc mơ Mỹ sẽ thành sự thật.
NTTD (June 11, 2025)