Share phòng là chuyện dài nhiều tập của người gốc Việt sống ở Hoa Kỳ. Người Việt quốc nội ít khi phải đi share phòng do lối sống “Tam đại đồng đường,” nhà được truyền thừa kế từ đời này sang đời khác, vừa là nhà ở vừa là nhà thờ tự. Một lý do khác người ở Việt Nam ít khi share phòng vì nhà quá nhỏ và không ngăn chia phòng biệt lập. Rất nhiều ngôi nhà đứng trước cửa nhìn thấu ra đàng sau bếp, mỗi tối trải chiếu dưới nền nhà, giăng mùng lên rồi mạnh ai nấy ngủ. Khi có dịp đi đâu xa nhà, người ta phải mướn phòng khách sạn, phòng trọ nghỉ qua đêm.
Ngược lại, ở Mỹ nhà thường chia thành từng phòng riêng biệt, mỗi người một phòng ngủ, ngoài ra còn có phòng ăn, phòng bếp, phòng khách… nên nhà bự và giá tiền cũng không hề nhỏ, thành thử người ta khó sở hữu nhà riêng hơn, nhứt là đối với những người chân ướt chân ráo mới định cư Mỹ và không có “thế lực bảo kê.” Đây cũng là nguyên nhân nhiều người Việt mới bị “choáng váng” trước thực tại phải đi kiếm thuê/mướn chỗ ở, gọi là “shock văn hóa” cũng không sai.
Một cô (ở Quận Cam) đăng Facebook than phiền rằng “Tại sao người Việt mình nói chuyện thô lỗ, bỗ bã và ghét nhau quá vậy?!! Mình gọi điện thoại hỏi thuê nhà mà không biết bao nhiêu người nói chuyện thô lỗ, cộc lốc. Người ta đi thuê nhà chứ có phải đi xin ăn đâu mà tại sao không nói chuyện tôn trọng nhau một xíu?”
Thật ra, ăn nói “thô lỗ,” “cộc lốc” chưa hẳn là người đó xấu, có khi do nghề nghiệp người đó đã làm việc một mình trong thời gian dài, tạo thành thói quen ít nói và không thích nói dài dòng, người làm việc trong môi trường ồn ào thường có thói quen “nói như hét vô mặt” người nghe. Thí dụ như hỏi “Có cho giặt sấy không?” Trả lời “Có.” Hỏi “Có lối đi riêng không?” Trả lời “Không.” Rất rõ ràng, đầy đủ, nhưng cụt ngủn. Mình chưa vô ở chung, làm sao biết chủ nhà có tôn trọng quyền riêng tư của người đi share phòng không? Ông bà ta nói “Ba lần dời nhà bằng một lần cháy nhà.” Người share phòng ngại chủ nhà “không tôn trọng” cũng có lý do chính đáng.
Đơn cử trường hợp của tôi khi mới định cư ở Quận Cam. Tôi đọc các mục rao cho share phòng trên báo và kiếm được một chỗ ở gần Disneyland. Nói “ở gần” tức là đủ để đêm nào cũng thức quá 10 giờ tối, muốn ngủ sớm không được vì tiếng bắn pháo bông bên Disneyland vọng qua đùng đùng suốt hơn 30 phút, ngoài ra chỉ có “quyền lợi” thứ hai là ở cách xa trung tâm Little Sài Gòn 45 phút lái xe, mà xung quanh thì không có hàng quán, chợ búa Việt Nam gì cả. Ban đêm tôi đi học về đường sá tối và “hoang vu” như cảnh thường thấy trong phim ma Mỹ thập niên 60. Thỏa thuận phòng riêng, restroom riêng, có lối đi riêng, nấu ăn riêng (ở cách xa nhà,) có wi-fi, có chỗ đậu xe, giặt sấy, không máy sưởi máy lạnh, giá $650/tháng. Đây là giá hơi cao so với thời điểm đó và vị trí nhà đó. Tới khi tôi dọn vô ở, hỏi đậu xe ở đâu thì bà chủ nhà thản nhiên trả lời “Đậu ở dưới đường á.” Nghe mà sôi máu, không lẽ mình vừa dọn vô cái độp, trả tiền rồi mà bây giờ dọn ngược trở ra? Tôi đành bấm bụng “ngậm bồ hòn làm ngọt.” Tôi đặt Walmart mua cái ghế quay (ghế office dùng cho bàn máy tính,) vài hôm sau, bà mẹ của chủ nhà kêu tôi lên nhà trên nhận ghế. Tôi bước vô thấy thùng giấy Walmart đựng cái ghế bị mở ra tanh bành. Bà mẹ chủ nhà nói “Không biết là cái gì, không biết gởi cho ai nên mở ra coi.” Thùng giấy bên ngoài có in hình cái ghế và chữ CHAIR bự chà bá, dán miếng giấy in rõ họ tên người nhận là tôi. Tôi chỉ biết lắc đầu, tự an ủi “Ghế thì không có gì bí mật.” Rồi tới thư của tôi cũng bị mở ra, may đó chỉ là thư thông báo của bảo hiểm y tế. Tôi còn chưa giận họ, chưa đòi họ hạ tiền mướn vì không có chỗ đậu xe mà họ muốn làm nư với tôi, mới trả tiền tháng thứ 2 đã thông báo tháng thứ 3 lên giá $800/tháng. Tôi trả lời “Tháng sau tôi đi chỗ khác rồi.” Tôi nhờ một chị quen với tôi kiếm phòng giùm. Chị gọi điện thoại tới mấy chỗ quen của chị, họ đều nói “Không cho nấu ăn.” Chị ấy quát: “Người ta nghèo mới đi share phòng, không cho nấu ăn tiền đâu ăn nhà hàng, rồi ăn cớt hay ăn gì sống.” Xong chị tắt máy cái cụp. Tôi nghe mắc cười quá, bà này dữ dằn thiệt, mà bả nói đúng chớ đâu có sai.
Một cô khác góp lời: “Nhiều chủ nhà mình gọi tới nghe giọng tưởng mấy bà chắc phú hộ, điền chủ hồi xưa nói chuyện hay gì đó. Tưởng mình có nhà chắc ngon lắm. Nếu giàu thì không ai chấp nhận bất tiện cho người khác share phòng trong nhà mình để kiếm một ít tiền từ người thuê hàng tháng rồi.”
Một nam chủ nhà trẻ khác (quen với tôi, đang cho một người độc thân share phòng hơn chục năm,) nói “Nếu em có tiền thì em mơ ước không cho ai share phòng. Em ở một mình cho thoải mái, rộng rãi.”
Kế bên nhà tôi đang ở, chủ nhà (người Việt) sửa lại cái garage và cất thêm một dãy 5 phòng cho mướn. Tôi nhìn qua thấy vách tường dãy phòng trước sau đều sát vách tường rào, có lối đi nhỏ, thiệt giống dãy phòng giam ở trại giam số 4 đường Phan Đăng Lưu (TP. HCM) mà tôi mắc cười. Khách share phòng thì Mễ có, Mỹ trắng có, Việt Nam cũng có, nhưng tôi chưa thấy ai ở lâu quá một tháng.
Sống chung với nhau bền phải có “duyên.” Tuy nhiên, “duyên” không phải từ trên trời rớt xuống cái độp trúng ai nấy hưởng, mà trong mối quan hệ người cho share phòng và người share phòng thì cả hai bên phải biết tôn trọng lẫn nhau, thông cảm cho nhau mới sống với nhau lâu bền. Tôi loại trừ các trường hợp người đi share phòng sau đó trở thành ông/bà đồng chủ nhà luôn, họ “tự diễn biến” hay “có dự mưu” thì tôi không biết nên không dám lạm bàn.
Ở đây tôi chỉ nói về quan hệ bình đẳng giữa người share phòng và người chủ thôi, làm gì mình cũng nên nghĩ cho người khác, đặt mình vào vị trí của người khác để không làm mất lòng nhau. Thí dụ mình share phòng không nên ỷ lại vào thỏa thuận các tiện ích “chủ nhà bao” rồi xài xả giàn, đi ra đi vô đóng mở cửa mạnh tay, thức khuya gây tiếng động lụp cụp lạc cạc… thì chủ nhà cũng bị stress vì mình.Một cô khác cho một người nữ share phòng. Cô share phòng này ăn, ở nhưng không bao giờ dọn dẹp, không rửa chén sau khi ăn, quần áo mặc xong liệng bừa bãi, và tai hại nhứt là không trả tiền thuê, đuổi cũng không đi.
Ngược lại, chủ nhà quá tò mò chuyện riêng của người share phòng (mở thư riêng chẳng hạn,) nói gạt người share phòng, tăng giá cao (không đúng giá trị tài sản cho thuê,) “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành,” ra vẻ khinh khỉnh vì “ta là chủ nhà” thì người share phòng cũng “sợ” té khói. Một thanh niên kể chuyện chủ nhà của anh không cho nấu ăn, nhưng nói với anh này rằng cho xài phòng ăn. Anh ta nói không nấu ăn thì có gì để xài ở phòng ăn? Cô nọ share phòng than phiền chủ nhà “sai sử” cô tuần nào cũng è cổ kéo thùng rác của gia đình ra ngoài đường, cô có cảm giác cô là “người ở đợ” chớ không phải người thuê phòng ở.
Nói chung, dù ở vị trí người chủ hay người share phòng, cả hai bên phải “biết điều” với nhau mới sống vui vẻ dài lâu.

Hai cô gái share phòng. Ảnh từ CNBC
TPT