Vịnh Nha Trang có tổng diện tích khoảng 507km2, bao gồm 19 đảo lớn nhỏ và Bích Đầm được biết đến là đảo xa đất liền nhất trong hệ thống đảo của vịnh Nha Trang.

Bức tranh toàn cảnh làng Bích Đầm
Thật ra, Bích Đầm không phải là một đảo riêng biệt mà nằm dưới chân núi Hòn Lớn, phía đông nam dãy đảo Hòn Tre, thuộc phường Vĩnh Nguyên, cách TP. Nha Trang khoảng 12km về hướng đông…
Người ta kể chuyện rằng, Bích Đầm còn gọi là Đầm Bích hình thành do đặc thù vùng nước trong xanh nơi đây. Dù mùa biển động đến đâu, nước trong vịnh lúc nào cũng xanh biếc như ngọc. Đây là một vùng biển nổi tiếng quy tụ nhiều cá nhất của Khánh Hòa. Có người kể chuyện rằng, ngày xưa cá về trong đầm nhiều đến nỗi từ ngọn Hải Đăng cao nhất trên đảo nhìn xuống nước thấy được từng luồng cá đi (?).

Thành phố Nha Trang nhìn từ biển vào
Theo lời kể của các ngư phủ lão thành, khoảng 200 năm trước, một nhóm ngư dân từ thôn Phường Mới, thuộc Tam Quan, tỉnh Bình Định di cư đến Khánh Hòa. Khi đến Bích Đầm thấy đây là nơi quy tụ cá về, họ định cư và lập ra thôn Bích Đầm, sáng kiến ra nghề lưới đăng của Khánh Hòa.
Do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn nhất là những mùa biển động, năm 2003 khi tôi đến khóm đảo Bích Đầm vẫn chưa có điện, gia đình khá giả mới có máy nổ, những gia đình khó khăn dùng đèn dầu. Với đặc thù: mùa nắng hanh khô, không có gió, nước giếng bị lợ; đến mùa mưa mới có nước ngọt nhưng lại có gió nhiều. Những gia đình ở xa khu trung tâm vẫn chưa có giếng, phải gánh nước về dùng. Đời sống tinh thần của người dân còn thấp. Trong gia đình độ tuổi 14 – 15 là lao động chính. Tuy nhiên, so với những năm 90, đời sống người dân ở đây đã có nhiều thay đổi, nhà xây gạch thay dần nhà tranh vách đất…

Đường trên làng Bích Đầm – Ảnh Internet
Hàng ngày ở Bích Đầm có một chuyến tàu vô Nha Trang khởi hành vào lúc 6 giờ sáng và về lại vào lúc 12 giờ trưa. Khách đến Bích Đầm thường là có người thân quen sinh sống ở đây.
Thuyền cập bến, đón chào bạn là đình làng và một cây bàng cổ thụ. Đình làng Bích Đầm thờ Thành Hoàng làng, Bà Thiên Y A Na, Ông Nam Hải (cá Voi), các vị Tiền hiền… Là nơi hội họp, tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư trong làng. Trong đình hiện còn lưu giữ 5 sắc phong do các đời vua triều Nguyễn (từ vua Đồng Khánh, 1887 đến vua Khải Định 1924).

Hòn Tằm
Bất kỳ một con đường nhỏ nào cũng đưa bạn đi vào loanh quanh trong làng. Bạn có thể quan sát đời sống của người dân nơi đây, đến thăm Bích Sơn Tự, bên cạnh là trường cấp một, nghe rõ tiếng học trò ê a trong khung cảnh thật thanh bình. Đi một vòng ra gành đá, nếu muốn phiêu lưu mạo hiểm bạn có thể đi dọc theo mép nước, đi trên những tảng đá để đến núi Giếng Môn. Từ đây có thể ngắm toàn cảnh Bích Đầm, phía trước mặt là biển, sau lưng là núi… Bạn có thể ngồi bất cứ nơi đâu trên gành để ngắm nhìn một quang cảnh yên bình gần như tuyệt đối: những nhà lồng nuôi tôm trên biển, những chiếc thuyền thúng, ghe tàu… Biển êm ả và trong xanh, sóng vỗ thật nhẹ vào bờ… Trong khung cảnh bình yên ấy, bạn sẽ thấy như rũ bỏ hết tất cả mọi náo nhiệt của đời sống đô thị, và có cảm giác như mình đã xa đất liền từ lâu lắm. Từ giã Bích Đầm, bạn có thể mang về những hải sản thật tươi và rẻ mua được trên bến. Những người dân hiền hòa nơi đây sẽ vẫy tay chào bạn và mong một ngày gặp lại.
Đó là những ghi chép của tôi trong chuyến đi Bích Đầm năm 2003. Còn hôm nay, Bích Đầm thay đổi thế nào?

Du khách lên đảo
Xuất phát từ bến tàu khu An Viên, tàu đi qua Hòn Miễu (Trí Nguyên), Hòn Tằm, Hòn Một, qua Hòn Mun, vòng vô Đầm Báy là đến Bích Đầm trung bình mất khoảng 1 giờ 30 phút cho tàu chợ. Trên đảo Bích Đầm hiện có khoảng 240 nhà dân, chủ yếu sống dựa vào biển như: đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Đây là một xóm chài nhỏ ven biển, tựa vào dãy núi Giếng Môn.
Hiện nay, lịch tàu (chợ) vẫn như cũ, bất tiện cho việc ở lại nên hôm ấy chúng tôi chọn thuê tàu với giá 800 ngàn đồng/chuyến đi về trong ngày. Tàu có thể chở 10-12 người.

Trên Hòn Miễu (Trí Nguyên)
Mùa hè biển lặng tàu đi rất êm. Ra khơi, nhìn về Nha Trang, thành phố có màn sương phủ, đẹp liêu trai. Nhìn bên tay phải là Hòn Miễu, bạn có thể ngắm trọn hòn đảo gần Nha Trang nhất và đông cư dân nhất, khu vực hồ cá Trí Nguyên… Bên tay trái là Hòn Tre, đảo lớn nhất trong vịnh Nha Trang. Thật xa phía trước, trong màn sương nước hình dáng Hòn Rơm ẩn hiện như một dấu chỉ cho bạn biết đích đến sẽ là nơi ấy.
Qua Hòn Tằm hình dáng như con tằm nằm trên biển rồi đến Hòn Mun, nhìn lên là núi đá đen. Người đời đặt tên cho những hòn đảo ngoài biển khơi theo hình dáng và đặc thù của nó. Lại quay sang bên trái, vẫn còn trong hệ thống Hòn Tre có một loạt núi đá to nhỏ đủ hình thù nổi lên mặt nước, đẹp như một Hạ Long thu nhỏ. Người lái đò nói với chúng tôi rằng, trên những núi đá nhỏ này có rất nhiều khỉ. Có thể dừng lại xem, nếu muốn.

Một nơi nuôi chim Yến trên đảo Hòn Tre
Làng Bích Đầm rõ dần với đường làng, nhà cửa khang trang, vành đai biển với bờ kè bê tông kiên cố, làng như mới hơn, đẹp hơn. Nhìn toàn cảnh, đẹp như một bức tranh từ Hòn Rơm qua Bích Đầm…
Hôm ấy chúng tôi không lên làng mà vào khu du lịch ở vị trí nhìn ra núi Giếng Môn. Tàu đánh một vòng ngoạn mục đi vào vùng nước trong xanh như ngọc. Biển, núi, cây rừng, đẹp quyến rũ.

Trên Hòn Rơm có một nhà chòi vào nơi nuôi chim Yến
Lên đảo, cơm trưa đã đặt sẵn, bạn có thể tắm biển, chơi các trò chơi như mô tô nước, lặn biển… Chúng tôi không có gì phải vội vã khi ngồi ngắm biển xanh như ngọc từ một quầy cà phê. Biển êm, sóng chỉ chạm nhẹ vào bờ, gió mát, thật sự thư giãn. Sau đó bắt đầu thám hiểm đảo.
Chúng tôi lội nước, lang thang ra các ghềnh đá. Nhìn lên, núi đá màu đen, nhìn xuống vùng nước xanh ngọc. Bên kia là làng Bích Đầm, phía này chỉ lưa thưa vài nóc nhà… Nghỉ chân trong một bungalow, người nằm lim dim mắt tận hưởng mùi biển, nghe tiếng sóng, tiếng gió biển bên tai thiu thiu giấc ngủ, người tiếc biển ngồi ngắm mãi không chán mắt.

Núi Giếng Môn. Nước trong đầm quanh năm trong xanh
Bữa cơm trưa với những món ăn Việt Nam nhưng nấu và trình bày theo kiểu Hàn Quốc, ngon và lạ miệng. Được biết, đây là nơi dừng chân ăn trưa của du khách đa phần là người Hàn Quốc theo lịch trình đi các đảo trong vịnh Nha Trang.
Một điều khá thú vị khi tôi nói chuyện với các chị làm trong nhà hàng, đa phần nhà ở làng Bích Đầm. Các chị kể, buổi sáng đi làm từ nhà chèo thúng qua bên khu du lịch chỉ khoảng trăm mét mặt nước thôi. Hình dung, vào giờ “cao điểm” thúng của người đi làm hàng dài trên biển, tôi nghĩ sẽ rất đẹp.

Hải Đăng trên Hòn Lớn
Ngồi nói chuyện với một tay là dân Hòn Rớ, hay qua ăn nhậu bên Bích Đầm. Tay ấy nói: “Dân Bích Đầm giờ giàu lắm, không như ngày xưa đâu. Tàu đánh cá tiền tỉ không đó. Đất ở bển chỗ nào làm du lịch được, giờ các đại gia mua hết rồi!”.
Chiều về, cũng cảnh ban sáng nhưng biển lại đẹp kiểu khác vì ánh nắng chiều soi chiếu, cảm nhận nhiều góc nhìn đẹp lãng mạn hơn.
Hòm Rơm, Hang Yến, Hòn Mun… xa dần. Tôi ngoái nhìn mãi về vùng biển đã đi qua, đẹp quá, thanh bình quá, một chút luyến tiếc để hẹn trở lại lần sau.
ĐTTT