Cả tuần lễ nay, khói lửa lại bùng dậy giữa Israel và Palestine; cuộc chiến tranh chiếm hàng đầu trên các bản tin thế giới, đẩy con số tử vong từ Covid-19 tại Ấn Độ và vài nơi khác xuống hàng thứ. Báo chí bận rộn bàn tán, kẻ tán đồng người chê trách và thế giới nhìn về phía Huê Kỳ xem ông TT. Biden giải quyết ra sao. Người thân Palestine tại Huê Kỳ xuống đường đòi chính phủ can gián giải hòa cuộc chiến tranh diễn ra từ chục ngàn dặm xa!?

Lịch sử, sách vở ghi chép theo cái nhìn của tác giả. Riêng Dế Mèn năm nọ đã có lần đi ngang nơi ấy, loanh quanh cả hai tuần lễ ở vùng đất nhỏ xíu chưa rộng bằng tiểu bang New Jersey nên bạn bè tò mò lắm. Có người còn hỏi rằng có cái chi để dòm cho hết hai tuần lễ vì ta chỉ cần lái đi ngang New Jersey khoảng 3-4 tiếng là…hết đường! Phe ta trả lời rằng vài ba tháng thì may ra đủ thời giờ nhìn ngắm [học hỏi] cho thỏa trí tò mò. Bài học lịch sử ở đó dài lắm bạn ạ! Học cho thuộc [bài] cũng vẫn chưa đủ để “thấm” những khúc mắc đằng sau các trận chiến đẫm máu từ ngày Israel non trẻ lập quốc năm 1948!

Bản đồ Trung Ðông theo lịch sử cận kim được vẽ từ năm 1917 khi quân đội Anh chiếm đất Palestine từ người Thổ, Ottoman, và công bố đó là đất dành cho dân Do Thái, được quyền tự trị,  theo Balfour Declaration. Người Ả Rập – Palestine nổi dậy chống đối đòi đất. Người Anh nhượng bộ, đưa ông Mohammed Amin al-Husseini lên cầm quyền, Grand Mufti of Jerusalem và lãnh đạo cộng đồng Muslim. Ông này xoay ra liên kết với các nhóm Ả Rập – Hồi giáo khác để ngăn chặn sự phát triển của cộng đồng Do Thái. Từ đó, chiến tranh âm ỉ tiếp diễn dù người Anh chính thức “bảo hộ” cộng đồng Do Thái. Và người Do Thái, được bảo vệ, nên di dân về “đất tổ” Jerusalem từ khắp nơi trên thế giới.

Năm 1947, bất kể sự chống đối của người Palestine-Ả Rập, Liên Hiệp Quốc đề nghị chia Palestine thành hai quốc gia, Do Thái và Ả Rập, sau khi người Anh sửa soạn rút quân về nước. Năm 1948, người Do Thái thành lập quốc gia Israel và tiếp tục chống trả các cuộc tấn công từ khối Ả Rập. Jordan chiếm vùng West Bank và Ðông Jerusalem, Ai Cập chiếm vùng Gaza và Israel giữ được phần còn lại “Mandate Palestine” bao gồm cả Tây Jerusalem. Năm ấy, khoảng 750 ngàn người Palestine – Ả Rập rời quê nhà và từ đó tiếp tục tranh đấu đòi đất!

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Năm 1964, khối Ả Rập thành lập Palestine Liberation Organisation (PLO) và Palestine Liberation Army để yểm trợ người Palestine chống lại quân đội Israel.
Cuộc chiến Sáu Ngày, the Six Day War, diễn ra vào tháng Sáu, 1967, Israel thắng trận, chiếm trọn East Jerusalem, West Bank, Gaza, Golan Heights và Sinai rồi đưa dân đến sinh sống. Những thôn làng “xôi đậu” xuất hiện nhiều hơn và tất nhiên sự khác biệt đã tạo ra những cuộc xô xát lớn nhỏ giữa các nhóm cư dân. Các trận xô xát lớn tạo ra chiến tranh giữa quân đội Palestine và Israel. Uýnh lộn chán rồi ngưng bắn, cứ như thế năm này sang năm khác.  Ngay cả khi Israel có vị thủ tướng [chủ trương] ôn hòa, chịu chung sống hòa bình với Palestine như ông Yitzhak Rabin cũng không thành công. (Ông này bị chính cư dân Do Thái [chủ chiến] bắn chết vì tội “phản quốc”). Phía Israel tương đối “yên ổn” về mặt chính trị, thủ tướng dân cử và đi theo đường lối của đảng cầm quyền theo ý người dân trong khi bên Palestine chịu khá nhiều ảnh hưởng từ khối Ả Rập, Ai Cập, Jordan… chung quanh và nhiều nhóm “dân quân” khác, nổi nhất là Hamas, không có một chính phủ cầm quyền thực sự có ảnh hưởng để thương lượng.

Trạm cảnh sát tại Bethlehem, Palestine

Với một bức tranh nhiều màu sắc [chính trị] như thế không lạ là vùng đất nhỏ xíu nhưng lắm tai ương và cư dân hứng hết mọi khổ nạn.

Dế Mèn lang thang ở đó năm 2018 nên có dịp nhìn tận mắt những “vết thù”. Bên Israel thì vô số các tòa nhà còn đầy vết đạn và thế hệ trong tuổi 40-50 vẫn còn nhớ rõ những ngày “tử chiến”, một mất một còn, khi khối Ả Rập đồng loạt tấn công họ. Phía Palestine cũng hoang tàn xơ xác chưa kể mấy tấm bảng chữ đỏ to đùng ngay tại “biên giới”, con đường vào lãnh thổ Palestine, cấm chỉ mọi công dân Israel héo lánh đến đó. Làng Bethlehem (nơi Chúa Jesus ra đời) nằm trên lãnh thổ Palestine. Cư dân cần du khách nên có phần thân thiện dù cảnh sát võ trang từ đầu đến chân đi đầy đường. Người tài xế xe bus là “công dân” Israel (được sinh sống trên lãnh thổ Israel) nhưng là người Palestine nên được phép lái xe qua biên giới, ra vào giữa hai mảnh đất chia cắt bởi những hàng kẽm gai. Con đường chỉ 30-40 phút lái xe nhưng việc xuất trình giấy tờ, kiểm soát tại biên giới thì cả tiếng chờ đợi!
Theo Palestinian Central Bureau of Statistics, hiện nay khoảng 3 triệu người Palestine sống tại West Bank, 2.1 triệu tại Gaza và 358,000 người tại Jerusalem.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Trên lãnh thổ Israel vẫn có những cộng đồng Palestine và cả đền thờ Hồi giáo (Mosque) nhưng nơi ấy xem ra là các xóm nghèo, không được chăm sóc sạch sẽ như những con đường nơi người Do Thái sinh sống với các synagogue vén khéo. Không biết các thôn xóm nơi cư dân Palestine sinh sống trông nhếch nhác vì bị chính phủ Israel kỳ thị (bỏ lờ) hay tại cư dân cẩu thả sống bê bối? Có lẽ cả hai? Trên lãnh thổ Palestine thì chẳng có mống Do Thái nào; phần lớn cư dân theo đạo Hồi và khoảng 20% theo đạo Thiên Chúa giáo, Palestine Christians. Họ nói đến Israel với sự căm giận, uất hờn và chỉ muốn xóa sổ 9 triệu người Israel hàng xóm (khoảng 7 triệu người theo đạo Do Thái).

Nghe chuyện thù hận từ cả hai bên mà ngậm ngùi! Ai cũng có lý của họ. Người Palestine vẫn căm hận việc không được sinh sống [như ý muốn?] trên đất đai của cha mẹ ông bà họ. Dứt khoát không chịu rời đất nhà, qua bên Jordan, Syria… sát vách mà sinh sống hòa nhập với 390 triệu người trong khối Ả Rập! Hẳn vết thương chia cắt còn “mới”, năm 1948, nên con cháu chưa chịu bỏ qua, chưa quên được trong khi dân Israel thì cần một mảnh đất cắm dùi, nơi họ có thể làm người Do Thái mà không bị xua đuổi tận diệt như ông bà tổ tiên trước đây. Hình ảnh  5 triệu con người bị tru diệt khắp nơi khiến Dế Mèn động tâm, chạnh lòng; không chỉ Hitler mà cả người Bolshevik, người Thổ… cũng xua đuổi dân Do Thái. Dấu vết kinh hoàng ấy chỉ còn là các tấm biển nhỏ xíu nhìn nhận sự có mặt và mất dấu của các cộng đồng Do Thái sinh sống trong vùng Baltic, lãnh thổ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan… Ghép các mảnh vụn ấy với nhau thì phe ta nhìn ra phần nào bức tranh tơi tả của lịch sử Do Thái. Người Do Thái chẳng còn nơi nào để sinh sống tụ họp theo truyền thống nên họ sát cánh tử thủ; không lạ là Israel có vũ khí nguyên tử để tự vệ. Ðến mức cuối cùng thì đá vàng cùng tan nát?

Western Wall (Wailing Wall), Thánh địa của tín đồ Do Thái

Chuyện đất đai hình như không thể giải thích hết những căm thù sâu đậm giữa hai nhóm dân này? Về nguồn gốc tôn giáo, cư dân ở đó có chung ông tổ Abraham (Ibrahim), ai cũng thờ phượng cùng một thượng đế từ Kinh Thánh Cựu Ước. Người theo đạo Hồi suy tôn sứ giả Chúa Trời Mohammed trong khi dân Do Thái thờ phượng Chúa của họ. Ngôn ngữ khá gần gũi và họ có thể hiểu nhau, “we are brothers”, vậy mà cứ uýnh nhau chí chết. Thăm viếng vùng đất ấy rồi nghe chuyện kể từ hai bên bốn phía thì phe ta chỉ biết lắc đầu, hiểu thì hiểu [sơ sơ] chứ không “thấm thía” như những con người sống chết với miền đất ấy.

Xem thêm:   Allen PAC

Riêng Jerusalem thì quả là một nỗi ngậm ngùi khi thành phố nhỏ xíu bị cắt thành hai miếng Ðông Tây, sát bức tường Cầu Khẩn, Wailing Wall, nơi người Do Thái đến cầu khẩn Chúa của họ, những tấm giấy xếp nhỏ nhét giữa các khe đá thì bên kia là tòa nhà nóc vàng ối, Great Mosque của người Palestine.

Hôm nọ xem truyền hình thấy khói lửa sát bên cạnh Great Mosque, Dế Mèn sốt ruột quá. Người ta đánh nhau chí chết ngay tại chốn thờ phượng, và nơi nào cũng tuổi tác ngàn năm. Súng đạn vô tình đâu biết tránh né xương thịt con người hay di tích? Mà cớ sự làm sao lại khói lửa rầm rầm như thế nhỉ?

Nếu sách vở, lịch sử có thể dùng như một “bản đồ” thì ta có thể đoán rằng khi hai bên Palestine – Israel chịu ký thỏa hiệp “ngưng bắn” thì tiếng súng không còn rầm rầm nữa và báo chí cũng chẳng nói đến cái lò âm ỉ ấy thì… đâu cũng hoàn đấy, tình trạng xôi đậu của dân Palestine sinh sống giữa lãnh thổ Israel lại vẫn in như cũ. Vài mươi cư dân “trung lập”, không theo phe nào, như Dế Mèn đây sẽ vẫn tiếp tục gãi đầu tự hỏi tại sao hai khối cư dân ấy không thể chung sống hòa bình nhỉ? Cứ yên tĩnh ít lâu rồi lại nổ súng! Và mỗi lần nổ súng thì máu đổ thịt rơi, bên nào cũng có người chết, và cả hai bên đều la lối rằng cư dân họ chết cho “hòa bình”.

Israel có quyền tự vệ và người Palestine cũng có quyền được sống bình yên. Không ai chịu dọn nhà đi nơi khác thì làm thế nào để hai bên chung sống hòa bình? Và người Huê Kỳ giữ vai trò gì trong việc giúp hai bên thương thảo?

TLL