Phố Cổ Hội An       

3 kỳ – kỳ 3

Phe ta đến Hội An (Faifo) vào buổi chiều, khách sạn Hội An nằm trên đường Trần Hưng Đạo, nghe nói tòa nhà được xây trên miếng đất ngày trước là nơi đóng quân của quân đội Mỹ. Từ khách sạn Dế Mèn đi bộ một quãng ngắn vào phố Cổ dạo phố trước khi trời tối. Chợ chiều nằm trong phố Cổ vẫn đông người qua lại, phe ta mua được một nải chuối cau trái nhỏ bằng ngón tay, vỏ vàng tươi, có mùi rất thơm và mấy cái nem chua xách toòng teng về khách sạn. Chuối rất ngọt và nem gói bằng lá ổi thơm lạ lùng.

Trong phố Cổ, chỉ có xe hai bánh và người đi bộ, những ngôi nhà được bảo tồn theo kiểu xây cất ngày trước. Chỉ một con đường Trần Phú (trước đây là đường Cường Để, sau 1975 thay tên thành Trần Phú), Dế Mèn thấy nhiều kiểu kiến trúc, có ngôi nhà xây theo kiểu Tây «colonial», có nhà xây theo kiểu Tàu mái cong, lợp ngói âm dương, có nhà xây theo kiểu Nhật… dĩ vãng của một thị trấn buôn bán với những tàu bè ngoại quốc. Nhìn ngắm sông Thu Bồn (sông Cái) trôi lờ đờ mỏi mệt, nước cạn hầu như khô, từ bờ sông trên đường Bạch Đằng, khó có thể hình dung ra Hội An là một hải cảng ngày trước nơi thuyền bè tứ xứ vào buôn bán tấp nập… từ biển Nam Hải ghé vào cửa sông Thu Bồn… Hầu hết những ngôi nhà được xem là di tích nằm trên đường Trần Phú.

Lai Viễn Kiều. nguồn: Wikimedia.org

Bắt đầu từ cầu Nhật Bản, còn được gọi là Lai Viễn Kiều. Cầu Nhật Bản được xây từ năm 1593, tuy được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được những bản sắc cũ, cầu có mái che lợp ngói. Một đầu cầu có tượng đôi khỉ, đầu cầu kia có tượng đôi chó rất lạ… Thường thường Dế Mèn chỉ thấy tượng những linh vật như kỳ lân, mãnh hổ gác cầu, nhất là khi một bên cầu có ngôi chùa nhỏ, chùa Cầu. Người ta bảo rằng có lẽ để kỷ niệm ngày bắt đầu xây cầu vào năm Thân và hoàn tất vào năm Tuất?

Trên đường Trần Phú, Dế Mèn ghé Cao Lầu cà phê, ngôi nhà giữ nguyên nét cũ kỹ, vào nhà phải bước qua một ngưỡng cửa cao khoảng 20 phân. Cao Lầu là món ăn đặc biệt của Hội An, sợi mì làm bằng bột gạo pha với nước giếng Bá Lễ (Bà Lê?) và nấu thành mì, sợi mì trắng đục, to bản, hơi dai (không trong và dai như sợi hủ tíu dai) chan với nước dùng xâm xấp và ăn chung với thịt heo nạc, mấy con tôm, đậu phụng rang giã nhỏ và bánh tráng bẻ vụn. Dế Mèn thấy vị giống giống mì Quảng nên hỏi thăm người dọn bàn. Chắc thấy khó chịu nỗi ấm ớ nên ông khách ngồi bàn bên cạnh rổn rảng sửa liền, “Cao Lầu là …Cao Lầu chớ shau là mì quỏng đực???” và ông ấy cất giọng kể cho Dế Mèn nghe cách làm mì Cao Lầu, từ đó mới mò ra giếng Bá Lễ. Bây giờ đọc lại tập nhật ký cũ rích, phe ta hình như vẫn nghe tiếng ông ta oang oang bên tai.

Hội quán Phúc Kiến năm 2024

Hội An hình như là nơi đầu tiên trên đất Việt của những người Tàu di dân về phía nam Việt Nam, thành phố có ít nhất cả chục ngôi nhà của những bang hội khác nhau, bang Phúc Kiến, bang Triều Châu… Ngôi nhà nào cũng được bảo trì kỹ lưỡng cẩn thận, niềm hãnh diện của một nhóm người xa xứ. Họ bán vé vào cửa để xem, cũng như ngôi nhà từ đường của dòng họ Trần, G. hỏi họ Trần ở đây có liên hệ gì đến cái tên họ của Dế Mèn không? Dế Mèn giải thích rằng quê nội ngoại ở tuốt ngoài Bắc và sổ sách chép tay chỉ ghi tên có 4-5 năm đời, không thấy có ông cố ông sơ nào vào Quảng Nam lập nghiệp.

Xem thêm:   Ballerina

Trên đường Trần Phú có nhà từ đường của dòng họ Trần, bí thư đầu tiên của đảng cộng sản Việt Nam. Đi ngang thấy khói hương nghi ngút, Dế Mèn tò mò quá, cộng sản vô thần, hổng hiểu họ thờ cúng cái chi? Không phải chỉ tay cộng sản gộc này cúng kiếng mà mấy tai to mặt lớn cộng sản ngày nay cũng thờ cúng in như thế, cũng những con người này chối bỏ cha mẹ nguồn gốc. Cha mẹ còn sống nhăn mà chối bỏ không nhận thì ông cố ông sơ chết từ đời tám hoánh cúng kiếng làm gì? Nghĩ như thế nên phe ta đi luôn, khỏi dừng lại đỡ tốn thời giờ xem người ta bôi bác.

Sông Thu Bồn

Năm ấy người ta bán một xấp vé không nhớ bao nhiêu tờ, và ta có thể chọn nơi mình muốn xem; mỗi nơi ta trả một hoặc hai vé vào cửa. Dế Mèn thăm ngôi nhà cổ nhất trong phố Cổ của Hội An, số 77 đường Trần Phú, xây khoảng 300 năm trở lại. Mái nhà có hình thể cái mai cua, cột kèo, và cả những bức tường gỗ trong những phòng ốc của ngôi nhà chạm trổ tỉ mỉ. Không biết tự bao giờ người ta đã dùng những viên gạch men xanh để lát hàng rào (railing) bao bọc khoảng sân trong một ngôi nhà cũ. Gạch có vẻ xưa cũ nên Dế Mèn không biết kiểu xây cất này có từ bao giờ, hẳn không phải là những tác phẩm thời đại? Ngó tới ngó lui mà không biết hỏi ai, người thu vé biến mất sau khi lấy vé nên phe ta chán nản đi luôn. Buổi thăm viếng trên dưới 10 phút.

Xem thêm:   Bắp ngô, ngũ cốc hay rau?

Tòa nhà đồ sộ nhất là Hội Quán Fujian (Phúc Kiến?) của người Hoa, thờ bà Thiên Hậu, thần phù trợ người đi biển, thờ cả Phong Nhĩ da đỏ nghe xa ngàn dặm, và Thiên Lý Nhãn da xanh nhìn xa muôn dặm. Bệ thờ chính giữa là bài vị và tượng của 6 vị trưởng tộc đến lập nghiệp tại Việt Nam từ thế kỷ XVII. Họ thờ cả Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Dế Mèn chưa hiểu sự liên hệ ra sao, chẳng lẽ họ lại thờ cúng khơi khơi một thầy lang nổi tiếng nhưng không dây mơ rễ má chi trong đền thờ của dòng tộc?

Chùa Ông

Chùa Ông là một ngôi chùa của người Tàu, đền Quan Công, thờ Quan Vân Trường một danh tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Chùa nằm trên đường Trần Phú, hẳn trong những ngày vàng son thủa trước, con đường này là trung tâm của thành phố, người ra kẻ vào, buôn bán rầm rộ. Trong chùa, tượng Quan Công mặt đỏ râu dài, Chu Thương đen đủi râu ria, mắt gườm gườm đứng một bên và Quan Bình mặt trắng thư sinh đứng một bên, có tượng con ngựa trắng to bằng ngựa thật mà không thấy con Xích Thố ở đâu… Ngôi chùa đã trên 450 năm, xây sửa nhiều nên chỉ còn lại một ít nét cổ. Mái chùa có ống thoát nước hình cá chép rất lạ, không biết có từ năm nào, hình tượng cá chép vượt vũ môn hóa rồng (chỉ sự thăng hoa) rất thông thường trên vách trong những ngôi nhà của người Tàu, lạ là lần này cá chép… leo tuốt lên mái nhà, hẳn đứng sẵn cho lẹ lúc hóa rồng?

Nhớ lời ông khách ăn Cao Lầu hôm trước, Dế Mèn mày mò đi tìm giếng Bá Lễ, không biết giếng nước có những thứ gì ở trỏng, mà làm mì Cao Lầu là phải có nước giếng Bá Lễ, không có không ra sợi mì. Đi lòng vòng trên đường Phan Chu Trinh đi tới đi lui mãi mới tìm ra ngõ hẻm bên cạnh ngôi nhà số 45, lại phải có người chỉ lối mới mò ra số 45/17. Nghe nói cái giếng đào từ thời Chàm, miệng giếng Bá Lễ hình vuông, giếng sâu, nhìn mãi mới thấy nước, người ta bảo mùa nước cạn. Mách nhỏ với bạn, hèn chi sợi mì Cao Lầu giống sợi mì Quảng? Chỉ dám nói nhỏ nhỏ kẻo bị người Hội An sửa lưng!

Ngôi nhà cổ số 77 đường Trần Phú

Hình như chỉ có Hội An là thành phố duy nhất tại quê nhà còn giữ được phố Cổ, mọi sự xây cất, sửa sang đều phải có giấy phép nên thành phố không thay dạng đổi hình đến độ chóng mặt? Mừng cho Hội An, ít ra còn chút … hương xưa dù mùi hương đã nhạt và là mùi hương nhân tạo dành bán cho du khách? Dế Mèn bùi ngùi so sánh Hội An với Hà Nội, Hà Nội giống như một cô gái mặc áo đầm, đi dép ny lông và đội nón lá với những ngôi nhà xanh đỏ nửa Âu nửa Á, đèo thêm những mái nhà vòm tròn (dome) bằng nhựa màu.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 10 tháng 7 năm 2025

Cuối đường Trần Phú là một tòa nhà sặc sỡ, hội quán của người Tàu tại Hội An, hình như bang Hải Nam (?). Ngoài những quán xá, di tích, Hội An hình như nổi tiếng về ngành sản xuất bông vải, cotton. Dế Mèn ngó mà không thấy bày bán vải, chỉ thấy vài cửa tiệm bán tơ nội hóa (ni lông nhiều hơn là tơ tằm thứ thiệt) và nhiều cửa tiệm bán đèn lồng sặc sỡ.

Giếng Bá Lễ

Ra khỏi phố Cổ, Dế Mèn đi tìm mộ những người Nhật di dân đầu tiên. Mộ ông Yajirobei nằm gần chùa Chúc Thanh, bia đá ghi năm 1647. Mộ và bia được đúc bằng một loại xi măng thủa ấy, một hỗn hợp của chất vôi từ vỏ sò tán nhuyễn, xác mía và xác cây bời lời, trăm năm gắn bó… đến bây giờ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt! Người ta nói rằng thương nhân Yajirobei là người tị nạn trốn tránh sự truy nã của thời đại cấm đạo Thiên Chúa tại Nhật Bản?

Huế rồi Đà Nẵng và Hội An, chuyện lang thang của con dế mèn năm xưa bây giờ chép lại, lòng bùi ngùi, hình ảnh vẫn đậm nét trong trí nhớ, mỗi tấm ảnh là cả mấy mươi giây mơ màng. Cái máy hình của trí nhớ và mấy tấm ảnh Dế Mèn chụp khác hơi xa với những “tay” du lịch của báo Trẻ hôm nay. Hẳn là mỗi đôi “cửa sổ tâm hồn” đi đôi với tâm cảm nên ghi nhận những điều khác nhau chưa kể khoảng cách không gian và thời gian? Quả là đời sống muôn vẻ dù ta cùng nhìn về một phía!?

Ngôi mộ ông Tani Yajirobei

TLL