3 kỳ – kỳ 1
Những năm tháng đầu tiên trên đất khách & vạn sự khởi đầu nan
Tôi vừa về đến nhà sau bữa ăn với vài người bạn vào trưa thứ Bảy hôm nay tại một nhà hàng được nhiều người ưa thích trên đường Bellaire. Sau khi rời nhà hàng, tôi lái xe dọc theo đoạn đường hơn 5 cây số theo hướng Đông để ra vòng đai Beltway 8. Chiếc xe chạy qua những khu thương mại, nhà hàng, siêu thị, cửa tiệm, văn phòng bác sĩ, văn phòng nha khoa, văn phòng bảo hiểm, văn phòng địa ốc, văn phòng du lịch, đài phát thanh, đài truyền hình, tổ hợp luật, và những cơ sở thương mại khác của người Việt. Dọc theo hai bên lề, tôi trông thấy những bãi đậu kín mít xe mà người lái có lẽ phải khó khăn lắm mới tìm được một chỗ trống, kể cả ở những bãi có thể chứa được dăm bảy trăm chiếc cùng lúc trong vài khu thương mại lớn.
Xe lăn bánh qua Universal Shopping Center nằm bên trái tôi. Sừng sững giữa trung tâm mua sắm đồ sộ này là Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và đồng minh trong chiến tranh Việt Nam mà cư dân thành phố thường gọi là Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt-Mỹ, với hai pho tượng cao lớn tượng trưng cho người lính VNCH và người lính Hoa Kỳ, tay cầm súng trong tư thế như đang xông vào quân địch. Khoảng 50 thước sau tượng đài này là Đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam với các bức tượng nam, phụ, lão, ấu, tay xách nách mang bọc hành lý nhỏ nhoi trên hành trình tìm tự do. Tôi đã đến đấy rất nhiều lần.
Chung quanh tôi, dọc theo đường Bellaire, là một khung cảnh tấp nập những người là người. Đó đây, có những Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đang tung bay phất phới. Từ tháng 6 năm 2003, Hội Đồng Thành Phố Houston gồm 14 nghị viên đã biểu quyết với đa số tuyệt đối công nhận Quốc kỳ VNCH là lá cờ chính thức của cộng đồng cư dân Mỹ gốc Việt, được quyền treo trên các công sở, các nơi công cộng và lễ hội tại thành phố.
50 năm về trước, khi những người Việt tỵ nạn đầu tiên đến Houston vào mùa Hè năm 1975, chỗ tôi đang lái xe là một vùng trông như đất hoang, được xẻ đôi bằng con đường Bellaire nhỏ hẹp chi chít ổ gà, với một làn đường đi vào, một làn đi ra. Hai bên đường là um tùm cỏ dại, không một cột đèn. Có lần tôi lái xe lạc vào khu này trong đêm tối mà ngỡ như mình đang đi trên một con đường làng nghèo nàn trong cuốn phim với bối cảnh miền Tây hoang dã của nước Mỹ vào giữa thế kỷ 19 mà tôi đã từng xem ở ngày mới lớn.
Theo các khoa học gia thì hàng trăm triệu năm trước, nơi này là đại dương. Tôi không biết mất bao nhiêu triệu năm để bể cả biến thành ruộng dâu; nhưng tôi biết rõ chỉ trong 30 năm, ruộng dâu nơi đây biến thành những dãy phố khang trang, sầm uất với đại lộ mỗi bên 3 làn đường, ở giữa là những giàn hoa 4 mùa tươi nở.
Tất cả là nhờ người Việt.

Đại diện quân, dân, cán, chính và các chị ban hợp ca Hồn Việt trước Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt-Mỹ trong một buổi chào cờ. Những người này đến đây chào cờ Hoa Kỳ và cờ VNCH vào mỗi sáng Chủ Nhật trong suốt 7 năm qua
Những Năm Tháng Đầu Trên Đất Khách
Theo thống kê của chính quyền Hoa Kỳ, khi miền Nam Việt Nam sụp đổ vào cuối tháng Tư năm 1975 thì Houston, thành phố lớn nhất của tiểu bang Texas, chỉ có khoảng 100 người Việt đang định cư. Hầu hết trong số này là sinh viên Việt đang du học và vợ của những quân nhân Hoa Kỳ đi theo chồng sau khi họ mãn hạn phục vụ ở Việt Nam. Đến tháng Sáu cùng năm, thành phố đón nhận những người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam đầu tiên từ 4 trại tạm trú dành cho người tỵ nạn: Pendleton ở California, Eglin ở Florida, Fort Indiantown Gap ở Pennsylvania, và Fort Chaffee ở Arkansas. Phần lớn những người Việt đầu tiên định cư ở Houston đến từ Fort Chaffee, có lẽ vì trại này gần Houston nhất. Ngày ấy, đạo luật Hỗ Trợ Người Tỵ Nạn Đông Dương của chính phủ Hoa Kỳ (the Indochinese Assistance and Refugee Assistance Act of 1975), có hiệu lực từ năm 1975 đến 1978, đã chỉ định Houston là một địa điểm định cư chính cho người Việt.
Gia đình chúng tôi gồm bố mẹ tôi và 9 người con từ Guam đến Fort Chaffee vào trung tuần tháng 7 năm 1975. Cuối tháng 8, tôi và cô em kế được một đại học ở tiểu bang Oklahoma cấp học bổng nên rời trại để đến trường học nội trú. Tháng sau, bố mẹ và các em tôi được nhà thờ Northwoods Presbyterian ở Houston bảo lãnh. Họ thuê sẵn cho gia đình một căn nhà ở phía Bắc thành phố và trả tiền thuê cho đến khi bố tôi tìm được việc làm vài tháng sau. Đến mùa Hè năm tới, tức năm 1976, tôi và cô em chuyển trường về Houston để sống với gia đình.
Cho đến cuối năm 1975, số người Việt tại Houston tăng lên khoảng từ 4,000 đến 5,000 người. Con số này sống lọt thỏm giữa hơn 2 triệu cư dân địa phương trong thành phố rộng lớn. Thời bấy giờ ra đường gặp đồng hương là mừng vô hạn, cứ như là “tha hương ngộ cố tri” (đang lúc xa quê, gặp được bạn cũ) dù rằng đó là người mình gặp được lần đầu. Thế là cầm tay rối rít hỏi han, trao đổi số điện thoại, rồi mời đến nhà dùng cơm để có dịp kể cho nhau những câu chuyện gần xa, từ chuyện định cư ở xứ sở này đến chuyện ở nơi đã nghìn trùng cách biệt.
“Tha hương ngộ cố tri” là câu thứ hai trong một bài thơ của Uông Thù, sinh vào đời Bắc Tống, nói về 4 niềm vui lớn trong đời người theo thứ tự. Nguyên văn bài thơ là “cửu hạn phùng cam vũ, tha hương ngộ cố tri, động phòng hoa chúc dạ, kim bảng đề danh thì,” tức “nắng 9 năm gặp mưa, xa quê gặp bạn cũ, đuốc hoa đêm động phòng, bảng vàng có ghi tên.” Như vậy, xa quê gặp bạn cũ chỉ đứng sau nỗi mừng được mưa sau 9 năm hạn hán, mà còn thú hơn cái sướng của đêm động phòng và niềm vui khi thấy tên mình trên bảng vàng một kỳ thi.
Về sau, tôi quen với người bạn hơn tôi vài tuổi. Anh kể rằng anh từ trại tạm trú đến Houston thui thủi một mình, không thân nhân, không bè bạn. Sau 2 tháng sống chung với gia đình bảo trợ người bản xứ, suốt ngày lặp bặp tập nói tiếng Anh, một hôm anh ghé siêu thị gần nhà mua thực phẩm. Đang đứng trước một quầy hàng, anh nghe một giọng nói gắt gỏng vang lên: “Ba đã bảo sao con không nghe?” Nghe được câu tiếng Việt, anh cảm động đến nỗi ứa nước mắt. Chạy vòng qua quầy hàng gần đó, anh trông thấy một người đàn ông Á châu đứng cạnh đứa con trai độ 5, 7 tuổi. Thế là quen nhau.
Nhớ đến tình đồng hương trong những năm tháng ấy; đến nửa thế kỷ sau, chắc ai ai vẫn thấy lòng bồi hồi, xúc động.
Hè năm 1976, tôi và cô em dời trường ở Oklahoma về sống với gia đình như đã đề cập. Tuy nhiên, sau khoá học mùa Thu năm trước, tức năm 1975, chúng tôi đã sang Houston thăm bố mẹ và các em vào dịp lễ Giáng Sinh và ở lại đến qua Tết Dương Lịch mới trở lại trường. Đó là những ngày thần tiên cho chúng tôi vì được ăn cơm với những món Việt do mẹ tôi nấu và trên bàn ăn, lúc nào cũng có bát nước mắm. Mẹ tôi kể, trong 2 tháng đầu ở Houston, gia đình phải dùng xì dầu hiệu Maggi thay nước mắm vì thứ nước chấm này có bán trong một siêu thị lớn gần nhà. Một hôm, bố tôi kể với người bảo trợ về nỗi nhớ nhung vị nước mắm. Vài ngày sau, người bảo trợ đến nhà, bảo bố tôi rằng ông đã tìm được một tiệm bán thứ nước đậm đà tình quê này của người Việt và lái xe đưa bố mẹ tôi đến mua. Đó là tiệm chạp phô nhỏ với diện tích chỉ bằng một garage đủ chứa hai chiếc xe nằm trên đường Chartres, song song với xa lộ 59 ở phía Đông downtown. Tiệm của một người Trung Hoa, bán các thực phẩm khô nhưng ngạc nhiên thay, có cả nước mắm. Về sau, tôi đã ghé tiệm vài lần để mua thứ nước chấm quốc hồn quốc tuý này cho gia đình. Tôi còn nhớ đó là nước mắm hiệu Lucky, giá 99 cents một chai. Về sau, khi có các tiệm thực phẩm Việt, chẳng ai dùng loại nước mắm này để chấm vì chê không ngon. Tuy nhiên, lúc mới thỉnh được chai Lucky về nhà; ngồi vào bàn ăn, rót ra một chén, vắt múi chanh vào, dầm thêm chút ớt, vừa ngửi hương thơm đã thấy cả một trời hạnh phúc.
Trong những năm tháng đầu sống trên đất khách, rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt về thói quen, tập quán đã lắm phen khiến người Việt bị điêu đứng. Tôi đã đọc, đã nghe kể lại nhiều chuyện hiểu lầm, có những chuyện thuộc loại cười ra nước mắt, như chuyện sau đây.
Tôi có người bạn, vừa hoàn tất năm thứ ba tại một đại học ở Sài Gòn trước khi định cư ở Houston vào tháng 8 năm 1975. Cô và gia đình được người bảo trợ thuê cho một căn apartment tại vùng Đông Nam của thành phố. Gần apartment có một tiệm bán quần áo cũ mà người Việt lúc ấy gọi là hàng “Mybo,” tức “Mỹ bỏ” mà cô và cô em kế của cô thỉnh thoảng ghé đến. Những tiệm quần áo cũ tại xứ sở này là nơi người Việt thời bấy giờ ưa chuộng vì giá hợp với túi tiền người di tản và quần áo còn khá mới.
Một ngày nọ, hai chị em rủ nhau thăm lại tiệm quần áo cũ. Họ đi bộ qua một tiệm dry cleaning, tức tiệm giặt hấp hoặc giặt khô theo tiếng Việt. Nhìn qua cửa kính tiệm, trông thấy dãy quần áo sạch sẽ, thẳng thớm treo bên trong; tưởng đó cũng là tiệm bán quần áo cũ, các cô mừng quá, hý hửng bước vào. Thế là chọn hết chiếc này sang chiếc khác, săm soi từng đường may thớ vải. Người chủ tiệm, một phụ nữ da trắng đang ngồi đọc báo ở quầy tính tiền, ngước nhìn hai cô với ánh mắt ngạc nhiên nhưng vẫn lặng im. Có lẽ bà tưởng hai cô là khách khó tính, kiểm soát xem áo quần họ giặt có sạch không, ủi có thẳng không trước khi mang áo quần đến.
– How much? Cô bạn tôi lên tiếng hỏi khi đang cầm một chiếc váy trên tay.
Ngỡ bạn tôi hỏi giá giặt ủi mỗi chiếc váy bao nhiêu, bà chủ trả lời: “35 cents!”
Hai chị em mừng quá Chiếc váy đẹp thế này, vải tốt thế này, còn mới thế này, trông hợp thời trang thế này mà giá chỉ có 35 cents. Quả là vớ được món rất bở. Có bao nhiêu tiền mang theo phải mua bằng hết mới được.
Thế là hai chị em tíu tít chọn lựa. Khi cô bạn tôi ướm một chiếc váy vào người hỏi cô em, dĩ nhiên bằng tiếng Việt, trông có hợp với mình không thì bà chủ bỏ tờ báo xuống quầy, mặt lộ rõ vẻ sửng sốt. Ngay lúc ấy, có người khách khệ nệ ôm một đống quần áo đến.
Hai chị em cảm thấy có điều bất thường nên ngừng tay nhìn bà chủ và người khách. Đến lúc bà ghi giấy nhận số quần áo, thu tiền người khách, và lấy những quần áo đã giặt trao cho người này thì hai cô mới biết mình “bé cái lầm,” đây đích thị là một tiệm giặt ủi.
Xấu hổ quá, hai chị em cúi chào bà chủ và khép nép đi ra. Kể lại chuyện xong, cô bạn bảo tôi: “Em đi ra mà có cảm tưởng như gáy mình nóng ran lên vì ánh mắt nhìn theo của bà chủ. Chắc bà ấy tưởng bọn em là hai con khùng.”
Vạn sự khởi đầu nan
Trong một bản phúc trình, chính quyền Hoa Kỳ phân biệt 3 đợt sóng người tỵ nạn Việt Nam vào đất nước này như sau: 1) Những người đầu tiên đến ngay sau biến cố tháng Tư năm 1975, 2) Những thuyền nhân (boat people) trong cuối thập niên 70 và nửa đầu thập niên 80, và 3) Những cựu tù nhân của cái gọi là trại Cải Tạo đến trong nửa đầu thập niên 90. Cũng theo bản phúc trình, trong số 3 đợt sóng này, một cách tổng quát, những người trong đợt đầu được đánh giá cao hơn về trình độ học vấn. Tuy nhiên, trình độ của họ không giúp bản thân được nhiều tại xứ sở này. Họ phải mày mò học hỏi để mưu sinh. Không có kinh nghiệm để học hỏi từ lớp người đi trước, vì làm gì có người đi trước.
May mắn thay, nền kinh tế Hoa Kỳ giữa thập niên 70 tăng trưởng mạnh nhờ giá dầu tăng. Là thành phố được mệnh danh là thủ đô dầu hoả (World Oil Capital) của thế giới, Houston có rất nhiều công ty cung cấp việc làm liên quan đến dầu khí. Điển hình là hãng tiện nổi tiếng Hughes Tool đã thuê mướn ào ạt nhân công người Việt vì 3 lý do: thứ nhất, người Việt khéo tay; thứ hai, người Việt chăm chỉ; và thứ ba, người Việt không bao giờ từ chối làm giờ phụ trội (overtime), có khi còn vui vẻ là khác vì làm giờ phụ trội được trả lương gấp rưỡi, làm thêm Chủ Nhật được trả gấp đôi. Tiền lương tối thiểu tại Texas vào năm 1975 là 2.10 Mỹ kim cho một giờ mà Hughes Tool trả người mới vào làm từ 4.00 đến 4.50 Mỹ kim. Cộng thêm ít ra 20 giờ phụ trội được trả gấp rưỡi mỗi tuần là dư dả nuôi gia đình và để dành tiền mua xe, mua nhà. Tôi nghe kể có lúc 90 phần trăm thợ tiện của hãng là người Việt. Dĩ nhiên, điều này không làm hài lòng những người thợ da mầu và người gốc Mễ đã chiếm một tỉ lệ rất cao trong hãng trước khi người Việt đến Houston.
Lúc bấy giờ, rất đông đàn ông người Việt tỵ nạn làm cho các hãng tiện giống như Hughes Tool và các hãng thầu xây dựng như Brown & Root. Thợ hàn, thợ sơn giỏi được trả đến 7.00 Mỹ kim một giờ, tha hồ mà tiêu.
Đến năm 1980, số người Việt tại Houston tăng đến khoảng 40,000. Một phần của sự gia tăng là kết quả của làn sóng thứ hai đến Hoa Kỳ, tức các thuyền nhân vượt biên từ năm 1977. Phần khác vì Houston có khí hậu ấm áp, dồi dào việc làm, và giá nhà tương đối rẻ nên nhiều đồng hương từ các tiểu bang khác dọn sang. Vào thời điểm này, một nghề được nhiều người Việt theo đuổi là bán hàng trong các tiệm tạp hoá như U-totem, 7 Eleven, và Stop & Go. Thời ấy, các chuỗi cửa hàng tạp hoá rất thích thuê người Việt nên đã mở nhiều lớp với thông dịch viên để huấn luyện cho những nhân viên người Việt vừa được thu nhận. Nghề bán hàng này lương không nhiều nhưng bù lại, không đòi chuyên môn cao. Điều bất tiện là phải đối phó với mối nguy bị cướp bóc, nhất là khi làm ca đêm. Tuy nhiên, người Việt đặt giá trị gia đình lên hàng đầu nên đành chấp nhận rủi ro, để mang phúc lợi cho vợ, chồng, con cái.
Tôi nghe kể nhiều người làm cho các tiệm tạp hoá kiểu này đã liều lĩnh làm một việc không hợp tình, hợp lý và hợp pháp là mang bia, nước ngọt, thuốc lá mua giá rẻ từ nơi khác mang vào tiệm để bán kiếm lời thay vì bán những thứ này của tiệm cho khách. Giá mua các sản phẩm này từ những cửa hàng bán sỉ rất rẻ so với giá bán ra của tiệm nên mỗi ngày làm như vậy khoảng hai chục lần là kiếm được một số lời khá mà không phải đóng thuế. Nhiều người Việt thuở ấy cũng đã xây những cửa tiệm loại này để bán lại cho đồng hương. Trong nhiều năm trời, người Việt tại Houston đã thống trị các tiệm tạp hoá ở Houston, đặc biệt là các tiệm U-totem.
Một chị bạn tôi kể rằng khi gia đình chị từ Kansas City dọn sang Houston vào cuối thập niên 70, một người quen với gia đình đang làm quản lý cho U-totem đề nghị thân phụ chị trông coi một tiệm và “dạy nghề” ông mang hàng riêng vào bán kiếm lời. Vốn cả đời là nhà giáo nên thân phụ chị từ chối đề nghị này vì lương tâm không cho phép. Ông bảo “Làm ăn kiểu này rồi sẽ đánh sập hệ thống U-totem.” Chẳng hiểu nhận định của ông mấy phần trở thành sự thật mà U-totem ngày càng thêm lỗ lã trong việc kinh doanh. Năm 1983, Circle K Corporation mua tất cả cửa tiệm U-totem và đổi thành các tiệm Circle K.
Một sự kiện cần nhắc đến là những người Việt đến nước Mỹ trong “làn sóng thứ nhất” nhận được khá nhiều trợ cấp của chính quyền cùng sự giúp đỡ của các hội đoàn tôn giáo, các tổ chức thiện nguyện. Lúc bấy giờ chiến tranh vừa chấm dứt nên chính quyền Hoa Kỳ và người dân bản xứ có phần mang mặc cảm phản bội miền Nam Việt Nam. Vì lý do này, biết bao xứ đạo, các tổ chức thiện nguyện, và cá nhân đã tình nguyện bảo trợ cho khoảng 130,000 người tỵ nạn đến định cư tại Hoa Kỳ ngay sau biến cố tháng Tư năm 1975. Chính quyền thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ như các lớp Anh văn dành cho người tỵ nạn, các lớp học nghề CETA (Comprehensive Employment and Training Act) kéo dài từ 3 đến 9 tháng mà học viên được trả mức lương tối thiểu khi theo học. Người có lợi tức thấp được hưởng welfare, food stamps. Sinh viên được cấp Basic Grant theo học đại học.
Đến năm 1990, theo bản Kiểm Tra Dân Số (US Bureau of the Census), có 18% người Việt ở Houston tốt nghiệp 4 năm đại học. Đây là con số khá khiêm tốn so với cộng đồng Trung Hoa nhưng rất đáng khích lệ vì người Việt chỉ mới lập nghiệp tại thành phố này được 15 năm, trong khi người Hoa đã đến đây từ hơn trăm năm trước.
(còn tiếp)