Trên đường từ thành phố Frankfurt am Main, tiểu bang Hessen, trở về Berlin, chúng tôi ghé lại một thành phố của tiểu bang Bayern. Đó là thành phố Bayreuth thuộc vùng hành chính Oberfranken, CHLB Đức, có diện tích gần 67km2, dân số hơn 74 nghìn người.

Đài Phun nước Wittelsbach
Thành phố văn hóa, nghệ thuật
Trên đường vào thành phố, hai bên là những cánh đồng lúa mạch đã gặt xong từ lâu, nay phủ tuyết lấp lánh dưới ánh nắng mùa Đông hiếm hoi. Thời tiết lúc này 3 độ C. Lác đác thấy các nhà máy bia “cây nhà lá vườn” chuyên cung ứng cho địa phương. Nhiều ngôi nhà dân mái ngói và vài nhà máy có lắp pin mặt trời. Nhà dân, nhà máy, công ty nhiệt tình tham gia cuộc cách mạng năng lượng mặt trời đồng thời giảm chi phí năng lượng. Đây là cách vừa tiết kiệm điện năng vừa góp phần bảo vệ cuộc sống xanh. Ở Đức, thị trường năng lượng mặt trời đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Hơn 12% điện năng ở Đức được tạo ra từ đó. Nên không lấy làm lạ, trên đường cao tốc từ Berlin đến Frankfurt, chúng tôi thấy hai bên đường có những “cánh đồng pin mặt trời” đây đó.
Tạo ấn tượng nhất với tôi khi vào đến trung tâm thành phố là đối diện Tòa thị chính có một tủ sách công cộng. Tủ sách dành cho người dân và kể cả du khách của thành phố. Một cụ bà dắt chó dừng lại mở cửa tủ và mặt sau tủ có một người đàn ông nữa đang chăm chú chọn sách… Đây là dạng tủ sách mở. Độc giả được mang sách về đọc và nếu sau đó trả lại mà kèm một cuốn sách tặng có chữ ký, số điện thoại hoặc địa chỉ email của mình sẽ được ghi nhận, hoan nghênh! Đây là một dự án của Sở Văn hóa thành phố Bayreuth…

Tượng và Nhà Bảo Tàng của Nhà soạn nhạc Richard Wagner
Hầu hết nhiều thành phố trên nước Đức, mỗi nơi có những nét đặc sắc riêng từ lịch sử, văn hóa đến phong cảnh lâu đài, tượng đá… Thành phố Bayreuth có khá nhiều đài phun nước như Đài Phun nước Hercules (ở Quảng trường Chợ Bayreuth), Đài Phun nước Neptune (có từ thế kỷ thứ XVIII, ở khu vực dành cho người đi bộ), Đài Phun nước Hiệp sĩ (đài này xây dựng năm 1922, gần các quán cà phê trong khu vực phố đi bộ). Tôi ghé đến hai Đài Phun nước Wittelsbach và Hiệp sĩ trên đường vào trung tâm phố đi bộ. Đài Wittelsbach gồm khối tượng người và ngựa đẹp mắt, cổ kính rêu phong, được thiết kế vào năm 1908 và được phục hồi năm 2015. Nơi đây thu hút khá đông du khách đến chụp ảnh lưu niệm. Điểm nhấn ở đây có thể nói là một khung nhôm khối lập phương treo trên thân cây tần bì vào tháng 1/2014. Mùa này đài dừng hoạt động nhằm hạn chế tình trạng nước đóng băng.
Đối diện với đài phun nước là Nhà hát Opera Margravial. Nhà hát Opera ở đây được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 2012. Cạnh đó còn có ngôi nhà Iwalewahaus. Ngôi nhà này là một phần của Trường Đại học Bayreuth. Nơi đây thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại không phải của Châu Âu. Đặc biệt là nghệ thuật đương đại từ Châu Phi và cộng đồng người Châu Phi di cư. Sứ mệnh của ngôi nhà là nghiên cứu, ghi chép và giảng dạy văn hóa Châu Phi đương đại.

Đài Phun nước Hiệp sĩ
Chúng tôi đến ăn bánh ngọt và uống cà phê trong khuôn viên Nhà bảo tàng Richard Wagner. Ngôi nhà Wahnfried tại Hofgarten là ngôi nhà trước đây của W. Richard Wagner (1813-1883) được ông xây dựng từ năm 1872 đến năm 1874. Phía trước ngôi nhà có tượng bán thân của Vua Ludwig II (1845-1886) Vương quốc Bayern, người tài trợ cho việc xây dựng ngôi nhà. Nhiều cá nhân và tập thể đến thăm thành phố đều không bỏ lỡ dịp ghé đến đây.
“Wilhelm Richard Wagner là một nhà soạn nhạc, nhà văn và nhạc trưởng người Đức. Với những vở nhạc kịch được sáng tác tỉ mỉ, ông được coi là một trong những nhà soạn nhạc quan trọng và có ảnh hưởng nhất của thời kỳ Lãng mạn… Ông là một trong những nhà soạn nhạc có khả năng sáng tác cao nhất trong lịch sử và để lại một khối lượng tác phẩm văn học đồ sộ… Richard Wagner là một trong những người ủng hộ chủ nghĩa bài Do Thái nổi tiếng nhất…” (Theo Wikipedia).

Tác giả trước ngôi nhà Iwalewahaus…
Ở thành phố Leipzig (tiểu bang Sachsen, Đức), có Đài tưởng niệm Richard Wagner được khánh thành vào năm 2013 nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Cũng trong năm này, từ 23/7 đến 28/8, 500 bức tượng của ông được trưng bày tại Công viên Lễ hội Bayreuth. Bayreuth còn nổi tiếng thế giới với Lễ hội Richard Wagner diễn ra hằng năm, thu hút đông đảo du khách say mê âm nhạc. Hiện nay tượng của ông được đặt rải rác khắp thành phố…
Ngày của riêng mình
Mặt trời lên cao dần, các quán cà phê khách vào ra khá đông. Chủ Nhật nên các siêu thị, cửa hàng tạp hóa đều đóng cửa. Lúc này trên đường cũng xuất hiện một số nhóm khách du lịch xen lẫn với cư dân thành phố. Người thì dắt chó hoặc đẩy xe nôi, kẻ đi xe lăn hoặc vài cụ già đi gậy nối gót lặng lẽ vào trung tâm thành phố. Dọc con kênh chảy ngang thành phố, trên các hàng ghế sắt nhiều người ngồi đọc sách, vài người trầm ngâm ngồi đón nắng hiếm mùa Đông. Trông họ rất thảnh thơi. Khung cảnh nên thơ và quá yên bình. Thấy tôi đưa máy điện thoại lên chụp ảnh, hai cụ già cùng mỉm cười thân thiện.

Tủ sách công cộng tại thành phố Bayreuth
Nếu vào mùa Hạ mà không ghé đến công viên thì quá thiếu sót. Tuy mùa Đông băng giá, chúng tôi cũng không thể bỏ qua “lá phổi xanh” của thành phố là Công viên Hofgarten với vô số cây dẻ và cây sồi, đường đi thẳng tắp, mặt nước kênh đào … bất động bởi giá băng. Một vài cây cầu sắt mang nặng dấu ấn thời gian bắc ngang. Giữa dòng kênh là Đảo Thiên Nga với nhóm tượng đá nữ thần biển cả Thetis và thần Tritons sứ giả của biển. Đảo Lớn có ngựa nước và tượng thần Poseidon, thần của biển cả, động đất, bão tố và loài ngựa (những nhân vật trong thần thoại Hy Lạp)…
Những bãi cỏ rộng, ghế sắt công viên rải rác có người ngồi đọc sách, người đi dạo ngồi nghỉ chân, thư giãn. Nghe kể, công viên trước kia chỉ dành riêng cho người của triều đình và khách khứa với các hoạt động, trò chơi của giới quý tộc. Công viên đã mở cửa cho công chúng từ năm 1790 khi nơi này trở thành thuộc địa của Phổ. Ngày nay công viên là nơi người lớn, trẻ em của thành phố và cả du khách đến đây thư giãn, đọc sách, đi bộ, ngắm những hàng cổ thụ xanh mát và dòng kênh, với nhiều nhóm tượng đá thần thoại…

Một số hình ảnh trong Công viên Hofgarten
Một chút buồn lắng đọng!
Rời phố đi bộ. Đang đi trên vỉa hè đường, chúng tôi chợt nghe âm thanh không phải phát từ loa phóng thanh gắn đâu đó ở trên cao… Tò mò. Cả nhà dừng hết lại. Một giọng nam trầm vọng lên rành rọt… từ một cái loa đặt sâu dưới đất! Xem bảng giới thiệu cạnh đó mới biết… Té ra đây là chương trình phát thanh “Lời ký ức nói”. Nội dung tưởng niệm những công dân Do Thái ở Bayreuth bị sát hại trong vụ thảm sát bài Do Thái của Đức Quốc Xã thời chiến tranh. Chương trình này được tài trợ từ một số tư nhân, quỹ của tổ chức tín dụng thành phố. “Lời ký ức nói” qua giọng đọc trầm buồn như lời của oan hồn những nạn nhân bị thảm sát oan ức bởi nạn phân biệt chủng tộc…vọng lên từ lòng đất!

Loa phóng thanh ‘Lời ký ức nói’ đặt sâu dưới đất ở vỉa hè và bảng giới thiệu
Bài & ảnh LKD
(Vài số liệu, chi tiết dựa theo Wikipedia)