Khu Du lịch Rừng Tràm Trà Sư (dưới đây gọi tắt là KDL) thuộc địa bàn ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Từ chỗ hoang sơ, phèn nhiều, nước đỏ, sau thời gian khá dài đã biến rừng Tràm thành khu du lịch sinh thái…

Tràm Trà Sư. nguồn: wikipedia.org     

Trên đường đến KDL…

Sáng 19/4/2025, vợ chồng chúng tôi cùng anh Bảy Thùy và bạn Ngô Thăng Long (xe nhà do anh cầm lái) rời Cần Thơ. Trời nắng nóng. Ai cũng khuyến khích nhau đến nơi sẽ mát ngay thôi. Các anh đã từng đến đây khi KDL còn dưới sự quản lý của Ban Quản Lý Rừng phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang. Vừa chạy thỉnh thoảng lại dừng hỏi đường. 11 giờ 20 phút, ghé thành phố Châu Đốc (cách KDL khoảng 30km) ăn trưa. Gần 12 giờ tiếp tục hành trình, lại hỏi đường tiếp. Gần đến khu vực rừng Tràm, thấy cứ một đoạn có một bình nước, với cái ca nhựa, đặt trên lan can bảo vệ. Bình nước dành cho những ai đi xe máy dọc đường mà khát thì dừng chân… giải khát giống như ở các đường phố. Khen ai khéo có cách làm hay đến vậy!

Đến nơi lúc 13 giờ, trời oi bức. Khách du lịch lưa thưa. Thấy phía trước có vài người khách lớn tuổi nói giọng Bắc. Một người hỏi cô nhân viên bán vé là 70 tuổi được miễn vé phải không. Cô nhân viên cười, dạ rõ to, nói các bác cho cháu coi thẻ căn cước. Ai cũng nhao nhao. 6 người già chỉ có một người đủ tuổi theo căn cước là được miễn vé. “Bọn chúng tôi tuổi thật ai nấy đều hơn 70 hết đấy cô!”, một nữ du khách… trình bày. “Dạ cháu chỉ biết căn cứ vào giấy tờ thôi các bác, các cô à!”, cô nhân viên nói…chắc nụi. Trong đoàn chúng tôi, chỉ có anh Long (sinh năm 1957) còn 3 người từ 70 trở lên nhưng tuổi căn cước thì… suýt soát. Thôi trớt, mua 4 vé 240,000 đồng cho… ngay và luôn để nhanh vào cửa, tìm chỗ mát ngồi nghỉ.

Một số cây tràm bị gió quật ngã

Cô nhân viên soát vé chèo thuyền cho biết: “Giá vé đi thuyền cũng bằng giá vé vào cổng. Vòng đi và về 2km… Hễ cò vạc về đâu thuyền xuồng theo tới đó”. Do bến thuyền hay chuyển dịch…KDL mở cửa hoạt động từ thứ Hai đến thứ Sáu lúc 6 giờ rưỡi sáng đến 5 giờ rưỡi chiều. Thứ Bảy, Chủ Nhật mở cửa từ 6 giờ rưỡi sáng đến 6 giờ rưỡi chiều. Khách phải rời khỏi rừng trước 6 giờ chiều. Tất nhiên nhân viên bán vé sẽ dặn dò. Có nhiều trường hợp khách say sưa, sa đà làm chi trong rừng không biết, để nhân viên… chờ hoài mệt nghỉ. Nhưng thường thì giờ đó trời sập tối, dễ không tìm thấy đường ra với lại muỗi vo ve… tiêm kích thấy ngán nữa. Nán lại trong ấy ích gì?

Xem thêm:   Tacoma viên ngọc của Washington State

Khai thác du lịch sinh thái rừng Tràm

Khi tôi gợi chuyện, một ông khách ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (sinh năm 1965) kể: “Khu rừng này hoạt động cũng hăm mấy năm. Sau 1975 rất hoang sơ, đầy cỏ rác, phèn nhiều, nước đỏ dữ lắm! Đầu những năm 1980 mới trồng rừng. Diện tích rừng hiện nay là 845 ha. Mấy ông kiểm lâm quản lý rừng hồi đó mướn xe múc, xe đào để tạo nên khu rừng vuông vức, mở đường đi rồi trồng tràm. Hồi đó hạt giống tràm trộn chung với cát, rải cho nó lên. Cứ phú cho trời, sống nhờ, chết chịu. Bởi vậy nay chỗ có 5, 10 cây, chỗ trống rỗng vậy đó!”, ông chỉ tay về phía vạt rừng tràm trước mặt rồi nói tiếp: “Do mình rải không đều như tràm trồng sau này. Nên chi rễ chỉ ăn sơ sơ trên mặt đất. Một luồng gió giông qua cũng vài ba cây ngã rạp. Rừng Tràm sinh thái hoạt động cho đến năm 2005 mới mở ra du lịch đón khách. Lúc ấy chủ yếu dùng thuyền chở khách đi sâu vào rừng ngắm cảnh kết hợp bán các loại đặc sản như mật ong hoa tràm, dầu tràm, khô các loại…Nhưng hiệu quả hoạt động không cao mấy”.

Nay Cầu tre…vài trăm thước!

Gần cuối tháng 7/2018, Ban Quản lý rừng ký hợp đồng cho Công ty cổ phần Du lịch An Giang thuê một phần diện tích rừng, gần 160ha, khai thác du lịch sinh thái… Nhiều điểm được đầu tư xây dựng, nhờ thế KDL khởi sắc. Du khách tìm đến ngày mỗi đông.  Tắc ráng, xuồng chèo được sắm mới nhiều gấp ba lần; Xây dựng “Thành phố bồ câu” với 20 chuồng, hơn 200 con chim bồ câu; Nhà hàng phục vụ ăn uống, quầy bán hàng lưu niệm… Ngày 27/5/ 2003, KDL được công nhận là “Rừng đặc dụng – Bảo vệ cảnh quan nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam và vùng rừng ngập nước quanh năm tiêu biểu cho khu vực Tây Sông Hậu”. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài chim, cá, loài bò sát và côn trùng quý hiếm nằm trong Sách đỏ.

Xem thêm:   Đặc sản Columbia

Hai hạng mục ở KDL được Xác lập Kỷ lục Việt Nam vào ngày 15/01/2020, đó là: “Rừng Tràm Trà Sư –  Rừng Tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi” và “Cầu tre trong Rừng Tràm dài nhất Việt Nam”. Cầu tre với tổng chiều dài 10km bao gồm các nhánh và kinh phí xây dựng trên 10 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào hoạt động ngày 01/01/2020. Được sử dụng trên 500,000 cây tre các loại, nhập từ Thanh Hóa. Dọc tuyến cầu tre được chia thành 5 nhánh có xây dựng chòi nghỉ tại mỗi nhánh. Cầu tre có… mỹ danh là “Cầu tre vạn bước”. Du khách đi bộ có thể đến bến thuyền cuối ở giữa rừng. Nay cầu tre chỉ đi được hơn 200m thì dừng, phải quay về do bị… STOP để bảo đảm an toàn cho du khách. Do cầu có nhiều chỗ mục gãy vì… trơ gan không nổi cùng tuế nguyệt, thêm gió mưa tàn phá… Nghe nói đang cố gắng sửa chữa để… thông tuyến!

Chúng tôi trên ‘Cầu kiều Trà Sư’

Có đầu tư là có sinh khí

Ông N.V.D ở Cần Thơ, hơn 60 tuổi, một bác sĩ đang nghỉ hưu, chia sẻ: “Lúc trước, hai bên đường, cây tràm che mát nhìn như cái nhà hai mái vậy. Bên trong, từ chòi canh trở vô có nhiều hoạt động trò chơi dưới nước, nhà hàng ăn uống, bán đặc sản rừng… Nhưng cách quản lý không hiệu quả, chẳng thấy đầu tư gì nhiều khiến nó xuống cấp dần. Ít khách (ông lắc đầu). Gần đây nghe nói KDL có nhiều hoạt động phong phú hơn, khá sôi nổi. Cơ sở vật chất được sắm sửa, trang trí bắt mắt, có sinh khí là nhờ doanh nghiệp nhảy vào đầu tư khai thác du lịch”.

Cô nhân viên tên Ng. kể với tôi: “Đông khách là vào dịp lễ lớn, Tết Nguyên Đán. Thứ Bảy, Chủ Nhật khách đông hơn ngày thường. Khách các tỉnh phía Bắc đến rất nhiều. Thỉnh thoảng có khách đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, rồi ghé thăm KDL. Cuối tuần có khách đoàn đặt lịch trước, tham gia nhiều trò chơi trên kênh rạch và cả ăn uống. Khách nước ngoài cũng khá đông. Nhưng khách đều nhất là vào mùa nước nổi (tháng Chín đến tháng Mười Một âm lịch)”.

Xem thêm:   Log Cabin Village ngôi làng cổ ở Fort Worth

Đúng vậy, mùa nước nổi nên nước đổ về khiến rừng cây xanh tốt, chim kéo về rất nhiều, cá tôm cũng phát triển nên du khách thích tìm đến khám phá, thể nghiệm. Khách sẽ thuê tắc ráng (vỏ lãi), loại thuyền máy nhỏ, hoặc xuồng chèo len lỏi trên kênh rạch vào sâu trong rừng. Nhất là thử qua các món ăn đặc sản miền Tây. Tôi hỏi về các món ăn mùa nước nổi, cô nhân viên kể: “Như chuột đồng nướng, cá lóc nướng trui, gà đốt lá trúc nè chú! Rồi bông súng xào tỏi, lẩu mắm ăn kèm nhiều loại rau, lẩu chua cá hú, cá diêu hồng; ăn cơm chiên, cơm trắng với cá linh kho lạt, cá lóc, cá rô kho tộ nữa đó chú…”. Nghe cô ấy “tiếp thị” mấy món ăn mà ứa nước miếng!

Một số sản phẩm du lịch trong KDL

Chịu trời sao thấu?

Chúng tôi dạo chơi vài điểm trong KDL, chụp ảnh và uống nước dừa giải khát. Nắng có vẻ dịu dịu là ra về. Để cảm nhận hết vẻ đẹp và thể nghiệm đặc sản miền Tây Nam Bộ của KDL nên chọn thời điểm vào mùa nước nổi là tuyệt. Chứ còn như chúng tôi đến vào lúc này thì… trật bài, thua trắng bởi nắng nóng tháng Tư! Buồn như uống 4 ly nước dừa nhạt thếch vậy. Phải nói là uống nước đá hoặc một trái dừa chia làm 4 ly, giá 80,000 đồng! “Nhưng chắc… cứu vãn được nếu đến thành phố Châu Đốc nghỉ lại một đêm. Sáng sớm đến KDL Rừng Tràm là đẹp!”, ông bạn Vương Văn Sự hỏi tôi về chuyến đi và nói vậy.

Đến KDL thuê thuyền chèo tay mới thú vị. Chia nhau chèo len lỏi trong rừng tràm. Nghe tiếng mái chèo khua động, tiếng mũi thuyền rẽ nước, nghe chim kêu gọi bầy trong không gian yên bình, xanh mát. Mọi lo âu, phiền phức như biến tan. Ăn trưa, thử nghiệm đặc sản xong, đợi nắng dịu về cũng được. Mình thì đến nơi lúc 13 giờ thử hỏi… chịu nắng thui chi nổi?

Du khách thử nghiệm chèo thuyền

Bài & ảnh LKD