Phim ảnh, sách báo về Đức quốc xã trong Chiến tranh Thế giới lần thứ I và lần thứ II kể cả sau năm 1990, phần nào khiến tôi cũng … hơi e dè người Đức khi đặt chân đến Berlin vào năm 2019.

Đức mở rộng vòng tay đón người tị nạn từ Ukraina 

1

Tháng 5/2019, chúng tôi lần đầu sang Berlin. Xuống máy bay, chúng tôi vào khu vực nhận hành lý ký gửi. Thấy nhiều hành khách có xe đẩy hành lý, chúng tôi xăng xái đến chỗ đặt xe đẩy kéo ra một chiếc nhưng thấy không nhúc nhích. Tôi quáng quàng, ngơ ngác. Chẳng có người Việt Nam nào để hỏi. Họ nhận hành lý xong đi ra hết rồi!  Chợt thấy có người khách nước ngoài bỏ vào ổ khóa một đồng tiền xu thay cho chìa khóa mới lấy được xe. Thì ra muốn nhận được xe đẩy hành lý ở sân bay  Berlin Tegel … chẳng dễ dàng gì! Sau khi trả lại xe, đẩy vào thẳng hàng lối, đồng tiền tự động “nhả” ra một nửa nghe cái cốp! Người dùng sẽ kéo ra nửa phần còn lại của đồng tiền. Không như ở bên Việt Nam, nhận xe đẩy cứ gọi là … vô tư. Để giải quyết tình huống này, chị vợ tôi đánh bạo hỏi một người đàn ông Đức cao tuổi bằng tiếng Anh bập bẹ kèm với hai tay … ra dấu. Ông ta không nói không rằng, đưa cho vợ tôi 1 đồng euro! Chị vợ tôi thank you ông liên tù tì. Mừng như bắt được vàng! Loay hoay một lúc rồi cũng lấy được xe đẩy. Chúng tôi chất vội 2 va li, 4 thùng các-tông đầy hàng cá, mắm, mực khô, bò khô v.v.

Đến nhà con gái tôi, lần đầu tiên gặp vài người Đức ở chung cư gần đó. Khi gặp mặt, họ thường chủ động chào trước. Họ “ha lô”, tôi cũng “hế lô”… đáp lễ! Sau này quen rồi, nếu gặp, tôi cũng ha lô gọi là … hội nhập!Vui vẻ cả làng, thấy khá là thân thiện.

Năm 2023, lần thứ ba sang lại Đức. Chúng tôi bay từ Sài Gòn đến Frankfurt. Ở lại đây hơn 2 tiếng rồi bay tiếp về Berlin. Chúng tôi cầm vé giấy hỏi thăm chỗ nhận thẻ lên máy bay của hãng hàng không Lufthansa. Lên tầng, xuống tầng, đi như chạy còn mắt thì dớn dác tìm số cửa ra máy bay bắt đuối. Xong rồi tiếp đến ngược xuôi hỏi tìm chỗ làm thủ tục nhập cảnh thấy điều…khô cổ họng nhưng chưa thấy! Lừng khừng, rồi tôi quyết định tạt vào một quầy bán hàng mỹ phẩm trong sân bay đang vắng khách … tìm người nhờ chỉ đường. Ông nhân viên người Đức thấy tôi ra dấu và đọc nội dung nhờ Google dịch trên máy điện thoại là mình cần đến chỗ làm thủ tục nhập cảnh. Ông ta chỉ tay ra dấu lên trái, xuống phải, vòng qua trái. Rối quá, tôi lại nhờ Google dịch. Ông nhân viên này đọc rồi khóa cái thọa (hộc bàn), chắc thọa đựng tiền, xong nói gì đó với một nhân viên nữ bằng tiếng Đức … Ông ta nhanh nhẹn dẫn chúng tôi đi. Gần đến nơi, ông chỉ tôi quẹo sang trái là đến. Tôi danke (tiếng Đức là cảm ơn) ông ta rối rít! Phải mất gần 15 phút mới đến nơi. Ông ta nhận lời cảm ơn của chúng tôi bằng cái nhoẻn miệng cười rất tươi.

Trước khi sang Đức lần thứ 5, tôi quyết định mua cho mình một cái máy dịch phòng thân! Máy này có tính năng dịch ngoại tuyến, không phải lệ thuộc vào wifi. Tuy nhiên có cái bất tiện cho tôi là dịch giọng nói các tên địa điểm bằng tiếng Đức chưa chuẩn lắm. Đấy là do mình phát âm … lơ lớ! Tôi chủ động dịch từ tiếng Việt sang tiếng Đức trước ở nhà cho chắc. “Tôi nhờ bạn chỉ đường giúp” là câu thần chú khi cần thì dùng đến. Còn tìm đường nào thì tùy tình hình … Và câu thần chú đó linh nghiệm thiệt! Ấy là khi tàu điện …đổi đường hôm chiều ngày…13 thứ Sáu, tháng 12/2024! Tàu dừng thả tất cả hành khách xuống dọc đường. Trước đó có hướng dẫn mọi người tự tìm phương tiện đi tiếp. Nếu ban ngày còn đỡ chứ chạng vạng, trời mùa Đông tối mù, thì vợ chồng chúng tôi … chào thua! Không xác định được sẽ đi về hướng nào tìm tàu điện đến Nhà ga trung tâm. Chúng tôi dừng lại trước một cửa hàng bán áo quần thời trang. Mục đích là tìm người Việt mình hỏi cho nhanh đường đến Hauptbahnhof. Từ đây sẽ đón xe buýt về cửa hàng của con gái tôi. Thất vọng khi không thấy người Việt nào. Không chờ được nữa, chúng tôi chặn đại một thanh niên và …xuất trình … câu thần chú. Tôi giới thiệu mình là người Việt Nam và đọc tên địa điểm mình cần đến. Anh ta dùng điện thoại của mình…phiên dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt. Anh ta hỏi lại có phải bạn cần đến Nhà ga trung tâm Hauptbahnhof không, tôi ô kê cái rụp! Anh ta soạn trên máy điện thoại của mình nội dung là tôi sẽ đưa bạn đến chỗ tàu S-Bahn, chỉ đi một trạm thôi nhé! Tôi mừng quá, cứ danke rối rít! Anh ta đi trước, tôi vừa đi vừa  chạy theo sau. Thỉnh thoảng anh ta quay lại nhìn, như sợ tôi bị dòng người ngáng chân, theo không kịp. Đi một quãng khá xa là chuyển sang leo lên hơn 40 bậc tam cấp. Chúng tôi thở hồng hộc bám sát phía sau. Anh ta dừng lại và bấm điện thoại, nội dung là bạn lên tàu sẽ đến ngay đây và chỉ cần đi một trạm là xuống thôi. Hú hồn, tàu vừa dừng. Tôi chưa kịp danke lần nữa thì anh biến đâu mất! Tôi thầm mong là anh ta cũng đi tàu chứ đừng trở lại … cửa hàng thời trang khi nãy! Về kể chuyện cho con gái nghe. “Con chắc chắn với ba là anh ta sẽ quay trở lại cửa hàng thời trang. Người Đức đã chỉ đường giúp ai là giúp tận tình, gần như đến nơi đến chốn”, con gái tôi nói một cách tự tin.

2

Lần mua đồ ở siêu thị, thấy tôi trên tay chỉ cầm có gói đậu, một bà già tóc bạc trắng nói gì đó với ông chồng cũng người Đức hơi khòm lưng. Ông quay lại nhìn và đưa tay ra dấu cho tôi xếp hàng tính tiền trước vợ chồng họ. Vì nếu xếp hàng sau, đợi ông bà thanh toán tiền cả một xe đẩy đầy hàng, tôi phải mất vài phút!

Chiều Chủ Nhật, một ngày giữa tháng 7/2024, chúng tôi vào chợ Đồng Xuân ăn phở. Đồng Xuân Quán khá ồn ào bởi có tiệc sinh nhật của một người Việt trẻ. Một nam thanh niên uống đến say mèm nên từ biệt sớm. Đi ngang qua bàn chúng tôi anh ta lảo đảo chực nhào. Tôi nói kiểu chân nam đá chân chiêu như rứa chưa chắc cậu ta ra tới cổng chợ. Y chang! Chỉ một lúc sau có cô gái chạy vào hô hoán cứu mau, cứu mau … Một số người hớt hải chạy ra … Trước đó đã có vài người xúm lại đỡ anh ta dậy. Cú ngã sấp mặt xuống đường khiến mặt anh ta bê bết máu. Nhóm bạn trong tiệc sinh nhật dừng lại, trố mắt nhìn vì bạn của họ đang được một thanh niên người Đức … bảo vệ, không cho ai lại gần. Tôi nghe một cô gái nói là dìu anh bạn vào bên trong quán để lau chùi cho sạch máu. Nhưng không còn kịp nữa! Sau đó mới biết là … rủi cho anh bị té bởi được … giúp đỡ quá sức tận tình!? Trước đó chừng 2, 3 phút, người thanh niên Đức này đã gọi ngay xe cứu thương 112! Tôi có nghe loáng thoáng một cô gái trách nhóm bạn là sao không bồng giữ bạn ấy, lại để cho người Đức đó gọi cứu thương đưa vào bệnh viện?! Thì ra bạn nam này không có giấy tờ hợp pháp! Vào bệnh viện rồi sẽ xuất viện. Tiếp đó vào ngay trại tị nạn là con đường ngắn nhất dành cho bạn của họ! Không biết bạn ấy có bị trục xuất không nữa! Tôi cũng mong là anh ta gặp may mắn lần này chứ không phải đợi đến lần sau.

Người Ukraina tị nạn đang chờ tàu đưa đến Đức

Nhớ lại một sáng thứ Sáu, tháng 5/2024, con gái đưa chúng tôi về một vùng nông thôn của bang Brandenburg thăm chơi. Trên đường đi thấy có một cái chợ bán rau, củ, quả và bánh mì, bánh ngọt, cà phê…Con gái tôi định đỗ xe thì bất ngờ có một người đàn ông Đức từ trong chợ chạy ra nói với con tôi mấy câu rồi chỉ vào một tấm biển đặt trên vỉa hè. Tôi cứ nghĩ chắc chỗ này không cho đậu xe. Nhưng con gái tôi đã nổ máy xe và rời đi. Mấy phút sau tôi mới được biết là ông người Đức nọ trong ban quản lý chợ. Ông ta nói với con gái tôi là chúng tôi không hài lòng và không đón tiếp người nước ngoài vào chợ! Người nước ngoài chứ không chỉ riêng người Việt Nam. Đành chào thân ái thôi!

Ở Đức, kể cả Berlin, khách quan mà nói, đây đó vẫn còn nạn phân biệt chủng tộc. Hiện nay có tới 25% dân số của Đức là người nhập cư. Có biểu tình chống lại chính sách nhập cư thì cũng có biểu tình ngược lại và biểu tình bài trừ nạn phân biệt chủng tộc v.v. Tất nhiên những cuộc biểu tình này luôn có mặt cảnh sát kiểm soát tình hình …

Tháng 2/2022, khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraina, rất đông người dân Ukraina lẫn người Việt chạy nạn. Hơn 1 triệu người qua Đức, nhiều nhất là đến Berlin. Tại đây họ được hưởng tiêu chuẩn người tị nạn về thời gian cư trú, được cấp giấy phép lao động, hưởng trợ cấp xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục cho trẻ vị thành niên … Ai ở trại tị nạn đều được chính quyền, các tổ chức xã hội, từ thiện giúp lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu như nồi cơm điện, bình nấu nước siêu tốc, xoong nồi, máy sấy tóc v.v. Ai không ở trại mà xin ra ngoài đều có nhiều tổ chức, cá nhân người Đức và người Việt đón tiếp cho ở miễn phí vài ba tháng trước khi họ tìm được việc làm. Nhận người tị nạn rồi giúp họ làm giấy tờ trình báo chính quyền, ghi danh tạm trú … Đồng thời 500 cơ sở Y tế ở Berlin đã cung cấp dịch vụ điều trị ngoại trú miễn phí cho những người tị nạn từ Ukraina và những người chưa có bảo hiểm y tế … Tính đến tháng 3/2024, có khoảng 1.3 triệu người tị nạn Ukraina đang cư trú ở Đức. Nhà nước Đức đã chi hơn 20 tỉ euro để cấp chỗ ở cho số người này.

Thật là đối xử quá tốt, quá hào hiệp!

Nếu ở Tây Đức, người dân phóng khoáng, năng động do ảnh hưởng của dân Anh, Pháp, Mỹ thì Đông Đức ngược lại, có phần trầm lặng, nhẹ nhàng hơn khi tiếp xúc với người nước ngoài. Tôi có người thân và một số bạn sang CHDC Đức hợp tác lao động từ năm 1987, 1988 kể, mình từng được người Đức cưu mang giúp đỡ hoặc dạy nghề làm bánh, bó hoa, tạo điều kiện về mặt bằng để kinh doanh … sau khi nước Đức vừa thống nhất.

Hiện tại, cạnh số người Đức không thích người nước ngoài vẫn còn rất nhiều người Đức cởi mở và thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ người nước ngoài khi cần thiết. May mắn là nhiều lần chúng tôi được một số người Đức trợ giúp trong những lúc … khẩn cấp. Và một lần … nhằm giờ xấu là không được chào đón vào phiên chợ quê … Nhưng đó là một cách khước từ rất…hòa bình!

Bài và hình LKD