Trong phần đầu, tác giả trình bày sự hình thành cộng đồng người Việt tại Houston sau khi miền Nam thất thủ vào năm 1975, và những khó khăn mà người Việt tỵ nạn Cộng Sản phải đối diện khi định cư tại thành phố này từ nửa thế kỷ trước.

Tấm bảng do chủ nhân Hong Kong dựng trên mảnh đất đầy cỏ dại sau khi mua đất.
3 kỳ – kỳ 2
“Thủ đô” tiên khởi: những dãy phố phía nam trung tâm thành phố (downtown)
Cuối năm 1975, những người Công giáo Việt Nam được Tổng giáo phận Galveston-Houston và giáo xứ nhà thờ Holy Rosary cho phép thành lập cộng đoàn tại giáo xứ này và tổ chức Thánh lễ tiếng Việt cho giáo dân Việt Nam vào mỗi Chủ Nhật tại Thánh đường. Linh mục Nguyễn Hữu Dụ và linh mục Đoàn Đình Bảng được giáo phận giao trách nhiệm trông nom cộng đoàn. Hai vị mục tử này đến từ trại tạm trú Fort Chaffee qua sự sắp xếp của cựu thượng nghị sĩ VNCH Phan Nguyệt Minh, tức phu nhân giáo sư Nha Khoa Nguyễn Văn Thơ. Lúc ấy bà là giám đốc chương trình định cư cho người tỵ nạn của Hội Từ Thiện Công Giáo USCC (The United States Catholic Conference) tại Houston, Texas.
Các Thánh lễ dành cho người Việt ở Holy Rosary lôi kéo hầu hết những người Công Giáo tại Houston. Còn gì hơn đang định cư tại xứ người mà được tham dự Thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ, nghe ca đoàn hát những bài Thánh ca quen thuộc từ quê nhà? Người ta chờ đợi Chủ Nhật để đến nhà thờ, vừa dự Thánh lễ vừa có cơ hội hàn huyên với đồng hương. Khi Thánh lễ chấm dứt, mọi người ra bên ngoài, trước cửa nhà thờ hay trong bãi đậu xe, để túm năm tụm ba chuyện trò rôm rả. Một khung cảnh thật náo nhiệt.
Lúc ấy, vài người ở Seabrook và Kemah, hai thành phố kế cận nhau ven biển và là nơi định cư của nhiều ngư phủ Việt Nam, cách trung tâm thành phố Houston khoảng 30 dặm về phía Nam, chở tôm, cua, cá trên những xe bán tải, tức xe truck nhỏ, đến đậu bên cạnh nhà thờ Holy Rosary để bán cho đồng hương. Có người còn mang các thứ rau trồng trong vườn nhà như rau muống, rau thơm, cà chua, bí, bầu đến bán. Sau mỗi Thánh lễ, giáo dân xúm xít quanh những xe bán tải để chọn mua vì giá tôm, cua, cá rẻ hơn nhiều so với giá trong siêu thị và nhiều loại rau người Việt ưa thích không thể tìm thấy trong các cửa hàng thực phẩm của người bản xứ. Chứng kiến cảnh này, một số người có đầu óc kinh doanh nắm bắt cơ hội. Thế là các nhà hàng, các tiệm thực phẩm lần lượt mọc lên gần nhà thờ. Trước khi có Thánh lễ cho người Việt ở nhà thờ Holy Rosary, khu này là con phố chết với những ngôi nhà, toà building cũ kỹ hầu như không còn người ở nên giá thuê mướn khá rẻ, thích hợp với khả năng tài chánh những người vừa lập nghiệp trên đất khách. Dần dần, khung cảnh nơi đây trở nên náo nhiệt vào dịp cuối tuần, nhất là vào trưa và chiều Chủ Nhật, sau hai Thánh lễ dành cho người Việt.
Những cơ sở thương mại tiên khởi của người Việt nổi tiếng trong thời gian ấy là tiệm thực phẩm Đông Dương, tiệm vải Nam Thành, Sài Gòn Dịch Vụ, nơi nhận gửi những thùng quà về Việt Nam qua các chuyến bay của Air France, nhà hàng Mai, nhà hàng Vạn Lộc. Đồng hương thích đọc sách và nghe nhạc có thể ghé đến tiệm sách và băng nhạc cassette Văn Hữu cũng trên đường Milam.
Khoảng năm 1979, chợ Hương Việt của bác sĩ Vũ Ban và bà Bích Ngọc khai trương ở đường Main, cùng với sự xuất hiện của Thủ Đô Plaza, thương xá đầu tiên của người Việt, cũng trên đường Main. Cả hai cơ sở thương mại này cùng toạ lạc gần nhà thờ Holy Rosary. Thủ Đô Plaza có nhà hàng, các cửa tiệm, kể cả tiệm vàng Việt Long ở tầng dưới và vũ trường Queen Bee ở tầng trên. Đến năm 1982 hay 1983, Milam Center, tức Trung Tâm Thương Mại Á Đông mọc lên giữa các con đường Milam, Travis, Drew, và Tuam. Chiếm một diện tích lớn của trung tâm là siêu thị Hoà Bình, siêu thị thực phẩm lớn nhất của người Việt Houston ở thời điểm ấy. Trung tâm có nhiều cửa tiệm bán đủ mặt hàng từ vải vóc, quần áo, giầy dép đến đồ chơi cho trẻ em. Đặc biệt, có đến 4 tiệm vàng ở đây gồm các tiệm Lê Chung, Minh Trí, Kim Hoàn, và Hoàng Ngọc. Sự hiện diện của 4 tiệm vàng tại cùng một khu thương mại chứng tỏ người Việt đã ăn nên làm ra trong những năm đầu tiên trên đất khách.
Thật ra, vào cuối thập niên 70, đã có hai khu thương mại của người Việt ở hướng Đông downtown, gần George Brown Convention Center bây giờ, là Vinatown và Vietnam Plaza. Tuy nhiên, hai khu này kém hẳn khu ở hướng Nam gần nhà thờ Holy Rosary về mức độ sầm uất.
Thời bấy giờ, bên cạnh những cơ sở thương mại Việt Nam ở phía Nam và phía Đông downtown, Houston còn có những cửa tiệm và nhà hàng Việt rải rác trong thành phố. Nổi tiếng trong số này là nhà hàng Saigon của võ sư Văn Bình trên đường Westheimer gần ngã tư Westheimer và Montrose, nhà hàng Boston Tea ở đường Franklin gần ngã tư Franklin và Milam, và tiệm thực phẩm Asia Center ở đường West Alabama gần ngã tư West Alabama và Shepherd. Tôi đã đến 3 nơi này nhiều lần; đặc biệt là Asia Center vì ngoài các thứ thực phẩm bày bán, tiệm còn cho thuê sách. Có thể nói tôi đã thuê và đọc ít ra là nửa số sách ở tiệm này. Đó là những sách đã xuất bản ở Việt Nam và do các nhà xuất bản Sống Mới và Xuân Thu ở Hoa Kỳ in lại.

Nhà hàng Mai năm 1978 (hình trên) và bây giờ (dưới)
Cuộc di tản khỏi trung tâm thành phố
Bước sang đầu thiên niên kỷ mới, các khu thương mại của người Việt tại downtown trở nên sầm uất khiến người bản xứ gọi nơi này là Little Saigon. Năm 2004, qua sự vận động của một số người Việt, chính quyền thành phố đã đặt vài tên đường gần các khu thương mại này bằng tên các danh nhân Việt Nam như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo v.v. Những bảng tên Việt có cùng kích thước với bảng tên đường nguyên thủy tiếng Anh và được gắn cạnh nhau.
Tuy nhiên, từ những năm cuối thập niên 90, chính quyền thành phố có kế hoạch chỉnh trang, làm mới khu downtown. Bắt đầu là các công trình kéo dài cả 2 hay 3 năm trời để mở rộng đường phố, thiết lập tuyến đường cho xe điện. Nhà cửa cũ kỹ bị phá đi để thay bằng nhà mới. Giá nhà đất, giá thuê tăng vọt, những building cho người Việt thuê bị đòi lại khi giao kèo chấm dứt. Doanh gia Việt Nam, chủ nhân những cơ sở thương mại trong khu này, bị lúng túng.
Lúc bấy giờ, một phần khá lớn người Việt Nam sống trong vòng đai I-610 đã chuyển gia đình sang sống ở khu Tây Nam, giữa vòng đai I-610 và Beltway 8, tức vòng đai thứ hai vừa được hoàn tất. Nhiều người có điều kiện tài chánh cao hơn dọn đến Sugar Land, thành phố đang phát triển cũng trong vùng Tây Nam nhưng nằm ngoài Beltway 8, vì nhà ở đây mới hơn, rộng hơn, và trường học tốt hơn. Cũng theo bản Kiểm Tra Dân Số năm 1990 thì lợi tức trung bình của một gia đình người Việt năm ấy ở Harris County, tức quận hạt bao gồm Houston, là 22,284 Mỹ kim trong khi của gia đình người Việt ở Fort Bend County, quận hạt bao gồm Sugar Land, là 39,318 Mỹ kim (tương đương với 53,612 và 94,700 Mỹ kim theo thời giá hôm nay), tức 44 phần trăm cao hơn. Tình trạng giá nhà tăng cao cộng với số lượng người Việt sống ở vùng Tây Nam thành phố càng ngày càng đông khiến chủ các cơ sở thương mại Việt Nam trong khu downtown, kẻ trước người sau, lần lượt chuyển về đường Bellaire. Người nhìn xa trông rộng trong số doanh nhân người Việt lúc ấy là chủ Hồng Kông City Mall, một người Việt gốc Hoa. Vào thập niên 80, ông mở siêu thị rộng lớn Hồng Kông I trên đường Gessner rồi ít lâu sau, thừa thắng xông lên, khai trương Hồng Kông II ở khu Đông Nam, gần Southbelt, và Hồng Kông III ở vùng Tây Bắc. Khoảng năm 1997-1998, khá nhiều người Mễ dọn đến chung quanh Hồng Kông I nên ông quyết định dời đi. Một thân hữu của tôi là doanh nhân từng cộng tác với chủ nhân siêu thị Hồng Kông kể với tôi ông chủ này mua 33 mẫu đất ở đường Bellaire với giá một foot vuông (square foot) chỉ bằng khoảng 1/50 so với giá cho mảnh đất còn trống hiếm hoi gần đó theo thị trường hôm nay. Lúc ấy khu vực này trông hoang vu với những bãi đất và đồng cỏ bỏ không.
Tuy việc xây cất chỉ hoàn tất sau 2 năm nhưng khi vừa mua đất, doanh nhân nhìn xa trông rộng này dựng một tấm bảng lớn cho biết nơi đây sẽ trở thành Hồng Kông City Mall. Thế là chủ nhân các cửa tiệm, nhà hàng ở downtown theo nhau mua đất gần khu này để dời cơ sở kinh doanh của họ đến.Khi ấy, người Trung Hoa đã chiếm lĩnh khúc đường Bellaire gần hai cây số từ đường Gessner đến Beltway 8. Đoạn đường gần 7cây số từ Beltway 8 đến Eldridge Parkway từng khúc một thuộc về người Việt. Lúc Hồng Kông City Mall được khánh thành với siêu thị, vài chục cửa hàng, tiệm ăn, và một bãi đậu xe rất rộng, bà chiêm tinh gia Hồng Liên tuyên bố rằng con đường Bellaire từ Gessner đến Beltway 8, tức Chinatown, là đầu rồng, từ Beltway 8 đến Eldridge Parkway, về sau được đặt tên Little Saigon, là mình rồng, tiếp theo đó là đuôi rồng. Nếu trong phần “đầu rồng” có một số cơ sở thương mại của người Việt thì trong phần “mình rồng” cũng có vài cửa hàng của người Trung Hoa. Tuy nhiên, đây chỉ là thiểu số.
Ngày hôm nay, lái xe dọc theo “mình rồng,” chúng ta sẽ trông thấy những trung tâm thương mại Việt Nam khang trang, bề thế với những cơ sở kinh doanh của người Việt nằm san sát nhau. Chỉ trong đoạn “mình rồng” này mà có đến 4 siêu thị rộng lớn, siêu thị nào cũng tấp nập kẻ ra người vào kể cả nhiều khách hàng bản xứ.
Trong khi đó, tại phía Nam downtown của Houston hiện nay chỉ còn đôi ba cơ sở kinh doanh của người Việt bên cạnh những building rộng lớn, mới mẻ, và bề thế vừa được xây trong đợt làm mới thành phố đầu thập niên 2000. Một trong những cơ sở này là nhà hàng Mai, nằm trên đường Milam, gần nhà thờ Holy Rosary. Khi được khai trương năm 1978, Mai là một tiệm ăn nhỏ trên đường Bell. Đến năm 1984, việc kinh doanh thuận lợi nên người chủ dời nhà hàng về địa chỉ hiện tại. Ngày nay, Mai là nhà hàng nổi tiếng trong cộng đồng bản xứ, tấp nập người vào ra, đặc biệt vào những ngày cuối tuần mà khách phải đợi khá lâu mới có bàn. Ước lượng phải đến 70 phần trăm khách đến đây là người bản xứ.
Xung đột trong quá khứ
Không có thành công nào mà không trải qua những khó khăn, vất vả. Để đạt được thành quả hôm nay, người Việt Houston đã phải khắc phục nhiều trở ngại trong hành trình 50 năm, nhất là trong những năm tháng đầu. Một trong những khó khăn nhất khi khởi đầu cuộc sống tại xứ người là phải vượt qua sự chống đối của thiểu số người bản xứ vì sự cạnh tranh miếng cơm manh áo. Kể từ ngày định cư tại Houston, tập thể người Việt đã ít nhiều gặp phải trường hợp này, nhất là trong những năm tháng đầu tiên khi hai bên còn lạ lẫm với nhau.
Tôi đã nghe nhiều người kể lại những cuộc va chạm giữa người Việt với người bản xứ và với những sắc dân khác, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi châu và người Mễ, ở các hãng xưởng trong những năm đầu trên xứ người. Phần lớn nguyên nhân xảy ra xung đột vì công nhân Việt chăm chỉ, chịu khó nên được cấp trên quý mến, ưu đãi. Có những hãng tiện, hãng hàn, hãng làm việc lắp ráp dây chuyền rất hài lòng với nhân viên Việt Nam nên khi những người này giới thiệu bạn đến xin việc, chủ hãng hoặc sếp trực tiếp nhận vào làm ngay. Số nhân viên người Việt càng ngày càng đông, chẳng mấy chốc lấn lướt số nhân viên người bản xứ. Thế là xích mích xảy ra.
Thời bấy giờ, các tờ báo Houston Chronicle và Houston Post cũng đề cập đến những xung đột giữa người Việt và người Mỹ gốc Phi châu tại Allen Parkway, một chung cư nghèo nàn với xấp xỉ ngàn căn hộ không có máy lạnh gần khu downtown.
Năm 1976, khoảng 90 phần trăm trong số gần ngàn ‘căn hộ’ tại Allen Parkway có người ở và hầu hết cư dân là người Mỹ gốc Phi châu. Lúc ấy, chính quyền thành phố bắt đầu sắp xếp cho người Việt tỵ nạn vào ở những căn trống, rồi hễ người trong chung cư dọn đi thì có ngay người Việt đến để điền vào. Chỉ 2 năm sau, số người Việt ở chung cư đã gần bằng số người bản xứ gốc Phi châu và các cuộc tranh chấp, đụng độ xảy ra, lắm khi là ẩu đả giữa các thanh niên thuộc hai sắc tộc. Một thời gian sau, khi tìm được việc làm lương hậu và để dành đủ tiền thì người Việt ở đây lần lượt tìm mua hoặc thuê nhà ở nơi khác đủ tiện nghi hơn.
Một trường hợp tranh chấp làm rúng động toàn quốc Hoa Kỳ là cuộc xung đột bạo lực ở Seabrook và Kemah giữa các ngư phủ người Việt và người bản xứ vào những năm 1980 và 1981.
Như đã đề cập ở trên, Seabrook và Kemah là hai thành phố ven biển sát nhau, cách Houston khoảng 30 dặm, và là nơi hàng trăm gia đình người Việt rủ nhau đến lập nghiệp trong những năm 1975 và 1976. Hầu hết người Việt ở hai thành phố này lúc ấy sống bằng nghề biển, đàn ông con trai bẫy cua, đánh tôm, lưới cá; đàn bà con gái lột cua, tôm, phân loại cá tại các vựa, hoặc làm việc trong các tiệm hải sản. Trước khi người Việt đến, nơi này là làng chài của ngư phủ bản xứ. Sự cạnh tranh của người Việt khiến người Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc mưu sinh so với lúc trước nên đã tìm mọi cách để đẩy khối người Việt ra khỏi lãnh thổ của họ. Ngư phủ Mỹ hành nghề nơi đây đã nhiều đời. Họ nghĩ cua, tôm, cá trong vùng có hạn. Bây giờ miếng bánh của họ bị chia đôi.
Tuy vừa chân ướt chân ráo đến hành nghề tại những nơi trong vùng vịnh Texas, người Việt có nhiều lợi thế hơn người bản xứ. Họ chịu khó hơn, chăm chỉ hơn, ở chung nhiều người trong những căn nhà di động (mobile home) xập xệ, ăn tiêu dè sẻn, chấp nhận đời sống kham khổ để tiết kiệm tiền đóng thêm thuyền. Cán cân cạnh tranh ngày càng nghiêng về phía người Việt. Điều này dĩ nhiên làm tăng thêm sự bất an đối với ngư phủ Mỹ.
Đến cuối năm 1980, tranh chấp giữa ngư dân người Việt và người Mỹ tại Seabrook và Kemah bùng nổ lớn. Để đe dọa ngư dân Việt tại Seabrook và Kemah, người Mỹ tại đây đã mời nhóm Ku Klux Klan (thường được gọi là KKK), một tổ chức kỳ thị cực đoan, quá khích, và sẵn sàng sử dụng bạo lực đến Seabrook phô trương lực lượng. KKK chủ trương dân tộc da trắng là thượng đẳng và xem những dân tộc da màu là thấp hèn.
Vào trung tuần tháng Ba năm 1981, một chiếc tầu đánh tôm lớn chở những người trong nhóm KKK diễn hành dọc theo con sông trong thành phố. Những người này mặc áo choàng trắng, đội mũ trùm đầu, trang phục truyền thống của KKK, và có võ trang. Trên tầu, họ treo một hình nộm người Việt bị treo cổ. Đồng thời, nhóm KKK rải truyền đơn kêu gọi người bản xứ chống ngư dân Việt và tiến hành các vụ đốt thánh giá trong thành phố để khủng bố tinh thần người Việt. Đốt thánh giá là hình thức khai chiến của KKK kể từ đầu thế kỷ 20, khi họ chống người Do Thái và người Mỹ gốc Phi châu. Trong vài ngày, có hai tầu đánh cá của người Việt trong vùng bị họ đốt cháy.
Đến lúc này thì một số người Mỹ gốc Do Thái có thế lực bước vào cuộc chiến để giúp người Việt ở Seabrook và Kemah. Đầu tháng Tư, Hội Ngư Phủ Người Việt, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Văn Nam, một cựu đại tá Quân Lực VNCH và là chủ một tiệm hải sản ở Seabrook, cùng với Southern Poverty Law Center (SPLC) tại Montgomery, Alabama, nộp đơn kiện KKK vì cạnh tranh thương mại thiếu công bằng. SPLC là tổ chức pháp lý phi lợi nhuận, được tài trợ bởi nhiều người Do Thái, và nổi tiếng với các vụ kiện chống lại những nhóm theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Vào tháng sau, bà Gabrielle McDonald, vị thẩm phán toà liên bang gốc Phi châu đầu tiên, ban quyết định thuận lợi cho ngư dân Việt và ra lệnh cấm KKK hoạt động trong vùng Vịnh. Bị xử thua tại toà và cảm thấy không dễ dàng bắt nạt những người trưởng thành trong chiến tranh Việt Nam bằng bạo lực, nhóm KKK âm thầm rút lui. Những ngư dân bản xứ chống đối người Việt bị đặt trước ngã ba đường, hoặc tiếp tục khai thác hải sản một cách hài hoà với người Việt, hoặc chuyển sang một nghề khác, hoặc dọn khỏi thành phố.
Sau vụ kiện, ngành ngư nghiệp của người Việt phát triển mạnh tại các làng chài dọc vùng duyên hải Texas. Người Việt làm chủ các bến tầu, các vựa thu mua hải sản từ tầu, các cửa hàng hải sản bề thế. Dần dần, có lẽ phải đến 95 phần trăm ngư dân đánh tôm ở Texas là người Việt. Từ những mobile homes ọp ẹp, tối tăm lúc ban đầu, các ngư dân Việt đã dọn vào những căn nhà rộng lớn, trông như những biệt thự đồ sộ, nguy nga.
(còn tiếp 1 kỳ)