Thực ra, chuyện tiếc nuối thời vang bóng của nghề này cũng không phải là hợp lý lắm, nếu không muốn nói đó là đi ngược xu thế thời đại, đi ngược văn minh nhân loại. Thế nhưng không riêng gì các ông phó nháy mà cả những người chưa bao giờ cầm máy ảnh, họa hoằn lắm mới được chụp một bức ảnh trong dịp lễ Tết hay dịp trọng đại nào đó…

Biển người chơi, dạo, mấy người chọn dịch vụ chụp ảnh dạo
Thời vàng son
Tôi nhớ những năm 2000, khi đó tôi còn là một cô bé học sinh trung học phổ thông, vốn quê mùa mà lại thích môn Toán, nên lại càng khô khốc hơn. Bạn bè hay rủ nhau đi chơi, chụp ảnh. Còn tôi thì cứ đến Tết, Ba Mẹ mới nhờ một ông phó nháy trong làng tới chụp cho cả nhà một bức, cho chị em tôi một bức. Thế là có Tết, thế là có vài tấm ảnh kỷ niệm theo từng năm. Vài tấm ảnh kỷ niệm ấy phải mất hơn bao lúa khô bán ra mới có được. Bây giờ nhìn lại, tôi thầm cảm ơn Ba.
Chuyện những tấm hình cũ thời mà nghề chụp ảnh còn đang độ vàng son thực sự đi vào quên lãng, đến khi tình cờ, ông xã trò chuyện với mấy người bạn (vốn dân chụp ảnh dạo, trước đây ông xã tôi cũng từng có nghề tay trái là thợ ảnh).
Thời Đà Nẵng mới tách khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, lên thành phố trực thuộc trung ương thì thành phố Đà Nẵng chỉ có 4 cây cầu: cầu Đỏ, cầu Cẩm Lệ, cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Văn Trỗi. Trong đó cầu Trần Thị Lý mới xây dựng, cầu Nguyễn Văn Trỗi vốn là cầu De Lattre (tên của tướng Jean Joseph Marie Gabriel de Lattre de Tassigny), nghe ông xã tôi kể rằng có một thời gian cầu mang tên Trình Minh Thế, cái tên mà nhiều người viết là Trịnh Minh Thế, thực ra, Trình Minh Thế là một vị tướng thuộc giáo phái Phật Giáo Cao Đài, người bị ám sát dưới thời ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, đến khi ông Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống thì cây cầu được mang tên Trình Minh Thế. Khi ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch thành phố Đà Nẵng thì cho xây cầu Sông Hàn, một cây cầu quay, thay thế bến phà An Hải. Khi cây cầu đi vào hoạt động, nó trở thành điểm thăm viếng nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng, hằng đêm, có ít nhất cũng hai chục phó nháy đứng hai bên cầu chào mời khách chụp hình.

Sản phẩm của những phó nháy trẻ
Thời đó, cây cầu Sông Hàn còn mệnh danh là cái mỏ vàng của thợ ảnh.
Năm 2006, lúc vào Đà Nẵng để học đại học, tôi cũng có một tấm ảnh kỷ niệm ở cây cầu này.
Tôi có người cậu sống ở quận Sơn Trà, ông kể với tôi là mỗi tối, nếu chịu khó chạy xe mang máy ảnh sang đứng trên cầu Sông Hàn tới 10 giờ đêm thì cách gì cũng kiếm được trên một trăm ngàn đồng, thời đó vàng 250 ngàn đồng một chỉ, như vậy tương đương 5 phân vàng, cứ chụp hết một cuộn phim, chụp khéo là kiếm được 5 phân vàng. Thường thì một cuốn phim có 40 lần bấm máy, tức 40 tấm phim âm bản (nếu không để hỏng tấm nào) nhưng hầu hết người ta chỉ có thể chụp được từ 36 đến 37 tấm vì 2 tấm đầu tiên bị “cháy”. Với dân chuyên nghiệp thì người ta sẽ trùm mền hoặc vào phòng tối để bỏ phim nên dùng được ít nhất là 39 tấm.
Thời đó mỗi tấm hình màu 8×12 có giá từ 5 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng, sở dĩ có giá không đồng đều như vậy là tùy thuộc vào giờ chụp và tốc độ giao hình. Hình lấy liền có giá 10 ngàn đồng, hình hẹn lấy sau có giá năm 5 đồng, hình chụp lúc khuya có giá cao hơn 5 ngàn đồng, lấy liền thì vẫn 10 ngàn đồng… Một cuộn phim Kodak mua có giá 12 ngàn đồng nếu mua lẻ, một cuộn Fuji có giá 9 hoặc 10 ngàn đồng, phim Konica có giá 10 ngàn đồng. Giấy in ảnh có giá vài trăm đồng mỗi tấm. Như vậy, nếu một đêm chụp và in tại chỗ hết một cuộn phim thì kiếm được một chỉ vàng. Thời đó, người trong quê ra thăm phố, cách gì cũng dồn tiền chụp cho được đôi ba tấm ảnh cầu Sông Hàn, cũng giống như tới Huế thì phải chụp cầu Tràng Tiền hoặc Cấm Cung vậy.
Rồi máy ảnh kỹ thuật số (digital) xuất hiện cùng với internet những năm cuối thập niên 1990 thế kỷ trước đã tạo ra một cuộc cách mạng chụp hình.
Sau cơn bùng nổ internet và máy kỹ thuật số là các loại điện thoại thông minh có tính năng chụp ảnh, quay phim phẩm chất cao ra đời, như vậy, nghề phó nháy chuyển từ máy cơ sang máy kỹ thuật số vẫn không thể tồn tại trong thời đại điện thoại thông minh chiếm lĩnh thị trường, các phó nháy đành bỏ nghề, các lab in ảnh nổi tiếng và thu nhập cao ngất một thời như Trường Sơn, Luận ở Đà Nẵng âm thầm đóng cửa.

Những khu du lịch hoặc điểm check in thiên nhiên mọc lên ngày càng nhiều, phó nháy cũng vài người tìm tới nhưng chủ yếu du khách tự chụp bằng di động
Những thợ ảnh cuối cùng
Thời bây giờ, khi đến những điểm check-in như Hồ Gươm – Hà Nội, cầu Tràng Tiền, Thành Nội – Huế, cầu Sông Hàn, công viên bờ sông Hàn – Đà Nẵng, Tháp Trầm – Nha Trang… nếu bạn bắt gặp một thợ ảnh mời chào khách, thì chắc chắn rằng thợ ảnh ấy phải là người khá già. Bởi nếu còn trẻ, còn năng động, người thợ ảnh ấy sẽ chọn đi phượt và săn ảnh nghệ thuật. Người đi chụp ảnh dạo thì hoặc là điều kiện sức khỏe không cho phép, điều kiện kinh tế khó khăn, hoặc nhớ nghề cũ, phải làm để có cái gì đó mà “sống”.
Ông Văn, một thợ ảnh già đứng điểm ở cầu Sông Hàn, tâm sự:
– Tôi thi thoảng vẫn ra đó đứng chụp hình, có đêm kiếm cũng được đôi ba trăm ngàn đồng, tuy không ăn thua gì so với ngày xưa nhưng vẫn sống được.
– So với thời xưa, việc chụp ảnh dạo bây giờ khác như thế nào vậy chú?
– So với xưa thì thu nhập bây giờ chỉ bằng một góc, vấn đề thứ hai là tốc độ, bây giờ thứ gì cũng tốc độ. Bây giờ không dễ gì tìm ra một bức ảnh nghệ thuật như ngày xưa. Đó là cái thấy được rất rõ, còn nhiều thứ khác, cái hồn của một bức ảnh, cho dù là ảnh cưới hay ảnh chụp lưu niệm, thời bây giờ cũng rất nhạt.
– Cái gọi là cái hồn của ảnh cưới và ảnh lưu niệm là gì chú?
– Thời xưa, ảnh chụp đám cưới vui lắm, không có tiểu xảo nhiều như nay, có nhiều tấm hình dùng tiểu xảo ghép ngay trên máy lúc chụp, tức tôi cho cô dâu đứng đằng xa, ở một vị trí hơi cao, còn chú rể ngồi gần máy, ở tư thế ngồi trên gót chẳng hạn, chú rể chỉ ngửa bàn tay, còn cô dâu thì ôm bó hoa nhìn xuống, tôi canh ống kính ở góc mà cô dâu đang đứng trên bàn tay chú rể rồi bấm máy, có ngay một tấm hình ghép. Thời đó vui, vui không phải vì kiếm được nhiều tiền mà vui vì mỗi khi chụp đám cưới mình vui lây khi thấy một tổ ấm đã hình thành. Sau này, chụp bằng máy số, tốc độ tăng, tôi mới phát hiện là mình không còn cái ấm áp khi chụp hình đám cưới nữa, vì dịch vụ cưới rình rang và tốn kém, vậy mà cứ bỏ nhau lia lịa…
– Như vậy, theo chú, xã hội đang tiến hay đang lùi?
– Về kinh tế thì chưa đầy 3 thập niên, phải nói là phát triển rất nhanh. Nhưng về tinh thần, về sự tiến bộ thì có vẻ như đang thụt lùi, vì thế giới tâm hồn con người trở nên nghèo nàn hơn…
Thế giới tinh thần trở nên nghèo nàn hơn rất nhiều, trong khi đó kinh phí cho Hội Nhà văn, Hội Báo chí, Hội Nhiếp ảnh và các hội nhằm khai mở thế giới tinh thần lại chiếm con số khủng mỗi năm. Phải chăng một xã hội định hình, định giá bởi đồng tiền đã đè bẹp thế giới tinh thần của các hội này nói riêng và xã hội nói chung thêm lần nữa.

Những ông phó nháy ở Đại Nội, Huế
Bài và hình UC