Tôi được gặp vài người Việt ở Frankfurt, Munich, Sachsen, Hamburg, Berlin…Họ là thuyền nhân sang Hamburg từ năm 1978; Là công nhân sang theo chương trình hợp tác lao động giữa Đông Đức và Việt Nam năm 1987. Trong số đó, vài người là nhân chứng sống trong thời điểm có người vượt Bức tường Berlin (gọi tắt là Bức tường) từ Đông Đức trốn sang Tây Đức, nhất là khi Bức tường vừa bị phá đổ. Hỏi và nghe họ kể về chuyện đã gần 35 năm nhưng như mới đây thôi!

nguồn Alongwalker   

Không cam chịu cắt chia!

Những ngày tháng Năm nắng ấm này, du khách đến thăm các Khu tưởng niệm Bức tường ngoài trời trên nhiều khu vực rải rác ở thủ đô. Đặc biệt, rất đông du khách theo đoàn hoặc đi lẻ tìm đến Khu tưởng niệm Bức tường, Trung tâm thông tin tư liệu (Bảo tàng) trên đường Bernauer. Nơi đây lưu trữ nhiều thông tin, hình ảnh, tư liệu quý về quá trình xây dựng đến khi Bức tường bị phá đổ.

Trong 28 năm, nước Đức bị chia cắt bởi Bức tường (13/8/1961- 09/11/1989) dài 167,8km. Đây còn là biểu tượng của Chiến tranh Lạnh và chế độ XHCN ở CHDC Đức. Người dân từ Đông Đức chạy sang Tây Đức ngày càng nhiều, từ năm 1949 đến 1961, có khoảng 2.6 triệu người đã rời bỏ Đông Đức. Các lực lượng vũ trang, biên phòng dọc biên giới của Đông Đức gia tăng các biện pháp kiểm soát nhưng vẫn không chặn đứng được dòng người trốn chạy. Đường bộ và đường sắt dẫn đến Tây Berlin bị phong toả.

Với sự hỗ trợ của Liên Xô, CHDC Đức đã xây dựng nên Bức tường. Nó có nhiều hệ thống bao gồm hàng rào kẽm gai, hào cản xe cơ giới và xe tăng, vật cản xe tăng, hơn 300 tháp canh, gần 1,000 con chó đặc nhiệm. Trên tháp canh có máy đo gió, đèn pha, ống nhòm… Bức tường có 13 trạm kiểm soát cho đường ô tô, 4 cho tàu hỏa và 8 cho đường sông. “Nếu CHDC Đức gọi Bức tường là “Tường thành bảo vệ chống chủ nghĩa phát xít” thì người dân bên CHLB Đức gọi nó là “Bức tường ô nhục”. Hậu quả rất đau xót và nặng nề đối với người dân Đông Đức là con đường sang phương Tây bị chặn đứng, cách chia người thân, bạn bè”, bà N.T.K.H. (63 tuổi, quê Sài Gòn) chép miệng. Và người dân Đông Đức đã không cam chịu điều này. Thế nên đã có hàng nghìn người tìm cách vượt qua Bức tường kể cả có người trong lực lượng canh phòng, bằng nhiều hình thức. Có phụ nữ được cột dây vào người thả từ trên lầu xuống dưới đất, có người nhảy xuống lưới cứu giúp của đội cứu hỏa Tây Berlin, nhảy qua cửa sổ tại khu vực Bernauer …để qua Tây Berlin.

Khu tưởng niệm Gunter Litfin, nạn nhân đầu tiên vượt Bức tường bị bắn chết

Ông H.Q.H. (73 tuổi, quê Thanh Hoá) kể: “Nhiều người vượt Bức tường bằng xe hơi băng rừng hoặc băng qua đồng trống, kể cả dùng tàu ngầm nhỏ vượt sông hoặc hồ. Có nhóm người đào đường hầm dưới Bức tường, sử dụng đường hầm ngầm của các tuyến tàu điện ngầm … đi tìm tự do!”. Những cuộc vượt trốn có thành công cũng có thất bại. Thất bại, nếu không bỏ mạng thì sẽ phải ra toà vì can tội bỏ trốn đất nước, mức án có thể đến 8 năm tù! Người giúp đỡ cho việc chạy trốn như làm hộ chiếu giả có thể bị án chung thân! Hơn 420 người vượt Bức tường bị quân đội, cảnh sát Đông Đức bắn chết. Ngày 22/8/1961, cô Ida Siekmann là nạn nhân đầu tiên của Bức tường đã tử nạn khi nhảy từ cửa sổ tầng ba một căn phòng trên đường Bernauer xuống. Sau đó, Gunter Litfin, 24 tuổi, là nạn nhân đã bị bắn chết đầu tiên trong khi anh cố trốn chạy và Chris Gueffroy, là nạn nhân cuối cùng bị bắn chết vào ngày 06/2/1989.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 8 năm 2024

Thập niên 1970, biên giới giữa hai bên được mở rộng hơn. CHDC Đức cho phép người dân (nghỉ hưu) đi du lịch và cho phép công dân CHLB Đức thăm viếng những vùng gần biên giới. Tuy nhiên có một số người đi du lịch sang Tây Đức đã trốn ở lại! Thủ tướng Anh lúc ấy là Harold Macmillan nói: “Người Đông Đức chặn dòng người tị nạn lại và cố thủ sau một bức màn sắt dày hơn. Điều đấy không có gì là phạm pháp cả”, “Tây Berlin là một biểu tượng của tự do trong một thế giới bị đe doạ bởi chiến tranh lạnh”, phát biểu của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ngày 26/6/1963 khi ông đến thăm Bức tường. Năm 1987, Tổng thống Mỹ Reagan có phát biểu: “Ông Gorbachev, hãy mở cánh cửa này!…Hãy phá bỏ bức tường này!”.

Những địa điểm ‘Chữ Thập trắng’ ở Berlin tưởng nhớ những người đã chết khi cố gắng trốn thoát khỏi CHDC Đức

Vì tự do, chấp nhận trả giá đắt!

Ông L.C.X.(68 tuổi, quê Quảng Bình) chỉ đường giúp tôi đến Khu tưởng niệm Gunter Litfin, người bị bắn chết đầu tiên khi vượt Bức tường. Lúc này, đã hơn 11 giờ, 11/5/2024, có đông du khách đến thăm. Gunter Litfin, sinh năm 1937, lớn lên ở Đông Đức, làm thợ may ở Berlin. Sau khi biên giới bị đóng cửa, anh mất việc làm. Gunter Litfin nung nấu ý định trốn thoát khỏi Đông Đức. Vào ngày 24/8/1961, anh chọn bơi qua cảng Humboldt để đến Tây Đức. Mặc những tiếng súng cảnh cáo vang lên từ tháp canh, anh vẫn không nao núng. Nhưng lực bất tòng tâm, công an biên phòng ở tháp canh đã chặt đứt ước mơ tìm tự do của anh bằng nhiều phát đạn. Người thân của Gunter là Jurgen Litfin bị bắt với cáo buộc giúp người bỏ trốn. Chính phủ CHLB Đức đã đóng tiền chuộc để ông được ra tù. Năm 1981, Jurgen Litfin cùng gia đình chuyển sang Tây Đức. Ngày 24/8/2003 Jurgen Litfin đặt một phiến đá ghi tên người đầu tiên bị bắn chết vì vượt Bức tường. Khu tưởng niệm Gunter Litfin (Tháp canh cũ), thu hút khá đông du khách. Tại đây có một tháp canh trong số hàng trăm tháp canh đặt dọc theo Bức tường Berlin luôn có cảnh sát, công an biên phòng túc trực theo dõi và sẵn sàng nã súng vào những kẻ trốn thoát. Năm 2000, một con phố được đặt tên Gunter Litfin, thuộc khu vực Weissensee, Berlin.

Xem thêm:   Cách ăn vận của người Sài Gòn

Bức tường Berlin, biểu tượng của sự chia rẽ, sụp đổ vào ngày 09/11/1989. Dân chúng đã kéo đến đập phá, nhiều mảng tường sụp đổ trong tiếng hò reo vang dội. Một số gạch đá từ mảnh tường vỡ vụn đã trở thành sản phẩm du lịch được du khách ưa thích, mua làm vật lưu niệm. Nhân cơ hội này, một số công nhân Việt Nam sang hợp tác lao động tại CHDC Đức kể cả từ Tiệp Khắc, Ba Lan đã tìm đường sang Berlin. Một số người đã vượt hàng trăm cây số sang Tây Berlin tìm cách ở lại. Họ được kiều bào bên này giúp ghi danh để được vào trại… “Một số người Việt mình phất lên, trở nên giàu có cũng nhờ mua hàng hoá từ Tây Đức, Ba Lan về Đông Đức như thuốc lá, băng đĩa (phim đen)… bán lại lấy lời hoặc dẫn dắt người sang Tây Đức … Đây là thời điểm “cơn mưa vàng” đến với nhiều người “thức thời” lúc ấy!”, bà T.T.N.B (67 tuổi, quê Nghệ An) kể.

Ngày 22/12/1989 toàn bộ những cánh cổng ngăn cách giữa Bức tường được mở, thời điểm chính thức cáo chung của “bức màn sắt”. Ngày 23/8/1990, Quốc hội Đông Đức đã có quyết định hết sức sáng suốt rằng lãnh thổ quốc gia này sẽ được đặt dưới hệ thống pháp luật của CHLB Đức và nước Đức tái thống nhất kể từ ngày 03/10/1990. Tiến trình hợp nhất hai nhà nước thành một CHLB Đức hết sức suôn sẻ đầy cảm xúc!

Tác giả bên Bức tường Berlin tại Khu tưởng niệm ngoài trời và ở đường Bernauer

LKD