Sáng tác tháng 11, năm 1973, đăng lần đầu tiên và độc nhất, trong tập san của trường nữ trung học Trưng Vương, Saigon, tháng 12, 1974

Tặng cô em họ đã giúp tôi đánh máy truyện này.

LỜI CHÚ CỦA TÁC GIẢ:

Tháng Ba, 1975, tôi chưa ăn sinh nhật 17 tuổi, được giải Danh Dự Văn Chương Toàn Quốc của Việt Nam Cộng Hoà do Tổng Thống Thiệu trao tặng, vào dịp lễ Hai Bà Trưng. Tôi viết truyện dưới đây năm 15 tuổi.  Sau khi được giải văn chương, cho là tôi đã có chút tiếng tăm dù vẫn còn “con nít,” ông ngoại tôi, Cụ Nguyễn Trạm, sửa soạn in truyện ngắn này cho độc giả Saigon, các cô cậu choai choai.  Nhưng, hoàn toàn bất ngờ, theo dòng lịch sử của dân tộc, chưa đầy một tháng sau, Tháng Tư 1975, chúng tôi tay trắng qua Mỹ tỵ nạn, để lại ông bà ngoại một mình trên quê hương, tuổi già không ai trông nom. Mẹ tôi theo chồng con qua xứ người, không gặp được cha mẹ già trước khi ông bà ngoại tôi nhắm mắt.  Một thảm kịch và cộng nghiệp. 

Mãi đến năm 2019, sau hơn nửa thế kỷ, tôi mới được đọc lại tác phẩm của mình, do bạn học Trung Học cũ ở Việt Nam còn giữ và gửi qua cho tôi, làm quà tinh thần, khi cha mẹ tôi và ông bà nội ngoại không còn nữa.  

Khi đọc lại, thật tình tôi không nhớ vì sao tôi có thể tưởng tượng được nhân vật người kể chuyện, narrator, là nữ sinh viên du học ở Madison, Wisconsin. Lúc ấy tôi chưa bao giờ có mặt mùa Đông ở Wisconsin cả. Không hề biết Madison ở đâu. Chỉ biết đó là tiểu bang xứ lạnh gần Ngũ Đại Hồ. Tôi cũng không còn nhớ vì sao mà ở tuổi 15, ru rú ở Saigon, tôi lại biết đến Waltz of the Flowers trong nhạc kịch Nutcracker của nhạc gia người Nga, rất thịnh hành vào mùa Giáng Sinh bên Mỹ. Đây chắc chắn phải là công trình giáo dục con gái và sự kích thích trí tưởng tượng về nước Mỹ, đến từ thế giới của cha tôi, một học giả đã từng du học ở Anh và Mỹ thập niên sáu mươi và bảy mươi.

Tháng Ba, 1975: Phu Nhân Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu trao giải thưởng Danh Dự Văn Chương Phụ Nữ Lễ Hai Bà Trưng cho Nữ sinh Dương Như Nguyện tại vườn Tao Đàn Saigon.   -ảnh do tác giả cung cấp

Tôi cũng chẳng còn nhớ vì sao tôi biết được tên các loài hoa.  Có thể Mẹ tôi đã “gà” cho tôi một số Hán tự để tôi dịch ra từ các tên tiếng Anh của hoa miền ôn đới. 

Điều độc nhất tôi biết chắc chắn là tôi là tác giả, đã viết truyện này dựa theo lời kể của mẹ tôi. Bà đã đọc về hoa Muguet Blanc (Linh Lan) và hoa Forget-me-not (Lưu Luyến) viết bằng tiếng Anh từ sách giáo khoa L’Anglais Vivant, là sách dạỵ Anh Ngữ cho học sinh Đông Dương từ thập niên 1940. Và vì thế, nguồn gốc câu truyện có chút giá trị lịch sử, trước khi tôi viết thành dạng truyện ngắn tiếng Việt theo trí tưởng tượng cuả mình. Truyện ngắn này là kỷ niệm với mẹ tôi, công trình làm mẹ và làm cô giáo Việt Văn của bà. Đây là trái tim và tình yêu văn chương ngôn ngữ của mẹ tôi, đã truyền lại cho tôi qua khúc “nhau” khi cắt rốn, của người mẹ sinh con gái, nuôi dạy con yêu cái đẹp, và đem con vào đời cho thế hệ và nhân loại qua tiếng nói của mình. 

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Mẹ tôi là văn chương, là tình yêu cao thượng, là hy sinh vô bờ, là tất cả. 

Cám ơn Tuần Báo Trẻ ở Texas đã mang truyện ngắn này đến cho cộng đồng người Việt. 

Thành kính dâng lên hương hồn mẹ tôi, Giáo Sư Việt Văn Nguyễn Thị Từ Nguyên.

DNN 1973-2020

Madison, Wisconsin, November 30…

Ti dấu yêu!

Hôm nay ngày cuối cùng của tháng 11, mùa Ðông đã thấp thoáng những hàng cây trơ trụi và hơi lạnh trong không gian như gọi mời những chiếc áo ấm.

Còn mấy tháng nữa là Tết Nguyên Ðán ở quê nhà.

Buổi sáng cô thức dậy, kiếp sống sinh viên du học ở xứ lạnh, Hoa Kỳ, và ý nghĩ đầu tiên là một chút xôn xao về ngày hôm nay, ngày sinh nhật của Ti, ngày cuối tháng, ngày sắp sửa vào Ðông. Cô nghĩ đến cháu gái bé bỏng hay mơ hay buồn của cô, bên kia bờ đại dương, và cô nhớ lại ngày này năm xưa. Ngày mẹ sinh Ti. Cô chỉ mới là một bé gái lên tám, cái tuổi đang ham có em, thích chơi búp bê… Cô nhớ cảm giác hí hửng khi theo ba vào bệnh viện, nhìn thấy Ti ngủ thần tiên trong chiếc nôi hồng. Và từ đó, cô yêu Ti, cháu gái đầu tiên cuả cô, yêu Ti như một món quà thật quý từ thượng đế.

Hôm nay Ti 17 tuổi, một thiếu nữ chớ không còn nhỏ nít như xưa. Cô lại không ở bên Ti để chúc mừng vui chung. Và sáng nay cô lười biếng trong chăn, thoáng hoài niệm về Ti, ba mẹ – anh Cả và chị dâu của cô – ông bà của Ti là cha mẹ của cô. Lòng nhớ gia đình, quê hương làm cô bàng hoàng gần như khóc…

Cô mở chiếc cửa sổ, ở đây cảnh đẹp tuyệt vời, đẹp nhưng lạnh lùng… Ở phòng ngoài, Kate, bạn cùng phòng trọ đại học xá của cô, đang dạo bản “Waltz of the Flowers” của Tchaikovsky. Tiếng đàn dương cầm thánh thót làm cô nhớ rằng Ti của cô rất thích hoa. Phải vào Tháng Ba thì cúc vàng mới nở đầy campus và người ta mới thấy vẻ rực rỡ của “trăm hoa trăm sắc.” Nhưng cô cũng nhớ Ti chỉ mơ hoa Forget-me-not: thứ hoa nhỏ bé ấy mọc trên đất thấp, như hoa dại khắp nơi…

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Hôm nay sinh nhật Ti, Ti hãy tạm bỏ quên sách vở nặng nề của năm thi tú tài ở Việt Nam, để ru mình nhè nhẹ vào diễm ảo. Món quà sinh nhật của cô cho Ti là một câu chuyện cô sắp kể đây, có thể hơi buồn, nhưng nó cũng dịu dàng mơ mộng như Ti, mừng ngày Ti đã lớn.

Ti chịu khó tưởng tượng:..  Một khu rừng thưa, một cái hồ trong xanh, hai bên bờ hồ, giữa đám cỏ non có những bông hoa tuyệt đẹp nở rộ vào mùa Xuân mùa Hạ. Những sáng bình minh mặt trời chưa lên hẳn, ta nghe tiếng rì rào của gió, tiếng hót của chim. Và khi ánh nắng đã bao trùm vạn vật, ta nhận rõ từng nét diễm lệ của hoa, vẻ khỏe mạnh của lá non, nét thông minh lịch lãm của cổ thụ… Vài chú le le lượn nhẹ trên mặt hồ, gã nhái lim dim cặp mắt huyền nhìn chàng tu hú…

Tất cả sẽ tiếp tục cuộc sống bình lặng ấy không có gì đáng nói, nếu chúng không là chứng nhân của một chuyện tình, chuyện của nàng công chúa dễ thương Forget-me-not và hoàng tử quý phái Linh Lan.

Ti yêu dấu của cô!

Chuyện bắt đầu thế này…

Vũ điệu ballet Waltz of the F-lowers từ nhạc kịch Nutcracker

Dạ vũ cuối Xuân

Bấy giờ trời khoảng cuối mùa Xuân. Nàng Xuân sắp sửa đi, nhường chỗ cho Hạ tiểu thư, chẳng bao lâu sẽ đến trong chiếc áo bạc, màu của ánh trời rực rỡ.

Sẽ có một sự thay đổi, song cái hồ vẫn thế, tuy rằng hai bên bờ hồ, các hoa mùa Xuân sắp sửa ngủ yên, nhường chỗ cho các hoa mùa Hạ trở về.

Hai loài hoa không bao giờ gặp nhau, kẻ đi trước người đến sau. Như những cô con gái 15, 16 chưng diện se sua lắm tị hiềm, họ luôn luôn hằn học nói xấu nhau.  Những tiếng lao xao này làm bực mình gã rắn mối cụt đuôi không ít. Rắn mối thường được xưng tụng là “học giả” dù rằng gã chẳng bao giờ nghiên cứu tí gì về sách vở. Có lẽ “vấn đề nghiên cứu” độc nhất của gã là làm thế nào cho hai loài hoa không còn ác cảm với nhau. Gã đã vấn kế bao quân sư và cuối cùng đến gặp phu nhân Bướm Ngài.

“Hãy tổ chức một cuộc dạ vũ vào buổi tối cuối cùng của Xuân, lúc hoàng hôn một ngày tháng 6, khi chúa Xuân và Hạ tiểu thư đang bàn giao chức vụ. Hai loài hoa chỉ có thể gặp nhau dịp này. Hoa mùa Xuân sẽ phải vội vã ra đi sáng hôm sau, nếu không họ sẽ héo tàn, vĩnh viễn ngủ yên không trở lại…”

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

“Một cuộc dạ vũ và ở đó tất cả các hoa sẽ thân thiện với nhau. Thật là một kế hoạch tuyệt hảo,”  Rắn mối mừng rỡ trở về. Những cánh thiệp được tung ra. Và từ đó, ở đâu cũng nghe nói đến cuộc dạ vũ của học giả Rắn mối.

Phòng khiêu vũ được trang trí bằng những cây cối màu ngà ở mé hồ, thắp sáng bằng ánh sáng dịu dàng của những nàng đom đóm. Ban nhạc là cả một đội họa mi; nhạc trưởng sáo đen và tay trống cừ khôi: gã bửa củi xanh. Những chú ong bầu thật lịch lãm với đồng phục vàng sẽ tiếp đón khách nam giới, và các cô chuồn chuồn duyên dáng với bộ cánh kim tuyến sẽ phục vụ các bông hoa phụ nữ.

Khách bắt đầu đến. Thoạt tiên là bảy chị em Ðồng Thảo, rồi đến cô Trữ Lan nhẹ nhàng bước vào phòng và rụt rè nép vào một góc.

Phòng khánh tiết chợt ồn ào hẳn lên vì nàng Hồng đã đến trong cỗ song mã kéo bằng đôi cỏ gà, người nài là Mẫu Ðơn và bốn cánh Thục Quỳ vàng đứng bốn góc. Nàng Hồng đài các xuống xe, cúi chào những phu nhân các lãnh chúa họ Thược Dược, khẽ nhấc chéo áo kiêu kỳ trước cái nhìn si mê của chàng quận công Ðinh Tử Hương.

Khi khách đã đến khá đủ, ban nhạc bắt đầu trổi bản Dòng Sông Xanh. Dạ hội khai mạc với hai cặp: học giả Rắn mối với hoa Hoàng hậu, Ðinh Tử Hương với nàng Hồng.

Sau đó tất cả mọi người đều nhảy say sưa…

1957: Giáo sư Việt văn Nguyễn Thị Từ Nguyên, trường Nữ Trung Học Đồng Khánh Huế (bây giờ là trường Hai Bà Trưng)ảnh do tác giả cung cấp)

Họ gặp nhau!

Tất cả vẻ hào nhoáng mỹ lệ, lịch lãm của muôn hoa đều được phô trương trong buổi tiệc này.

Nhưng mọi vẻ đẹp sang trọng ấy đều không là gì cả trước sự xuất hiện của công chúa Forget-me-not. Nàng là nhân vật đến trễ nhất nhưng cũng là kẻ yêu kiều nhất. Viên thị trưởng hồ, cành Nhật Xạ, đã gọi tên nàng là cánh hoa Lưu Luyến. Nàng sống trong một cung điện bằng lá lau và bọt nước ở mé hồ. Vì hay e thẹn, công chúa ít khi ra ngoài, nhưng mỗi khi nàng ra ngoài là mỗi lần có một sự xáo trộn ngoài ý muốn. Mắt nàng xanh, xanh đến nỗi bầu trời phải hóa ghen và làm mưa liên tiếp trong bao tuần lễ. Bầu trời chỉ chấm dứt những cơn mưa vô lý ấy khi đã được giải thích rằng màu mắt của công chúa chỉ là phản chiếu sắc xanh của bầu trời mà thôi.

Hoa Forget – me – not

Nàng Công chúa Forget-me-not, cánh hoa Lưu Luyến, là ai? Chuyện gì sẽ xảy đến sau khi nàng xuất hiện tại buổi dạ vũ của học giả Rắn Mối? Mời quý vị đón đọc đoạn kết của truyện vào kỳ tới.