Lời Giới Thiệu: Giữa lúc thị trường sách báo như buổi chợ chiều, các nhà sách, nhà xuất bản lần lượt đóng cửa thì sự kiện ra mắt cuốn hồi ký “Kiều Chinh, Nghệ sĩ lưu vong” của nữ tài tử Kiều Chinh tại vùng Hoa Thịnh Đốn, Houston, Westminster lại rất sôi nổi. Bài viết của nhà thơ Đặng Phú Phong dưới đây sẽ cho ta lời giải thích.

Ngày 30 tháng 10 sắp tới đây, chị sẽ đến Dallas để ra mắt hồi ký này. (Trẻ)

Tài tử Kiều Chinh. Nguồn: mubi.com

Kiều Chinh xuất thân từ một dòng tộc thế giá, hàm dưỡng được một nền đạo đức hòa lẫn giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo, kiến thức, học vấn pha trộn giữa Ðông, Tây. Cuộc đời của chị là chuỗi kết nối của những biến động. Từ một thân lạc lõng ở cuộc di cư 1954, có một người bố tuyệt vời phải đành xa cách. Rồi làm vợ một người mà do sự sắp xếp của hai bên gia đình. Rồi bi kịch tan vỡ.

Trong hoàn cảnh phôi thai của nền điện ảnh VNCH, Kiều Chinh xuất hiện, sáng chói ngay những ngày đầu. Chị đã liên tiếp thành công trong những cuốn phim từng là kinh điển của điện ảnh. Như là: Hồi Chuông Thiên Mụ. Người Tình Không Chân Dung… vang bóng một thời. Chị nổi tiếng được nhiều người hâm mộ không chỉ ở Việt Nam mà tên tuổi còn vang vọng cả Ðông Nam Á. Chị được nhiều hãng phim từ các nước như Philippines, Hồng Kông, Singapore… mời tham gia những cuốn phim nổi tiếng. Từ năm 1964 chị cũng được mời làm tài tử chính trong những cuốn phim do đạo diễn Mỹ lựa chọn. Như phim Operation CIA hay sau đó là phim Leopoldo King Salsedo…

Cuối tháng 4/75 Kiều Chinh đã cứ bay từ Á sang Âu loanh quanh trong bầu trời mênh mông, trên các chuyến phi cơ không nơi đến. Chị phải chờ đợi tình hình chính trị VN cho rõ ràng mới được đáp xuống phi trường nào đó để được xin tị nạn. Và, ngày 1.5.75 Kiều Chinh là người VN đầu tiên được tị nạn chính trị tại Canada. Rồi may mắn được người bạn là tài tử người Mỹ từng đóng phim chung ở Saigon bảo lãnh qua Mỹ. Nhờ sự tận tình giúp đỡ của Tippi Hedren, Kiều Chinh được qua Mỹ, bắt đầu cho một cuộc sống mới đầy cam go thử thách. Con đường nghệ thuật chênh vênh trước mắt nên dù gì cũng phải sống; chấp nhận đi làm sạch chuồng gà, tạm thời có tiền để mưu sinh, để lo sum họp với chồng con. Ðịnh mệnh một lần nữa đã mỉm cười với Kiều Chinh. Chị đã được mời đóng vai chính trong loạt phim truyền hình ăn khách thời bấy giờ của nước Mỹ. Ðó là M*A*S*H* của Hollywood sau khi được casting đóng một vai phụ, vai một người đàn bà Trung Hoa bán thuốc lá, nói chỉ vỏn vẹn 2 chữ: Yes, Sir. Và chị đã khóc nghẹn ngào sau khi diễn xuất. Với vai diễn chính trong phim M*A*S*H*. Kiều Chinh là một thiếu nữ Ðại Hàn, yêu thương một quân nhân Mỹ. Mối tình đang tuyệt đẹp thì nàng phải rơi vào một lựa chọn xé lòng: Ở lại với người yêu hay quay về quê hương. Cuối cùng nàng quyết định gạt lệ chia tay người yêu quay về cố quốc. Kiều Chinh vui mừng nhận vai diễn này vì một phần trong lòng chị vẫn luôn canh cánh mối tình với Việt Nam đang nghìn trùng xa cách.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Tập phim này mở rộng cho cánh cửa bước vào Hollywood, một đất hứa, nơi danh giá cho tất cả các tài tử trên thế giới hướng về. Tên tuổi Kiều Chinh đã được khẳng định trong giới điện ảnh sau những cuốn phim tiếp theo, nhất là với cuốn phim The Joy Luck Club đứng thứ 22 trong 50 phim của Mỹ lấy nhiều nước mắt khán giả nhất. Trong phim này Kiều Chinh đóng vai chính một bà mẹ người Trung Hoa tên Suyuan bỏ rơi hai con nhỏ trên đường chạy loạn.

Nhưng bên cạnh những hạnh phúc, số mệnh cũng gieo cho nàng những khổ đau xót tim, nát lòng. Ông chồng đẹp trai hào hoa ấy lại một lần nữa đành lòng từ bỏ chị; đứa con út bị tai nạn xe khốc liệt. Ðôi vai vốn gầy của trâm anh đài các đã muốn làm khuỵu đôi chân mảnh dẻ của Kiều Chinh, nhưng với một ý chí kiên quyết, với một tấm lòng chân thành vì tha nhân, chị vẫn đứng dậy để tiếp bước, như trong một chương của tập hồi ký “Ðứng dậy. Ðứng thẳng. Ði tới” chị đã trụ cứ vững vàng, từng bước thành công. Và, chị đã luôn luôn nghĩ đến quê nhà muốn làm điều gì đó để chia sẻ với cảnh khốn khổ của đồng bào ruột thịt.

Với mục đích “Làm điều gì đó để vinh danh trên hai triệu người Việt đã chết trong chiến tranh Việt Nam” Kiều Chinh đã cùng các bạn Lewis Puller, Tery Anderson, Jack Wheeler, Marcia Landau thành lập hội The Vietnamese Children’s Fund (VCF) xây dựng hơn 50 trường học và những thiện nguyện khác tại Việt Nam. Công việc này chị cũng đã bị phản ứng gay gắt của một số người Việt hải ngoại khiến cho công việc làm ăn của chị bị bế tắc. Nhưng rồi, cũng qua.

Kiều Chinh được mời đọc diễn văn tại buổi lễ Tưởng Niệm Thương Phế Binh Hoa Kỳ (Veteran Day), buổi lễ có xướng một số tên tử sĩ, chị đã không khỏi rơi lệ khi đọc bài diễn văn đầy tình nghĩa của mình. Với những đọan văn thật hàm súc tinh thần nhân ái vị tha và xót đau thân phận làm người trong thời buổi chiến tranh độc ác. “Hơn 58,000 quân nhân Hoa Kỳ gục ngã, và hơn hai triệu người – quân nhân, thường dân, già cũng như trẻ- chết trên cái đất nước không may mắn bị lịch sử chọn làm bãi chiến trường. Vết thương này ngày nay vẫn còn đau nhức khôn nguôi cho hằng triệu người, cả nhiều thập niên sau khi những họng súng đã ngưng bắn”… “ Lịch sử cho thấy tất cả những bức tường dựng lên để ngăn chia và làm hại con người đều sụp đổ. Bức Tường Ðá Ðen đem con người lại gần nhau để hàn gắn vết thương, ở ý nghĩa đó, bức tường kỷ niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam sẽ đứng vững muôn đời bởi vì nó không hẳn làm bằng đá mà bằng cả tinh thần, nó ngự trị không hẳn trên mặt đất mà còn trong trái tim con người”…

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

Tôi không gần gũi, thân thiết với Kiều Chinh để có thể hiểu có phải chị giống như những người quá thành đạt rồi bỗng nhiên tự tử như tỉ phú Ðức Adolf Merckle , Chef Cook tài danh thế giới Anthony Bourdain, tài tử nổi tiếng Robin Williams. Có thể hiểu những người này bị trầm cảm. Nhưng Kiều Chinh liệu có thật sự trầm cảm, sau khi hoàn thành bổn phận làm mẹ – xây dựng gia đình cho 3 người con thân yêu quý mến. Sự nghiệp ở mức độ thành công khá vẻ vang. Chị đã thở phào nhẹ nhõm. Thế mà chỉ một thời gian ngắn sau đó chị cảm thấy mệt mỏi vì không còn gì để phải làm, rồi trong một phút mất kiểm soát chị đã uống thuốc tự tử! Có thể chị đã cảm thấy thừa thãi, một mình ôm lấy cái trống vắng chết người và lại là một người hết sức là nhạy cảm nên dùng cái chết để từ chối chăng? Triết lý bi đát có ảnh hưởng nặng đến chị? Giống như người đàn bà thấy mình chết trong mưa? Câu hỏi xin được bỏ ngỏ.

Trải qua bao thăng trầm trôi nổi Kiều Chinh hiện nay đã ngoài tuổi 80 mà từ khi mới bước chân vào điện ảnh chị đã không quá tô hồng chuốt lục, không công nghệ sắc hương cho đến bây giờ Kiều Chinh vẫn biểu hiện một nét đẹp quý phái tinh khôi. Tính tình vẫn một mực nhẹ nhàng thân thiện trong một tính cách trầm ấm sẻ chia với mọi người. Kiều Chinh xứng đáng cho chúng ta ngưỡng mộ.

Kiều Chinh. Nguồn Một thế giới

Hôm nay, Kiều Chinh ra mắt cuốn hồi ký sau nhiều năm ấp ủ tự hồi sinh tiền của nhà văn Mai Thảo, người bạn, người anh tốt của chị đã luôn luôn khuyến khích chị hoàn thành một cuốn hồi ký để đời. Tôi đến tham dự cùng với đông đảo người ái mộ chị, số tham dự có đến hơn 200 xếp hàng rồng rắn vì tiệm sách Tự Lực không đủ rộng, chỉ đến để mua sách và chờ ký tên. Trong suốt hơn 2 tiếng đồng hồ Kiều Chinh ngồi ký tặng trong khi khách hâm mộ kiên nhẫn chờ đợi. Việc này không riêng ở Nam California mà ở những nơi chị vừa cho ra mắt như Washington DC., Texas, Bắc California … nơi nào cũng được hoan nghênh nhiệt liệt, số sách luôn luôn cháy hơn số dự trù. Trong dòng người chờ chị ký tên tôi không khỏi nhớ và cảm ơn đến lòng yêu thương văn nghệ sĩ của chị đối với tôi trong dịp ra mắt một cuốn sách của tôi vào một ngày mưa to gió lớn chị đã phải vượt con đường xa gần một trăm dặm để đến cho được buổi hôm ấy.  Cầm cuốn hồi ký “Kiều Chinh, Nghệ Sĩ Lưu Vong” trên tay tôi chợt nhớ đến ông Ðỗ Mục, thi sĩ đời Ðường của Trung Hoa, tác giả hai câu thơ được rất nhiều sách vở Việt Nam từ xưa xửa trích dẫn, bình luận.

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

“Thương nữ bất tri vong quốc hận,

Cách giang, do xướng Hậu Ðình Hoa”

Trần Trọng Kim dịch:

“Gái ca đâu nghĩ nước nhà,

Cách sông vẫn hát khúc ca “Hậu đình”.

Theo trithucvn.org. “Thương nhân” là người thuộc chủng tộc Ân, những người đã lập nên một nước, có triều đại gọi là Nhà Thương. Do đó, lúc đầu, “Thương nhân” có nghĩa là “Dân của nước Thương, của Triều đại Nhà Thương”.Nhưng sau lại có nghĩa là người lái buôn

Người Nước Thương, đã phát triển văn hóa nông nghiệp tức là định cư và khai thác ruộng đất. Thế kỷ 11 trước Tây Lịch, họ bị người Chu là dân du mục từ Thiểm Tây tràn vào, cướp nước, họ phải bỏ chạy. Ðể sinh tồn đàn ông Thương ngược xuôi buôn bán, công việc không đủ sống nên đàn bà con gái đi ca hát ở mấy tiệm rượu, để kiếm thêm.

Ðỗ Mục, tác giả bài Ðường thi kể trên dùng chữ “Thương nữ” với nghĩa “Cô gái thuộc chủng tộc Thương”. Ông có ý chê mấy cô không nhớ nhục mất nước, và lòng hận thù người Chu, nỡ mang nhan sắc và giọng ca, hát, vào những bài ẻo lả như bài Hậu Ðình Hoa để mua vui cho mấy chú Hán tộc, con cháu người Chu cướp nước. Ðỗ Mục chỉ nhìn vào sự kiện người phụ nữ đời Thương làm những công việc hạ cấp mà chê mấy cô đã quên «vong quốc hận”.

Sau này, tự điển Tàu chỉ giảng Thương nhân là “lái buôn”, bỏ hẳn nghĩa “Thương nhân là người thuộc chủng tộc Thương”, vì họ muốn xóa đi cái tội cướp nước, và tàn sát người Thương của người Hán. Do đó người đời sau, cả những nhà nho học của Việt Nam đều bị lừa, hiểu nghĩa Thương nữ là người thiếu nữ làm những nghề hạ lưu, như “ xướng ca vô loại”.

Tuy nữ tài tử Kiều Chinh không làm nghề ca hát, nhưng với nghệ thuật thứ bảy, nơi dung nạp, nơi là đài danh vọng của chị, giả như đã xuất hiện thời đó thì cũng được ông Ðỗ cho vào một lứa cá mè, hưởng hai câu tán thán rất ư là đau đớn của ông. Và nhìn vào cuộc đời của nữ tài tử Kiều Chinh, nếu ông Ðỗ sống lại ắt ông không khỏi cau mày ngượng chín. Thế thì tôi xin phép “lẩy Kiều” câu thơ của ông Ðỗ một chút vậy, xin ông xá tội:

“Việt nữ hữu tri vong quốc hận

Bạch đầu kỷ độ tư cố hương”

Và, cũng dùng hai câu này để tặng chị Kiều Chinh thân quý.

ĐPP (Little Saigon 10.10.21)