Tôi trân trọng viết Hoa chữ Tín vì chữ Tín thời nay hiếm lắm. Ngày trước, người lớn ở quê tôi dạy con cháu làm người có nghèo đến mấy cũng phải giữ cho mình “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” mới là người có phẩm hạnh tốt. Đã hứa điều gì với ai thì phải thực hiện cho bằng được, nếu không thì mang tiếng người nói láo, rất xấu hổ. Muốn giữ được chữ Tín thì cân nhắc, thận trọng trong lời nói, biết chắc khả năng mình làm được mới hứa, không thì từ chối ngay, không hứa bừa bãi để lấy oai với người xung quanh.

Thời tôi 7 – 8 tuổi, bà ngoại tôi có thời gian sống chung nhà với cha mẹ tôi. Có bà ngoại nấu ăn thì mỗi ngày đều được ăn cơm ngon, mỗi ngày ngoại đều kể “chuyện xưa tích cũ” từ thời ông Bành Tổ trở xuống cho tới chuyện thời bà ngoại chưa có ông ngoại. Tôi nghe lúc hiểu lúc không, có những chuyện phải đến mấy chục năm sau tôi mới ngộ ra vấn đề. Chắc thời đó không có mạng xã hội, TV trắng đen coi có vài giờ đồng hồ buổi tối nên ngoại không biết kiếm ai để “trút bầu tâm sự” ngoài đứa cháu oắt con suốt ngày chỉ lo nghĩ chuyện chơi là tôi? Bây giờ, tôi không có ý nhắc “chuyện xưa tích cũ” chỉ để giải trí như bà ngoại tôi, mà tôi nhắc lại vì chữ Tín ngày nay đã trở thành “mặt hàng xa xỉ,” là một trong số nguyên nhân khiến dân ta cứ mãi nghèo, hàng hóa của người Việt thua trắng trong chợ Việt.

Quận Cam có đông người Việt nhứt nước Mỹ, điều này ai cũng biết. Chỉ trong khu vực Little Sài Gòn và vùng phụ cận đã có hơn 20 chợ Việt, khách đi chợ phần lớn là người Việt, nhưng hàng hóa, thực phẩm bán trong chợ lại tràn ngập hàng Thái, Tàu cộng, Ðài Loan, Hồng Kông, Philippines, Malaysia, Nam Hàn, Bắc Hàn, còn hàng hóa xuất xứ Việt Nam chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn. Cách đây 20 năm trở về trước, các tiệm, chợ nào bán hàng hóa xuất xứ Việt Nam đều bị đồng hương tỵ nạn cho là “Làm ăn với Việt cộng.” Lập luận đó cũng đúng bởi thời gian đó làm gì có kinh tế tư nhân, tất cả thượng vàng hạ cám nhà nước Việt cộng đều “làm chủ” hết, dân chỉ là người làm mướn làm thuê. Hiện nay ở Việt Nam phần lớn sản xuất hàng hóa đều do chủ tư nhân nắm giữ, việc nhập hàng từ Việt Nam qua Mỹ không còn bị coi là “Làm ăn với Việt cộng” nhưng hàng Việt vẫn không phất lên nổi.

Xem thêm:   Kẻ ngốc

Với tư cách người tiêu dùng thường xuyên mua hàng ở chợ Việt, cho dù rất muốn “mua giúp” người sản xuất ở Việt Nam, nhưng quả thật tôi “lực bất tòng tâm.” Trước đây tôi thường ăn mì gói Hảo Hảo, nhưng lâu rồi tôi đã chuyển qua mua mì tôm chua cay của Thailand. Ai dám đem sức khỏe của chính mình ra “thí nghiệm” khi liên tục có thông tin mì gói Việt Nam xuất sang Châu Âu, Úc bị trả về vì “dư lượng chất cấm”? Tôm lột vỏ đông lạnh của China, Ấn Ðộ, Thailand, Malaysia giá tương đương tôm Việt Nam mà tôm của họ không “độn nước đá” nhiều như tôm Việt Nam, đương nhiên tôi phải mua tôm Ấn hoặc Thái rồi. Ðó là chưa kể vụ tôm Việt Nam vẫn nổi tiếng “dư lượng chất cấm.”

Bước vô chợ Việt đi một vòng mới thấy “nỗi đau dân tộc” ngập tràn. Từ tôm cá đông lạnh tới tôm cá khô, các loại mắm, nước mắm (lẽ ra phải là thế mạnh của hàng Việt Nam) tràn ngập sản phẩm Thái, Hồng Kông, được ghi nhãn hiệu bằng chữ Việt size thật bự như ngôn ngữ chính của món hàng, còn chữ Anh, chữ Thái hay Tàu là ngôn ngữ phụ (in chữ nhỏ xíu.) Ðiều này có nghĩa là người Thái, người Hồng Kông họ biết rõ sản phẩm của họ bán cho người Việt tiêu thụ. Phải nói là hàng đông lạnh của Việt Nam bán trong chợ Việt ở quận Cam cần phải được “trao tặng” danh hiệu “Thiên hạ đệ nhứt làm mặt.” Tức là món gì đóng gói trong vỉ cũng đều được xếp một lớp bên trên nhìn mướt con mắt lắm, mua về rã đông mới biết bên dưới toàn nước đá bào trộn sản phẩm vụn, nát bét. Coi như chỉ dùng nấu ăn được một phần ba, còn lại đều bỏ thùng rác.

Nước mắm Hồng Ko6ng

Tôi đã từng thăm dò nhiều người quen, phần lớn đều có câu trả lời giống nhau là ở nhà họ đang ăn nước mắm “3 con cua” hiệu Việt Hương của Hồng Kông. Tàu đại lục, Tàu Ðài Loan hay Hồng Kông thì cũng đều là “dân xì dầu” chớ có phải “dân nước mắm” đâu, vậy mà họ thống trị thị trường nước mắm bán cho người Việt. Tôi đếm trong chợ có hơn chục nhãn hiệu nước mắm khác nhau, nào là Phú Quốc, Phan Thiết nhưng đều là “Product of Thailand” và “Product of Hong Kong.” Thương hiệu nước mắm Việt thật èo uột, tôi đã mua ăn thử và không hề cảm thấy có vị cá trong nước mắm.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Xoay qua mặt hàng bột chiên, bột làm bánh, trái cây đóng hộp, nước cốt dừa đóng hộp… cũng y chang như mặt hàng hải sản và nước mắm. Cả trăm loại bột trưng bày trên kệ hàng đều dùng chữ Việt làm ngôn ngữ chính in trên bao bì. Ban đầu tôi cứ tưởng tất cả đều là sản phẩm nhập từ Việt Nam, coi kỹ lại thì đều là “Product of Thailand.”

Nói về gạo, nếp thì gạo, nếp Thái cũng “làm trùm” trong các chợ Việt với khoảng chục thương hiệu được in tên bằng chữ Việt làm ngôn ngữ chính. Thời ở Việt Nam tôi rất thích ăn gạo bình dân giống Tài Nguyên, Một Bụi, Ba Bụi… mùi thơm của tinh bột tự nhiên mà rất ngon. Các loại gạo được coi là cao cấp của Việt Nam tên có “đính kèm” chữ Thơm hoặc chữ Hương thì tôi không bao giờ mua, vì tôi biết gạo thơm nhờ thổ nhưỡng đặc biệt của vài vùng đất thôi. Giống như chuối sáp, dừa sáp Bến Tre vậy, không đủ  cho dân địa phương, có đâu tới mức xuất cảng nhiều vô thiên lủng. Tuy nhiên, gạo bình dân hay cao cấp gì của Việt Nam cũng “không có cửa” cạnh tranh với “trùm” gạo Thái.

Hai năm trước, tôi vô chợ Việt ở thành phố Garden Grove mua một bao gạo sản xuất ở Việt Nam, bên hông bao in đậm dòng chữ “Gạo ngon nhứt thế giới” mà giá bán cao hơn bao gạo Thái cùng trọng lượng đến $10. Ông security chợ nói gạo này giá cao nhứt chợ. Ðến khi nấu cơm ăn tôi rất thất vọng chẳng thấy “ngon nhứt thế giới” chỗ nào hết, hột cơm cứng mà có vẻ như bị sình sình. Không tin khẩu vị của chính mình, tôi mời bạn tôi ăn thử “Gạo ngon nhứt thế giới” thì bạn tôi cũng có nhận xét y chang. Mỗi lần cảm thấy mình mua hàng bị lừa thì tôi lại nhớ bà ngoại với câu “Tao tử giá từ vi” (Ðến chết không quay lại,) tôi không dám mua “Gạo ngon nhứt thế giới” thêm lần nào nữa. Sản phẩm để nấu đồ chay thì Ðài Loan “làm trùm” trong tất cả các chợ Việt ở quận Cam.

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Khách mua “sợ” sản phẩm xuất xứ Việt Nam vì quảng cáo một đường, chất lượng một nẻo. Thà cứ mua đồ của Thái, Ðài Loan, Hồng Kông… cho yên tâm. Nói nào ngay, không phải tất cả sản phẩm từ Việt Nam bán qua Mỹ đều có phẩm chất xấu và “làm mặt” để lừa người mua. Tôi ở Việt Nam tự cắt móng tay, móng chân bằng kềm Nghĩa. Ở Little Sài Gòn tôi vẫn kiếm mua kềm Nghĩa cắt móng, độ bén, độ bền của nó làm tôi hài lòng. Nhưng ngoài kềm cắt móng thì sản phẩm của Việt Nam có món gì khác được lòng tin cậy của khách hàng thì tôi không biết.

“Nhất ngôn bất tín, vạn sự bất tin.” Than ôi! Túi tiền của tôi nó không cho phép tôi cứ “khảo nghiệm” các sản phẩm Việt vì “nghĩa đồng bào.” Bây giờ tôi mắc bệnh hoài nghi nặng hơn Tào Tháo. “Thiếp như con én lạc đàn/ Phải cung rày đã sợ làn cây cong.”

TPT