Sức khỏe là vàng giả với người dân, nhưng là kim cương của các tay buôn hóa chất hại người, rồi buôn thêm thuốc trị bệnh.

Viện Pasteur Sài Gòn vắng như chùa Bà Đanh – Facebook Do Duy Ngoc 

Tính riêng Sài Gòn, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 6,000 cán bộ, công chức nhà nước thôi việc. Trong đó có 2,400 người làm trong ngành giáo dục và 2,100 người làm ngành y. Không chỉ Sài Gòn, từ đầu năm 2022, các bệnh viện/trường học rải rác các tỉnh/thành phố ở Việt Nam liên tục được lên báo với tựa đề thiếu nhân viên y tế, giáo viên. Ðó là chưa tính hàng loạt cán bộ và thuộc hạ thân cận vào tù bởi các đại án. Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế VN gần nhất – Nguyễn Thanh Long – thì đang ngồi tù, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục VN gần nhất – Phùng Xuân Nhạ – thì đang chờ bị kỷ luật (không biết sắp tới có đi tù không?).

Ngành Giáo dục có lẽ tôi sẽ nói khi ông Nhạ có “mệnh hệ” gì, trong bài này, tôi lần nữa muốn nói tới ngành Y. Tôi thấy thật nghẹn lời khi một ngành quyết định sức khỏe của một đất nước lại có thể bê bối tới mức không những thiếu nhân lực, ngay cả dụng cụ khám chữa bệnh/thuốc men cũng thiếu trầm trọng hơn cả những gì báo chí đưa tin. Xin dẫn lại câu chuyện “người thiệt việc thiệt” thông qua hành trình “Ði xét nghiệm” của tác giả Ðỗ Duy Ngọc:

“Ngày 21-9-2022

Sáng thức dậy, chuẩn bị để đi xét nghiệm máu. Dự trù đi trễ chút để có thể vắng người, làm việc nhanh gọn hơn. Ðến viện Pasteur thành phố, vào gửi xe, bãi xe trống trơn, tự nghĩ “sao hôm nay vắng khách thế?” Khập khiễng đi vào. Bình thường giờ này có thể là ít khách nhưng giờ lại chẳng thấy ai? Các hàng ghế không có bóng người ngồi, trong quầy nhân viên thấy có mấy cô ngồi túm tụm tám với nhau. Thấy tui vào, một cô quay đầu nhìn ra, hỏi “chú đi đâu đấy?” Lạ nhỉ! Ði vào đây là để xét nghiệm chứ đi đâu? Tui trả lời “tui muốn xét nghiệm”. Cô ấy đưa bàn tay lắc lắc và bảo “ở đây không làm việc nữa chú ơi. Hết sinh phẩm rồi nên không còn xét nghiệm được nữa, chú đi vào bệnh viện mà làm, nhưng vào bệnh viện tư đấy chứ bệnh viện công chắc cũng không còn sinh phẩm để xét nghiệm đâu.”

Nhờ bệnh viện công đuổi “khách”, bệnh viện tư đắt “khách” (dù chi phí rất cao) – Facebook Do Duy Ngoc

Tui ngỡ ngàng, bất ngờ vì câu trả lời này. Tui thất thểu bước ra với thắc mắc chắc chẳng ai trả lời. Một viện lớn như viện Pasteur của một thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh lại không có sinh phẩm để xét nghiệm thì quá lạ lùng? Một bệnh viện Chợ Rẫy không có dao mổ, một bệnh viện Răng Hàm Mặt không còn thuốc tê, nhiều bệnh viện không có thuốc chữa trị và bây giờ Viện Pasteur không còn vật liệu để xét nghiệm? Tui tự hỏi chúng ta đang ở thời đại nào vậy?

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Tui sinh ra trong thời chống Pháp, lớn lên ở miền Nam trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, già đi trong giai đoạn cả nước xây dựng CNXH. Tui không biết trước đây trong chiến tranh ở miền Bắc sống như thế nào? Tui cũng không rõ trong cuộc chiến tranh những người ở trong rừng chiến đấu sinh hoạt ra sao khi bị thương hay bệnh tật? Nhưng tui biết rất rõ ràng là dù trong hoàn cảnh chiến tranh, ở miền Nam cũng không bao giờ có tình trạng thiếu thốn trầm trọng như thế này. Ngay trong thời bao cấp, bị cấm vận như những năm tháng sau năm 1975, tui cũng chưa bao giờ chứng kiến sự thiếu thốn như thế này. Chưa bao giờ tui có thể nghĩ rằng bệnh viện không có thuốc cho bệnh nhân, không có dao mổ khi giải phẫu, không còn thuốc tê để nhổ răng, không còn sinh phẩm để xét nghiệm? Thế thì người bệnh sẽ được trị bệnh như thế nào đây? Người thầy thuốc sẽ chữa bệnh bằng những phương tiện gì đây?

Xin hỏi ông Tổng Bí thư, xin thưa ông Chủ tịch nước, ông Thủ tướng, bà Bộ trưởng Y tế. Các ông bà đang tổ chức và điều hành đất nước theo kiểu gì vậy? Cũng xin hỏi ông Bí thư thành phố, ông Chủ tịch thành phố, ngài Giám đốc Sở Y tế thành phố. Các ông các bà có nắm rõ tình trạng thiếu thốn này không? Xin quý vị trả lời giúp cho nhân dân biết. Người dân đến bệnh viện để chữa bệnh như thế nào khi ở đó không còn thuốc tê, khi ở đó không còn dao mổ, khi ở đó không còn thuốc, khi ở đó không có sinh phẩm để xét nghiệm? Trong một ngày có bao nhiêu bệnh nhân vật vã với bệnh tật, bao nhiêu người mất đi vì bệnh viện không còn những phương tiện tối thiểu để cứu chữa?

Thiếu giáo viên, nhân viên y tế “trầm trọng” nhưng không ai nói xấu hổ – Google

Các ông các bà tuyên bố rằng sẽ xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành Singapore, biến Hà Nội thành Paris trong tương lai. Singapore làm gì, Paris mà làm gì khi bệnh viện không còn thuốc chữa bệnh, không có thuốc tê, không có dao mổ, không còn sinh phẩm để xét nghiệm? Nước có thể vẫn ngập phố phường, những con đường vẫn còn bị kẹt xe. Dân cũng ráng chịu đựng qua ngày, đoạn tháng. Nhưng người bệnh không thể thiếu thuốc, không thể không có thuốc tê khi nhổ răng, không thể chịu đựng khi giải phẫu phải ba lần rạch mới có thể rách da, không thể chờ đợi xét nghiệm vì không còn sinh phẩm. Người dân cần thực tế trong cuộc sống, trong sinh hoạt, người dân không chờ đợi những cái bánh vẽ vì họ đã từng được ăn nhiều lắm rồi.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Thực tế ở Việt Nam bây giờ có thiếu các phương tiện y tế không? Câu trả lời dứt khoát là không. Với dân số 100 triệu người, là một thị trường “ngon ăn” cho các công ty phục vụ y tế của thế giới. Họ có thể cung cấp các thiết bị, thuốc men, máy móc một cách nhanh chóng cho toàn bộ các bệnh viện trong cả nước. Thế thì tại sao lại thiếu? Các ngài chống tham nhũng, nhân dân đưa hai tay nhiệt liệt đồng tình. Các ông bà điều tra về những vụ đấu thầu cung cấp thuốc men, thiết bị ở các bệnh viện, dân ủng hộ. Nhưng rồi, kết quả là chẳng còn ai dám tổ chức đấu thầu, chẳng còn ai dám chịu trách nhiệm. Ừ thì cứ đánh đi, cứ điều tra đi, nếu không còn có lợi mà phải gánh hậu quả thì chúng tôi không làm nữa, thiệt thòi người dân chịu. Thế thôi.

Lại trở lại câu hỏi: chúng ta đang ở thời đại nào vậy? Ðành bó tay! Thôi thì nhịn ăn để dành tiền vào các bệnh viện tư nhân để chữa bệnh thôi. Các bệnh viện nhà nước ngồi chơi xơi nước vậy. Hoặc là không được bệnh, tuyệt đối không được bệnh ở xứ thiên đường.” – Hết trích.

“Nhiều trường học ở Quảng Ninh, Hải Phòng có nhà vệ sinh khiến học sinh hãnh diện” – giaoduc.net.vn

Một người sống… lâu như tác giả ở trên – đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều chế độ như vậy mà còn ngỡ ngàng, bất lực với hiện trạng ngành y thời nay như vậy, thì những người sanh sau đẻ muộn như tôi biết làm sao?

Không biết nên vui hay buồn, mà ở Việt Nam, cứu người lại khó hơn hại người. Ghét ai, chỉ cần ngày ngày mua… đồ ăn – rửa sơ sơ, nấu sơ sơ cho họ ăn thôi cũng có thể khiến cơ thể họ trở thành “cái túi” đựng đầy mọi loại bệnh. Vì “Chợ đầu mối TPHCM: Gần 50% rau củ, hơn 40% hải sản chứa hóa chất, kim loại nặng”, vì “Phanh phui rau sạch dỏm: ‘Hô biến’ rau chợ thành rau 3 sạch!”, ‘Phanh phui rau VietGAP dỏm: Rau sạch dỏm ‘biến hình’ vào Winmart, Tiki ngon’, “Phanh phui rau VietGAP dỏm: Hàng Trung Quốc ‘VietGAP’ vào Bách Hóa Xanh”… Ðó là các tựa đề của các bài báo trên trang tuoitre.vn – tờ báo gần như lớn nhất, hot nhất trong nước.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Thuốc/dụng cụ y tế thì hiếm hoi, đắt đỏ, khó mua, chứ “Ở Việt Nam, mua hóa chất độc hại dễ như mua kẹo” – tựa bài báo từ thesaigontimes.vn. “Mua bán Axit, súng lục, Xyanua trên mạng: Chỉ cần có tiền” – tựa bài báo từ laodong.vn… Nên, không lạ khi nghe hôm nay, ở đây có “Nhiều người ngộ độc hôn mê sau khi mua rượu (pha cồn sát trùng) ở tiệm tạp hoá về uống”, mai lại nghe ở kia có “Vì đem lòng yêu anh rể rồi ghen ngược với chị họ, 2019, Lại Thị Kiều Trang (sinh năm 1994) đã bơm xyanua vào trà sữa hòng đầu độc chị họ, nhưng vô tình khiến một người lạ tử vong”. Rồi vì oán hận cha vũ phu với mẹ và bản thân, mà đầu năm 2022, Tống Thị Tùng Linh (21 tuổi, nữ sinh ngành Luật, quê Bà Rịa-Vũng Tàu) bắt xe đến chợ Kim Biên ở quận 5, Sài Gòn để mua  chất độc Xyanua để về đầu độc cha ruột…

“Nhiều hóa chất thế giới cấm, Việt Nam cho dùng: Còn tồn tại kẽ hở chết người?” – tuoitre.vn

Nói chung, ngày xưa “vô độc bất trượng phu”, ngày nay: “vô độc bất Việt Nam”. Nhìn quanh, cũng không biết thứ gì không có độc? Khi nguồn nước, không khí, đất đều toàn độc? Chưa kể trên hàng ngàn hội/nhóm trên mạng xã hội, có hàng triệu dư luận viên đang đầu độc người trẻ bằng các thông tin sai lệch, cố tình định hướng bênh Nga – Ukraine bị đánh là đúng vì phản Nga, nguyền rủa Nữ hoàng Anh vì bà đã “xúi” Pháp xâm lược Việt Nam khi bà chưa đầu thai, Mỹ đế là kẻ xấu nhất thế giới…

“Cuộc sống chúng ta bắt đầu chấm dứt ngay trong cái ngày mà chúng ta giữ im lặng trước những vấn đề hệ trọng.” – Martin Luther King Jr. Nhưng không im lặng, thì nói cho ai nghe đây? Nói với tiểu thương chợ Kim Biên đừng bán hóa chất độc nữa? Nói với người nông dân đừng xịt thuốc lên nông sản nữa? Nói với con buôn đừng ướp hóa chất vào đồ ăn nữa? Nói với quan chức đừng tham nhũng nữa? Nói với các dư luận viên kiếm việc khác mà làm, đừng đầu độc kiến thức của tụi nhỏ nữa? Nói với người nắm giữ luật pháp hãy mở mắt ra đi, giải quyết các vấn nạn đó đi?…

Hàng triệu người muốn nói và đã nói, nhưng hầu như đâu có ai nghe đâu, thậm chí còn bị kết tội! Mang nhiệm vụ nặng nề “làm chủ đất nước” mà không thể làm gì ngoài lặng im nhìn đất nước tệ đi, bản thân lẫn đồng bào bị đầu độc (rồi đầu độc nhau) từ sức khỏe thân thể đến sức khỏe tinh thần, cảm giác thật tệ và đau đớn… Phải chi làm dân cũng là một nghề, tôi cũng bắt chước các công chức Việt ở đầu bài, làm đơn xin thôi chức dân.

Nhiều khi nghĩ, thấy thua cả mấy con ngựa:

Tèo: Anh ơi! Tại sao lại nói “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”?

Tý: Ðồ ngốc! Có thế mà cũng không biết. Chúng nó bỏ ăn để… tránh bị ngộ độc thực phẩm chứ gì.

DU