Người ta hay nói “có gan làm giàu”. Cái khổ của tôi là gan chẳng có mà lanh lẹ cũng không, nên chuyện gì cũng dở dang, nói chi đến chuyện làm giàu. Vậy nên, tôi đành đứng ngoài lề, rình xem thiên hạ làm giàu vừa để học hỏi, vừa để… “gato” (ghen ăn tức ở).

Bảo Huân
Có lần, tôi ngẩn người nhìn người ta bày bán những chiếc hũ gắn mác “Không khí Đà Lạt”, “Không khí châu Âu”, hay thậm chí là “không khí nhà ma”… Thật không thể hiểu nổi, ai lại đi mua một thứ vô hình như thế? Ấy vậy mà vẫn có người mua. Ghen tị và tò mò, tôi cũng thử thời vận, xách cái bình vô nhà giữ xe, kê vào ống bô mà hứng một bình khói rồi đậy lại, đăng lên mạng bán “không khí kẹt xe Sài Gòn”. Ngờ đâu cũng có người hỏi mua, nhưng cái gan tôi chút éc, không dám giao hàng…
Đầu tháng 6 vừa rồi, tầm mắt tôi lại được mở mang thêm một lần nữa. Nữ minh tinh Sydney Sweeney hợp tác với một thương hiệu cho ra mắt loại xà bông nam giới phiên bản giới hạn mang tên Bathwater Bliss. Điều đặc biệt là sản phẩm được quảng cáo rằng đã “điều chế” từ chính nước tắm của nữ minh tinh. Tôi cứ băn khoăn mãi, không biết cô đào nóng bỏng ấy phải tắm bao nhiêu lần cho đủ 5,000 bánh xà bông, và người ta mua thứ xà bông ấy về để làm sạch hay… làm bẩn thêm? Nghe đâu, toàn bộ số hàng đã “cháy” từ khi chưa chính thức mở bán.
Đang lúc loay hoay chưa nghĩ ra được món nào tương tự để kinh doanh bằng “vốn tự có” mà không mất giá, tôi điếng người khi biết đến một “startup” khác đang gây bão tại Việt Nam. Về độ “liều” và “lời” thì ăn đứt hai mô hình trên. Chỉ có một khuyết điểm nho nhỏ: kinh doanh hai món kia nếu đóng thuế đầy đủ thì không vào tù, còn phi vụ này, chỉ cần bước chân đến cơ quan thuế đòi khai báo thôi đã đủ để bị bắt rồi.
Vì những mô hình trên, dù kỳ quặc, vẫn dựa trên sự ham muốn và tò mò. Còn mô hình này, đánh vào thứ nguyên thủy nhất: Nỗi sợ. Đó chính là “bắt cóc online” (virtual kidnapping).

Chai “Không khí Đà Lạt” sẽ được lấy không khí trực tiếp tại cửa hàng hoặc Hồ Xuân Hương, chợ đêm Đà Lạt… Nguồn: nld.com.vn
Nếu xem “bắt cóc online” là một mô hình khởi nghiệp thời đại số dành cho tội phạm, thì đây chắc chắn là mô hình asset-light (nhẹ vốn) bậc nhất:
Không vũ khí: dao, súng, mặt nạ…
Không xe chở con tin.
Không nhà giam.
Không rủi ro hiện trường.
Vốn liếng chỉ là một cái sim rác và một giọng nói đủ sức nặng của kẻ thủ ác.
Chủ mưu chẳng cần động tay động chân, có thể mặc quần đùi, ngồi nhịp chân “nghe Thái Thanh ca Biệt Ly” ở quán cà phê nào đó mà “làm việc từ xa” như bao freelancer khác. Startup này không văn phòng, không nhân sự, không vốn đầu tư. Chỉ cần một chút kịch nghệ và một nạn nhân đủ… ngoan.
Ngoan để làm gì? Để tự nguyện đóng vai con tin. Tự tìm khách sạn, tự nhốt mình, tự chụp ảnh, quay video khóc lóc gửi cho kẻ “bắt cóc” mà mình chưa một lần gặp mặt. Rồi cũng răm rắp nghe lời kẻ đó mà tắt điện thoại. Kẻ thủ ác sau đó chỉ việc chuyển những hình ảnh ấy cho cha mẹ nạn nhân để đòi tiền chuộc. KPI của “startup” này không phải là số con tin, mà là “thời gian nạn nhân tự cách ly” và “số tiền gia đình chịu chi”.

Sydney Sweeney và bánh xà bông từ nước tắm… – Nguồn: Facebook
Tưởng tượng xem: bạn, một thanh niên mười mấy đôi mươi, nhận được một cuộc gọi từ kẻ tự xưng là “công an”. Giọng điệu đanh thép như trong phim hình sự TVB, thông báo bạn hoặc người nhà đang vướng vào vòng lao lý vì tội… buôn ma tuý. Để “chứng minh vô tội”, bạn được yêu cầu tự cô lập mình trong một khách sạn, cắt đứt mọi liên lạc, và chuyển tiền để “giảm nhẹ tội”. Trớ trêu thay, cùng lúc đó, gia đình bạn nhận được tin nhắn đòi tiền chuộc, kèm theo tấm ảnh bạn “bị bắt cóc” – tấm ảnh do chính bạn chụp trong cơn hoảng loạn. Chỉ một cuộc gọi xác minh cho người thân trước khi tìm khách sạn tự “cách ly” là đủ để hạ màn cho vở kịch, nhưng trong cơn bão sợ hãi, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để làm điều đó.
Như nam sinh 19 tuổi ở Sài Gòn, sau khi nghe “công an” cáo buộc dính líu đến đường dây ma túy, đã răm rắp chuyển 51 triệu VND còn lại trong tài khoản và tự mình bắt xe đến một khách sạn trên đường Hoàng Sa (quận Phú Nhuận) để “cách ly”. May mắn gia đình báo công an kịp thời. Khi được tìm thấy, cậu bé vẫn ngơ ngác tin rằng mình đang “phối hợp phá án” cho một chuyên án bí mật nào đó.
Hay một nam sinh khác, Mai Đình Chí T. (18 tuổi), cũng rơi vào kịch bản tương tự. Cậu bị ép tự nhốt mình, trong khi gia đình nhận được tin nhắn đòi 200 triệu VND tiền chuộc. Lo sợ cho tính mạng con trai, người cha đã chuyển tiền. Chỉ đến khi không liên lạc được với con và tiếp tục bị đòi thêm tiền, gia đình mới nghi ngờ và báo công an, dễ dàng tìm ra cậu bé trong một nhà nghỉ. Tên bắt cóc là ai, tên gì, ở đâu… không ai biết.
“Bắt cóc online” không chỉ là đặc sản của Việt Nam mà từ lâu đã “vang danh” quốc tế, với mỗi quốc gia thêm thắt chút “gia vị” địa phương. Từ Mexico, nơi các cuộc gọi xuất phát từ trong tù, đến Úc, Mỹ, nơi du học sinh Trung Quốc là con mồi béo bở, bọn lừa đảo đã chứng minh rằng nỗi sợ là một thứ ngôn ngữ toàn cầu, đặc biệt hiệu quả với những người đến từ các quốc gia có nền chính trị bất ổn, nơi lòng dân sẵn có sự e dè, thậm chí là ác cảm-sợ hãi với người của công quyền. Ở Việt Nam, chúng khai thác nỗi sợ thâm căn cố đế ấy, thứ đã ăn sâu vào tâm lý người dân từ thời “công an khu vực” còn gõ cửa kiểm tra hộ khẩu. Ngẫm lại, tấn tuồng này phơi bày một sự thật chua chát: nhà tù đáng sợ nhất không xây bằng gạch đá, mà được dựng nên từ chính nỗi sợ hãi và sự tuân phục mù quáng.

Một cảnh sát đang nói chuyện với Kai Zhuang tại địa điểm anh được tìm thấy ở vùng núi gần Brigham City, Utah – Nguồn: Sở cảnh sát Riverdale/AFP/Getty Images
Từ 2020 tại Mễ Tây Cơ, “bắt cóc online” là một ngành công nghiệp thực sự, thường được điều hành từ các nhà tù. Một vụ điển hình liên quan đến việc bọn lừa đảo gọi điện đến các khách sạn ở Mỹ gần biên giới, đe dọa khách rằng khách sạn bị bao vây bởi tay súng. Nạn nhân được yêu cầu lái xe qua biên giới đến một khách sạn ở Mexico, nơi họ bị ép quay video “bị bắt cóc” để gửi cho gia đình. FBI ghi nhận các nhóm tội phạm như Los Zetas và Cártel Jalisco Nueva Generación đứng sau những vụ này.
Hồi tháng 12-2023, ở Mỹ, một du học sinh Trung Quốc 17 tuổi, Kai Zhuang, bị lừa bởi một cuộc gọi từ “quan chức Trung Quốc”. Cậu bị phía bên kia yêu cầu tự cách ly trong một căn lều ở vùng hẻo lánh Utah, tự chụp ảnh “bị bắt cóc”, và gửi cho gia đình kèm yêu cầu 80,000 USD tiền chuộc. Khi cảnh sát tìm thấy, Zhuang đang run rẩy trong cái lạnh trong một chiếc lều ở vùng nông thôn Utah. FBI sau đó cảnh báo rằng các vụ tương tự nhắm vào du học sinh Trung Quốc đang tăng mạnh, với bọn lừa đảo ở Mexico dùng cả AI để giả giọng người thân.
Cũng trong năm 2023, tại Úc, ít nhất 4 du học sinh Trung Quốc bị lừa với cùng một kịch bản “công an Trung Quốc”. Một số gia đình đã trả hơn 100,000 USD. Bọn lừa đảo ở đây chỉ cần một tài khoản WeChat (mạng xã hội mỗi người dân ở Tàu phải có) và vài thông tin cá nhân lượm lặt trên mạng xã hội là đủ để “đạo diễn” cả một vụ “bắt cóc online”.
Có lẽ mỗi người chúng ta nên tự trao giải “Cộng tác viên xuất sắc của tội phạm” cho chính mình, vì liên tục “mài dao” cho kẻ ác mỗi ngày qua từng bức ảnh check-in, từng dòng trạng thái, biến mạng xã hội thành một bản thông tin miễn phí cho tội phạm!
Cái hài ở câu chuyện “bắt cóc online” không chỉ nằm ở sự ngây thơ, sơ ý của nạn nhân, mà còn ở sự lười biếng của bọn tội phạm. Có lẽ, trong thời đại này, có gan cũng chưa chắc đã làm giàu. Nhưng không có não, không có sự tỉnh táo, chắc chắn sẽ nghèo vì mất hết gia tài vào tay những kẻ lừa đảo lười biếng như trên.
DU
Bà Tám ở Sài Gòn