Mấy tháng gần đây, có một quán cà phê nho nhỏ dễ thương “mọc ra” dưới chân tòa nhà kế bên. Quán nhỏ chút xíu, nhưng nhịp sống chắc cỡ một thành phố, không khi nào ngưng nhúc nhích.

Mai mốt, cái tiệm nhỏ này cũng phải có hóa đơn từng đợt khách – Nguồn: Du Uyên
Quán nhỏ nên cả gia đình từ ông bà, cha mẹ đến hai đứa nhỏ thay phiên nhau làm nhân viên. Điều thường thấy ở các mô hình làm ăn nhỏ ở xứ mình. Có lẽ vì nhân sự quán đủ mọi lứa nên khách cũng đủ mọi tuổi.
Sáng tinh sương, quán phình ra bởi tiếng mấy ông cao niên bàn chuyện thiên hạ, toàn tin tức lượm lặt trên mạng xã hội. Khói thuốc bốc lên gần bằng khói từ cái lò than nướng thịt của quán cơm tấm kế bên. Trưa, đôi khi có một… sòng bài nhỏ do mấy cậu học trò cấp hai, cấp ba tụ lại, lõm bõm vài câu nói tục. Lâu lâu chen vô mấy tiếng rao rụt rè của xe chè, xe cháo lòng, xe trái cây ghé ngang…
Chiều xuống, tiếng con nít rôm rả, tiếng gia đình chủ quán tâm sự hòa quyện với mùi bữa cơm chiều: Khi thì mùi cá kho tiêu kẹo lại, mùi cánh gà chiên nước mắm hơi sém cạnh, mùi rau xào tỏi thơm phức, mùi canh chua… Khói bếp bay lửng lơ, hổng đủ cao để lên tới mây mà đủ sức làm rã rời mấy cái chân đói meo cuối ngày làm.
Tối đến, hồi trước còn lác đác một-hai cặp tình nhân ngồi uống ly sinh tố, ngó người qua lại dập dìu. Dạo này thưa hơn, có khi không có khách, chắc tại bà chủ mới rủ (hay hùn hạp gì đó) một ban nhạc sống hát tân nhạc. Trời ơi, ban nhạc hát dở tệ mà được cái nhiệt tình, làm nguyên góc đường mất ngủ.
Cái đặc sản của quán, cũng y chang đặc sản của cái đất Sài Gòn này, là đủ thứ hạng người. Già trẻ lớn bé, sang hèn đủ kiểu, đi chân đất hay bước xuống từ xe hơi thì cũng một giá 17 ngàn VND một ly cà phê. Ngồi tới lúc nào thì về, hổng ai thỉnh, cũng chẳng ai đuổi, chẳng ai thèm để ý. Và, trà đá luôn luôn miễn phí. Bởi, khách nhìn có vẻ xôm nhưng doanh thu bèo bọt, các “nhân viên” gia đình hầu như không có lương, gọi là “lấy công làm lời”. Hàng tỷ quán ăn, tiệm cà phê cóc nho nhỏ ở Sài Gòn đã sinh tồn như vậy!
Đùng một cái, nghe đâu cái quán mở chưa đầy nửa năm này sắp dẹp rồi. Không phải ế, lý do chị chủ quán rầu rầu đưa ra là luật thuế mới khó theo quá, thôi thà dẹp cho khoẻ. Chớ cứ đi tới đi lui giải trình, đóng phạt này phạt kia, chắc có ngày phải “bán thân” chớ hổng còn bán cà phê cóc nổi. Chị nói: “Nhiều khi muốn mần đúng mà không biết đâu mà lần. Hồi mấy ổng vầy, hồi mấy ổng khác. Chưa kể qua năm bỏ luôn thuế khoán, phải khai thuế ra hoá đơn từng lần bán. Nghĩ cảnh bán điếu thuốc hay cái tẩy đá cũng phải in hoá đơn cho khách là oải.”
Dạo gần đây nhiều tiệm nhỏ điêu đứng vì khi không bị kiểm tra. Không dính lỗi này cũng dính lỗi khác vì luật quá nhiều nhưng ít có luật nào thật sự tới được tay người cần tuân thủ, mỗi địa phương làm luật mỗi khác. Như một cơ sở cây giống ở Hậu Giang bị phạt gần bốn triệu, tước quyền sử dụng giấy phép, tạm giữ chín trăm cây giống mà nhà đó tự lai tạo (bán giá mười tám ngàn VND một cây) vì không có “chứng chỉ kỹ thuật ghép cây” – thứ mà nông dân trồng cây cả đời chưa từng thấy mặt mũi ra sao. Phải nói rằng, kiểm tra phẩm chất giống là cần thiết, thậm chí rất gấp. Nhưng kiểm kiểu nào, trong bối cảnh nào, và với ai… thì không ai nói.
Bà hàng xóm, chủ nhà cho thuê nhà làm quán, coi bộ cũng buồn. Bả thở dài, than: “Đất nước mới chuyển mình có mấy tháng mà tui thấy nó ê hết cả răng.”
Không hiểu sao, mấy ông tham nhũng ngàn tỷ thì lâu lâu mới bị bắt, doanh nghiệp lớn trốn thuế hay bán hàng giả khi bị bắt đã tồn tại hàng chục năm. Nhưng miếng cơm dân nghèo mới mấp mé giữa vũng lầy mưu sinh thì bị dòm ngó trước nhất. Hồi trước cũng có người nói bán vé số, bán trà đá lời cả trăm triệu, rồi kết luận “dân mình hổng ai thất nghiệp”. Gần đây, ông Trần Du Lịch – đại biểu Quốc hội VN kiêm tiến sĩ kinh tế – nói tại một huyện nhỏ, một quán sáng bán cháo giò, chiều bán cháo gà, cán bộ địa phương tính toán nhà này lời ít nhất 70-80 triệu VND/tháng nhưng chỉ đóng thuế khoán là không công bằng.
Chu cha mạ ơi… Một quán cháo lớn ở thành phố chà bá lửa như Sài Gòn, sau khi trừ hết chi phí còn chưa lời được 70-80 triệu VND/tháng, nói chi cái quán cháo (cho là lớn đi) ở cái huyện nhỏ vô danh kia.
Bây giờ mình làm bài toán con cua cho dzui nghen. Một tô cháo lòng ở Sài Gòn giá 25,000–30,000 VND, trừ hết tiền vốn chắc lời được chừng 5,000 VND là mừng hết lớn rồi. Muốn lời 2,500,000 VND một ngày (để một tháng lời được 75 triệu VND), thì phải bán ít nhất 500 tô. Trời đất ơi, 500 tô là nấu gần 250 lít cháo, chưa kể lòng, dồi, huyết hoặc gà, heo… rau thơm, bánh quẩy, mắm gừng sả… Muốn làm được cỡ đó, chắc phải có cái nồi bự như cái lu, xoay vòng 5-6 cái, mướn 4-6 người làm quần quật như cái máy. Đó là quy mô của một cái bếp ăn công nghiệp chớ đâu còn là gánh cháo lòng ở góc chợ nữa. Mà ở một cái huyện nhỏ, sức mua có hạn, bán 500 tô một ngày chắc là chuyện trong chiêm bao.

Khi không bị “tịch thu” cây giống vì một loại giấy bản thân chưa bao giờ nghe thấy, ai hiểu cho người dân? – Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Có một điều dễ bị quên lắm: cũng như quán cà phê cóc gần nhà tôi, đa số mấy quán ăn nhỏ như cháo “ở huyện nhỏ” thường đâu có tính “tiền công” của người nhà. Một tô cháo – đằng sau nó là cả chuỗi công việc vất vả: rửa lòng, luộc gan, hầm xương, khuấy cháo. Người bán thường bắt đầu ngày làm từ 3 giờ sáng, kết thúc lúc mặt trăng bắt đầu rọi yếu, nếu có mướn thì cũng chỉ mướn được người rửa chén bưng bê. Chưa kể, các tiệm nhỏ thì không nói, chứ hòm hòm một chút thường là thuê/mướn nhà để mở quán. Nếu tính cho đúng, cho sòng phẳng theo kiểu kinh tế học, thì con số 70-80 triệu VND kia của ông chuyên gia kinh tế có trừ hết chi phí thật sự chi li chưa?
Nếu các tiệm cháo thật sự là con đường làm giàu dễ dàng, dễ gây bất công khi chỉ đóng thuế khoán và thuế thu nhập – không ra từng hóa đơn như các doanh nghiệp… thì có lẽ các trường dạy kinh doanh nên mở hẳn chuyên đề “Quản trị nồi cháo 250 lít”. Nhưng than ôi, làm giàu chưa bao giờ đơn giản như hớp một muỗng cháo buổi sáng.
Lắm lúc đi chợ, tôi ghé mua mớ rau, con cá của mấy ông bà cụ lam lũ. Họ chỉ có mấy nhúm rau nhà trồng, hay mua lại ở quê, mấy con cá đồng tự bắt, chở ra chợ bán kiếm chút tiền lời đắp đổi qua ngày. Nhìn họ, mới thấy thương cho cái kiếp bươn chải, chỉ mong kiếm được miếng ăn để mà tồn tại. Nghĩ coi, một bữa đẹp trời, ai đó sà lại hỏi giấy chứng minh nguồn gốc rau, nguồn gốc cá đâu, chắc mấy ông bà cụ nằm chết giấc giữa chợ. Chưa kể bán bao nhiêu cũng phải có hóa đơn đầu ra – đầu vào từng trái ớt, thuế thì đánh trên doanh thu, hư thúi dập quăng bỏ thì kệ… Ta nói, đến người có ăn có học có lăn lộn xã hội như tôi còn thấy mệt!
Ai ở Sài Gòn đều biết, cái thành phố này nó hổng có ngủ. Đời sống về đêm ở mấy khu ăn nhậu chưa tàn thì đời sống ban ngày đã bắt đầu. Mới 3-4 giờ sáng, bà bán bún riêu đã nhóm lửa, chú đẩy xe cà phê đã pha phin, công nhân tan ca, người ta lục tục ra đường mưu sinh. Chính những con người lấm lem mồ hôi mà vẫn hào sảng, vui cười, hiếu khách… đó mới là linh hồn của Sài Gòn.
Nhưng, Sài Gòn chăm chỉ. Sài Gòn cần mẫn. Sài Gòn quảng giao. Sài Gòn dễ thương… Sao Sài Gòn vẫn… nghèo?
DU
Bà Tám ở Sài Gòn