Để thay đổi trật tự thế giới thường phải mất hàng thập niên, nhưng để thay đổi trật tự của một khu vực đôi khi chỉ cần một thời gian ngắn, thậm chí vài tuần lễ. Đó là điều đang xảy ra tại Trung Đông qua cuộc xung đột giữa Israel và Iran.
Một năm trước, Israel phải đương đầu với rất nhiều khó khăn – sa lầy ở Gaza, bị bao vây bởi những kẻ thù được Iran hậu thuẫn và chịu áp lực từ Washington buộc phải chấm dứt chiến tranh với Hamas.
Nay Israel đang nắm thế chủ động định hình lại trật tự ở Trung Đông theo đường lối của họ và buộc Washington phải tìm cách thích nghi với tình hình mới trong khi giới lãnh đạo Israel gia tăng các cuộc tấn công vào Iran. Các hành động này có thể làm đảo lộn thị trường toàn cầu và thay đổi tư thế địa chính trị – và có khả năng kéo Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột khu vực.
Với một loạt các hoạt động tình báo táo bạo và các chiến dịch quân sự dữ dội, Israel đã vô hiệu hóa sức mạnh các đồng minh của Iran là Hamas và Hezbollah, đồng thời giúp một phần không nhỏ đưa đến sự sụp đổ của chế độ Assad ở Syria. Và nay Israel đang hướng cuộc chiến đối đầu trực tiếp đến Tehran.
Israel đã lợi dụng vỏ bọc là các nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ với Iran để tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vượt xa mục tiêu là chương trình hạt nhân của Iran, thay vào đó là nhằm làm tê liệt chế độ thần quyền của nước này.
Cuộc xung đột lần này cũng đã đẩy chính sách của Hoa Kỳ đi trệch đường mà Tổng thống Trump đã vạch ra vào đầu năm nay. Sau một thời gian dài thúc đẩy một giải pháp ngoại giao hòa bình để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí nguyên tử, ông Trump đã lên tiếng ca ngợi các cuộc không kích của Israel và cảnh báo trên mạng xã hội, “Iran phải đạt được thỏa thuận, trước khi không còn gì nữa”.
Tổng thống Trump trước đây đã từng cam kết sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông thì nay đã phải ra lệnh cho các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ vào trong khu vực để bảo vệ Israel trong việc đương đầu với các cuộc phản công của Iran. Bất kỳ hành động nào của Iran nhắm vào các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ hoặc bóp nghẹt các chuyến tàu chở dầu trong khu vực Vịnh Ba Tư đều có thể kéo Washington lún sâu hơn vào trong cuộc xung đột.
Cho đến nay, các cuộc tấn công của Israel vẫn chưa gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn mà nhiều người lo ngại. Iran đã phóng hàng loạt hỏa tiễn vào Israel để trả đũa với kết quả chỉ tương đối hạn chế. Các nhà lãnh đạo và cơ quan an ninh của Israel đang hy vọng về khả năng chiến thắng có thể định hình lại trật tự hiện tại trong khu vực.
Thử thách đối với Israel
Thử thách hiện nay của Israel là làm thế nào để có thể tận dụng chiến thắng để loại bỏ mối đe dọa từ Iran, quốc gia có trong tay một kho vũ khí khổng lồ bao gồm nhiều loại hỏa tiễn tầm xa và một tập hợp đồng minh bao gồm các tổ chức như Hamas, Hezbollah và Houthis để thực hiện lời cam kết lâu nay của họ là xóa sổ nhà nước Do Thái. Nhu cầu cấp thiết trước mắt là phải đạt được những bước tiến triển hơn nữa trong mục tiêu phá hủy chương trình hạt nhân của Iran.
Quân đội của Israel cho đến nay đã phá hủy hầu như toàn bộ hệ thống phòng không của Iran bằng các cuộc không kích và các chiến dịch bí mật, giúp họ có khả năng tấn công Iran theo như ý muốn. Nhưng Israel vẫn chưa gây ra thiệt hại lớn cho chương trình hạt nhân được chôn sâu trong lòng đất và phân tán ra nhiều nơi của Iran. Israel cho biết họ đã gây ra thiệt hại đáng kể vào mục tiêu xây ngầm dưới lòng đất tại Natanz, bao gồm một cơ sở tinh luyện nhiều tầng chứa máy ly tâm, phòng phát điện và một cơ sở hỗ trợ khác.
Phá hủy cơ sở Fordow
Để thành công, Israel cần phải phá hủy cơ sở tinh luyện uranium được xây kiên cố hơn và nằm sâu ít nhất là 200 mét dưới lòng đất tại Fordow, là nơi mà Israel vẫn chưa tấn công trong các đợt tấn công vừa qua, và phá hủy các kho dự trữ uranium đã được tinh luyện mà Iran có thể đã phân tán ra khắp nơi trong nội địa.
Vấn đề rủi ro ở đây là nếu không phá hủy được chương trình này, Iran có thể sẽ đẩy nhanh hơn tiến trình sản xuất một trái bom nguyên tử trong một thời gian không lâu nữa.
Để có thể thực hiện thành công việc phá hủy cơ sở hạt nhân Fordow, Israel cần sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ vì chỉ Hoa Kỳ mới có loại vũ khí cần thiết, đó là loại bom xuyên phá cực mạnh có tên gọi là Massive Ordnance Penetrator, hay viết tắt là MOP, nặng 30,000 cân Anh. Tùy thuộc vào thiết kế kiến trúc và góc xuyên phá, có thể cần từ 3 đến 8 trái bom MOP để làm tê liệt cơ sở Fordow. Mỗi chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 của Hoa Kỳ có thể mang theo hai trái bom MOP.
Làm suy yếu Iran
Theo nhận định của nhà nghiên cứu Seth Cropsey thuộc Viện Yorktown, đây là cơ hội hiếm có để Hoa Kỳ có thể chấm dứt tham vọng hạt nhân của Iran với không quá 4 chuyến bay B-2. Thực hiện được điều này cũng sẽ tạo thêm sự bất ổn của chế độ thần quyền Iran. Chiến lược của Iran được đặt trên cái gọi là Trục Kháng cự (Axis of Resistance) và chương trình hạt nhân và hỏa tiễn của họ. Thay vì xây dựng một quân đội chính quy, Iran đã đầu tư vào một mạng lưới bao gồm các tổ chức ủy nhiệm do Lực lượng Quds của tổ chức Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hỗ trợ, là lực lượng tiến hành chiến tranh liên tục chống lại Hoa Kỳ, Israel và các quốc gia Ả Rập trong khu vực mà không khiến Iran phải chịu bất cứ cuộc tấn công trực tiếp nào vì họ luôn phủi tay nhận trách nhiệm.
Hiện nay, cái gọi là Trục Kháng cự đã bị tan rã, với Syria của chế độ Bashar al-Assad đã bị sụp đổ, Hezbollah bị tê liệt, và Hamas cùng các tổ chức Palestine khác đang dần tan vỡ. Chiến dịch tấn công của Israel đã phá hủy một phần lớn kho vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn của Iran. Một cuộc tấn công vào cơ sở Fordow không chỉ phá hủy chương trình hạt nhân này mà còn tạo ra nỗi sợ hãi đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và Đại giáo chủ Ali Khamenei rằng Israel và Hoa Kỳ sẽ luôn sẵn sàng tấn công Iran trước khi nước này có trong tay vũ khí nguyên tử để tránh hiểm họa và để ngăn chặn bất kỳ tham vọng lớn hơn nào của Iran.
Việc loại bỏ chương trình hạt nhân của Iran có thể sẽ mở đường cho sự sụp đổ của chế độ thần quyền hiện tại. Không có các tổ chức ủy nhiệm, không có khả năng nguyên tử và kho vũ khí hỏa tiễn, Iran sẽ mất đi uy thế đối với các quốc gia trong khu vực và khả năng uy hiếp của họ đối với Israel. Chương trình hạt nhân, chính sách áp bức và lòng trung thành về mặt ý thức hệ của một nhóm thiểu số được ưu đãi được xem như là cột trụ duy trì sự tồn tại của chế độ. Làm tê liệt chương trình hạt nhân và phá hủy cơ sở hạ tầng an ninh trong nội địa Iran, như Israel đang thực hiện, sẽ tạo điều kiện cho tình trạng bất ổn và chia rẽ trong nội bộ chính quyền Iran, khiến một cuộc cách mạng có thể xảy ra để thay đổi chế độ.
Thậm chí nếu như chế độ thần quyền không bị sụp đổ, một nước Cộng hòa Hồi giáo Iran suy yếu không đủ khả năng để tự bảo vệ mình thì sẽ không thể uy hiếp bất cứ ai. Điều này cũng có nghĩa một trật tự mới tại Trung Đông đang được định hình lại và nền an ninh khu vực có thể được ổn định hơn ít ra trong vài năm tới.
VH