Ảnh: ĐMH/trẻ

Góc nhà quê. Lớp mái tịch liêu rệu rã, ô cửa ọp ẹp thốc gió mùa Đông Bắc. Chiếc xe đạp đại gia Thống Nhất của thập kỷ 60 tàn tạ dựng bên cái cột ăng-ten TV luống tuổi. Một thước phim đen trắng của miền Bắc XHCN tái hiện trong cái lạnh quạnh quẽ cuối năm. Giờ Ngọ mà cái sân gạnh cũ chẳng thấy chút bóng nắng!. 

Ảnh: ĐMH/trẻ

Cô bạn ở Phủ Lý kéo tôi tạt ngang “Đất Đọi, sông Châu” trong thơ Nguyễn Khuyến. Xứ Đọi vẫn còn nhiều nền đất được kè đá cứ như ở Đà Lạt, Hà Giang hay Phú Quốc – điều hiếm thấy ở đồng bằng châu thổ sông Hồng này. Tiếng cưa xẻ, máy bào, máy mài, bụi mùn cưa là vũ khúc của đất này. Dẫu có tiếng làm trống, nhưng lại thưa thớt thanh âm thùng thình.

Bà chủ ninja đon đả, cứ tưởng tôi là một bạn hàng phương xa từ Sài Ghềnh đến. Mấy mẫu cỗ xe song mã có tay xà ích và đại pháo chở bom rượu đang là “mốt” của các mùa Tết. Đàn bà đất Đọi có thể thành thục với cái máy mài chẳng chút run tay.

Ảnh: ĐMH/trẻ

“Con sảm” – thanh gỗ gõ lên nạnh trống để căng da, rồi vỗ “bưng, bưng”, rồi kích, … cứ lần hồi vài bữa lận cho đến khi tiếng trống đã vang vang. Cái nhịp sống cứ đều và cũ như gian nhà của ông nghệ nhân vậy. Rít xong một hơi điếu bát, ông lại thủng thẳng vót cái đinh chốt bằng vầu, tre già rồi đóng vào hàng lỗ đều tăm tắp. Chỉ với cái bản dao khá nhẹ, mấy cái đinh chốt đã găm vào dăm gỗ mít tang trống rất ngọt.

Ảnh: ĐMH/trẻ

Chẳng phải mùa nồm nên những tấm da trâu phưỡn căng trên khung ống tuýp chỉ vài ba con nắng là khô hẳn. Da trâu bền và chắc hơn da bò nên thời binh biến thì để may quân phục và áo giáp. Dân mạn ngược còn có món nộm da trâu, da trâu muối chua – chứ dân miền xuôi thì chỉ sang chảnh với lẩu trâu hay thịt trâu gác bếp.

Xem thêm:   Mất mạng

Tôi nhìn những tảng da trâu lông lá nhầy nhụa mỡ, bê bết máu dưới nền đất sạm. Miếng da trâu lộn vắt trên tấm bản, ông lão xắn tay áo đẩy lưỡi dao sắc lẹm rột roạt bào bay lớp keo trên mặt da lì lợm. Tấm da trâu sau màn gột rửa bị hành xác lại căng mình hiến tế dưới mặt trời.

Ảnh: ĐMH/trẻ

Con mèo mướp bé tẻo teo thảnh thơi quẩy nắng trên những tấm da lưng – phận số của những con trâu nái sề, trâu già kéo gỗ hay những con trâu chọi Đồ Sơn phơi xác sau trận chiến. Có những tấm lưng trâu mộng có thể bưng những mặt trống sấm khổng lồ lên đến 2 mét, cái giá cũng đến trăm triệu.

Lão ông họ nhà trưởng thôn bộc bạch, “Trâu Việt chẳng đủ đâu!” Oh, trâu Nam Dương, Mã Lai cũng theo đường tiểu ngạch ngả Thái mà về. Da trâu non giờ cũng trà trộn, tiếng trống cũng kém rền hơn.

Một gã còm rom với cọng ruồi râu, đứng chỉ tay vào đám tiểu miêu, “món tiểu hổ này ngon nhất là bộ lòng giòn” – làm tôi lạnh gáy!

Ảnh: ĐMH/trẻ

Ngôi làng nghèo, cái đình chẳng mấy ai đi lễ – lộc không thơm, nên chẳng ai ham hố cái chức ông Từ. Món đồ giải khuây đáng giá duy nhất trong cái gian ọp ẹp của ông cụ này là chiếc TV TCL đỏ “made in China.” Hưu già chỉ hai trăm bảy, quét đình làm cỏ mỗi ngày thì cũng chỉ được mười ngàn nên tô canh mì gói với chén cơm lạt có lẽ là bữa trưa thường ngày của cụ. Gian vách đầu đình với ba mặt là ruộng, cái tuổi bát thập, nhưng ông cụ lại chọn cách sống cô quạnh, chẳng gần lũ con cháu trong thôn xóm.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Cụ luôn miệng mời cơm, … tôi chỉ thấy ái ngại.

Ảnh: ĐMH/trẻ

Trống lớn hay nhỏ thì cũng đều gọi là “quả”. Dẫu là quả trống sấm, quả trống mẹ, …. hay bé như quả trống cơm. Căn nhà ở cuối ngách thôn, anh thợ răng ố bởi nước chè vặt và điếu cày, đôi tay thoăn thoắt rút dây để bọc nạnh những tấm da trâu tròn chuẩn bị cho khâu “bưng” mặt trống.

Trống trường cứ chừng bốn năm phải đi bưng mặt, trống đình chùa ít đánh thì lại thọ dài hơi hơn. “Sống dầu đèn, chết kèn trống” – anh thợ vừa mới bưng xong hai quả trống đám ma con con.

Ảnh: ĐMH/trẻ

Pocahontas làm dáng trên nền Wild Wild West da trâu xứ Đọi.