Căn bungalow gạch đỏ và hàng dâm bụt thắm sắc. Phú Quốc có những ngày không một giọt nắng. Lũ chó của tay chủ resort đói vã – một con chào mào vừa chạm đất liền dính cú vồ banh xác. Sau lần bị ong vò vẽ chích sưng mông là tôi hết phấn kích với cái phòng tắm nửa lộ thiên có khoảng xanh lồ lộ.
Mấy căn resort tên rất kêu “thiên đường ánh trăng”, “resort trà mi”, “khỉ say”, “vườn ngọc lục bảo”… vẫn xập xệ chờ khách. Phú Quốc vẫn đang như một “tiềm năng ngủ say”. Karaoke volume hết mức, vừa giải trí vừa giải rượu cho mấy bợm nhậu quắc cần câu.
Ngồi “cảm gió” trên quán cà phê Phố Biển, rồi lững thững lên Dinh Cậu. Cái chốn này mấy năm rồi vẫn y chang như xưa. Mé dưới, cây sộp trên trăm tuổi tán rộng cản bóng nắng. Trên bậc thang đá bên hông Dinh Cậu, một cậu nhỏ đen đúa tụt xuống vách đá đặt hai lờ sắt bẫy cá. Cặp Tây “du mục số” vác đồ nghề quay TikTok rảo dọc tuốt ra đầu xa con đê chắn sóng cửa sông. Tiếng gió và sóng ầm ì trên bề mặt đá. Biển chang chang nắng…
Cái thú vị nhất là cáp treo đi Hòn Thơm. Phóng mắt nhìn ra là một bức tranh đối lập, một mảng xanh cắt nửa bầu trời. Quần thể làng chài An Thới mờ trong làn mưa lất phất, cái hỗn độn lại mang hơi thở sống, đời hơn rất nhiều cái “diệu vợi” tăm tắp của những tòa lầu sặc sỡ của Địa Trung Hải, Milan, San Francisco “made in Vietnam”.
Phú Quốc hiếm thấy Vespa, hay dòng xe hơi con cóc “Buổi sáng mới – New Morning” cũng biệt tăm. Con Honda Airblade đèo tôi lên tuốt Suối Lớn thăm nhà yến. Tấp ngang con dốc, ngôi chùa Bodhidiparàma (Bồ đề hải đảo) thưa vắng sư sãi. Sư trẻ, dáng nhỏng như thân sậy, lưng lốm đốm giác hơi – rề rề mặc tôi đi thăm ngôi chùa Khmer này. Dịp lễ, xe biển Campuchia theo lối phà Hà Tiên – Thạnh Thới chạy thẳng tới chùa. Màu sắc của Phật giáo Nam Tông rực rỡ, và dường như cũng là một phần căn cước của người Khmer.
Chòi cà phê võng miệt biên hải. Mắt võng nhàu nhĩ còn bạc hơn cả sóng, ám mùi mồ hôi. Những cái võng trải qua bao tấm lưng trần của dân làm hồ, đi biển, đi rừng, thợ nề, thợ sắt … Một ly “Phê Đá” hô to chỉ 10 ngàn bạc là duỗi cẳng tà tà ôm phone lướt Phây, TikTok … rồi tiếp tục đi mần.
Xế trưa quán vắng thợ thầy, chỉ là tiếng quân cờ vỗ cộp.
Cầu cảng Mũi Dương còn vẻ cáu cạnh tiện lợi cho mấy ghe lớn tấp bến. Ghe chỉ thấy biển “KG xxx” Kiên Giang mà hiếm thấy ghe Campuchia, thương lái Trung quốc thu mua cá mú bên kia biên giới nhiều hơn rồi. Dưới mé cầu cảng, tôi hỏi cậu thanh niên đen nhẻm mũ lưỡi trai trên xuồng khẳm cá mòi – “cá mòi cho bè cá bớp ở đẳng, thím ơi!”. Hướng mắt ra xa, bập bềnh những bè cá bớp – trên cầu cảng, xe đá, xe thồ tấp nập ra vô bỏ mối. Có những mảng đời chưa dứt tuổi đi học đã dập dềnh nghiệp sóng nước.
Dây phơi cá lìm kìm của xóm nhập cư, cá mót đem phơi dây vài nắng để ăn. Dân cố cựu ở Phú Quốc vẫn ôm đất chờ thời. Với họ, cơn sốt đất giống như sự sực tỉnh cơn mê khỏi những tháng năm lầm lũi với ghe biển và trồng rừng. Mấy năm trước còn xách lèm đi phạt cây trên núi, mấy năm sau tính chuyện xây “bung” (bungalow) chục tỷ như chơi.
Người đàn bà miệt biển chìa ra mời tôi trái cây lạ hoắc. “Dứa dai” – thứ trái dại khác thường mà dân đây vẫn dùng uống nước giải khát, mát gan. Cái xóm nhà lá Hòn Thơm của những nhóm người nhập cư ban xưa, lam lũ trong những gian trọ nghèo, che chắn vụng về bằng mấy miếng vải bạt rách bươm. Kẻ bửa đá, kẻ uốn gỗ làm lờ bắt nhum. Những kẻ cố cựu cuối cùng còn nán lại tranh chấp tiền giải tỏa.
Chẳng phải ai cũng đồng đều “tiến lên XHCN” mà đằng sau là những kẻ bần cùng bị tuột xích!
Ghé qua Grand World, đi ngang con kênh Venice thơ mộng, chẳng buồn thả thính anh lái đò Gondola giọng Baritone nam trung mặt nạ hóa trang … đến Vin Wonders coi “con rùa ngàn tỷ”, con phố Châu Âu … Cái hào nhoáng đầy màu véc-ni của khu đô thị mô phỏng Châu Âu bỏ ngỏ, thật chẳng dễ làm tôi mắc lỡm.
Phở và bún bò ở Grand World bằng thứ thịt gì dai nhách, còn cái hamburger ở Vin Wonders này phần thịt patty lọt thỏm trong cái vỏ bánh bun. Fake eo-vi (LV) là chuyện nhỏ, fake cả thị trấn Châu Âu mới là chơi lớn tầm vóc anh Vượng.
Tôi bên “gốc cây cô đơn”, may lắm mới “địa” được một triền cát vắng tênh. Chỉ đường mòn đá dăm sắc cạnh, rồi những ổ voi bị lũ quét hoắm sâu lung đất thoải, đá đỏ lổn nhổn, nhiều Tây “phượt” té xe phù mỏ.
Mấy tuần công chuyện, cái sạp rau lụp xụp ngã ba ông Lang cũng trở nên quen mặt. Bà chủ sạp rau tướng bè bè, giọng “cá gô”, rao tiếng “khổ qua gãy”, “rau gãy” (rẫy) cũng dần quen tai. Khách lạ lỡ trả giá thì liền bị dội, “Phú guốc này hông có gì ghẻ hết!”
ĐMH