Trong suốt tuần qua, theo các con số chính thức từ chính quyền Trung Quốc, con số người nhiễm vi khuẩn Corona cũng như con số người thiệt mạng đã tăng mỗi ngày theo cấp số nhân gây nên nỗi hoang mang lo sợ khắp thế giới về hậu quả lâu dài của dịch bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm Thứ Năm 30/1 đã buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà chỉ ít ngày trước đó họ còn do dự.

Trung Quốc khuyên người dân xem xét lại thời gian du lịch nước ngoài để giảm sự di chuyển qua biên giới.Wu Hong / EPA / TASS  

Nỗi hoang mang lo sợ được biểu lộ rõ nhất là trên các thị trường tài chánh thế giới. Chỉ số cổ phiếu Dow Jones và lúc đóng cửa hôm Thứ Sáu đã rớt 603 điểm, tương đương 2.1%, xuống chỉ còn 28,256 điểm – là con số rớt mạnh nhất trong một ngày kể từ Tháng 8 năm ngoái. Trong khi đó thị trường cổ phiếu Hồng Kông rớt 5.9%, và chỉ số Hang Seng – nơi theo dõi cổ phiếu các công ty lớn của Trung Quốc được niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông – rớt mạnh hơn ở mức 6.7%. Ðây là những con số thua lỗ nặng nhất trong một tuần lễ của cả hai thị trường trên kể từ hai năm qua. Thị trường cổ phiếu Thượng Hải đóng cửa nghỉ Tết và được dự đoán rớt mạnh sau khi mở cửa lại vào ngày 3/2.

Cho đến hôm Thứ Bảy 1/2, tình trạng vi khuẩn corona đã lây lan khắp Trung Quốc, kể cả những nơi có mật độ dân số cao nhất nước như Bắc Kinh và Thượng Hải, và nhiều trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận tại 18 quốc gia. Con số người nhiễm bệnh trong nội địa Trung Quốc đã tăng lên 14,380, so với 830 trường hợp chỉ hơn một tuần trước đó – trong khi con số người thiệt mạng cũng leo từ 25 lên 304 cũng trong cùng thời gian này.

Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tổ chức WHO hẳn nhiên coi dịch bệnh này như là mối đe dọa nghiêm trọng toàn cầu. Mặc dù WHO không khuyến nghị bất kỳ giới hạn mới nào đối với các hoạt động thương mại hay du lịch, kể cả việc đóng cửa biên giới, cách ly khách du lịch và từ chối chiếu khán, thì việc tuyên bố vẫn báo hiệu cho các nhà đầu tư hiểu rằng dịch bệnh này cho đến nay vẫn chưa ngăn chặn được tại Trung Quốc và có khả năng sẽ gây ra nhiều bất ổn. Mà các thị trường tài chánh thì không thích sự bất ổn, và đó là lý do ta thấy thị trường cổ phiếu thế giới đã sụt giảm mạnh trong những ngày qua.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến kinh tế thế giới trong những ngày tới còn tuỳ thuộc vào phản ứng của giới tiêu thụ. Nếu như người tiêu thụ ngại đi du lịch vì sợ có thể bị nhiễm bệnh thì điều này có nghĩa là họ sẽ giảm bớt việc chi tiền để mua vé máy bay chẳng hạn, ngành du lịch bị ảnh hưởng và như vậy sẽ góp phần đưa tới hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Vi khuẩn corona bắt đầu lây lan mạnh trong thời gian Tết Âm lịch, do đó các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đã ngưng hoạt động để nghỉ lễ. Nhưng nếu các nhà máy tiếp tục đóng cửa sau kỳ lễ nghỉ – chính thức chấm dứt vào ngày 2/2 – nó có thể gây ra sự gián đoạn cho hệ thống cung cấp hàng hoá toàn cầu. Trung Quốc hiện chiếm khoảng 20% sản lượng sản xuất của thế giới.

Các trường hợp nhiễm vi khuẩn corona lan khắp thế giới cho đến ngày 1/2 – nguồn Washington Post

Hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới thường không dự trữ hàng nhiều trong kho mà thay vào đó lệ thuộc vào hệ thống cung cấp hàng để mua các đồ phụ tùng từ Trung Quốc một cách thường xuyên. Nếu lịch trình cung cấp hàng hoá bị gián đoạn, sự việc này có thể làm thiệt hại cho các doanh nghiệp của Mỹ cũng như các doanh nghiệp khác trên thế giới vì đơn đặt hàng của họ không được thực hiện.

Các doanh nghiệp của Mỹ tại Trung Quốc như McDonald’s, Starbucks và nhiều khách sạn đã quyết định đóng cửa tại nhiều nơi để phòng ngừa dịch bệnh có thể lây lan. American Airlines, United, British Airways và nhiều công ty hàng không khác cũng đã cắt giảm hầu hết các chuyến bay tới Trung Quốc do dịch bệnh bùng phát.

Việc hạn chế di chuyển có nhiều khả năng sẽ gây thiệt hại cho ngành du lịch Trung Quốc, cũng như ngành du lịch đến từ Trung Quốc. Theo dữ liệu của Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ, con số khách du lịch Trung Quốc đến Mỹ mỗi năm đứng hàng thứ ba so với các quốc gia khác, và khách du lịch Trung Quốc đến Mỹ trung bình tiêu khoảng $6,500 trong năm 2018.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Trong khi dịch bệnh lây lan hiện nay phần nào sẽ tác động tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới, phần lớn những tổn thất kinh tế đó sẽ kéo lại được một khi dịch bệnh được ngăn chặn và không còn bị coi là mối đe dọa toàn cầu.

Vấn đề là ở chỗ dịch bệnh được ngăn chặn nhanh hay chậm. Và nếu như tình trạng lây lan cứ tiếp tục kéo dài, các công ty bắt buộc phải thay đổi kế hoạch sản xuất của họ, điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất, và khách du lịch sẽ ngại đi chơi trong nhiều năm thay vì chỉ ít tháng.

Hiện nay còn quá sớm để biết sự thiệt hại kinh tế do vi khuẩn corona gây ra ở mức độ nào, nhưng một số phân tích gia kinh tế đã dựa vào sự thiệt hại do sự bùng phát của dịch bệnh SARS (gây viêm phổi, tựa như vi khuẩn corona lần này) năm 2003 cũng tại Trung Quốc làm thước đo.

Trong khoảng thời gian dịch bệnh SARS bùng phát đã có hơn 8,000 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận và 774 người chết. Ngân hàng Thế giới phỏng đoán bệnh SARS làm thiệt hại $54 tỷ cho kinh tế thế giới.

Ðiểm khác biệt chính giữa dịch bệnh SARS và vi khuẩn corona lần này là ở những nơi mà bệnh hoành hành.

Tổ chức Y tế Thế giới họp báo ngày 30/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp – nguồn Getty Images

Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh hiện nay – hơn 9,000 trường hợp – là ở tỉnh Hồ Bắc, chiếm khoảng 4% tổng sản lượng nội địa (GDP) Trung Quốc. Năm 2003, hơn 2,500 trường hợp SARS đã được báo cáo tại Bắc Kinh, vào thời điểm đó chiếm 15% GDP toàn quốc.

Mặt khác, Trung Quốc hiện nay nắm giữ vai trò lớn hơn nhiều trong nền kinh tế toàn cầu. Năm 2002, Trung Quốc là nền kinh tế đứng hàng thứ sáu thế giới; năm 2020, họ là nền kinh tế lớn thứ nhì. Do đó, bất cứ chuyện gì xảy ra với nền kinh tế của Trung Quốc ngày nay đều có ảnh hưởng lớn lên toàn thế giới.

Một điều không may khác là sự lây lan của vi khuẩn corona xuất hiện vào đúng lúc khi mà nỗi lo sợ về sự trì trệ của kinh tế toàn cầu đang bắt đầu lắng xuống.

Mặc dù nền kinh tế được dự kiến sẽ phục hồi trở lại sau khi người ta kiểm soát và chế ngự được sự lây lan của dịch bệnh, vấn đề thực sự đối với Trung Quốc là người dân không còn tin tưởng vào khả năng của giới chức chính quyền và nghĩ rằng giới lãnh đạo đã quá chậm chạp trong việc chia sẻ thông tin về dịch bệnh cho người dân. Sự việc này sẽ cộng thêm vào danh sách các vấn đề chính trị khác đang làm đau đầu giới lãnh đạo Bắc Kinh, trong đó phải kể đến vụ các trại giam tại tỉnh Tân Cương vừa bị thế giới phanh phui, phong trào biểu tình ở Hồng Kông vẫn tiếp diễn, kết quả cuộc bầu cử gần đây ở Ðài Loan không như họ trù tính và cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ còn lâu mới kết thúc.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Chúng ta còn phải chờ xem, một khi dịch bệnh chấm dứt, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi như thế nào và liệu giới lãnh đạo Bắc Kinh có đưa ra được những thay đổi nào trong chính sách cai trị của họ hay không. Bài học từ vụ khủng hoảng này không chỉ là tổn thất kinh tế tạm thời, là điều có thể đo lường được và bằng cách nào đó có thể tự sửa sai. Thay vào đó là hậu quả lâu dài của một nền kinh tế và một xã hội được đặt dưới sự cai trị của một hệ thống chính quyền tập trung, độc đoán và bưng bít, và những khuyết điểm tai hại của hệ thống này một lần nữa đã bị phơi bày thêm ra bởi cuộc khủng hoảng y tế 2020.

Theo một bản tin mới đây của tờ New York Times, các giới chức chính quyền của thành phố Vũ Hán đã tìm cách bưng bít thông tin ngay khi một số triệu chứng bệnh đầu tiên xuất hiện vào đầu Tháng 12. Trong bốn tuần lễ sau đó họ tìm cách bịt miệng các bác sỹ và những ai có ý định đưa ra lời cảnh báo về căn bệnh lạ. Họ giấu nhẹm về sự lây lan nguy hiểm của dịch bệnh khiến cho 11 triệu người dân sống trong thành phố đã không biết chuyện gì đang xảy ra để có thể tự bảo vệ mình. Họ cho đóng cửa một chợ cá nơi khởi đầu lây lan của vi khuẩn corona, nhưng lại nói với người dân ở đó rằng họ cho xây sửa lại ngôi chợ. Cho mãi đến cuối Tháng 12 khi không còn che giấu được nữa thì họ mới chính thức xác nhận có một số trường hợp nhiễm bệnh và dịch bệnh đang lây lan.

Dường như các giới chức lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa học được bài học từ vụ khủng hoảng bệnh SARS cách đây 17 năm. Hay họ quá u mê với quyền lực.

VH

Arlington, TX