Trước Thế chiến xảy ra mâu thuẫn ý thức hệ kỳ lạ: Cộng sản Nga loại Cộng sản Mao và giúp Quốc Dân đảng Trung Hoa. Ít nhất cho đến khi Stalin ký hiệp ước cùng chia chác Ba Lan với Hitler mới ngưng viện trợ Tưởng Giới Thạch. Từ 1937 đến 1939, xuyên qua Hải Phòng, trong mục đích ngăn Nhật Bản thống lĩnh Bắc Á, Nga Sô chuyển cho Trung Hoa Dân Quốc 985 phi cơ, 82 chiến xa T-26, 1,317 cổ pháo, 1,550 xe vận tải, 30 xe cần trục,  14,000 đại liên, 164 triệu viên đạn, 2 triệu đạn đại bác và 80,000 quả bom… Cùng dàn tướng lĩnh sẽ vang danh về sau: Pavel Rybalko, Vasily Kazakov, Vasily Chuikov và Andrey Vlasov. Nếu việc Chuikov sẽ trở nên anh hùng Stalingrad hay Vlasov đầu hàng Đức rồi thành lập Mặt trận Quốc gia Nga Thống nhất chống Cộng sản vài năm sau không mang nhiều ý nghĩa đối với quân Tưởng, thì ngay lúc ấy, Chí Nguyện đoàn Phi công Sô-Viết với các khu trục cơ Polikarpov và phóng pháo cơ Tupolev đã cứu vãn tình thế đến gần thảm bại. Chương hồi ký của Sakai ghi lại trận không chiến đầu tiên của anh với những phi công Nga này.

Ít lâu sau, khi Chí Nguyện đoàn Nga rút khỏi Trung Hoa, phi đoàn lừng danh Phi Hổ The Flying Tigers với The 1st American Volunteer Group cùng với 75 chiến đấu cơ P-40 Curtiss của tướng Lee Chennault sẽ sang thay thế, nhưng khi ấy, Sakai đã quay về Đài Loan chuẩn bị tấn công US Clark Air Base tại Phi Luật Tân. Độc giả tuần san Trẻ chỉ còn đúng 2 kỳ báo “yên bình”, trước khi Thế chiến mở màn.

Chừng như những ai mến mộ Sakai đều cảm mến đức tính rất chân thật của anh. Không ngại viết ra những khiếm khuyết của mình. Không chiến Hán Khẩu mang sự thành thật ấy.  [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 4

Chương 4

Hai mươi lăm khóa sinh của khóa 38 Hạ sĩ quan, trong đó có tôi, tốt nghiệp vào cuối năm 1937. Tôi được chọn làm khóa sinh ưu tú nhứt trong năm để nhận một chiếc đồng hồ bằng bạc, tặng phẩm của Thiên Hoàng.

Nhóm hai mươi lăm người chúng tôi là số còn lại trong 70 khóa sinh nguyên thủy tuyển chọn trong số 1,500 dự tranh trên toàn quốc. Chúng tôi đã trải qua một thời gian huấn luyện gắt gao và đôi khi quá đáng. Tuy nhiên, trước khi nhận nhiệm vụ ở Trung Hoa, nơi chiến tranh phát động vào tháng 7 năm 1937, chúng tôi được huấn luyện bổ túc. Mặc dù chúng tôi trải qua nhiều cuộc huấn luyện như vậy, nhiều người thuộc nhóm chúng tôi đã bị phi công địch bắn hạ, không kịp gặt hái một chiến thắng nào. Ngay cả tôi, với khả năng bay có hạng, tôi vẫn thấy cái chết trước mắt trong trận không chiến đầu tiên, nếu đối thủ của tôi tấn công mạnh thêm chút nữa. Quả thật, tôi đã quá vụng về trong trận không chiến đầu tiên này, không hỗ trợ nổi các phi công đồng đội. Tôi sống sót là do sự thiếu khéo léo của đối thủ.

Ðối với tôi, không chiến luôn luôn là một việc làm hóc búa, một nhiệm vụ quá gay go, với sự căng thẳng gần như không chịu đựng nổi. Ngay cả sau khi tôi đã vượt qua cuộc chiến đấu đầu tiên, và ngay cả sau khi nhiều phi cơ địch trở thành nạn nhân của tôi, mỗi lần chấm dứt một cuộc không chiến dữ dội trên không là mình mẩy tôi ướt đẫm mồ hôi. Luôn luôn có “cơ hội” để vấp phải một sai lầm nhỏ nhặt, điều này có nghĩa là sẽ biến thành bó đuốc. Xuyên qua tất cả hình thức diễn tập: đảo vòng tròn, đảo thật ngắn, lộn nửa vòng, lộn nhiều vòng, xoáy hình trôn ốc, bổ chúi xuống, bay vượt lên, rơi như chiếc lá, và nhiều hình thức khác nữa, chỉ sơ hở một đường tơ kẽ tóc là đi đời ngay. Hai mươi lăm bạn đồng khóa của tôi, cuối cùng chỉ một mình tôi sống sót. Cuộc chiến trên không kéo dài và đầy gian nan, do đó những ưu thế vào những ngày đầu của chúng tôi chìm dần vào cơn ác mộng. Trong cơn ác mộng đó, chúng tôi đã vật lộn một cách vô vọng với một dòng thủy triều đối nghịch càng lúc càng cuồng bạo.

Suốt thập niên 1930, hải quân Nhật huấn luyện trung bình 100 phi công mỗi năm. Nhưng chương trình huấn luyện khắc nghiệt đã loại bỏ gần hết, để cuối cùng trong vòng 10 năm chỉ khoảng hơn 100 phi công tốt nghiệp. Nếu hải quân được dành thêm ngân khoản huấn luyện và nếu hải quân giảm bớt thái độ cố chấp trong việc chọn lựa khóa sinh, tôi tin rằng con đường chúng tôi đi trong kỳ Ðệ Nhị Thế Chiến sẽ bớt chông gai. Chắc chắn kết quả của cuộc chiến không thể cải biến, nhưng những cú đấm chết người mà các đơn vị không quân của chúng tôi nhận lãnh trong hai năm cuối cùng của cuộc chiến sẽ nhẹ bớt đi phần nào. Chỉ sau khi cuộc chiến Thái Bình Dương bắt đầu, và những phi công đầy đủ kinh nghiệm hao mòn đến mức độ nguy ngập cần phải được thay thế ồ ạt, hải quân mới từ bỏ chính sách huấn luyện vô lý của mình. Nhưng lúc đó đã quá muộn rồi. Tài năng của các phi công tốt nghiệp trong những năm chiến tranh rất đáng nghi ngờ. Tôi biết chắc rằng 45 bạn đồng khóa với tôi đã bị loại khỏi Tsuchiura trước đây, còn tài cán gấp mấy lần những phi công đã hoàn tất huấn luyện trong thời chiến.
Sau khi tốt nghiệp, tôi được chỉ định đến nhiều không đoàn để thực tập. Thoạt đầu tôi được gởi đến căn cứ Không Quân của Hải Quân ở Oita và Omura ở miền Bắc đảo Kyushu. Cả hai căn cứ này là nơi đáp tạm của những phi vụ từ các phi trường ở đất liền, cũng như từ các hàng không mẫu hạm. Chứng kiến tài năng lão luyện của các phi công trên hàng không mẫu hạm đã khiến tôi hơi xao xuyến, nhứt là những cú bổ nhào của họ, khéo léo không thể tưởng tượng. Tôi ngờ vực khả năng của mình, ngay cả nhiều năm sau.

Xem thêm:   Ham & hố

Ghi chú Quân sự:

Khu trục cơ Mitsubishi A5M4 type 96 biệt danh Claude (Mụ Tài-pán):

Bánh xe cố định, cockpit không có kính chắn.

Chiều dài: 7.6 m (24 ft 10 in)

Sải cánh: 11.0 m (36 ft 1 in)

Chiều cao: 3.3 m (10 ft 9 in)

Diện tích cánh: 17.8 m2 (191,6 ft2)

Trọng lượng: 1,263 kg

Trọng lượng cất cánh tối đa: 1,822 kg

Động cơ: 9-xy lanh, công suất 785 mã lực (585 kW)

Vận tốc: 435 km/h (270 mph)

Đường kính: 1,400 km 

Trần bay: 9,800 m (32.150 ft)

Trang bị 2 đại liên 7 ly 7 với 2 bom 30 kg

Xét về tính chất thì phi cơ Mitsubishi A5M4 không bằng Polikarpov I-16, nhưng vào thời kỳ này các phi công Nhật được huấn luyện kỹ hơn phi công Đồng Minh nên các trận không chiến đều là chiến thắng của quân đội Thiên hoàng.

Khu trục cơ Polikarpov I-16 biệt danh Ishak (Lừa) hoặc Mosca (Muỗi):

Bánh xe thâu vào bên trong cánh, cockpit không có kính chắn.

Chiều dài: 6.13 m (20 ft 1 in)

Sải cánh: 9 m (29 ft 6 in)

Chiều cao: 3.25 m (10 ft 8 in)

Diện tích cánh: 14.5 m2 (156,1 ft2)

Trọng lượng: 1,490 kg (3,285 lb)

Trọng lượng cất cánh tối đa: 2,095 kg (4,619 lb)

Động cơ: 9 xy-lanh, công suất 1,100 mã lực, 820 kW

Vận tốc: 525 km/h (326 mph)

Đường kính: 700 km

Trần bay: 9,700 m (31,825 ft)

Trang bị 4 đại liên 7 ly 62 và 500 kg bom

Năm 1937 Nga Sô gửi 75 phi cơ I-16 với phi công sang Trung Hoa giúp Tưởng Giới Thạch nhằm ngăn sức bành trướng của Nhật tại Bắc Á.


Ðáp xuống hàng không mẫu hạm đối với tôi khó khăn vô cùng. Suốt một tháng ròng rã tập luyện, tôi mới hết gặp rắc rối, nhưng sau công cuộc tập luyện này, tôi chưa từng cất cánh hoặc hạ cánh xuống một hàng không mẫu hạm nào trong lúc chiến đấu bao giờ. Tất cả những phi vụ chiến đấu của tôi đều thực hiện ở các phi trường trên đất liền. Tiếp theo sau 3 tháng thực tập liên tục trên đất liền và hàng không mẫu hạm, tôi được lệnh thuyên chuyển đến căn cứ không quân Cao Hùng (Kaohsiung) trên đảo Ðài Loan, bấy giờ thuộc lãnh thổ Nhật Bản. Nhịp độ của đời sống hải quân đã đổi khác. Cuộc chiến ở Trung Hoa đến hồi ác liệt, các phòng tuyến lan rộng. Thêm phi công chiến đấu cho cuộc chiến đó, ngay cả những phi công tay mơ như chúng tôi bỗng nhiên trở thành nhu cầu thúc bách.
Từ Ðài Loan, tôi được thuyên chuyển lên Cửu Giang (Kiukiang) ở miền Ðông Nam Trung Hoa, cách Vũ Hán 200 cây số và vào tháng 5 năm 1938, tôi nếm mùi chiến đấu lần đầu tiên. Vị chỉ huy trưởng Liên Phi đoàn ở Cửu Giang rất ghét sử dụng bọn phi công mới ra trường vào các phi vụ chánh yếu, ông ta cảm thấy sự thiếu kinh nghiệm của họ sẽ làm mất mặt bọn phi công kỳ cựu đang bay ở Trung Hoa. Do đó, tôi chỉ được cắt đặt thực hiện các phi vụ thấp kém: yểm trợ các cuộc hành quân của Lục Quân. Các phi vụ không có gì nguy hiểm, bộ binh đã đè bẹp tất cả những cuộc chống đối của địch quân trên mặt đất, còn chống đối trên không hầu như hoàn toàn không có. Nhiều tuần lễ trôi qua, chỉ lãnh các nhiệm vụ yểm trợ, tôi cảm thấy bực bội. Hăng hái, nhiệt tâm và kiêu hãnh trong tư cách một trung sĩ phi công hải quân, tôi quyết định thử tài với địch quân một phen. Vào ngày 21 tháng 5, tôi hớn hở khi dò thấy tên mình nằm trong danh sách 15 phi công chiến đấu được chọn thực hiện một phi vụ tuần tiễu chánh thức ở Hán Khẩu (Hankou) vào ngày hôm sau. Chuyến đi này đầy “hứa hẹn”, vì Hán Khẩu là căn cứ không quân chánh của Trung Hoa Dân Quốc lúc đó.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Vào năm 1938, loại chiến đấu cơ Zéro chưa được mang ra sử dụng trên các mặt trận. Chúng tôi bay loại chiến đấu cơ Mitsubishi A5M 96, Ðồng Minh đặt tên là Claude, tốc độ chậm, tầm hoạt động giới hạn, bộ phận hạ cánh cố định và buồng lái lộ thiên.

Sáng ngày 22 tháng 5-1938, 15 chiến đấu cơ của chúng tôi rời khỏi Cửu Giang, từng nhóm 5 chiếc trong đội hình chữ V, nhìn rất ngoạn mục. Chín mươi phút bay từ phía Ðông Bắc của căn cứ chúng tôi đến Hán Khẩu giống như một phi vụ huấn luyện nhàn nhã. Không có chiếc phi cơ nào của địch xuất hiện tấn công chúng tôi, cũng không có một khẩu phòng không nào thăm hỏi chúng tôi. Dường như khó thể tin rằng có một cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở bên dưới. Từ 10,000 bộ trên cao, phi trường Hán Khẩu đánh lừa chúng tôi một cách tuyệt hảo. Tiệp một màu cỏ thẫm xanh lục chiếu lấp loáng dưới ánh mặt trời buổi sớm. Căn cứ không quân quan trọng của địch quân như một sân gôn vĩ đại được chăm sóc cẩn thận. Nhưng các chiến đấu cơ địch không phải để sử dụng một cách giản dị vào môn thể thao này. Tôi nhìn thấy 3 chấm nhỏ lướt như bay trên cỏ. Ðó là 3 chiến đấu cơ địch.

Lính Trung Hoa Dân Quốc trong Thế chiến II

Thế rồi chúng vượt lên cùng một độ cao với chúng tôi trong chớp mắt, to lớn, đen đúa và mạnh mẽ. Không một dấu hiệu cảnh báo nào, và trước sự kinh ngạc của tôi, một trong 3 chiến đấu cơ địch tách ra khỏi đội hình và đâm thẳng vô phi cơ của tôi với một tốc độ khủng khiếp. Những gì tôi sắp xếp để đối phó với cuộc không chiến đầu tiên của mình đều biến mất. Tôi cảm thấy các thớ thịt của tôi xoắn lại, và mặc dù tình trạng lúc đó không lấy gì làm vui vẻ, tôi lại thấy toàn thân run lên với nỗi kích thích lẫn xúc động, khi thấy phi cơ địch đã “chọn” tôi làm mục tiêu.

Sau này tôi vẫn nghĩ là mình đã hành động đần độn trong những giây phút quyết định này. Tuy nhiên tôi nhấn mạnh rằng các phản ứng trí não của chúng tôi ở độ cao 10,000 bộ, tức là 3,000 thước, sau 90 phút bay không có mặt nạ dưỡng khí, không còn chính xác bằng lúc chúng tôi ở mặt đất. Không khí loãng, dưỡng khí ít đã ảnh hưởng nhiều đến trí não. Hơn nữa, buồng lái lộ thiên, tiếng động nghe đinh tai nhức óc, cũng như những luồng gió lạnh cóng thổi tạt vô kiếng che gió, và không lúc nào bỏ lơi các cần kiểm soát được. Tôi xoay đầu nhìn mọi hướng một cách lo âu để xem còn bị đối thủ nào tấn công nữa hay không, cùng lúc tay chân tôi hoạt động liên tục trên cần điều khiển, bàn đạp bẻ lái, bàn đạp ga tốc độ, và các dụng cụ khác. Tóm lại, tôi hoàn toàn rối loạn.

Những thói quen trong thời gian huấn luyện lần lượt được áp dụng. Lời dặn của tất cả các bậc đàn anh: “Luôn luôn đeo dính đuôi phi cơ cầm đầu trong đội hình chữ V của anh”. Tôi mò mẫm một tay cột những sợi dây đai của chiếc mặt nạ dưỡng khí (cung cấp dưỡng khí trong vòng hai giờ và chúng tôi chỉ sử dụng mặt nạ khi lâm trận hoặc bay ở độ cao trên 10,000 bộ), nâng tốc độ lên tối đa. Tất cả các thùng chứa xăng phụ của các phi cơ Nhật khác đều đã được thả ra. Tôi quên khuấy điều này. Tay tôi run run đưa ra ấn nút. Bình chứa xăng của tôi rơi xuống. Tôi hoàn toàn bối rối. Tất cả những điều tôi làm đều vụng về, hầu như quên mất hết các quy luật không chiến căn bản. Tôi không nhìn thấy các diễn biến ở 2 bên hoặc phía sau tôi. Phi cơ địch cũng biến mất trước mắt tôi. Tôi chỉ thấy cái đuôi của chiếc phi cơ đầu nhóm mình. Tôi cứ đảo phi cơ tôi theo, và cuối cùng tôi bay bên cạnh phi cơ dẫn đầu. Tôi lấy lại bình tĩnh, tay chân không sờ soạng trong buồng lái một cách vụng về nữa. Hít một hơi thở thật dài, tôi liếc nhìn thật mau về bên trái. Hai chiến đấu cơ địch bóng loáng đang bay thẳng vô phi cơ của tôi. Ðó là 2 chiếc Polikarpov I-16 do Nga Sô chế tạo, với bộ phận hạ cánh có thể rút vào thân phi cơ. Loại I-16 nhanh nhẹn hơn và bay mau hơn loại chiến đấu cơ Claude của chúng tôi nhiều. Tôi lại ngần ngừ, tay lơ lửng trong không khí, không biết làm gì bây giờ. Thay vì đảo cánh sang một phía hoặc vượt thẳng lên cao, tôi vẫn tiếp tục bay như trước. Nhưng bất ngờ, khi cái chết của tôi đã ở trước mắt, hai chiến đấu cơ địch vượt lên và bay mất. Cả đời tôi chưa hề biết đến sự may mắn nào huyền diệu hơn sự may mắn này. Nhưng không có gì gọi là khó hiểu. Ðoán trước tôi sẽ là “gà chết” trong trận không chiến đầu tiên này, người cầm đầu phi vụ chỉ định một trong những phi công kỳ cựu bay theo phía sau để bảo vệ phi cơ tôi. Khi thấy tôi lâm nguy, viên phi công này lách ra như chớp và chĩa mũi thẳng vào hai chiến đấu cơ địch, phá vỡ ngay ý định tấn công của chúng.

Xem thêm:   Chó...

Tôi vẫn bay như đui mù, không biết ngay cả việc tôi đã xê dịch vị trí và đặt phi cơ của tôi cách 500m phía sau một trong những phi cơ địch. Tôi đang “mơ mộng”… Cuối cùng tôi bừng tỉnh và phóng về phía trước. Chiếc phi cơ địch, trước mắt tôi, đã nằm trong tử điểm. Tôi ấn cò súng. Không một tiếng nổ nào nghe thấy. Tôi ấn cò súng liên hồi, miệng không ngớt nguyền rủa hai khẩu đại liên. Cuối cùng tôi mới nhận ra tôi quên mở khóa an toàn của mấy khẩu súng trước khi chạm địch. Viên hạ sĩ quan Nhật bay bên trái thấy tôi sờ soạng một cách vụng về trong buồng lái, hắn không còn kiên nhẫn được nữa đã lướt về phía trước, và khai hỏa vào chiếc chiến đấu cơ địch đang tháo chạy. Ðạn không trúng, chiếc I-16 đảo về phía phải chỉ cách tầm súng của tôi 200m. Lần này tôi đã sẵn sàng, tôi ấn tay vào cò súng. Những viên đạn bay ra thành hình vòng cung, nhưng hoang phí. Tôi lại để mất một cơ hội bằng vàng khác.
Nếu tôi tiến gần hơn, tôi sẽ hạ đối thủ dễ dàng. Tôi gia tăng hết tốc lực. Viên phi công địch lộn nhào nhiều vòng và rớt xoáy xuống theo hình trôn ốc, tránh thoát hết tất cả những viên đạn tôi vừa bắn ra. Sau đó, phi cơ địch cố xoay lại để nghinh chiến. Ðó là một lối bay nghèo nàn đáng kinh ngạc. Hiển nhiên hắn không có dịp may. Một trong những chiếc Claude đang quần trên cao bổ chúi xuống. Viên phi công địch cố chạy thoát một lần nữa thay vì cố tiêu diệt tôi. Tuy nhiên, hắn không làm được việc này. Bây giờ hắn chỉ cách trước mặt tôi có 150m, và tôi rót ngay một tràng đạn vô đầu máy chiếc phi cơ. Một luồng khói túa ra ở mũi và chiếc phi cơ chúi thẳng xuống mặt đất. Cho đến khi nó biến thành mảnh vụn trong chiếc nấm khói phía dưới, tôi mới biết các khẩu đại liên của tôi không còn một viên đạn nào. Mọi phi công chiến đấu đều phải cố duy trì một số đạn cho lượt về, nhằm chống đỡ các chiến đấu cơ tuần thám của đối phương. Tôi đã bắn xả láng!

Tôi nhìn quanh một cách đầy lo âu, và tim tôi đập thình thịch trước khi chùng xuống. Không còn một chiếc phi cơ nào khác quanh tôi. Tôi đã lạc bầy. Chiến thắng của tôi đáng buồn cười, nó đã được các đồng đội dâng lên đến tận miệng tôi trên một chiếc dĩa bằng bạc. Những hành động quờ quạng vừa qua làm tôi xấu hổ, và mắt tôi dần dần bao phủ trong màn lệ. Chắc chắn tôi đã khóc cho đến khi, đảo mắt một lần nữa, tôi nhìn thấy 14 chiếc Claude đang bay vòng tròn chầm chậm trong đội hình, kiên nhẫn chờ đợi tôi lấy lại “tinh thần” và kết hợp với họ.
Trở lại sân bay Cửu Giang, tôi kiệt sức khi leo ra khỏi buồng lái. Viên chỉ huy phi vụ hùng hổ chạy lại phi cơ tôi, mặt mày đỏ gấc vì phẫn nộ: “Sakai! Mọi việc…” ông ta giận dữ: “Anh là một thằng ngu, Sakai! Anh sống được cũng lạ! Cả đời tôi chưa bao giờ thấy một lối bay vụng về và buồn cười như vậy! Anh…” Ông ta không thể nói tiếp được nữa vì tức giận đến nghẹn. Tôi cúi gằm mặt, buồn rầu và hối hận. Tôi muốn ông ta đấm đá tôi cho hả cơn tức. Nhưng viên đại úy phi đội trưởng không làm vậy mà ban cho tôi sự sỉ nhục tệ hại nhứt: không thêm một lời, ông quay phắt  lưng và bỏ đi.

Kỳ tới: Chương 5

Cánh thư của Hatsuyo

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957