1. Tháng 10 năm 2019, Anh quốc và toàn thế giới rúng động khi tìm thấy tử thi của 39 người Việt trong một xe tải ở Essex. Gần đây, trong tháng tưởng niệm 2 năm thảm kịch Essex, BBC đã tung ra film tài liệu “Hunting the Essex Lorry Killers”, làm về quá trình điều tra của cảnh sát để tóm bắt những kẻ trong đường dây buôn lậu người này.

Ðã có vô số bài viết về film tài liệu của BBC, tôi sẽ không tóm tắt nội dung film hay nói nhiều về quá trình điều tra, mà chủ yếu viết về góc nhìn của người Việt sống ở Anh. Tôi vẫn nhớ phản ứng ở Anh khi xảy ra thảm kịch Essex. Tôi nhớ lúc đầu báo chí lẫn người Anh thông thường đều nghĩ 39 nạn nhân là công dân Trung Quốc—chỉ người Việt nghi ngờ, nghĩ đó phải là đồng bào. Tôi nhớ mọi nơi đều nói về vụ Essex, và mọi người Anh mới gặp khi nghe nói tôi là người Việt đều nhắc tới vụ Essex.

Trước thảm kịch Essex, người Anh nhìn chung, cũng như dân Na Uy, gần như không biết gì về Việt Nam ngoài chiến tranh, thậm chí có thể không biết Việt Nam là nước độc tài độc đảng. Trước thảm kịch Essex, người Anh nhìn chung gần như không chú ý tới cộng đồng người Việt. Trước thảm kịch Essex, người Anh không phải ai cũng biết chuyện người Việt đi chui vào Anh và sống không giấy tờ.

Người Việt hiểu rõ nguyên nhân từ 1975 đến nay, hàng loạt dân Việt Nam phải bỏ nước ra đi cách này cách khác, thậm chí liều chết, nhưng người Anh có lẽ không hoàn toàn hiểu ngoài cái chung chung “for a better life”, như mọi dân khác tìm đường vào Châu Âu. Người Anh, cũng vì không có cái passport như passport Việt và không phải chịu khó khăn visa như công dân Việt, càng không hiểu tại sao người Việt có thể gom góp tiền, vay ngân hàng, vay hàng xóm họ hàng £22,000 để sang Anh không bằng máy bay mà phải chui vào xe tải.

Phim tài liệu “Hunting the Essex Lorry Killers”. nguồn: bbc.co.uk 

Bộ film tài liệu “Hunting the Essex Lorry Killers”, ngoài quá trình điều tra, phần nào giúp người Anh hiểu hơn về “thùng nhân” Việt Nam, hiểu hơn về lộ trình và rủi ro khi đi từ Việt Nam sang Châu Âu vào Anh, hiểu hơn về hoàn cảnh và số phận đẩy người Việt Nam ra đi, thấy phần nào nỗi đau của người thân những người thiệt mạng—vừa mất chồng hoặc vợ hoặc con, vừa cõng trên lưng đống nợ không bao giờ trả nổi…

2. Trong tháng 7, tôi viết cho báo Trẻ bài “Người Việt ở Anh & nô lệ thời hiện đại”. Tập “Modern Slavery” (Nô lệ thời hiện đại) của chương trình “The Prosecutors” (Công tố viên), cũng của BBC, làm về quá trình điều tra và bắt giữ một số người Việt bóc lột sức lao động và buôn người từ tiệm nails này sang tiệm nails khác, thành phố này sang thành phố khác ở Anh quốc.

4 nạn nhân người Việt, được công tố viên và cảnh sát gọi là Ban, Tran, Ten, và Elsa, trước đây đều đi lậu vào Anh bằng đường xe tải.

Theo film tài liệu, trong đường dây buôn người, Van Than Nguyen chưa tìm thấy nhưng hai kẻ còn lại đều bị xem là có tội: Viet Hoang Nguyen bị tuyên án 4 năm tù giam, Thu Huong Nguyen 5 năm.

Vụ truy tố thành công đầu tiên về buôn người và cưỡng bức lao động trẻ em theo Ðạo luật nô lệ hiện đại ở Anh quốc là với hai thủ phạm người Việt.

Thi thể của 39 người Việt Nam được tìm thấy trong thùng xe ngày 23.10.2019 (phim tài liệu Hunting the Essex Lorry Killers). nguồn: bbc.co.uk

3. Năm 2020, series tài liệu “Call the Cops” của Channel 4 có một tập gây chú ý: có người gọi báo một xe tải khả nghi ở cảng Newlyn thuộc Cornwall, tây nam nước Anh, và series đi theo cảnh sát Devon và Cornwall trong toàn bộ quá trình truy đuổi xe tải bằng 30 đơn vị cảnh sát, vừa trên bộ vừa trên không. Cuối cùng chặn được xe tải trên xa lộ M5 của Devon. Và mở cửa.

Bên trong, trước sự bất ngờ với cảnh sát, là 29 người Việt đang chen chúc.

Sự việc xảy ra tháng 4 năm 2019, vài tháng trước thảm kịch Essex, và 29 người Việt ở Devon đã phải mất khoảng một năm để vào Anh.

Film tài liệu lẫn báo chí đều không nói chuyện gì xảy ra với 29 người Việt bị phát hiện, nhưng tháng 2 năm 2020, báo chí đưa tin về 4 kẻ đứng sau đường dây chuyển họ bằng tàu từ Pháp vào Cornwall, rồi bằng xe tải tới khi bị chặn ở Devon: Jon Ransom (63 tuổi), Glen Bennett (55 tuổi), và Frank Walling (72 tuổi) mỗi người lãnh án 4 năm rưỡi tù; Keith Plummer (63 tuổi) lãnh án 3 năm 4 tháng.

Ðể so sánh, trong vụ buôn lậu người Essex dẫn tới 39 cái chết, kẻ đứng đầu Gheorghe Nica lãnh án 27 năm tù, Ronan Hughes 20 năm tù, Eamonn Harrison (kẻ lái xe từ Bỉ vào Anh quốc) lãnh 18 năm tù, Maurice Robinson (kẻ lái xe tải cuối cùng, cũng là người tìm thấy thi thể và báo cảnh sát) lãnh 13 năm 4 tháng.

Vài người khác thuộc đường dây buôn lậu người cũng lãnh án tù, nhiều nhất 7 năm, ít nhất 3 năm rưỡi.

Một số khán giả film tài liệu viết trên Twitter, án như thế là quá nhẹ khi có 39 người thiệt mạng.

29 người bị buôn lậu vào Anh được tìm thấy trong xe tải (phim tài liệu Call the Cops). nguồn: inkl.com/news

Kết

Những kẻ gây ra 39 cái chết ở Essex đã lãnh án tù, và theo nghĩa nào đó 39 người Việt có chút công lý. Nhưng còn gia đình họ, vĩnh viễn mất người thân và với món nợ không bao giờ trả nổi? Còn những người Việt khác đi trót lọt chỉ để sau đó bị lợi dụng và bóc lột, bị đẩy từ nơi này sang nơi khác khắp Anh quốc? Và vô số người Việt khác, khốn khổ ở Việt Nam hay bị hành hạ khắp nơi trên thế giới?

HDN

https://baotreonline.com/van-hoc/tre-voices/nguoi-viet-o-anh-no-le-thoi-hien-dai.baotre

https://www.bbc.co.uk/news/uk-england-cornwall-47921515

https://www.bbc.co.uk/news/uk-england-cornwall-51590340

https://www.devonlive.com/news/devon-news/call-cops-returns-tonight-dramatic-4474638

https://www.mirror.co.uk/tv/tv-news/29-scared-confused-migrants-found-22594470

https://www.bbc.co.uk/news/uk-england-essex-55765213

https://twitter.com/search?q=Hunting%20the%20Essex%20Lorry%20Killers&src=typed_query&f=live