Theo một khảo sát thực hiện năm 2019 và 2020 của National Assessment of Educational Progress (tạm dịch Đánh giá Quốc gia về Tiến bộ Giáo dục) ở Hoa Kỳ, trong cả hai nhóm học sinh 9 tuổi và 13 tuổi, tỷ lệ đọc sách giải trí trong thời gian riêng mỗi ngày ở mức thấp nhất từ năm 1984. Tuy nhiên khảo sát được thực hiện trước mùa dịch, không rõ thời gian đại dịch và phong tỏa vừa rồi có tác động tới thói quen đọc sách không.

Tỷ lệ trẻ em đọc sách giảm qua thời gian

Ðây là khảo sát đọc sách cho vui, đọc sách giải trí trong thời gian riêng, tức là không phải đọc sách cho chương trình.

Trong nhóm trẻ em 9 tuổi, 42% trong năm 2020 đọc sách gần như mỗi ngày, giảm từ 53% năm 1984 lẫn 2012. Năm 2020, ¼ trẻ em 9 tuổi đọc sách 1-2 lần/ tuần, 9% đọc sách 1-2 lần/ tháng, và 8% nói đọc sách vài lần mỗi năm.

Tỷ lệ không hoặc gần như không bao giờ đọc sách năm 2020 ở mức cao nhất là 16%, so với 11% năm 2012 và 9% năm 1984.

Trong nhóm trẻ em 13 tuổi khảo sát năm 2019-2020, 17% đọc sách gần như mỗi ngày trong khi tỷ lệ năm 2012 là 27% và năm 1984 là 35%, tức là tỷ lệ giảm hơn nửa từ năm 1984. 23% đọc sách 1-2 lần/ tuần, 16% đọc sách 1-2 lần/ tháng, và 15% đọc sách vài lần mỗi năm.

29% trẻ em độ tuổi 13 không bao giờ hoặc gần như không bao giờ đọc sách năm 2019-2020, cao hơn hẳn tỷ lệ năm 1984 là 8%.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Theo bài viết của Pew Research Center, khảo sát thông thường cũng hỏi học sinh độ tuổi 17, nhưng trong năm 2020 phải hủy khi trường lớp bị đẩy lên mạng và học sinh chuyển sang học từ nhà. Trong lần cuối cùng khảo sát năm 2012, chỉ 19% học sinh 17 tuổi đọc sách gần như mỗi ngày, và 27% không bao giờ hoặc gần như không bao giờ đọc sách giải trí.

Khác biệt nam nữ

Tỷ lệ đọc sách giảm cho cả trai và gái, nhưng thông thường con gái đọc sách nhiều hơn con trai. Trong nhóm học sinh 9 tuổi, tỷ lệ con gái đọc sách mỗi ngày là 46% trong năm 2020 (giảm từ 58% năm 1984), tỷ lệ của con trai là 38% (giảm từ 49% năm 1984).

Trong nhóm 13 tuổi, tỷ lệ con gái đọc sách mỗi ngày năm 2020 là 20% (giảm từ 41% năm 1984), tỷ lệ của con trai là 14% (giảm từ 30% năm 1984).

Chênh lệch giữa các chủng tộc

Một chênh lệch khác là giữa các chủng tộc. Theo khảo sát, trong nhóm học sinh 9 tuổi, tỷ lệ đọc sách trong giờ riêng mỗi ngày của trẻ em gốc Á ở Mỹ là 50%, da trắng là 44%, thổ dân là 48%, Châu Mỹ Latin là 41%, Mỹ đen là 35%, và 45% trẻ em lai nhiều dòng máu.

Trong nhóm học sinh 13 tuổi, tỷ lệ đọc sách mỗi ngày của trẻ em gốc Á là 28%, da trắng là 20%, thổ dân là 19%, Châu Mỹ Latin là 10%, Mỹ đen là 15%, và 23% trẻ em lai nhiều dòng máu.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Khảo sát cho thấy các học sinh đọc sách giải trí thường xuyên có khuynh hướng làm tốt hơn trong các bài thi đọc.

Thế còn người lớn?

Theo một bài viết năm 2015 của Pew Research Center, tỷ lệ đọc sách của người lớn ở Mỹ cũng có giảm. Theo khảo sát, 72% người Mỹ đọc ít nhất một cuốn sách trong năm vừa qua—cả cuốn hay một phần, và tính chung sách giấy, sách điện tử (ebook), và sách nói (audiobook). Với cùng câu hỏi, tỷ lệ năm 2011 là 79%.

Trong các format khác nhau, từ 2011 đến 2015, tỷ lệ nghe sách nói nhích từ 11% lên 12%, tỷ lệ đọc sách điện tử tăng từ 17% lên 27%, và tỷ lệ đọc sách giấy giảm từ 71% còn 63%.

Số sách trung bình người Mỹ đọc là 12 cuốn mỗi năm. Phụ nữ trung bình đọc 14 cuốn sách/ năm, đàn ông là 9 cuốn/ năm.

Ngoài giới tính, tỷ lệ đọc sách chênh lệch theo nhóm tuổi: cao nhất là 80% cho thanh niên độ tuổi 18-29, còn tỷ lệ cho độ tuổi 30-49 là 71%, 50-64 là 68%, và 69% cho người 65 tuổi trở lên. Ngoài ra, Pew Research Center cũng cho biết chênh lệch về tỷ lệ đọc sách dựa theo trình độ học vấn, thu nhập, và chủng tộc.

Năm 2021, Pew Research Center có một bài viết về những nhóm nào có khuynh hướng ít đọc sách ở Mỹ, và cho biết 23% người Mỹ trong một năm qua không đọc một cuốn sách nào, dù cả cuốn hay một phần, dù là sách giấy, sách điện tử, hay sách nói.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Vì sao tỷ lệ đọc sách giảm?

Ai cũng có thể đoán được số đông mọi người đọc sách ít đi vì có TV, smartphone, streaming site, mạng xã hội, video game v.v. Ðặc biệt trong thời đại hình ảnh nhấp nháy, nào là Netflix, nào là Youtube, nào là Facebook nào là Instagram, nào là TikTok, nào là video game… con người có khả năng tập trung ngắn hạn hơn, dễ chán và dễ xao nhãng.

Theo một bài viết của Forbes năm 2019, khi được hỏi những hoạt động nào làm hơn 15 phút mỗi ngày, chỉ 52% người được khảo sát nói đọc sách. 86% xem TV hoặc video trực tuyến, 84% làm việc nhà, 74% lướt mạng xã hội, 70% dùng điện thoại cho chuyện hữu ích, và 68% dùng điện thoại hơn 15 phút mỗi ngày để giải trí bằng game hoặc ứng dụng hẹn hò.

81% người khảo sát cảm thấy mình không đọc được nhiều như mình muốn—vì không đủ thời gian. Tuy nhiên theo Pew Research Center trong cùng năm, tỷ lệ nghe sách nói ở Mỹ là 11% năm 2011, và nhảy từ 14% năm 2016 lên 20% năm 2019. Theo Forbes, sách nói là hình thức để có thể “đọc” sách khi đang làm việc khác, chẳng hạn như làm việc nhà.

Ðây là các con số thống kê ở Hoa Kỳ. Ở các quốc gia khác có lẽ cũng có chiều hướng giảm tương tự.

HDN

Nguồn:

https://www.pewresearch.org/fact-tank/2021/11/12/among-many-u-s-children-reading-for-fun-has-become-less-common-federal-data-shows/

https://www.pewresearch.org/fact-tank/2015/10/19/slightly-fewer-americans-are-reading-print-books-new-survey-finds/

https://www.pewresearch.org/fact-tank/2021/09/21/who-doesnt-read-books-in-america/

https://www.forbes.com/sites/adamrowe1/2019/08/08/study-americans-wish-they-read-more-but-rarely-find-the-time/?sh=208b95635146

https://www.pewresearch.org/fact-tank/2019/09/25/one-in-five-americans-now-listen-to-audiobooks/