Big Tech, hay còn gọi là Tech Giants hay Big Five, là những công ty lớn nhất và thống trị nhất trong ngành công nghệ thông tin Hoa Kỳ: Amazon, Apple, Facebook, Google, và Microsoft. Từ cuối những năm 2000, 5 công ty này, cùng với Saudi Aramco, Tesla, và Tencent, là những công ty có giá trị nhất trên toàn cầu.

Big Tech có rất nhiều quyền lực, và vài năm gần đây, người ta bắt đầu nói về mối nguy hại của Big Tech, và các công ty IT lớn khác như Twitter, eBay, Netflix v.v.

Vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của người dùng

Như tôi đã viết trước đây, năm 2018, Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu chính trị, đã thông qua một ứng dụng để thu thập dữ liệu về người dùng Facebook—ứng dụng được 270,000 người tải xuống nhưng quyền truy cập bị lạm dụng và đẩy qua Cambridge Analytica để lập hồ sơ dữ liệu cho 50 triệu hồ sơ, với mục đích ảnh hưởng các cuộc bầu cử trên thế giới.

Trong cùng năm, Facebook có vài vụ bê bối khác về bảo mật thông tin, trong đó đáng chú ý là tháng 12, để lộ hình ảnh riêng của 68 triệu người dùng cho các ứng dụng không được quyền xem những hình ảnh đó.

Trong năm 2020, Facebook thừa nhận đã vô tình cho 5,000 developers truy cập dữ liệu của những người dùng không hoạt động (inactive users), dù quyền truy cập đó lẽ ra phải bị cắt, nhưng Facebook không nói rõ bao nhiêu người dùng bị ảnh hưởng và đó là những dữ liệu gì2.

Không chỉ Facebook. Google lâu nay đã bị chỉ trích vì thu thập thông tin người dùng qua một loạt thứ như Google Search, Google Maps, Play Store, Youtube, Gmail… để tạo thành hồ sơ riêng cho mỗi người và sàng lọc kết quả tìm kiếm dựa qua đó3. Trong tháng 3/2021, một thẩm phán ở California phán quyết Google sẽ phải đối mặt với một vụ kiện tập thể vì thu thập dữ liệu người dùng ngay khi dùng chế độ incognito (ẩn danh) trên Chrome hay các trình duyệt khác4.

Fake news và mặt trái khi kiểm soát fake news

Một trong những vấn đề lớn nhất của mạng xã hội, như tôi đã viết nhiều lần, là tin vịt (fake news). Ðây là chủ đề gây tranh cãi—một mặt, khi không kiểm soát, fake news tràn lan khắp nơi, bao gồm thuyết âm mưu, nhưng nếu có kiểm soát và kiểm duyệt, chúng ta có thể thực sự để những công ty như Youtube (thuộc Google), Facebook, Twitter… quyết định đâu là sự thật, đâu là tin giả không?

Thiên kiến về chính trị

Twitter là mạng xã hội có khoảng 330 triệu người dùng hàng tháng5, so với Facebook là ít hơn hẳn, nhưng vì nhiều chức năng của nó, có sức lan truyền lớn hơn hẳn ở Facebook ở các nước phương Tây. Không phải không có lý do mà những phong trào như #MeToo xuất phát từ Twitter chứ không phải Facebook.

Chữ Big Tech đúng nghĩa là 5 công ty tôi kể ở đầu bài (bao gồm Facebook) nhưng đôi khi có thể dùng theo nghĩa mở rộng để gọi các công ty IT lớn và nhiều ảnh hưởng nói chung, bao gồm Twitter.

Khác với Facebook, Twitter có mục tin tức, và cũng có topic (chủ đề) để người dùng follow. Chỉ cần ai sử dụng Twitter và quan sát một thời gian là có thể thấy political bias (thiên kiến về chính trị), như tại sao đưa tin này mà không đưa tin kia, tại sao đưa quan điểm này mà lại không đưa cái ngược lại v.v. Chẳng hạn, trong vụ Meghan Markle và hoàng tử Harry, Twitter chia sẻ video phỏng vấn của Oprah Winfrey, đưa ra góc nhìn của Meghan và Harry, đưa tin những người nổi tiếng đứng về phía họ, nhưng không đưa ra những bài viết đính chính hoặc vạch ra cái sai trong các tuyên bố của Meghan, hay những bài chỉ trích.

Hay vài tháng trước, tôi để ý là Twitter giật lên trường hợp diễn viên Hollywood Ellen Page tuyên bố chuyển giới và đổi tên thành Elliot Page, nhưng hoàn toàn lờ đi một chuyện đáng chú ý hơn là quyết định của tòa án khi Keira Bell kiện hệ thống y tế Anh vì cho thuốc chặn dậy thì (puberty blocker) quá dễ dàng. Vụ kiện của Keira Bell không chỉ là chuyện của Anh, mà dẫn tới tranh luận ở các nước nói tiếng Anh nói chung về vấn đề chuyển giới và trẻ em và những người muốn chuyển giới nhưng hối hận và chuyển ngược lại6.

Bảo Huân

Vấn đề kiểm duyệt

Trước đây, trong bài viết về Facebook, tôi từng viết về chuyện Facebook kiểm duyệt thông tin, đặc biệt khi Facebook bắt tay với các chế độ độc tài như Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran v.v.

Trong năm vừa qua, bản thân mẹ tôi bị Facebook vô hiệu hóa tài khoản không nói lý do, và chỉ mở lại được sau 4 tuần với sự trợ giúp của một tổ chức bên ngoài. Vài người quen của mẹ tôi, cũng là người Việt bất đồng chính kiến sống ở hải ngoại, bị vô hiệu hóa tài khoản khoảng 3-4 tháng.

Twitter cũng bị lên án vì kiểm duyệt. Người ta có thể thích hay không thích chuyện Twitter cấm Donald Trump dùng Twitter, nhưng đó cũng là một dạng kiểm duyệt.

Không chỉ thông tin, Big Tech còn kiểm duyệt sách. Amazon, “hiệu sách lớn nhất thế giới”, lặng lẽ xóa sách, như những sách đi ngược với những quan điểm đang hợp thời hiện nay về vấn đề LGBT, đặc biệt chuyện chuyển giới7.

Trường hợp khác là eBay, thị trường trực tuyến lớn thứ ba trên thế giới sau Amazon và PayPay Mall (của Nhật)8. Sau khi có tuyên bố 6 cuốn sách của Dr Seuss, một trong những nhà văn viết truyện thiếu nhi được yêu thích nhất của Mỹ, sẽ không còn được xuất bản vì có hình ảnh phản cảm (offensive) về chủng tộc, eBay tuyên bố rút tất cả các listing của 6 cuốn sách trên—tức là những cuốn này không chỉ bị ngừng xuất bản mà những bản copy đang tồn tại trên thị trường cũng không thể mua bán qua eBay9.

Những người bênh vực nói, đây là các công ty tư nhân với luật riêng và họ muốn làm gì thì làm, không thể so sánh với kiểm duyệt từ chính phủ, nhưng có đơn giản thế không với những công ty đầy quyền lực và thống trị thị trường như Facebook, Amazon, hay eBay?

Can thiệp vào chính trị

Một vấn đề khác đáng chú ý nhưng không được nói đến nhiều là Big Tech can thiệp vào chính trị, đặc biệt chính trị nước khác.

Chẳng hạn, tổ chức Stonewall của Anh đưa ra danh sách 136 tổ chức ký tên ủng hộ vấn đề chuyển giới (transgender), và nói 70 trong số đó (nhưng không nói rõ tổ chức nào) trực tiếp liên hệ với chính phủ Vương quốc Anh và kêu gọi thay đổi Gender Recognition Act (Ðạo luật công nhận giới), ý muốn thay đổi luật để công nhận self-ID, cho người ta có quyền tự xác định giới tính dù không dùng hormone hay qua giải phẫu và không cần bác sỹ.

Trong 136 tổ chức ký tên có Amazon, Facebook, Microsoft, và Google—4 trong 5 công ty được xem là Big Tech. Google thậm chí còn đưa lên một tweet kêu gọi mọi người ký tên ủng hộ Gender Recognition Act, tức là tìm cách can thiệp vào chính trị và luật pháp Anh dù là một công ty Mỹ11. Cái bias của Twitter cũng có thể thấy ở đây—một loạt tweet trả lời đồng ý được nằm phía trên, lời phản đối bị đẩy tịt xuống dưới.

Big Tech ngày càng có nhiều quyền lực—người ta thường nói những công ty này muốn làm gì thì làm vì là công ty tư nhân, nhưng thật ra có đơn giản thế không? Ðặc biệt khi Big Tech tìm cách chen vào chính trị và muốn thay đổi luật nước khác?

HDN

1: https://en.wikipedia.org/wiki/Big_Tech

2: https://baotreonline.com/van-hoc/tre-voices/vai-nham-lan-ve-facebook.baotre

3: Ví dụ một bài bảo nên ngừng sử dụng Google: https://gizmodo.com/5-reasons-not-to-use-google-for-search-1785396969

Trên mạng có vô số bài khác với ý tương tự.

4: https://www.theverge.com/2021/3/13/22329240/judge-rules-google-5-billion-lawsuit-tracking-chrome-incognito-privacy

5: https://www.statista.com/statistics/282087/number-of-monthly-active-twitter-users/

6: Đọc thêm về Keira Bell: https://www.bbc.co.uk/news/uk-england-cambridgeshire-55144148

7: https://abigailshrier.substack.com/p/book-banning-in-an-age-of-amazon

https://thehill.com/business-a-lobbying/542888-amazon-removing-books-that-frame-lgbtq-issues-as-mental-illness

8: https://www.webretailer.com/b/online-marketplaces/

9: https://thehill.com/blogs/blog-briefing-room/news/541672-ebay-to-remove-dr-seuss-books-from-sale-over-offensive-imagery

10: https://www.stonewall.org.uk/about-us/news/over-100-major-companies-join-together-say-trans-rights-are-human-rights

11: https://twitter.com/GoogleUK/status/1273556835421880320