Trong bài trước, tôi viết về những lý do khiến tôi và nhiều người trẻ đôi khi tạm đóng hoặc thậm chí bỏ luôn mạng xã hội. Bài này viết về vài nhầm lẫn về Facebook, mạng xã hội được người Việt ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất, và thực tế về nó.

Oversharing

Người Việt và dân Tây có cách dùng Facebook rất khác nhau—nhiều người Việt ăn gì, mặc gì, làm gì cũng đưa lên Facebook, hình con cái cũng đưa lên Facebook, nhiều thứ riêng tư như chuyện lục đục gia đình hoặc mâu thuẫn cá nhân cũng phơi lên Facebook. Facebook không phải là nhật ký. Ðưa lên đó là phơi bày hết mọi thứ riêng tư cho mọi người xem, là cung cấp thông tin cho Facebook, là gây hại cho chính mình.

Ðó là chưa kể, đôi khi một người Việt có thể nghĩ chỉ viết trên trang nhà mình và viết bằng tiếng Việt không ai để ý nên muốn viết gì thì viết, thậm chí có thể viết mấy câu kỳ thị chủng tộc, nhưng người nước ngoài có thể dùng nút “dịch” hoặc dùng Google Translate và đem đi khắp nơi.

Dùng Facebook như một chỗ lưu giữ hình ảnh

Facebook có thể là chỗ để giữ liên lạc với bạn bè, người thân, người quen, liên hệ công việc… Người dùng Facebook có thể post hình thường xuyên, từ đó thành thói quen, và nếu không post hình ở trang khác, có thể xem nó như một chỗ lưu giữ hình ảnh, một dạng album online. Ðó là một sai lầm. Facebook không phải là Flickr hay Google Photos.

Thứ nhất, không có gì đưa lên Facebook là hoàn toàn của mình, kể cả những thứ để là “only me”, và kể cả tin nhắn cá nhân.

Thứ hai, nếu đột ngột bị khóa tài khoản, và người dùng có thể bị khóa vì bất kỳ lý do gì, mọi hình ảnh và mọi thứ khác sẽ mất sạch và không thể phục hồi.

Dùng Facebook như một danh bạ cá nhân

Không nên dựa vào Facebook để lưu trữ contact cá nhân, vì nếu bị vô hiệu hóa tài khoản và không thể quay lại, sẽ mất sạch mọi contact.

Nghĩ mình là khách hàng

Như một bài viết trên elliott.org, Facebook là dịch vụ miễn phí nên người dùng không phải là khách hàng, Facebook không nợ bạn một tài khoản, không có điều luật nào ép Facebook phải cho bất kỳ ai tham gia, và nó có thể đóng hoặc vô hiệu hóa tài khoản vì bất kỳ lý do gì1. Người sử dụng Facebook có thể bị tạm khóa hoặc mất luôn tài khoản vì dùng tên giả, vì có vài tài khoản khác nhau, vì bấm like quá nhiều thứ, vì gửi yêu cầu kết bạn cho quá nhiều người, vì spam, vì đăng thứ gì đó phản cảm hoặc phạm luật, vì chia sẻ tin vịt, hoặc chỉ đơn giản là vì bị nhiều người bấm báo cáo (report), ngay cả khi không có bằng chứng.

Nhiều người Việt đấu tranh cho phong trào dân chủ lâu lâu lại bị hack tài khoản, hoặc bị khóa không vào được vì bị dư luận viên bấm report hàng loạt—có thể bị chặn vài ngày tới một tháng, thậm chí đôi khi có thể mất luôn tài khoản.

Nhưng không phải lúc nào cũng là do dư luận viên, hay do lý do chính trị. Như bài viết phía trên nói, đôi khi người ta có thể bị đóng vì vi phạm luật nào đó không biết, ngay cả khi vi phạm luật trong tin nhắn cá nhân chứ không phải trên tường nhà Facebook.

Nghĩ Facebook là an toàn

Facebook hoàn toàn không an toàn, theo nhiều nghĩa. Thứ nhất, không phải quảng cáo nào cũng an toàn để click—đôi khi có thể bấm nhầm và dính phải virus hay phần mềm độc hại (malware) mà không biết.

Thứ hai, chuyện lừa đảo, đặc biệt lừa tình, không phải là hiếm. Với đàn ông thì giả làm gái đẹp. Với phụ nữ thì bên kia giả làm lính Mỹ đang tham chiến ở nước khác hoặc doanh nhân người Anh đang làm việc ở nước ngoài, với kịch bản ly dị hoặc góa vợ. Người thật thà không biết có thể bị lừa mất tiền hoặc ít nhất cũng mất thì giờ nói qua nói lại với bọn lừa tình.

Thứ ba, quan trọng nhất, là về data (dữ liệu) và vấn đề bảo mật. Người dùng Facebook không những không phải là khách hàng, mà là sản phẩm, và dữ liệu bị “bán” sang các phe thứ ba, như app và hãng quảng cáo. Chẳng hạn năm 2018, Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu chính trị, đã thông qua một ứng dụng để thu thập dữ liệu về người dùng Facebook—ứng dụng được 270,000 người tải xuống nhưng quyền truy cập bị lạm dụng và đẩy qua Cambridge Analytica để lập hồ sơ dữ liệu cho 50 triệu hồ sơ, với mục đích ảnh hưởng các cuộc bầu cử trên thế giới2.

Ðó là tháng 3 năm 2018. Trong tháng 4 cùng năm, có thông tin cho rằng Facebook có đàm phán bí mật với các bệnh viện để yêu cầu chia sẻ dữ liệu y tế của bệnh nhân.

Trong tháng 9, tin tặc giành quyền truy cập 30 triệu tài khoản Facebook.

Tháng 11, Facebook thừa nhận không làm đủ để ngăn cản trang mạng của mình trở thành công cụ kích động diệt chủng ở Myanmar.

Tháng 12, Facebook để lộ hình ảnh riêng của 68 triệu người dùng cho các ứng dụng không được quyền xem những hình ảnh đó3.

Ðó là năm 2018, khi Facebook đang bị vụ scandal về bảo mật và Mark Zuckerberg phải ra điều trần. Riêng trong năm 2020, Facebook gần đây thừa nhận đã vô tình cho 5000 developers truy cập dữ liệu của những người dùng không hoạt động (inactive users), dù quyền truy cập đó lẽ ra phải bị cắt—tuy nhiên Facebook không nói rõ là bao nhiêu người bị ảnh hưởng và những dữ liệu đó bao gồm thông tin gì4.

Bảo Huân

Dùng Facebook như một nơi lấy tin tức

Facebook có thể rất tiện lợi nhưng hoàn toàn không phải là nơi lấy tin tức. Nhan nhản trên Facebook là đủ thứ tào lao, các công thức chữa bệnh “dân gian” phản khoa học, thuyết âm mưu, bài viết chống vaccine, bài tuyên truyền, tin vịt, hình photoshop giả làm thật…—Facebook rất ít khi có công cụ fact-check, nếu có cũng rất hạn chế, và càng bị giới hạn hơn nếu ngôn ngữ không phải tiếng Anh.

Ðặc biệt trong vài năm gần đây, fake news càng lúc càng phổ biến và vượt ngoài tầm kiểm soát—fake news trở thành công cụ gây xao nhãng, gây tác động đến bầu cử, làm suy yếu niềm tin vào báo chí và phá hoại hệ thống dân chủ, thêm chia rẽ chính trị, làm loạn xã hội v.v…

Không chỉ tiếng Anh, fake news tiếng Việt cùng tràn ngập trên Facebook—rất nhiều người hoặc Facebook group tiếng Việt truyền nhau hình photoshop hoặc tin vịt không dẫn nguồn, tới khi tìm thử vài cụm từ trong tiếng Anh đều không thấy.

Nghĩ Facebook quan tâm tới giá trị dân chủ

Một thực tế khác là, Facebook hay cụ thể là Mark Zuckerberg hoàn toàn không quan tâm tới giá trị dân chủ.

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Iran… bị vô hiệu hóa tài khoản. Rất nhiều người đấu tranh ở Việt Nam cũng vậy. Ðôi khi thông tin chống nhà nước cũng bị xóa trên Facebook, như ở Iran5, hoặc post xúc phạm nhà tiên tri Mohammed bị xóa ở Thổ Nhĩ Kỳ6. Người Việt đôi khi cũng thấy bài viết bị xóa.

Người Việt, cũng như người dân các nước độc tài khác, có thể tiến tới Facebook làm chỗ để chia sẻ thông tin và chỉ trích nhà cầm quyền, khi toàn bộ nền báo chí đều nói một giọng và đều do đảng cộng sản khống chế, nhưng bản thân Facebook không được lập ra cho người đấu tranh dân chủ—Facebook là một mạng xã hội, chấm hết.

Người dùng không nên có ảo tưởng, và nên cẩn thận với Facebook.

DN

1: https://www.elliott.org/blog/banned-from-facebook-permanently-how/

2: https://searchsecurity.techtarget.com/news/252462588/A-recent-history-of-Facebook-security-and-privacy-issues 

3: https://www.theguardian.com/commentisfree/2018/dec/21/quit-facebook-privacy-scandal-private-messages

4: https://techcrunch.com/2020/07/02/facebook-discovers-it-shared-user-data-with-at-least-5000-app-developers-after-a-cutoff-data/?guccounter=1&guce_referrer=aHR0cHM6Ly93d3cuZ29vZ2xlLmNvbS8&guce_referrer_sig=AQAAAH0VFJrwglh0NjYhVf8vxV_-WS6Lh5w_K4U0cPLFWcwyL87RgI_XaHVlumk1rZTsfYalalgIzGKl9VyRhIBrEMDcUBSr2CV5SU49G1-4KyS3VtMelsQ0RoTlXGQ6WvVuBsylTEXNXU9o-DSJSFWh8y1PMuUesEAL8RRZepVQOEH5

5: https://www.theverge.com/interface/2020/1/14/21063887/activists-facebook-iran-free-speech-authoritarianism

6: https://thehill.com/policy/technology/230737-facebook-blocks-pages-in-turkey-deemed-insulting-to-prophet-muhammad